Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, VanVN.Net đã có cuộc trò chuyện với một nhà văn làm báo về sự thú vị cũng như những hệ lụy của nghề báo nghiệp văn. Anh mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011, nhưng nhiều bạn đọc đã biết đến tác giả cuốn tiểu thuyết viết về Trường Sa “Biển xanh màu lá” và một cuốn viết về cuộc sống của những “game thủ” có nhan đề gây ấn tượng mạnh: “Sát thủ online”. Đó chính là nhà văn, nhà báo, chiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy – Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn hóa quân sự.


Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy tại Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần VIII

1. Xin hỏi nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thủy: anh nghĩ sao về chuyện chúng ta chỉ có ngày Nhà báo VN mà không có ngày Nhà văn? Nếu được chọn một ngày trong năm để thành Ngày Nhà văn, ngày đó sẽ là…?

– Tôi coi báo là nghề, còn văn là nghiệp và nghĩ đơn giản nghề nào cũng cần được tôn vinh bằng một ngày cụ thể nào đó trong năm để động viên đồng thời nhắc nhở những người làm nghề ấy trách nhiệm với nghề nghiệp, còn với nghiệp văn có lẽ điều này là không cần. Bởi đã làm nhà văn thì không cần ai phải nhắc họ về ý thức nghề nghiệp, và chắc sẽ chả chạy đi đâu được nữa, dù chẳng có ngày nào tôn vinh thì họ cũng vẫn làm… nhà văn thôi.

2. Anh đến với văn chương trước khi đi làm báo (có thể tính như vậy, vì tuổi viết văn của anh “dày dặn” hơn thời gian viết báo rất nhiều), có sự giằng co nào giữa hai thứ: một bên đòi hỏi sự tỉnh táo cần thiết và một bên là những xúc cảm lai láng? Anh có gặp khó khăn gì khi buộc phải “phân thân” để hoàn tất mỗi vai trò?

– Tôi luôn ý thức về sự phân thân, nhưng đôi khi bị dằn vặt bởi chính điều này. Trong một quỹ thời gian nhất định mà bên nào cũng đòi hỏi thì với tôi, cái về nhì thường là… văn chương. Bởi báo chí là thứ có kỳ có hạn, nệ vào tính thời sự, nhất là làm sự kiện, để sự kiện trôi qua là bài thiu, vì thế tôi thường chặc lưỡi. Và sau vài lần chặc lưỡi như vậy khiến tự thấy dặt vặt vì mình đối xử tệ bạc với văn chương. Viết văn cũng cần tỉnh táo chứ, nhất là tiểu thuyết.

3. Với tố chất nhà văn, khi biên tập bài vở cho chuyên mục, tờ báo mình phụ trách, có khi nào bắt gặp một chi tiết “nên thơ” trong bài viết của phóng viên, cộng tác viên, anh bị cảm xúc lãng mạn chi phối mạnh đến mức khiến cho bài báo “hóa thân” thành một truyện ngắn hay thậm chí là một tiểu thuyết?

– Câu hỏi này là một sự coi thường các nhà văn làm báo đấy! (Cười). Thứ nhất, tiêu chí làm việc của các biên tập viên là tôn trọng bản thảo cũng như ý đồ tác giả; thứ hai, cũng không có thời gian đâu để mà “thay hình đổi dạng” bản thảo; thứ ba, bản thảo báo chí và bản thảo văn học có những đặc điểm riêng, đòi hỏi quy trình xử lý riêng, thậm chí ngay trong báo chí hoặc văn học cũng có những thể loại mang tiêu chí riêng nữa. Tôi nghĩ mỗi người làm báo đều ý thức tốt những công việc chuyên môn mình đang làm, bất kể anh ta có làm thơ, viết văn hay không. Với lại, biến một bài báo thành một bài thơ, một truyện ngắn, hay tiểu thuyết có lẽ là một việc… hoang tưởng.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (ảnh: Minh Quang)

4. Trong một cuộc tọa đàm gần đây của các nhà thơ Hoa Kỳ và các nhà thơ Việt Nam, nhà thơ Mỹ Amy Quan Berry nói chị ấy vẫn thường làm thơ bắt đầu từ một bản tin nghe trên đài phát thanh hay một mẩu tin đọc từ nhật báo. Còn với anh, tình huống này đã bao giờ xảy ra trong quá trình làm báo?

– Điều này thật dễ hiểu, báo chí chính là một kênh thông tin khổng lồ với những câu chuyện sinh động về đời sống, bắc cầu cảm xúc và mang đến những gợi ý hay ho. Đó cũng chính là thứ lớn nhất mà nghề báo mang lại cho tôi với tư cách là người viết văn; thú vị hơn khi mình tiếp nhận những thứ trên báo chí không phải với tư cách một độc giả mà là một người ít nhiều can dự vào guồng quay của thông tin.

5. Chúng ta vẫn biết báo chí và văn chương là hai lĩnh vực có những sự tương đồng, bổ trợ tốt cho nhau, nhưng đặt trong trường hợp bất khả kháng mà phải chọn lựa giữa nghề báo và nghiệp văn, anh sẽ ưu tiên cho lĩnh vực nào?

– Tôi coi báo chí là nhất thời, văn chương là mãi mãi, nhưng trong những lúc nhất thời, vẫn phải ưu tiên cho thứ… nhất thời đó. Nếu phải lựa chọn tôi sẽ chọn cả hai và vẫn sẽ để chúng “sống chung” đến khi nào tôi còn viết. Nhưng tôi tin sẽ chẳng phải làm điều đó đâu, bởi đơn giản, một bạn đọc có thể làm độc giả của cả một phóng sự và một truyện ngắn thì tại sao một người viết lại không thể đồng thời đứng tên tác giả của hai thứ đó?

6. Câu hỏi này có thể anh dùng quyền “không trả lời” nếu thấy bất lợi: Khi ra đường vô ý vi phạm luật giao thông, bị cảnh sát giao thông mời đứng lại, anh sẽ rút thẻ nhà báo hay thẻ nhà văn ra để “trình bày hoàn cảnh”? Và kết quả của cuộc “thương thuyết” thường là…?

– Tôi mới được kết nạp vào Hội Nhà văn nhưng lại… chưa làm thẻ nên trong ví tôi chỉ có thẻ nhà báo. Tuy nhiên, thứ tôi rút ra đầu tiên sẽ không phải là hai thứ thẻ nói trên mà là một… lời xin lỗi. Cách anh ứng xử với lỗi lầm trong nhiều trường hợp sẽ quyết định mức độ “trả giá” của anh cho lỗi lầm đó. Thẻ nhà văn là thứ có lẽ chỉ nên giữ như một kỷ niệm mà thôi, không nên đem tư cách văn chương ra để mặc cả cho một điều gì.

Xin cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện. Xin kính chúc anh sức khỏe, hạnh phúc, thành công và bình an.

Phong Lan

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version