Nhớ lại những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi đó đã gần 40 tuổi, Nguyễn Huy Thiệp mới trình làng những truyện ngắn lấy tư liệu lịch sử làm nguyên mẫu như: Mưa Nhã Nam, Kiếm sắc, Vàng lửa… Thời gian sau đó tới những năm đầu của thế kỉ mới, vẫn chỉ có những nhà văn lớn tuổi như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân… Trong khi rất ít cây bút trẻ có hứng thú với mảng hiện thực quá khứ này mà thiên về những vấn đề của xã hội mới.

Tuy nhiên khoảng mười năm trở lại đây, nhiều cây bút trẻ tuổi đã tìm đến các đề tài trong quá khứ, các nhân vật, điển tích để viết bằng một cảm quan hoàn toàn nới mẻ, khi đã tích lũy được vốn tri thức và ý thức đúng được giá trị của những vấn đề lịch sử. Các tiểu thuyết như: Trần Khánh Dư của Lưu Minh Sơn; Sương mù tháng giêng của Uông Triều; Truyện ngắn Bức di thư bị bỏ quên của Nguyễn Thị Luyến; tập truyện ngắn Ngủ giữa trùng Sơn của Lê Vũ Trường Giang; một số truyện ngắn của Đinh Phương…


Sách về lịch sử Việt Nam đoạt Giải vàng Sách hay- Giải thưởng Sách Việt Nam 2015 (ảnh tuoitre.vn)

Trước hết, có thể lí giải nguyên nhân xuất hiện của xu hướng này như sau: Đó là kết quả của một khoảng thời gian vừa đủ, một độ lùi cần thiết để các cây bút trẻ nhìn nhận lại lịch sử, biện giải lịch sử. Trong buổi ra mắt tập truyện ngắn, Lê Vũ Trường Giang tâm sự: “Xuất phát từ những tàn sâu vết tích của lịch sử vùng đất cố đô, tôi đã sống với nó để sáng tác ra những cái hay, cái đẹp, biện giải lịch sử và làm hoàn thiện bản thân mình bằng văn học”.

Thứ hai, đó là nhu cầu được khẳng định quan niệm của cá nhân về các vấn đề hiện thực, các phạm trù thẩm mỹ trong cuộc sống. Hay nói như nhà văn trẻ Đinh Phương đó là cái “cớ”: “Thực ra viết về đề tài lịch sử nhưng nó không phải là theo kiểu sử thi, mang âm hưởng ngợi ca… Nó là lịch sử, nhưng là lịch sử dưới góc nhìn của tác giả, một cá nhân cụ thể… Thậm chí nói là viết về lịch sử, với những nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng lịch sử lúc ấy chỉ như là cái cớ để dẫn dắt câu chuyện, chứ không “lệ cổ” như trong các truyện ngắn hay tiểu thuyết lịch sử khác…”.

Thứ ba, đó là sự ám ảnh với những món nợ lịch sử và viết như sự trả lời. Nhà văn trẻ Lưu Minh Sơn cho rằng: “đến với đề tài lịch sử không chỉ đơn thuần là yêu sử mà điều thôi thúc lớn nhất đó là những “ám ảnh”, “nghi ngờ” về những thân phận người trong lịch sử, và anh muốn “giải mã”, tìm sự công bằng cho họ.”

Từ những nguyên nhân cơ bản trên, có thể thấy đề tài, cảm hứng từ lịch sử đã được người viết trẻ tiếp cận và viết như một nhu cầu tất yếu chứ không phải là sự mô phỏng theo những cây bút đi trước. Đọc Bức di thư bị bỏ quên của Nguyễn Thị Luyến, ta bắt gặp những cật vấn trong một giả định về cuộc đánh tráo: “Trước mắt mọi người, tôi là Chiêu Thánh công chúa an phận thờ Phật. Trước ban thờ Phật, tôi là một đệ tử lòng thành. Đôi khi nhớ chính mình, trong đầu tôi nhớ một khoảng màu xanh yên bình tuổi mười sáu.

Nhà vua là người duy nhất trong hoàng cung biết rõ thân phận tôi. Nhưng ánh mắt đau đáu ngài nhìn tôi cũng chất chứa nhiều tâm sự. Cũng có ngày nhà vua xót thương tôi chăng?”

Đó là sự nhập thân của người viết trước nhu cầu biện giải lịch sử. Bằng điểm nhìn bên trong được đặt vào đôi mắt Chiêu Thánh, tác giả lí giải mọi diễn biến tâm lý của các nhân vật lịch sử mà người đọc vẫn không cảm thấy lịch sử bị thay đổi. Trong Bạc màu áo ngự, Lê Vũ Trường Giang, sự nhập thân ấy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhằm nhận diện về tình thế lịch sử và nhân cách của một vị vua: “Ta đốt quê hương! Ta đốt quê hương rồi đó!”.

Đó là lần cuối cùng tôi thấy Đức Hàm Nghi của tôi khóc, khóc bằng giọt nước mắt đắng. Người đã bị tước đi cái quyền được ngắm nhìn bầu trời thân yêu của mình và thành đô vang bóng chỉ còn là kí ức của kẻ tha hương. Khi bác bếp và anh thông dịch mang xô nước lên, Đức Ngự thảng thốt nói trong nước mắt trước khi giấc ngủ và mệt mỏi xô ngài gục lên chiếc ghế kê bên ô cửa: “Ta là một con chim Lạc bất hạnh vì sợi dây đang buộc chặt chân ta”. Từ cửa lớn, viên sĩ quan – quản gia người Pháp xuất hiện và hỏi anh thông dịch rằng nhà vua đã nói gì. Tôi liếc mắt nhìn anh ta và người thông dịch lắc đầu, chỉ đáp lại lời sau này anh kể lại là: “Hoàng tử chỉ muốn yên giấc trên chiếc giường của ngài!”.

Có thể thấy, với nhu cầu tiếp cận và lí giải các đề tài lịch sử, các tác giả trẻ đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Điều này giúp họ tin tưởng hơn ở cảm quan thẩm mỹ của những người chưa có nhiều phơi trải nhưng vẫn đủ tinh tế, sâu sắc và tài hoa trong sáng tạo.

Phương Mai – Văn học quê nhà

Exit mobile version