Quảng Ninh có hơn 20 dân tộc thiểu số cùng chung sống, chủ yếu là người Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa… với nhiều giá trị văn hoá đặc sắc từ phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống, ẩm thực, tri thức dân gian, các giá trị văn học, văn nghệ đến các hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống như lễ hội, trò chơi dân gian… song do nhiều lý do, không ít các giá trị văn hoá này đã dần mai một. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII), Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc, góp phần khơi dậy, làm “sống lại” nhiều giá trị văn hoá tốt đẹp, giúp chúng toả sáng trong cộng đồng.
Tiếp sức cho văn hoá cổ
Nhắc lại chuyện phục dựng lễ Đại phan của người Sán Dìu tại xã Bình Dân (Vân Đồn) vào năm 2008, chị Trương Bích Hường, Phó Phòng Nghiệp vụ văn hoá (Sở VH-TT&DL) giờ vẫn cứ xuýt xoa, tấm tắc. Bởi lẽ, là cán bộ trực tiếp quản lý mảng văn hoá dân tộc thiểu số nhiều năm nay nhưng việc phục dựng, làm “sống lại” một nghi lễ đã chìm vào ký ức đến hơn nửa thế kỷ qua như lễ Đại phan giờ vẫn là… của hiếm. Hơn nữa, đây lại là nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh khá đặc biệt với người Sán Dìu, không chỉ có ý nghĩa cầu an, cầu mùa mà còn nhằm xua đuổi tà ma, dịch bệnh… Đại phan cũng lấp lánh vẻ đẹp văn hoá đặc trưng của đồng bào cả về phong tục, tập quán, nghi thức thờ cúng đến các sinh hoạt văn nghệ. Chị Hường cho hay: “Các di sản được phục dựng theo đúng nghĩa ngoài lễ Đại phan còn có lễ hội đình làng Dạ (Ba Chẽ) và lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu). Nghĩa là các di sản này đã biến mất, nay làm cho nó sống lại trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều di sản được sưu tầm, bảo tồn bằng cách thu âm, ghi hình, chụp ảnh… là chủ yếu. Tất nhiên, các di sản này qua việc đầu tư sưu tầm, nghiên cứu cũng được tổ chức với quy mô lớn hơn, đầy đủ các tiết lễ hơn so với thông thường bà con tự làm”.
Lễ hội đình Lục Nà từ khi phục dựng đã trở thành ngày hội văn hoá của người dân Bình Liêu. Trong ảnh: Chơi ném còn tại lễ hội năm 2012. Ảnh: Phan Hằng |
Văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm nhiều khoảng gần chục năm trở về đây. Có thể kể đến việc sưu tầm, phục hồi Then cổ gắn với phục dựng đình và lễ hội đình Lục Nà, đồng thời phát triển phong trào hát Then – đàn tính rộng rãi ở Bình Liêu; phục dựng một số sinh hoạt văn hoá dân gian của người Sán Dìu ở Vân Đồn. Ngoài ra, có những dự án bảo tồn khác như: Bảo tồn bản văn hoá Dao Thanh Y ở Bằng Cả (Hoành Bồ) với nhiều loại hình di sản như: ca dao, dân ca, chữ Nôm Dao, một số nghề truyền thống như làm rượu bâu, giấy bản, nghề rèn, may thêu, đan lát; bảo tồn hội hát Soóng cọ (Bình Liêu); sưu tầm lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán (Hoành Bồ). Tới đây, Sở VH-TT&DL dự kiến sẽ triển khai dự án sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng một số sinh hoạt văn hoá dân gian tộc người Sán Chỉ ở Tiên Yên v.v..
Nhiều di sản nói trên nay phát huy tốt, trở thành những sinh hoạt rất có ý nghĩa với đồng bào. Như lễ hội đình làng Dạ, lễ hội đình Lục Nà đã trở thành ngày hội văn hoá của cả huyện; riêng nghi lễ Then cổ đã được vinh danh trong danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đợt đầu tiên. Không chỉ lớp già, lớp trẻ cũng bắt đầu hiểu, say mê và trở thành lớp kế tiếp duy trì và phát triển các giá trị đặc sắc này, nhất là với người Tày, Dao. Công tác bảo tồn, phát huy ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) dân tộc thiểu số bước đầu có kết quả tốt, như Đài PT-TH tỉnh đã có chương trình bằng tiếng Dao; Ban Dân tộc đã phối hợp biên soạn được Bộ tài liệu dạy và học tiếng Dao dành cho cán bộ công tác tại vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn…
Các thầy cúng thực hiện nghi lễ leo gươm trong lễ Đại phan được phục dựng năm 2008. Ảnh: Khánh Giang |
Còn những “khoảng trống”
Thực tế là việc gìn giữ, phát huy giá trị các di sản này hiện mới tập trung cho những tộc thiểu số đông người hơn cả ở Quảng Ninh, như: Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu… Dù vậy thì với mỗi tộc người này, các giá trị cũng chưa làm hết và không phải vùng văn hoá nào cũng chạm tới được. Chị Hường cho biết: “Chẳng hạn như di sản văn hoá của người Dao mới tập trung nhiều vào tộc Dao Thanh Y chứ tộc Dao Thanh Phán gần như mới dừng ở sưu tầm là chính chứ chưa làm được gì thêm cho họ. Mỗi lần đi hội thi, hội diễn về văn hoá các dân tộc thiểu số, “quân” của Dao Thanh Y được lấy ngay vì đã có sẵn rồi, chỉ việc tập tành thêm chút thôi. Còn như các giá trị văn hoá cổ của Dao Thanh Phán không chỉ đặc sắc mà còn nguyên sơ hơn nhưng vì chưa có sự đầu tư bao nhiêu, mọi cái vẫn là bản năng như vốn có nên đành… thôi. Hay như làng người Dao tại Khe Sú (Thượng Yên Công) dưới chân danh sơn Yên Tử, có thể nghiên cứu để phục vụ cho du lịch giờ vẫn cứ để tự nhiên mai một. Rồi vốn cổ của người Cao Lan, người Hoa có nhiều nét văn hoá rất đặc sắc nhưng việc nghiên cứu thì gần như còn bỏ ngỏ”.
“Việc lưu giữ các giá trị đó giờ chủ yếu là người già nên nếu không làm nhanh, làm sớm họ mất đi cũng mang theo luôn. Quá trình Kinh hoá cũng khiến nhiều nét văn hoá riêng này bị mờ dần, lẫn vào với các dân tộc khác…” – chị Hường trăn trở. Cùng quan điểm với chị, nhưng nói thêm về một khía cạnh khác, anh Nguyễn Trung Hà, Phó Phòng Nghiệp vụ văn hoá, một đồng nghiệp của chị Hường cũng cho hay: “Tài liệu của nhiều dự án sưu tầm, nghiên cứu trước đây chưa tính tới việc in sách; các tài liệu này chủ yếu vẫn nằm trong hồ sơ, do người trực tiếp làm lưu giữ hoặc còn nằm trong kho chứ chưa được in sách, dịch ra để lưu giữ và phổ biến tới những người quan tâm. Số người am hiểu về di sản ngày càng già yếu đi, nếu không sớm làm việc này họ sẽ mất dần, e có tài liệu cũng không dịch được, các cuốn sách cổ gốc cũng không còn mà lưu giữ nữa”. Bên cạnh đó, các trung tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các tộc Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay theo như Quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số của tỉnh đến 2020 để đi vào hiện thực vẫn còn ở tương lai xa…
Những “khoảng trống” này muốn lấp đầy là bài toán khó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của không chỉ các cơ quan chuyên môn mà cả đồng bào – những chủ thể đã, đang hoặc sẽ nắm giữ và phát huy giá trị văn hoá cổ của chính tộc người mình. Chị Hường phân tích: “Họ cần hiểu rõ về vai trò chủ thể của mình, giá trị các di sản tộc người để xoá bỏ tâm lý e ngại, giấu giếm thường vẫn có. Các đơn vị chuyên môn cần có định hướng để việc phát huy giá trị di sản có sự chắt lọc, tránh tràn lan hoặc Kinh hoá, xa rời cái gốc của di sản…”.
Nguồn: QNCT