“Đào Thị Thanh Tuyền nhỏ nhẹ và giản dị với tạp bút, đó là điều tôi thích nhất khi đọc cuốn sách chị mới xuất bản. Chị dẫn độc giả đi theo ba chủ đề Mùa, Mùi và Vị, và ở từng phần, những lát cắt nhỏ xinh xắn bất ngờ hiển hiện, làm cho độc giả nôn nao cuống quýt vì mình đã quên nhiều thứ, đã mất nhiều thứ trong dòng ký ức Việt.”
(Khải Ly)
Viết để thấy thời gian không trôi qua một cách lãng phí
Chị đến với văn chương trước hay sau khi quyết định chọn ngành khoa học để công tác?(Tác giả Đào Thị Thanh Tuyền là Kỹ sư cơ khí, hiện công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa, đã xuất bản 8 đầu sách, và có truyện ngắn, tạp bút đăng tải nhiều trên các báo chí TƯ, địa phương – PV)
– Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM ngành Kỹ thuật công nghiệp. Suốt bao năm qua tôi chỉ làm mỗi lĩnh vực “Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng”. Mãi đến 38 tuổi tôi mới bắt đầu “tập viết”. Chẳng mơ ước gì to tát chỉ mong được giải tỏa và tô điểm thêm cho cuộc sống.
Người làm khoa học cần sự tỉnh táo, phải biết kiểm soát cảm xúc, và nó rất khác với sáng tạo văn chương. Chị thấy điều ấy có đúng với mình không?
– Với tôi, khoa học và văn chương dường như có mối liên kết rất chặt chẽ. Tất nhiên, khi viết thường bị cảm xúc chế ngự, nhưng tôi luôn “tỉnh táo” ở chỗ sắp đặt các nhân vật của mình bằng những gạch đầu dòng xong xuôi đâu đó rồi mới bắt đầu để cảm xúc làm chủ. Nghĩa là tôi phải tính toán bằng lý trí trước rồi mới cho cảm xúc… tuôn trào. Tôi may mắn sống ở thành phố Nha Trang, mỗi buổi sáng tôi dành hơn 1 giờ đi bộ ra biển, trong thời gian này tôi vừa nghe nhạc, vừa sắp xếp trong đầu sẽ viết gì, viết như thế nào…
Cách viết văn của chị thấy rất rõ phong cách của người làm khoa học. Tuy nhiên sự tỉnh táo quá có khi làm “làm phiền” chị trong khi sáng tác?
– Thật ra, người viết luôn cần sự cô đơn, ở trạng thái cô đơn làm việc rất “năng suất”. Tôi rất thích sự tỉnh táo và cô đơn để làm việc.
Chị có bao giờ bị “phê bình” là mình đến với văn chương mà quá tỉnh táo hay không?
Rất nhiều người đã “phê bình” tôi điều này.
Liệu điều gì có thể tác động đến việc sáng tác của chị: độc giả, nhà phê bình, hay một ai khác?
– Tôi viết trước hết vì thích, để thấy thời gian không trôi qua một cách lãng phí và viết cho độc giả!
Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền
Suy ngẫm về “người phụ nữ thật sự”
Cuốn tạp bút “Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu boléro” mới ra mắt của chị được nhiều người trìu mến gọi là cuốn tản văn của “mùi – vị”. Ở đó thấm đẫm hương vị quê nhà, và đặc biệt nó mời gọi mỗi người quay về tổ ấm của mình, về với mỗi bữa ăn gia đình, với những giá trị tinh thần không gì đánh đổi được. Điều thú vị nữa là các bài viết trong cuốn tạp bút được sắp xếp theo chủ đề, điều ấy cho thấy, chị đã có ý định rất rõ ràng về việc viết một cuốn tạp bút, chứ không phải tập hợp các bài viết tản mạn thành một cuốn tạp bút như một số tác giả đã làm?
– Tôi nhớ, có ai đó cho rằng, tạp bút là truyện ngắn chưa “tới”. Cái hay của tạp bút bởi không phải hư cấu mà gần như câu chuyện có thật được người viết thể hiện bằng những cảm xúc rất thật. Tôi đã viết tạp bút như vậy. Kiểu như làm người quan sát cuộc sống và chép lại những câu chuyện đó với cảm xúc của mình.
Tôi mơ ước in một cuốn tạp bút rất lâu rồi, tôi cũng chuẩn bị bản thảo sẵn sàng chờ khi nào có dịp. Trong tình hình hiện nay sách in ra rất khó bán nhất là với tác giả không mấy “tên tuổi”. May mắn sao, một lần gặp nhà văn Bích Ngân tại Nha Trang, chị ủng hộ, tôi gửi bản thảo và được chấp nhận. Từ lúc gửi bản thảo đến khi sách in ra chỉ có ba tháng. Ghi chú thêm là tôi rất cám ơn người biên tập đã giúp cho cuốn sách có một “dàn bài” hợp lý như vậy!
Dù cần nói lời cảm ơn đến những người đã tạo điều kiện cho cuốn sách ra đời thì không thể không nhấn mạnh vai trò của chính người viết. Chị có lúc nào tiếc là những tản văn “lấy mất” của chị khá nhiều truyện ngắn?
– Viết tản văn hay truyện ngắn đều thích cả. Khi không viết truyện ngắn, tôi viết tản văn. Tôi coi đó là công việc.
Cuốn tạp bút cũng đồng thời đặt ra một vấn đề đáng suy nghĩ trong cuộc sống hiện nay: đó là vai trò của người phụ nữ trong việc giữ ấm ngọn lửa của mỗi bếp gia đình. Theo chị, liệu cuộc sống hiện nay, đòi hỏi nữ công gia chánh là một đòi hỏi quá sức với người phụ nữ hiện đại, vì họ cũng phải gánh vác những trọng trách quan trọng trong xã hội, chứ không chỉ chuyên tâm lo toan nội trợ như phụ nữ thuở trước?
– Trong cuốn tạp bút “Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu boléro”, tôi thích nhất bài “Người phụ nữ thật sự”. Tôi viết dựa vào ba mẫu phụ nữ thuộc ba thế hệ mà tôi biết. Tôi nghĩ, làm mẹ, làm vợ luôn là một thử thách đối với bất kỳ phụ nữ nào, dù giàu hay nghèo, giỏi hay vụng. Phụ nữ hiện đại càng giỏi càng khổ. Tuy vậy, tôi thấy trên facebook hay trên các trang mạng xã hội khác nhiều phụ nữ trẻ, hiện đại, có tri thức giờ đây rất thích gia chánh (nữ công thì có lẽ đi vào… cáo chung luôn rồi), họ nấu ăn, làm bánh, rồi chụp hình post lên, cùng công thức, hướng dẫn cách chế biến cho bạn bè. Và tôi thấy rất nhiều bạn nữ vào like hay comment. Chứng tỏ rằng, phụ nữ càng hiện đại càng mê gia chánh, có thể họ quá bận rộn đấy thôi. Vả lại, được nấu món ngon cho con ăn là hạnh phúc của bất kỳ bà mẹ nào. Như mẹ tôi hay mẹ chồng tôi, bây giờ cả hai người đều già yếu, tôi biết, điều họ buồn và băn khoăn nhất là không còn sức khỏe để nấu món ăn ngon cho con cái mỗi khi gia đình có dịp tề tựu đông đủ.
Không còn là một nguy cơ nữa, mà lối sống công nghiệp đã và đang nuốt dần những cảm xúc tinh tế của con người trước cuộc sống, và làm thay đổi khá lớn đến lối sống của con người. Điều ấy được chị thể hiện đầy day dứt trong cuốn tạp bút. Chúng ta liệu có thể làm được điều gì, hay đành nhìn những giá trị sống dần mất đi?
– Tôi nghĩ, trong cuộc sống bận rộn hôm nay nếu chúng ta không biết sắp xếp thời gian, hay mải chạy theo công danh, sự nghiệp, bon chen trên đường đời đến lúc nào đó sẽ cảm thấy mọi thứ vô nghĩa, những tháng ngày bị cuốn vào guồng đó sẽ trở thành những ngày vô bổ.
Chị nghĩ gì về xu hướng sống chậm bắt đầu được giới trẻ ngày một quan tâm?
Tôi “hơi bị” nghiện facebook. Ở trên đó tôi quan sát thấy các bạn trẻ đang sống chậm. Tuy nhiên, cũng tùy người, tùy công việc. Sống chậm hay không do mình. Kiểu như, sẽ không có gì tất bật nếu biết thức dậy sớm mỗi ngày vậy!
Sống chậm cần hay không cần trong cuộc sống hiện đại và gấp gáp hiện nay, theo chị?
– Nếu công việc của bạn luôn gấp gáp bạn phải dành thì giờ sống chậm để lấy lại thăng bằng.
Thị trường và bạn đọc…
Trong vòng 10 năm trở lại đây, chị viết khá đều tay, với 8 đầu sách, chủ yếu là truyện ngắn.“Sài Gòn, chè mè đen và giai điệu Boléro” là cuốn tạp bút đầu tiên. Đây là “quãng nghỉ” giữa những tác phẩm, hay là hướng đi mới của chị?
– Như đã nói ở trên, tôi đến với văn chương một cách tự nhiên, chẳng có ý định hay sắp đặt gì. Như một cuộc chơi và tôi thích thú với sân chơi này. Trong máy tính của tôi có một file tôi gạch đầu dòng tựa các truyện ngắn, tạp bút… sẽ viết và tôi “thanh toán” nó dần. Vả lại, tôi còn một “sở trường” khác là viết báo, nên thú thật, chỉ trừ lúc tôi lười thôi chứ… việc làm không hết!
Chị còn một nhánh khác là viết cho thiếu nhi? Điều gì hấp dẫn chị khi viết cho thiếu nhi?
– Cuốn “Ngày hôm nay là một món quà” – NXB Kim Đồng in năm 2012, tôi viết chủ yếu tặng con trai nên có những “tâm sự” mẹ – con rất thật. Trong đầu tôi cũng có sẵn cốt truyện viết tiếp cho lứa tuổi teen, nhưng bởi còn nhiều thứ phải làm thành ra chưa có thời gian. Vả lại, bạn biết đấy, nhuận bút viết sách không tạo… cảm hứng bằng viết báo.
Chị có định thử sức với tiểu thuyết?
– Tôi nghĩ, bất cứ người viết nào cũng đều mơ ước viết được tiểu thuyết. Tôi không ngoại lệ. Thật ra, có cái để viết “dài hơi” rất thích. Bất cứ lúc nào ngồi vào máy vi tính có việc làm ngay. Tuy nhiên, tôi biết, băn khoăn của nhiều người là liệu viết ra cuốn tiểu thuyết có NXB nào in hay không? Điều đó khiến người viết nghĩ lại và… chùn tay!
Người viết hiện nay của chúng ta rất đông đảo, nhưng không phải ai cũng được thuận lợi khi tìm đầu ra cho tác phẩm của mình. Theo chị, yếu tố thị trường, nhu cầu bạn đọc ảnh hưởng/chi phối như thế nào đến việc sáng tác của nhà văn?
– Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ, yếu tố thị trường, nhu cầu bạn đọc quyết định phần lớn số phận của tác phẩm.
Xin cảm ơn chị
Nguồn: Vannghequandoi