Kim bác sơn trang trí phía trước mão tìm thấy ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận – Ảnh: T.L
Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, ngày 28.4.1939, người Pháp đã khai quật cải táng lăng mộ của Khâm sai Chưởng cơ Giám thành sứ Trần Văn Học (người Pháp gọi nhầm là Nguyễn Văn Học). Một công trình sư quy hoạch và xây dựng thành Gia Định 1790.
Khai quật mộ Trần Văn Học
Lăng mộ tọa lạc tại làng Bình Hòa, Phú Nhuận (vị trí hiện nay thuộc khu công viên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cách lăng Lê Văn Duyệt khoảng 300 m về hướng tây). Đây là lăng mộ đã được xếp trong bảng liệt hạng các di tích ở miền Nam VN lập ngày 19.5.1925 do Trường Viễn Đông Bác Cổ thực hiện.
Theo thông báo của H.Mauger – Quản thủ Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM), trong quá trình khai quật mộ Trần Văn Học, người Pháp đã tìm thấy 2 tấm gỗ hình chữ nhật kích thước 2 cm x 3,3 cm và 3,2 cm x 3,5 cm cùng trái tim nạm vàng. Ở quanh đầu còn nguyên hình mũ miện đại thần với Kim bác sơn chạm nổi vàng kích thước ngang 19 cm, cao 3,9 cm trang trí hình lưỡng long tranh châu; Kim như ý với 2 hình viền vàng cánh chuồn; Kim nhiễu tuyến vàng sợi xoắn… Ở phần thân và gần các khuỷu tay còn nguyên bộ cân đai với 14 miếng mạ vàng hình chữ nhật, vuông, oval, trái tim hay trái đào, 6 biển vuông trang trí đầu rồng hoặc cặp rồng đối xứng cùng với đó là một bộ lễ phục vải hoa xếp nếp cứng, các khuy đồng mạ vàng, các loại hình đá cẩn…
Chính sử triều Nguyễn viết về Khâm sai Chưởng cơ Giám thành Trần Văn Học như sau: Trần Văn Học người huyện Bình Dương, thành Gia Định, lúc đầu theo Bá Đa Lộc đến yết kiến Nguyễn Ánh – Gia Long ở Gia Định. Năm 1782, Tây Sơn đánh phá quân đội Nguyễn Ánh, Trần Văn Học cùng Bá Đa Lộc đã hộ tống Từ giá (thân mẫu vua Gia Long) và cung quyến lánh nạn ở Long Úc (thuộc Campuchia)… Lấy lại được Gia Định năm 1788, năm 1790 Nguyễn Ánh thực hiện việc xây đắp thành Gia Định với quy mô lớn và Trần Văn Học được chỉ đạo là người phụ trách đo phận đất, các ngả đường. Năm 1792 Nguyễn Ánh lại giao cho ông làm đồn Mỹ Tho, với nhiệm vụ vẽ bản đồ và cách thức của thành. Ông được triều đình nhà Nguyễn đánh giá là người vẽ giỏi, nên làm đồn lũy, đo đường sá, vẽ bản đồ đều do tay ông cả. Năm 1821, vua Minh Mạng sai Trần Văn Học đến trấn Gia Định và địa giới nước Chân Lạp vẽ địa đồ núi sông đường sá đem dâng. Thấy Trần Văn Học tuổi già, vua Minh Mạng dụ rằng: “Người như ngươi ngày sau không nhiều, há không nghĩ để tiếng về sau ư?” và cho 100 quan tiền, sau đó Trần Văn Học chết, không có con nối dõi.
Báu vật trong mộ quan đại thần cùng phu nhân
Trong phần 5 cuốn Sài Gòn năm xưa (năm 1961), về Cổ tích xung quanh Sài Gòn – Chợ Lớn, học giả Vương Hồng Sển có đoạn viết: “Đường Công Lý nối dài (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi – NV), mé tay mặt khi ta đi từ Sài Gòn lên sân bay, cách nay lối 25 năm, một người ngoại kiều mua một sở đất trên có một ngôi mộ lâu đời không có ai nhìn nhận cả. Đơn xin bốc mả không ai ngăn trở. Quá kỳ hạn, chủ đất thuê người phá mộ. Gặp một mão bằng vàng, một sợi dây đai cũng bằng vàng, nút áo cũng bằng vàng, lược giắt đầu bằng đồi mồi, còn nguyên vẹn, cũng bịt bằng vàng nốt, đem cân ra thử, cân được trên 1 kg vàng ròng.
Qua khai thác tư liệu tại thư viện Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, chúng tôi đã may mắn tìm thấy hồ sơ ghi chép về nhóm di vật này. Hồ sơ mang ký hiệu tư liệu thư viện Bảo tàng Lịch sử TP.HCM số 31 (Hồ sơ 31), mục XIV – phông lưu trữ với nội dung: “Tài sản ở Phú Nhuận, Gia Định”. Hồ sơ gồm 56 văn bản bằng tiếng Pháp và hình ảnh liên quan đến nhóm di vật phát hiện trong lăng mộ song táng nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hiện nay, được cải táng vào ngày 20 -21.8.1942.
Báu vật bị cướp
Điều đáng quan tâm là hiện nay Bảo tàng Lịch sử TP.HCM không còn lưu giữ cả hai nhóm di vật kể trên. Truy cứu hồ sơ, trong một văn bản do người Pháp để lại và đã được chính học giả Vương Hồng Sển xác nhận: Năm 1945, trước tình hình có nhiều bất lợi ở chiến trường Đông Dương khi phát xít Nhật gần như bá chiếm toàn bộ Đông Á và Đông Dương, người Pháp đã vận chuyển cất giấu nhiều báu vật quý của Bảo tàng Blanchard de la Brosse về Long Xuyên, An Giang. Tuy nhiên, ngày 3.9.1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, một nhóm người ở Long Xuyên đã cướp toàn bộ hai nhóm báu vật trên cùng với nhiều cổ vật quý khác và không rõ hiện giờ chúng đang ở nơi đâu. Ngoại trừ nhóm di vật và lăng mộ của Trần Văn Học được làm rõ về mặt lý lịch, cùng với hàng trăm hiện vật khác, những báu vật tìm thấy ở Phú Nhuận đã mãi mãi biến mất cùng những bí ẩn về chủ nhân của lăng mộ.
Theo Lương Chánh Tòng – Thanh niên online