Sinh, lão, bệnh, tử là vòng tuần hoàn của bất cứ cuộc đời con người nào, nhưng, dù người nghệ sĩ có ra đi vĩnh viễn, thì tác phẩm của họ vẫn cung cấp một sự phán ánh liên tục về cách hoàn thiện bản thân của chính họ.
Nghệ sĩ là ai? Đã có rất nhiều người đưa ra những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi đơn giản này. Đối với tôi, nghệ sĩ là những người có khả năng thay đổi trí tưởng tượng của họ, suy nghĩ và dấn thân vào thực tế xinh đẹp, đôi khi là cả những nguy cơ trong cuộc sống, vì lợi ích của xã hội. Chúng ta có nghệ sĩ là những vũ công, ca sĩ, nhà văn, họa sĩ, diễn viên, nhà triết học, chính trị gia, nhà thiết kế, người phát minh, sáng tạo,… những người ủng hộ cho xã hội và là đội quân viễn chinh cho một xã hội tốt đẹp hơn.
Nghệ sĩ là người trung chuyển mọi xã hội giữa các thế hệ. Họ là những cây cầu bắc qua hiện tại với quá khứ và tương lai. Sao ta có thể biết được con người có thể đạt được những gì trong công cuộc phát triển xã hội nếu không biết những ý tưởng và hoạt động của họ từ hôm qua? Làm thế nào mà ta dám khẳng định sự tiến triển tốt hơn trong vấn đề quản lý nhà nước mà không cần đến sách vở và các hoạt động dựa trên những ý tưởng của chính phủ, dân chủ, nhân quyền, khoa học, công nghệ, lịch sử và xã hội? Bằng cách nào để con người có thể chuyển giao kiến thức của mình mà không có các dịch vụ của các nghệ sĩ trong các ngành nghề? Không phải tất cả các bác sĩ đều có khả năng viết sách y. Không phải kỹ sư nào cũng có thể viết một cuốn sách kỹ thuật. Cần phải có các nghệ sĩ trong mỗi nghề, những người có thể miêu tả lại nghề nghiệp của họ bằng văn bản.
Mối quan tâm của tôi ở đây là: Làm thế nào cuộc sống xử lý kịp những tin tức khủng khiếp đến từ cái chết của một người nghệ sĩ? Làm thế nào để duy trì trao đổi thông tin với các nghệ sĩ và những phản ứng sau cái chết của họ? Con người sẽ suy nghĩ gì khi một nghệ sĩ huyền thoại mất đi? Người nghệ sĩ mang tâm hồn của những con người đối đầu với các hình thức hắt hủi, bất công, vô nhân đạo, tham nhũng, lạm dụng, và các hành vi không đứng đắn, chống lại các lợi ích chung. Họ chỉ trích, phê bình các xu hướng này ở cấp độ cao nhất. Họ suy nghĩ về những gì đã và đang xảy ra. Họ so sánh các sự kiện với những bức tranh lý tưởng đã được vẽ ra trong đầu của họ. Khi kết quả cuối cùng được đưa ra sau chuỗi nhìn nhận, suy luận và so sánh là sự bất hòa, họ sẽ lên tiếng chống lại nguyên nhân gây ra sự bất hòa ấy.
Đây chính là lý do tại sao Chief Obafemi Awolowo, một nghệ sĩ chính trị đã lên tiếng chống lại khuynh hướng đế quốc của nhà nước Nigeria cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960. Là lý do tại sao Christopher Okigbo và Isaac Jasper Adaka Boro, hai nghệ sĩ quân đội, đã chết trong chiến dịch vận động chống lại các vụ giết người cũng như sự ly khai của Igbo và Ijaw giữa những năm 1960. Nó giải thích nguyên nhân Giáo sư Wole Soyinka bị tống giam bởi Chính phủ Liên bang Nigeria dưới quyền Tướng Yakubu Gowon, khi ông lên tiếng chống lại Igbo và những tội ác của Igbo. Là nguyên nhân Fela ‘Kuti, một nghệ sĩ âm nhạc bị tra tấn dã man dưới thời của Tướng Olusegun Obasanjo trong những năm 1970. Là nguyên nhân cái chết của Dele Giwa, một nghệ sĩ văn chương vào ngày 19 tháng 10 năm 1986 bởi một quả bom thư. Gani Fawehimi, một nghệ sĩ pháp lý xã hội đã cáo buộc Tướng Ibrahim Babangida trong cái chết của nghệ sĩ văn chương này. Nó cũng là lý do Kenule Saro-Wiwa, một nghệ sĩ xã hội, văn học và môi trường bị treo cổ trong thời gian điều hành của Tướng Sani Abacha. Là lý do giáo sư Chinua Achebe, một cây đại thụ của nền văn học, từ chối chấp nhận bất kỳ danh dự nào từ chính quyền và lên tiếng đòi chính quyền phải chịu trách nhiệm về hàng triệu trường hợp tử vong của người Igbo trong những năm 1966-1970.
Thực tế, cái chết của giáo sư Chinua Achebe vào ngày 21 tháng 3 năm 2013 đã khiến cho tôi quyết định viết bài báo này. Tôi đã nghĩ đến nó từ khi xảy ra cái chết của Jimmy Conter, một biểu tượng của nền âm nhạc Ikwerre, chống lại sự thối nát của chính Ikwerre và Nigeria trong những năm 1970-1980. Năm 1973, ông đã hát Ahia Port, chỉ trích những người phụ nữ không mặc quần lót chẽn ở những nơi công cộng. Phụ nữ đã bỏ qua lời khuyên quan trọng này, và ngày hôm nay, những gì mà ta đang thấy đó là, sự ăn mặc quyến rũ, hở hang, thiếu vải của các chị em trên đường phố đã khiến cho họ bị sách nhiễu, và đỉnh điểm của nó là các vụ hiếp dâm xảy ra trên toàn thế giới. Một số người sẽ đòi hỏi những người đàn ông phải biết tự chủ, nhưng họ lại quên mất những lời nguyền cám dỗ đã từng được nhắc đến trong Kinh thánh. Như một người lính thập tự chinh cho sự phát triển của xã hội Ikwerre, Jimmy đã yêu cầu trách nhiệm từ tất cả những người con trai của Ikwerre đối với đất nước của họ. Ông đặc biệt không hài lòng với tỷ lệ lạm phát tại Nigeria dưới thời chính phủ Shehu Shagari. Đó là lý do mà Jimmy Conter đã hát một bài hát với chủ đề Khổ hạnh.
Vì vậy, khi Jimmy Conter qua đời vào năm 2003, tôi bắt đầu tự hỏi: Khi mà Jimmy đã không còn nữa, ai sẽ là người dám nói ra sự thật vô đạo đức và khả năng lãnh đạo kém cỏi của Ikwerre và Nigeria? Ai sẽ ca những bài hát chữa lành nỗi đau của linh hồn Ikwerre? Ai sẽ nhắc nhở chúng ta về những thay đổi cần thiết? Đây chính là lý do tại sao lại đúng khi nói rằng, người nghệ sĩ đã tạc sức mạnh của họ vào đá, tạo nên tính vẹn toàn và thúc đẩy việc bảo vệ xã hội từ một thế hệ khác.
Tại các vùng khác, các nghệ sĩ cũng đang bận rộn trong việc phục vụ cho xã hội của mình. Trong nền chính trị, đã có rất nhiều “vị vua” ở châu Âu đã đứng vững và tạo cơ hội cho sự tiến bộ xã hội trong nhà nước của họ. Abraham Lincoln và các cộng sự trong nền chính trị Hoa Kỳ, Mahatma Ghandi phục vụ xã hội ấn Độ, và Lý Quang Diệu trong việc cống hiến cho Singapore. Garveyism trong việc chuyển hướng suy nghĩ của người Mỹ gốc Phi về với đất mẹ. Bob Marley và Peter Tosh nhấn mạnh cuộc chạy đua đặc biệt của châu Phi trong thế kỷ mới. Adam Smith mang đến chủ nghĩa tư bản và Karl Marx đưa ra thuyết cộng sản và chủ nghĩa xã hội. George Marshal đem tới kế hoạch cứu vớt châu Âu sau sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh thế giới thứ II. Triết học Hy Lạp đề ra những lý tưởng chính trị và xã hội trong thế giới hiện nay. Tất cả những con người này đều là những nghệ sĩ đúng nghĩa.
Không gì đau khổ hơn đối với xã hội khi mất đi một người nghệ sĩ. Làm thế nào để người nghệ sĩ phản ánh và đáp ứng cả những diễn biến sau khi họ chết? Bằng cách nào họ vẫn đấu tranh và lao động để cải thiện? Ai sẽ cho chúng ta biết sự thật? Làm thế nào để chúng ta nhớ đến họ? Nhờ điều gì mà họ tồn tại song hành với chúng ta? Người ta chọn cách tưởng nhớ người nghệ sĩ bằng việc đổ xô đi mua các tác phẩm của họ, để được nghe, đọc về những lời của họ khi các nghệ sĩ còn sống. Đó có phải là câu trả lời thỏa đáng?
Cái chết của những người nghệ sĩ là sự mất mát của xã hội. Xã hội mất đi sự hiện diện của họ, tiếng nói, quan điểm, các hoạt động, những cuộc tranh luận và tác phong sống. Còn chúng ta, chúng ta mất họ là mất đi người cha, người mẹ, người giáo viên, người giám hộ và nhà lãnh đạo. Điều quan trọng nhất là, chúng ta mất đi những trí tuệ, những người canh giữ hạt giống của ý thức, trí thức và các nguồn tranh luận, thảo luận đóng góp vào nền tảng của văn minh. Trong cái chết của họ, thế giới cũng mất đi người mẹ bảo vệ các hình ảnh và giấc mơ, tư tưởng và tầm nhìn, chính sách và các chương trình quản lý xã hội tốt đẹp. Nghệ sĩ là những người có thể tạo ra những cách thức tốt hơn để làm việc, và điều này giúp họ có được sự can đảm, lòng dũng cảm thách thức với những sai lệch. Họ là những người điều hành những cuộc họp trung thực. Thật vậy, khi mà họ chết đi, thế giới dường như cũng đã đánh mất đi ý nghĩa, tính toàn vẹn, giá trị và hướng phát triển của nó.
Khi một nghệ sĩ âm nhạc qua đời, những người khác sẽ hát được tiếng lòng thật sự của họ một lần nữa? Với cái chết của Whitney Houston, thế giới mất đi một giọng ca vàng, giọng ca tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa đã ban cho trong thế kỷ XX. Ai là người có thể thay thế cho nữ nghệ sĩ ấy? Ai có thể hát những tiếng nói ban đầu của Stephen Osita Osadebe và Oliver De Coque? Sau cái chết của Bob Marley vào năm 1981, thế giới đã từng hy vọng vào sự thay thế của các tên tuổi như Marcia Griffiths, Judy Mowatt, Rita Marley, Ziggy,… nhưng không ai có thể thay thế được giọng nói, phong cách, vũ điệu và cả những tin nhắn đến từ Bob. Ai có thể thay thế cho Gani Fawehinmi trong việc chống lại sự tham nhũng của các chính phủ? Chúng ta phải làm sao để tiếp tục những công việc dang dở mà Gani chưa hoàn thành? Ai sẽ là người viết tiếp Chinua Achebe về các vấn đề văn học Châu Phi?
Trong tinh thần của Lễ Phục Sinh, chúng ta đã nhắc nhở về sự hy sinh của Chúa Giêsu, người nghệ sĩ thiên đường đã gánh tội cho nhân loại, chúng ta cũng nên đặt ra câu hỏi: Đâu là những người người Nigeria đã sẵn sàng để hy sinh cho màu sắc và bộ tộc của mình, nói lên sư thật và chống lại sự tham nhũng, thiếu hiểu biết và cả sự kém phát triển của Nigeria? Tại sao cuộc cách mạng lại không diễn ra ít nhất là trước năm 1999 để xóa bỏ những hỗn loạn trên đất nước? Thiên Chúa có thể khiến cho các nhà lãnh đạo lắng tai nghe ngóng và chú ý đến lời khuyên của các nghệ sĩ? Tinh thần và cả cái chết của Giáo sư Chinua Achebe có trở thành sức mạnh tiềm ẩn cho một cuộc cách mạng mà Nigeria đang rất cần? Thật chẳng khó khăn gì để những câu hỏi này đem đến cho ta ý thức về sự quan trọng của một người nghệ sĩ, ngay cả khi chúng ta đã mất đi họ trong cuộc sống này.
Thái Lương (Lược dịch theo pambazuka.org)
(Văn nghệ số 33/2013)