Trên sân khấu ca nhạc, một M.C đã nhầm lẫn tới mức tính giới thiệu Đạp xe ngang nhà em lại nhịu thành Đạp em ngang nhà xe. Nhịu như thế, lời nói gió bay, rồi người ta cũng quên. Nhưng viết nhịu thì giấy trắng mực đen rành rành ra đấy, có muốn quên cũng chẳng được. Cho nên các cụ mới dạy rằng, bút sa, gà chết. Ấy vậy mà có khi bút sa gà vẫn không chết, lại còn sống khoẻ, tỉ như chuyện số 5 dưới đây.


1. Nhầm lẫn từ Đông sang Tây là chuyện có liên quan tới bộ Tam Quốc Chí bên Tầu. Ông Nguyễn Duy Thanh trong Phụ Nữ Tân Văn số 21 ra ngày 19.9.1929 kể lại: “… một hôm có người bạn bảo tôi rằng: Ai ngờ Lã Bố mà làm được nhiều bài thơ ý tưởng thâm trầm lắm, bác, tôi vừa được xem mấy bài” rồi bạn tôi đọc cho tôi nghe bài:

Hai người đi chảy hội chùa

Đường qua bãi cát gặp sò nổi lên

Tôi phì cười nói đó là thơ của La Fontaine người Pháp chứ có phải là thơ Lã Bố đâu!”

Thì ra trong phép phiên âm theo lối Hán-Việt, chữ La Fontaine đọc thành Lã Phụng Tiên trùng tên với anh chàng Lã Bố hữu dũng vô mưu đã thân bại danh liệt vì cô Điêu Thuyền xinh đẹp. Cái anh Lã Bố này thật nhiều chuyện, trong sách40 năm nói láo nhà văn Vũ Bằng tự thú rằng mình đã cố tình nhầm để có thể dùng anh chàng mít đặc này vào việc khích tướng bác Ngô Tất Tố túc nho nhà ta trong trận chiến học ngoại ngữ. Ông Bằng kể rằng mình đã dám liều mạng mà dõng dạc rao giảng với cụ đầu xứ Tố rằng, chữ Pháp laboratoire (phòng thí nghiệm) chính là chữ dùng để diễn tả cái việc…Lã Bố ra tòa!

2. Nhầm theo chiều ngược lại từ Tây sang Đông có chuyện bắt nguồn từ Bách khoa từ điển phát hành đầu thế kỉ 20 do Albert Lavignac chủ biên. Trong sách này tác giả người Bỉ ông Gaston Knosp khi viết về âm nhạc các nước Đông Dương, có đưa ra một giải thích rất mùi mẫn rằng, cây đàn tì bà có tên gọi như thế là vì khi đàn cứ phải… tì (phải dựa) vào người, phải…tì bà (dẫn theo hồi kí Đất khách quê người của G.S Trần Văn Khê). Rất may là ông Gaston Knosp mới chỉ hiểu chữ tì theo nghĩa Việt nếu ông uyên bác hơn, biết nghĩa Hán của chữ này có thể ông sẽ giải thích tì bà là cây đàn làm từ… cái lá lách của một bà cụ!

3. Nhà thơ Vũ Quần Phương vốn là một bác sĩ y khoa cho nên ông có một phát hiện thú vị về sự nhầm lẫn giới tính. Ông viết trong sách Thơ với lời bình của mình rằng: “… tôi đã đọc bài bình luận hai câu ca dao này [ Ước gì sông rộng một gang / Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi] của một nhà thơ nhưng khi trích ông [ấy] lại viết:

Ước gì sông hẹp một gang

Bắc cầu dải yếm cho nàng sang chơi

Thôi rộng hẹp gì cũng chỉ là khoảng cách hai bờ con sông mơ ước. Điều khác biệt cần khảo dị là chữ NÀNG. Nếu mời nàng, tức là anh con trai mời. Con trai vốn không mặc yếm thì dải yếm ở đây có…thi vị gì. Mà nếu anh con trai cá biệt này có trái khoáy mặc yếm đi nữa thì vùng cấm địa của anh cũng chả có gì hấp dẫn. Hay là anh ta lấy yếm của vợ ra bắc. Ca dao tình yêu thành ca dao ngoại tình. Mà ngoại tình lại mang “phụ tùng” của vợ ra khoe thì dại quá. Sai một chữ sụp đổ cả tòa ca dao đẹp”.

4. Mới đây bạn đọc Đào Tường, người tự nhận “Tôi vốn dĩ là một người ít học…” lại phát hiện một sự sụp đổ khác. Ông viết: “Vừa qua các cháu tôi có mượn được tờ tuần báo Văn nghệ trẻ số 13 ngày 31.3.2002. Chúng nó đem về nhà chuyền tay nhau đọc, do đó tôi cũng được hân hạnh đọc bài viết của ông Phạm Tiến Duật.

Anh đừng thấy em nhỏ mà sầu

(Kìa cái) con ong (kia nó) bao (nhiêu) tuổi (mà nó lại) trâm bầu bầu thui.

Đọc 2 câu này các cháu nhà tôi chẳng những không hiểu mô tê gì cả, mà lại còn cãi nhau loạn xạ.

Đứa thì bảo: trâm bầu là cây trâm bầu, mọc rất nhiều ở Nam Bộ.

Đứa thì bảo: trâm bầu là cây trâm bàu nhưng tại sao lại bầu thui.

Đứa thì bảo: châm bầu chứ không phải trâm bầu…

Theo ngu ý của tôi có thể đây là việc tam sao thất bản. Và đối với dân ca từ địa phương này sang địa phương khác thường có sự thay đổi tí chút cho phù hợp, cho sáng nghĩa, chứ không thể sai nghĩa như từ Em sang Anh, từ Châm sang Trâm được.” Và ông Đào Tường đưa ra văn bản theo ông là đúng:

Em ơi! Đừng có thấy anh nhỏ mà rầu

Chớ con ong kia bao nhiêu lớn

mà hắn cũng chích trái bầu, bầu thui!

5. Thế nhưng có những chữ sai, những nhầm lẫn chẳng làm sụp đổ mà ngược lại còn tôn cao tác phẩm. Xin bắt đầu ý này bằng chính bằng chứng ông Phạm Tiến Duật đưa ra trong Văn nghệ trẻ số 45 (2002): “Tập Tơ tằm – Chồi biếc của Cẩm Lai và Xuân Quỳnh cũng có nét xơ bút. Lúc đầu Xuân Quỳnh viết là Trời biếc nhưng viết sai chính tả (chời biếc) nhà in sắp chời biếc thành chồi biếc. Nữ sĩ tài năng thấy hay hẳn lên nên để thế” . Cũng “để thể” mà để những hai chữ là trường hợp của Huy Cận trong bài Đoàn thuyền đánh cá. Đó là các chữ trong nhóm từ cá đuôi én trong khổ thơ :

Cá nụ cá thu cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cá đuôi én quẫy trăng vàng choé

Đêm thở sao lùa nước Hạ Long

Con cá đuôi én kia khi nhảy từ biển mực in lên trên mặt báo thì hóa thành: Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé. Nhà thơ Vân Long vào vai thầy cãi, bênh vực cho sự nhầm lẫn có tính chất hóa thân này như sau: “Hai câu thơ đầu đã có đến bốn loài cá: cá nụ, cá thu, cá đé, cá song… có kể thêm cá đuôi én ở câu ba cũng không vì thế mà người ta khen…nhà thơ giàu thực tế hơn! Trong lúc đó, bớt cá đuôi én đi để gọi cá song bằng em vừa thêm phần tình cảm vừa…phá thế “độc canh” của đoạn thơ”.

– Tư Giỡn – Vanvn.net –