Chúng tôi là sinh viên khóa Đại học sư phạm Hà Nội khóa 1967-1970. Là sinh viên chính danh mà không học một ngày nào ở khu trường Cầu Giấy nổi tiếng, chỉ được tháo dỡ giảng đường lớn của trường mang tới khu sơ tán để dựng các lớp học tranh tre. Là sinh viên văn khoa, nhưng trong giấy báo nhập học, nhà trường không nhắc mang giấy bút, chỉ nhắc mỗi sinh viên mang theo một con dao rựa.

1. Với con dao ấy chúng tôi hạ tre dựng những bếp ăn tập thể ở các làng cổ Quần Ngọc, Nguyên Xá, Trung Đạo… huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên. Vào năm học thứ  nhất, nam sinh viên học riêng một lớp gọi là lớp Ba sẵn sàng không chung đụng gì với lớp nữ Ba đảm đang. Chia rẽ ấy, khiến sinh viên hai lớp ngùn ngụt tinh thần thi đua, chẳng bên nào chịu thua bên nào. Đêm văn nghệ kết thúc học kì I cả hai lớp cùng dựng kịch Lôi Vũ – văn học Trung Quốc. Các nữ sinh viên chọn người “trước sau như một” phẳng lì, vào vai nam. Tóc dài vấn lên rồi đội mũ phớt ngụy trang. Lớp nam thì …nhờ trời, áo nhỏ “quang treo” của chị em phơi sân vườn nhà dân chẳng thiếu gì, cứ vơ đại vài cái! Bột mì luộc tiêu chuẩn nhỏ như cái nắp chuông xe đạp, mỗi đứa, mỗi bữa hai nắm, đứa nào vào vai nữ thì cứ mì ấy mà độn căng hai lõm áo nhỏ, rồi son phấn, cũng đẹp chẳng kém gì mấy anh chuyển đổi giới tính bên Thái bây giờ! Không biết có phải vì thấy chúng tôi tranh đấu hơi lố như thế mà nhà trường dồn hai lớp làm một, sau chỉ một năm? Nếu không lớp chúng tôi đã không đủ nếp tẻ, nữ nam để tạo hứng sư phạm cho thầy Hồ Ngọc Đại, từ Hà Nội lên dạy mấy tiết tâm lý giáo dục, dạy hay lắm, dạy xong còn đọc thơ tình không rõ của ai: Gặp em non buổi chiểu/ Nhớ em tròn buổi tối/ Đường về quên mất lối/ Rẽ nhầm vào nhà em.

2. Với con dao “được nhập học” kia, chúng tôi hạ tre dựng các lớp học âm dưới đất, có giao thông hào dẫn tới các hầm chữ A, tránh Mỹ dội bom. Thứ hầm “phỏng sinh” con chữ bắt đầu bảng chữ cái tiếng Việt. Chúng tôi học đại học với thứ chữ  A ấy, thứ chữ cái cửa hầm to hơn khổ giấy “A không” bây giờ, to tới, sức dài vai rộng sinh viên cũng chui lọt! Và chúng tôi bước qua chiến tranh từ khung cửa hầm này mà trưởng thành! Tôi nhớ rất rõ, nhớ đến từng cọng rơm vương vãi trên sân kho  hợp tác xã nông nghiệp Trung Đạo giữa cánh đồng tam thiên mẫu thuộc tỉnh Hưng Yên. Đó là nơi sinh viên khoa ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội chúng tôi làm lễ khai giảng năm học 1968 – 1969, một lễ khai giảng sang trọng nhất trong đời tôi, khai giảng có bắn súng. Tiếng súng vút lên từ hàng quân danh dự của đội sinh viên tự vệ, đánh thức một ngày vệ quốc thời chiến tranh chống Mỹ, tiếng súng vang xa hơn theo lời thơ ứng tác của thầy chủ nhiệm khoa Lê Trí Viễn:

Khai giảng năm nay có bắn súng

Tiếng súng nôn nào cả tấm lòng

Xin hứa: quyết làm viên đạn nhỏ

Khỏi nòng chỉ biết có xung phong.

Cùng giữ lời hứa với thầy, những sinh viên khoa văn sư phạm những năm chiến tranh ấy đã xung phong theo nghĩa đẹp nhất của từ này. Từ cổng trường ĐHSP Hà Nội những viên đạn nhỏ Phạm Tiến Duật, Vương Trí Nhàn, Tô Hoàng, Lâm Quang Ngọc, Bùi Công Minh, Hoàng Dân, Vũ Đình Văn, Thai Sắc… và rất nhiều sinh viên văn khoa khác đã nhập ngũ. Họ là những chiến binh, chiến đấu thật sự và nhiều người đã hi sinh, nhưng họ còn là văn nhân, chính những người này đã theo tinh thần “thi lệnh” của thầy chủ nhiệm của mình, biến những ngày tháng khốc liệt nhất, hào hùng nhất của dân tộc ta, thành văn, thành thơ.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật (người thứ 2, từ phải sang) tại hội nghị mừng công Binh đoàn Trường Sơn mùa khô năm 1970-1971 (ảnh do nhà văn Tô Hoàng cung cấp)

3. Riêng tôi vì “cận lòi mắt” mà như viên đạn lép rớt bộ đội nhiều lần, mãi chưa ra khỏi “nòng súng” sư phạm, còn được theo thầy Lê Trí Viễn mang tinh thần xung phong vào “văn mạch phương Nam” được học thêm người người bắn súng khai giảng khoa văn năm ấy ở sân trường đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ĐH sư phạm Đồng Tháp, ĐH sư phạm Vĩnh Long…

Nhờ học  thầy Viễn mà ra trường vừa dạy học vừa viết văn theo kiểu bắn súng như thế. Một lần vì say kể chuyện con dế đá trên một tờ báo địa phương nọ mà bị một cá nhân quá khích dùng phương tiện phát thanh công cộng quy kết tội…phản động. Tôi không dám mách thầy chuyện này, sợ phiền, nhưng qua những học trò khác, thầy cũng biết chuyện và chính thầy tìm tới với tôi. Trước hết, thầy tặng thằng bé Boong con mới sinh của tôi một hộp sữa Ông Thọ. Rồi thầy cho tôi một lời khích lệ: “Em có khả năng. Cứ thế mà đi”.

Và ngay chiều hôm đó, tôi đã theo thầy Viễn vào Đồng Tháp Mười mênh mông. Thầy đang chủ trì việc biên soạn một chương trình văn học địa phương. Thầy lại xung phong vào một lĩnh địa khoa học mới: văn mạch phía Nam.

Người thầy giáo dạy văn, khơi một văn mạch nước nhà chính là thúc đẩy mạch sống chung của dân tộc theo cách riêng của mình. Với nhà giáo nhân dân, nhà văn Lê Trí Viễn, cái cách đó chính là vệt sáng chỉ đường của một viên đạn nhỏ.

4. Vào năm 1970 thời “sơ tán”, Đại học sư phạm Hà Nội có một giảng đường đặt trong đình Thọ của làng giấy Yên Thái, ven bờ Hồ Tây Gió đưa cành trúc la đà… Ngay trong ngôi đình này chúng tôi được nghe chính thi sĩ Xuân Diệu nói chuyện về thơ mới 1930-1945 của mình. Tại đây, trong tả vu ngôi đình, thầy Nguyễn Đăng Mạnh, vừa giảng về văn học lãng mạn thời ấy vừa làm…thời trang giầy! Kẻ viết bài này ngồi bàn đầu, lại là bàn ngoài cùng, kê chếch lên, đã tận mắt thấy, vào tiết học cuối buổi sáng, khi chuông tầu điện chợ Bưởi – Bờ Hồ mới thúc leng keng, thì thầy Mạnh vừa Tháng giêng ngon như một cặp môi gần, vừa kín đáo giấu tay sau bục diễn thuyết, dùng cái rút dép hai lá thép sáng loáng chỉnh sửa một quai dép cao su lỡ tuột. Chúng tôi được một năm là người làng giấy cổ truyền, được trọ học miễn phí, được cùng nghe nhịp chày Yên Thái mỗi ngày giữ nhịp gió đưa cành trúc… được cùng cả làng ăn chung nước giếng đầu chợ Bưởi, thứ nước giếng cổ ngọt lừ.


Trần Quốc Toàn

Nguồn: Giáo dục và Thời đại