Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu có nhiều dịp đi công tác nước ngoài, trong chính những chuyến công du ấy, anh đã có những quan sát, suy ngẫm về những hành vi không đẹp của một số bộ phận người Việt Nam. Có thể đó chỉ là những thói quen thường ngày mà người Việt chúng ta vẫn bỏ qua, châm chước cho nhau, nhưng khi ra được ngoài, va chạm với một nền văn hóa khác, những thói quen tùy tiện đó trở thành thói xấu rất khó chấp nhận. Thậm chí, có những hành vi vô ý của người này đã gây nên sự xấu hổ sâu sắc trong  lòng người khác…

Mua vé Subway

Mua vé đi Subway (tàu điện ngầm) đúng ra phải xếp hàng từng người một. Nhưng mỗi khi đi chơi bọn mình thường đi theo nhóm. Mỗi khi mua vé, chỉ một người vào xếp hàng mua vé cho cả nhóm. Biết là người nước ngoài nên thông thường họ cũng bán cho cả xấp.

Nhưng có hôm đông khách xếp hàng, họ cũng nguyên tắc không bán cho cả nhóm mà từng người phải nối nhau xếp hàng. Một lần như thế, cậu xếp hàng chỉ mua được một vé, khi ra nơi mọi người đứng chờ, bực mình đã văng tục: Ní hảo, cái đ… gì?

Cả nhóm còn đang ngơ ngác vì câu nói tục bất ngờ ấy thì một thanh niên người Tàu đứng cùng bạn gái gần đó nói bằng tiếng Việt lơ lớ rằng: O o Viet Nam noi bay qua.

Nói xong đôi nam nữ ấy bước vào tàu điện.

Còn cả nhóm đứng ngây.

Trốn vé Subway

Mình từ bậc thang mặt đất đi xuống ga tàu điện ngầm. Chợt thấy hai đôi nam nữ của đoàn mình cõng nhau đi vào phía trong, trông lạ quá. Ga vắng chỉ có mấy người Việt.

Khi ngồi yên vị trên tàu thì mọi người mới ôm nhau cười ngặt nghẽo. Mặt ai cũng đắc thắng, hả hê lắm. Mình không hiểu. Họ thích thú kể chiến công. Rằng họ đã phát minh ra cách trốn vé tàu điện ngầm tại Beijing. Theo họ, 4 người chỉ cần mua 2 vé và mỗi người cõng 1 người mà đi qua cửa. Cửa tự động không có nhân viên soát vé, nên không nhận ra họ là hai người. Nghe họ thích thú với chiến thắng mà mình lạnh toát người.

Giời ạ, làm sao lại có thể “phát minh” ra cái trò gian lận trốn vé giữa thanh thiên bạch nhật Beijing thế này. Người bản địa mà nhìn thấy thì chỉ còn nước chui xuống cống rãnh. Cửa soát vé tự động nhưng camera giám sát rất chặt làm sao cái trò gian dối này qua được mắt họ.

Toàn cán bộ nguồn lãnh đạo cao cấp cả mà tâm tính thế này sao. Đi đâu cũng giở trò gian dối. Người Việt ơi là người Việt.

Đôi bạn

Ở Beijing, đâu đâu cũng chỉ có chữ Trung. Họ hầu như rất ít khi dùng chữ Anh. Kể cả những nơi công cộng như khu du lịch, bến tàu, sân bay, siêu thị… Thái độ tỏ vẻ trịch thượng, hợm hĩnh của những kẻ nước lớn, tự cho mình hơn người.

Người nước ngoài đến đó gặp rất nhiều khó khăn. Không biết tiếng, chúng mình đành tìm kiếm các ký hiệu, biểu tượng mang thông lệ quốc tế. Nhưng không phải khi nào cũng tìm được.

Cái tính láu cá của người Việt lại có dịp phát huy. Chẳng hạn, trong sân bay mênh mông, họ hỏi nhau: Có thấy đôi bạn ở đâu không.

Bạn có biết nghĩa là gì không. Đấy là họ hỏi nhau khu vệ sinh. Vì ở đó có biểu tượng một nam comple, một nữ váy xòe đứng cạnh nhau.

Đúng là một đôi bạn tri kỷ, khăng khít cùng tiến.

Nghe nhạc giao hưởng

Bạn mời cả đoàn đi nghe nhạc cổ điển tại nhà hát giao hưởng Quả trứng. Đó là nhà hát số 1 ở Beijing. Bình dân không thể vào đó được. Tất cả mọi người được kiểm tra nghiêm ngặt khi vào cửa. Dây lưng, ví tiền đều phải gửi lại. Không ai được mang thứ gì liên quan đến nước, tinh bột và sắt vào nhà hát.

Vì là khách nước ngoài, đoàn được bố trí chỗ ngồi rất đẹp trực diện sân khấu. Gần ba mươi người ngồi thành hai dãy. Vô cùng sang trọng. Đúng là thật trân trọng. Mình và người phiên dịch được bố trí ghế ngồi hai đầu dãy.

Vừa ổn định chỗ ngồi đã thấy đèn pin (loại mini) chiếu vào hàng ghế nhà mình. Một người bị nhắc ngồi trong nhà hát không được đội mũ.

Một lúc lại thấy đèn pin chiếu vào hàng ghế nhà mình. Một người bị nhắc trong nhà hát không được trùm áo choàng ra sau ghế mà phải ôm trước ngực.

Khi biểu diễn, lại thấy đèn pin chiếu vào hàng ghế nhà mình. Một người bị nhắc khi nghe nhạc không được nói chuyện.

Bất ngờ thấy lóe sáng, rồi đèn pin chiếu vào hàng ghế nhà mình. Một người bị nhắc không được chụp ảnh vì nghiêm cấm mang mọi thiết bị, tư trang vào nhà hát.

Được một lúc, thở phào tạm ổn. Giật mình, lại thấy đèn pin chiếu vào hàng ghế nhà mình. Một người bị nhắc khi nghe nhạc không được ngủ gật và gáy thành tiếng.

Mỗi lần đèn pin chiếu vào đâu lại có hàng trăm đôi mắt nhìn theo.

Xấu hổ vô cùng tận.

Máu dê

Đoàn chúng mình tới thăm thành phố được đưa tin trên truyền hình. Buổi tối, một nhóm sinh viên du học tiếng Việt ở Hà Nội đến thăm.

Họ nói tiếng Việt khá tốt. Ai cũng nói rất yêu Hà Nội, rất thích các bạn Việt Nam. Biết rồi, ngoại giao, ai mà chả nói thế. Biết mình có giảng dạy ở Đại học quốc gia Hà Nội. Họ gọi mình là thầy và xưng con. Chuyện thầy trò, thêm phần cởi mở.

Ai cũng nói thích món ăn Việt. Vì chế biến đơn giản. Vì ít dầu mỡ và nhiều rau xanh. Đặc biệt, họ rất thích thú với cách người Việt để sẵn các loại rau thơm, gia vị, nước chấm ở trên bàn. Ai muốn ăn như thế nào thì tự chọn chứ không cho sẵn vào món ăn. Mình quen rồi không để ý.

Mình hỏi: Hà Nội có món ăn nào ấn tượng nhất. Họ đều nói phở, nhưng cũng có người nói món máu dê. Thấy mình không hiểu. Người đó diễn giải: Cho thịt xương nghiền nhỏ và các thứ gia vị vào trong bát rồi đổ máu dê sống vào. Cho vào tủ lạnh để đóng băng đông cứng rồi mang ra ăn. Mát lạnh. Máu dê đỏ tươi.

Mình hiểu rồi, đó là tiết canh dê. Mình hỏi: Ai đã ăn máu dê Hà Nội rồi. Trong gần chục người chỉ có một người giơ tay. Những người khác nhún vai, nhăn mặt, thè lưỡi tỏ vẻ sợ hãi.

Tiết canh dê là món khoái khẩu của nhiều người Việt. Người nước ngoài hẳn là kinh sợ lắm. Chắc họ nhớ tới ma cà rồng.

Tên người

Ở Beijing hay các tỉnh phía Bắc đến đâu cũng thấy họ ghi danh tên người đặt vị trí mình ngồi.

Trong lớp học ai ngồi đâu đã được định sẵn sơ đồ có biển mang tên mình đặt trước mặt. Thường lớp trưởng ngồi bàn đầu, hàng sau là các lớp phó, rồi đến các tổ trưởng, tổ phó, tổ viên. Theo đúng trật tự trên dưới rất bài bản.

Đến đâu, bước vào phòng khách, ai cũng nhìn thấy tên mình đã để sẵn trên mặt bàn. Tên mình ở đâu cứ trật tự lần lượt đến đó mà ngồi. Chớ lộn xộn. Bao giờ trưởng đoàn cũng ngồi đối diện với lãnh đạo cao nhất của chủ nhà. Tiếp đến là các phó đoàn, vân vân..

Vào phòng chiêu đại tiệc tùng, ai ngồi bàn nào, ghế nào cũng có biển ghi danh để sẵn. Tất cả được bố trí rất trật tự, khoa học nhìn chung theo thứ bậc nhưng cũng có đôi khi điều chỉnh thành các nhóm xem kẽ người phiên dịch để tiện chúc tụng, mời nhau uống rượu.

Người Hoa rất đề cao chức danh và chức vụ. Đến đâu họ cũng đối đãi theo thứ bậc nghiêm ngặt không lộn xộn, ù xọe, bừa bãi, xập xí xập ngầu, bát nháo như người Việt. Ở đâu cũng ghi sẵn tên rồi không phải tên mình làm sao ngồi được.

Ấy vậy mà, trong đoàn có một vị phó vụ trưởng, làm việc ở một tờ báo to lớn lắm, một bữa tiệc nọ nổi khùng khi tên ông ta không được đặt ngồi ở bàn VIP. Ông vốn được bạn xếp thứ 6 trong đoàn mình nhưng vì bàn VIP chỉ có 10 ghế, chủ 5, khách  5 nên ông bị đẩy sang bàn khác. Cay mũi, chả xá gì, ông trợn mắt vung tay chửi thề ầm ĩ. May mà lãnh đạo bạn không biết tiếng Việt. Biết thì nhục nhã quá.

Một vị lãnh đạo cấp vụ, lại làm việc ở một tờ báo lớn hàng đầu Việt Nam mà hành xử như thế thì nói gì dân gian. Nghĩ mà đau đớn cho cái văn hóa chính trị của mình, cho dân mình quá.

Ở phía Bắc, việc xếp tên định danh chỗ ngồi rất nghiêm ngặt thế nhưng xuống phía Nam, cái sự ghi danh chỉ định chỗ ngồi không còn nghiêm ngặt nữa. Đứng ngồi không còn chính danh nghiêm cẩn. Đôi khi, cũng láo nháo, lộn xộn giống mình.

Tự chọn

Ăn tự chọn nhiều món. Bữa trưa và chiều thường nhiều món hơn. Cứ ăn thoải mái. Gọi là vụ trưởng, vụ phó cả nhưng có mấy ai được thường xuyên ăn tự chọn như thế này đâu.

Toàn cán bộ cấp cao nhưng văn hóa rất “lùn”. Chắc là do thói quen, thấy món nào ngon họ thường lấy đầy bát, đầy đĩa. Người đến sau thường hết nhưng người đến trước lại để thừa lại trên bàn ăn ngổn ngang cả đống.

Trong bữa ăn thường có món trứng luộc. Mấy anh cao tuổi, chức tước cao vút lấy cả đĩa. Chỉ ăn lòng đỏ, nói rằng lòng trắng ảnh hưởng đến bệnh tật gì đó nên không ăn. Mỗi người để một đống lòng trắng và vỏ ngất ngưởng trên bàn. Vừa lãng phí vừa mất vệ sinh. Lại vô cùng phản cảm.

Là cán bộ lớp mình nhắc nhở, nhưng chẳng ai nghe.

Nhiều lần như thế, có hôm mình đi ăn muộn, về muộn. Cô phục vụ tên Jiang Ming gọi mình tới và chỉ vào đống lòng trắng trứng lẫn vỏ trứng. Nói một câu gì đó với thái độ rất không bằng lòng.

Xấu hổ quá, mình buột miệng câu xin lỗi bằng Anh ngữ. Cô cũng nói lại một câu tiếng Anh nhưng mình không hiểu.

Cả hai cùng nhăn nhó cười và lắc đầu chán nản.

Cố cung

Người dẫn đường giới thiệu, Cố Cung do một kiến trúc sư người Việt Nam chỉ đạo xây dựng. Ông ấy tên là Nguyễn An. Vốn là một hoạn quan. Ông là một tài năng kiệt xuất nên rất được vua Tàu tin dùng nhưng lại bị các quan đồng triều người Hán đố kỵ, ghen ghét, khinh bỉ. Cũng là do ông là người nước ngoài mà lại là một hoạn quan. Hình như ông An chỉ là một trong hai tổng công trình sư xây dựng Cố Cung.

Một người Việt mà làm tổng công trình sư xây dựng một công trình vĩ đại muôn đời như thế thì thật đáng tự hào cho người Việt. Đó là một người Việt kỳ tài.

Tự hào thì tự hào thật nhưng vô cùng ngậm ngùi, cay đắng.

Ngày xưa, nước Việt là chư hầu, là phiên thuộc của nước Tàu. Mọi của ngon vật lạ hàng năm đều phải mang cung tiến hết cho vua quan Tàu. Trong các thứ cung tiến đó đặc biệt là cung tiến người. Đó là gái đẹp và trai tài.

Lý Ông Trọng (Lý Thân) là một võ tướng kỳ tài có sức địch muôn người bị An Dương Vương dâng cho Tần Thủy Hoàng.

Tuệ Tĩnh thiền sư một thần y của nước Việt cũng bị nhà nước phong kiến cung tiến cho nhà Minh năm 1385.

Chắc Nguyễn An cũng là một người bị cung tiến cho vua chúa Tàu.

Lý Thân lập nhiều võ công vang dội giúp nhà Tần đánh bại Hung nô, nhưng cuối đời vẫn bỏ tất cả để trốn về quê Việt.

Tuệ Tĩnh thiền sư trở thành đại danh y bên nước Tàu và chết ở đó. Nghe nói trước khi chết có làm một tấm bia đặt trên mộ ghi rằng: “Về sau có ai bên nước Nam sang, cho tôi xin về với”. Cũng là một lòng đau đáu về quê hương.

Nguyễn An là hoạn quan không biết có nỗi niềm cố quốc không.

Ôi những bậc kỳ tài trong thiên hạ vẫn đau đáu một nỗi lòng cố quốc. Con người ta sao mà lạ thế.

Trai tài hào hùng và bi thương như thế vẫn đôi người còn biết tâm sự nơi xứ người, thế còn biết bao gái đẹp của nước Nam ta cung tiến cho Tàu tại sao chả thấy ghi chép gì. Phận má hồng chắc còn đau thương ngàn lần hơn nữa.

Thân phận của thần dân nước bé cay đắng thay.

Điện thoại di động

Đó là siêu thị điện thoại lớn nhất Beijing. Trong đoàn nhiều người rất mê điện thoại mà lại nhiều tiền. Sướng thế, khi phát hiện ra siêu thị này họ chỉ loay hoay ở đó, không sao dứt ra được.

Điện thoại Ipon ở đây đủ loại. Đắt nhất hơn 20 triệu VND, rẻ nhất chỉ 2 triệu VND, còn 5, 10 triệu thì vô vàn. Về mẫu mã không khác gì nhau. Thế mới siêu.

Hình thức long lanh miễn bàn, giá cả hợp lý. Chọn thoải mái, không mua cũng hảo lớ. Mua cũng hảo lớ. Ai mua loại nào cũng có ngay. Lại lan truyền tin đồn, chỉ mấy hôm nữa chính phủ sẽ cấm hết các loại điện thoại không chính hãng. Nghĩa là chỉ còn loại hơn 20 triệu đồng thôi. Bảo hành lại hoàn mỹ, trong vòng 1 năm nếu chiếc nào có vấn đề mang ra sẽ đổi ngay cho máy mới. Ai cũng hồi hộp, cuống cuống mua vài chiếc. Mua để dùng dần hoặc để tặng người thân. Ai không mua nghĩa là mất cơ hội.

Chỉ mấy ngày, tổng hợp lại, đoàn đã mua cả thảy vài chục chiếc ipon mới coong. Chiếc nào cũng long lanh, tráng lệ. Những chỉ một tuần, mọi chiếc điện thoại đều được chủ nhân âm thầm mang đi đổi cái mới vì trục trặc. Lúc đầu còn bí mật. Sau chiếc nào cũng đổi nên không bí mật nữa. Mỗi chiếc trục trặc một kiểu, cứ gọi là chả ai giống ai. Cái mới về vài hôm lại trục trặc, cứ thế ròng rã cả tháng trời. Toàn điện thoại mới chả có chiếc nào cũ, thế nhưng chiếc nào cũng trục trặc.  Có chiếc đổi gần 10 lần vẫn trục trặc.

Đi lại nhiều quá, ní hảo nhiều quá cũng nhọc.

Chán. Chả ai hơi sức đâu mà đổi nữa.

Cố cư Hồ Chủ tịch

Đến Liễu Châu, bạn đưa đến thăm Cố cư Hồ Chủ tịch.

Khi bị Quốc dân đảng bắt sau khi giam tại Cục Chính trị Đệ Tứ chiến khu, Hồ Chí Minh bị Quốc dân đảng quản thúc một năm. Tại đây, Hồ Chí Minh đã thuê một phòng trong khách sạn nhỏ mặt phố Liễu Châu. Gọi là khách sạn nhưng kỳ thực chỉ là nhà trọ bình dân. Trước mặt là dãy Tây Phong Lĩnh.  Hồ Chí Minh đã ở đây 1 năm (9/1943 – 9/1944). Khi bị quản thúc Hồ Chí Minh vẫn mở lớp đào tạo, rèn luyện cán bộ cách mạng. Nhiều thanh niên trẻ trong nước trốn sang đây được Hồ Chí Minh đào tạo và đã trở thành những lãnh tụ nổi tiếng của cách mạng Việt Nam.

Khạch sạn hai tầng nhỏ ấy đã được chính phủ Trung Quốc mua lại và làm nhà lưu niệm – gọi là Cố cư Hồ Chủ tịch. Cố cư được xếp loại di tích. Các cán bộ trông coi đều là cán bộ bảo tàng ăn lương nhà nước. Giám đốc là một vị phó giáo sư nói viết thông thạo tiếng Việt.

Mấy nơi người Việt ta hoạt động cách mạng, sinh sống cư ngụ ở bên Trung Quốc đều được họ trân trọng dựng thành bảo tàng, bảo lưu di tích.

Thử hỏi ở Việt Nam có nơi nào là di tích quốc gia, là nhà bảo tàng lưu giữ lại những năm tháng chiến tranh mà người Trung Quốc, người Liên Xô, người Cu Ba… sang giúp ta kiến thiết, xây dựng cầu đường, nhà máy… và trực tiếp tham gia đánh Pháp và Mỹ  không.

Người Việt cần phải nghiêm túc xem lại cách hành xử của mình.

(Rút từ tập bản thảo Lá phong vàng)

 

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version