Lỗ Tấn là nhà văn lớn của văn học hiện đại Trung Quốc. Nhưng suốt gần một thế kỷ qua, ông luôn gặp phải sóng gió. Sóng gió cuối thế kỷ XX mà ông phải chịu đựng là lớn hơn cả.

Sau “Cách mạng văn hóa”, Trung Quốc chuyển sang thời kỳ cải cách mở cửa, giải phóng tư tưởng, nên trước hết cứ một hiện tượng văn hóa nào, mọi công dân đều có quyền đưa ra những ý kiến riêng của mình. Đối với Lỗ Tấn mà có thời Mao Trạch Đông ca ngợi ông là “thánh nhân” ngang với Khổng Tử xưa kia – cũng không tránh khỏi bị chất vấn, đánh giá lại.

Nhà văn Lỗ Tấn

Số là tháng 2 năm 2000, trên Tạp chí “Thu hoạch” của Thượng Hải mở một chuyên đề “Đi gần đến Lỗ Tấn” và cho đăng bài Công và tội của Lỗ Tấn của nhà văn Phùng Ký Tài, bài Tôi nhìn Lỗ Tấn của nhà văn Vương Sóc, và cho đăng lại bài viết Điếu Lỗ Tấn của Lâm Ngữ Đường viết năm 1937 sau khi Lỗ Tấn mất được một năm. Quan hệ giữa Lỗ Tấn và Lâm Ngữ Đường có hai lần gắn bó tốt đẹp và hai lần bất hòa xa nhau. Trong bài viết trên của Lâm Ngữ Đường kể lại những lần bất hòa giữa hai người, nhưng Lâm tiên sinh vẫn kính trọng và đánh giá cao tác phẩm của Lỗ Tấn.

Dưới đây xin bàn kỹ về hai bài của Phùng Ký Tài và Vương Sóc. Bài của nhà văn Phùng Ký Tài có hai ý: ý đầu là ca ngợi Lỗ Tấn tuy viết ít tiểu thuyết, nhưng ảnh hưởng cực lớn. “Lỗ Tấn là nhà văn rất có trách nhiệm… Lỗ Tấn là nhà văn rất có lương tâm”. Ý sau nói: qua nhân vật AQ, Lỗ Tấn phê phán sâu sắc “quốc dân tính” (ý nói tính xấu) của người Trung Quốc. Nhưng ông lại cho tư tưởng phê phán “quốc dân tính” ấy của Lỗ Tấn là bắt nguồn từ quan niệm về phương Đông của người phương Tây. Tác giả viết: “Chỉ cần lật qua cuốn Tính cách của người Trung Quốc của giáo sĩ Mỹ A.H. Smith (1885-1932), thấy trong đó đã tổng kết toàn diện “quốc dân tính” của người Trung Quốc, thì ta sẽ phát hiện ra quan điểm đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến Lỗ Tần như thế nào!”(1)

Thế nào là “Chủ nghĩa phương Đông”? Theo cuốn Chủ nghĩa phương Đông (Orientalism) xuất bản năm 1979 của nhà lý luận thực dân nước Mỹ Edward Said, thì đó là một loại thần thoại phương Đông hình thành bởi sự vô tri và thiên kiến của người phương Tây đối với phương Đông. Trong con mắt của người phương Tây, người phương Đông vừa “lười biếng”, “ngu muội”, vừa “thần bí, mê tín”. Nói cho cùng, “chủ nghĩa phương Đông” về bản chất là một loại giáo lý chính trị của phương Tây nhằm để chế ước phương Đông, nó là trụ cột hình thái ý thức của chủ nghĩa thực dân Âu-Mỹ. Nếu như Lỗ Tấn quả thật ăn phải quả lừa của chủ nghĩa phương Đông, thì về khách quan mà nói, ông đã trở thành tay sai của chủ nghĩa bá quyền văn hóa phương Tây rồi?!

Chúng ta không phủ nhận tư tưởng cải tạo “quốc dân tính” có chịu ảnh hưởng của cuốn sách  Tính cách người Trung Quốc (Chinese Charateristieds) của giáo sĩ Mỹ A.H. Smith, nhưng thực sự hình thành tư tưởng cải tạo “quốc dân tính” của Lỗ Tấn còn có nguồn gốc văn hóa trong nước, có bối cảnh lịch sử và không khí thời đại nữa.

Nhà cải lương Lương Khải Siêu từng chủ trương muốn đổi mới dân chúng (Tân dân thuyết), đổi mới chính trị (Tân kỳ chính) thì cần phải đổi mới quốc dân (Tân kỳ dân) đã. Ông cho rằng, Trung Quốc “dân khí phân tán mà không biết đoàn tụ, lòng dân độc địa mà không biết hợp quần, chỉ trách người mà không trách mình, chỉ chờ đợi hy vọng ở người mà không biết hy vọng ở mình”. Ông cũng chỉ ra “Trung Quốc bốn trăm triệu dân đều là những kẻ bàng quan” (“Thời vụ báo” tập 40). Điều này hoàn toàn giống với hiện tượng “đứng xem vô cảm” mà Lỗ Tấn đã từng phê phán.

Tư tưởng cải tạo “quốc dân tính” của Lỗ tấn còn chịu ảnh hưởng của Chương Thái Viêm – thầy học của ông. Chương Thái Viêm cho rằng người Trung Quốc có 6 căn bệnh: Dối trá vô sỉ, ham sống sợ chết, tham lam ích kỷ, lười biếng không học, phù phiếm xa hoa, kèn cựa đố kị (xem “Dân báo” số 17). Lỗ Tấn cho rằng nghiêm trọng nhất là căn bệnh thứ nhất và căn bệnh thứ sáu.

Trong thời gian lưu học ở Nhật bản, Lỗ Tấn còn chịu ảnh hưởng tư tưởng khải mông của các nhà tư tưởng Nhật Bản như Phúc Trạch Du Cát, Gia Nạp Trị Ngũ lang, v.v… Đặc biệt ông rất kính trọng tinh thần phê phán “căn bệnh tinh thần” của người dân nước Nhật của Kawabata. Sở dĩ Lỗ Tấn dịch tập bình luận Ra khỏi tháp ngà của Kawabata vì cuốn sách này phê phán “quốc dân tính” (thói xấu của quốc dân) của người Nhật Bản, ông muốn dùng nó để chữa trị cho người Trung Quốc cũng có căn bệnh tương tự.

Còn đối với những ai có ý định xuyên tạc, sỉ nhục người trung Quốc thì Lỗ Tấn phản bác ngay. Ví dụ ông An Cương Tứ Phú, người Nhật Bản nói, người Chiết Giang Trung Quốc thích ăn măng tre là có tâm lý sắc dục, thậm chí là sùng bái cái “sinh thực khí” của đàn ông. Trong bài Mã thượng chi nhật ký trong Hoa cái tập tục biên, Lỗ Tấn đã phê phán quyết liệt quan niệm đó. Còn đối với cuốn sách Tính cách người Trung Quốc của Smith đã nói ở trên, ông cũng chỉ ra trong cuốn sách ấy “có nhiều chỗ sai lầm” (Thư gửi Đào Kháng Đức ngày 27-10-1933), mặt khác ông hy vọng người Trung Quốc “xem những thứ đó mà tự phân tích, phân tích để rõ những điểm nào nói đúng, để thay đổi, để vùng vẫy, tự mình làm việc, chứ không cầu cạnh sự tha thứ và ca ngợi của những người khác, để chứng minh cuối cùng thế nào là người Trung Quốc (Thả giới đình tạp văn tập cuối).

Có điều, Chương Thái Viêm – thầy học của Lỗ Tấn, tuy thấy được những nhược điểm trong tính cách của người Trung Quốc, nhưng ông có ý đồ dùng Phật giáo để cứu vớt mọi người. Giáo sĩ Smith người Mỹ lại muốn dùng Cơ đốc giáo để trị bệnh tinh thần cho dân chúng. Còn Lỗ Tấn muốn dùng văn hóa – văn học để trị bệnh cứu người.

Xã hội Trung Quốc đầu thế kỷ XX quả là đầy rẫy những căn bệnh xấu xa, dị hình, nghịch tướng, trong dân chúng Trung Quốc lúc bấy giờ quả là có nhiều người hồ đồ, lạc hậu như kiểu AQ vậy. Trong bối cảnh văn hóa xã hội ấy, Lỗ Tấn đã sáng tác hàng loạt tác phẩm phơi bày những nhược điểm của quốc dân đồng bào, mục đích là để mọi người tự phản tỉnh, tự cứu lấy mình. Lỗ Tấn vạch trần những hạn chế của người Trung Quốc không phải để chứng minh tính hợp lý, tính hợp pháp cho hành động xâm lược phương Đông của các thế lực phương Tây, mà là trong quá trình thể hiện cái xấu xa kia chứa đựng nỗi ưu tư của nhà văn, khiến độc giả Trung Quốc cảm nhận được niềm vui thẩm mỹ trong thể nghiệm của sự phủ định.

Tóm lại, góc nhìn văn hóa mà Lỗ Tấn lựa chọn để phê phán “quốc dân tính” không phải là hồ đồ bắt chước “chủ nghĩa phương Đông” của người phương Tây. Trong khi phơi bày những cái xấu xa của đồng bào mình, ông luôn tỏ rõ ý thức lo lắng đầy trách nhiệm, mong nhân dân nước mình sớm tỉnh ngộ, góp sức vào việc xây dựng đất nước.

Bây giờ chuyển sang bàn về bài viết Tôi nhìn Lỗ Tấn của nhà văn Vương Sóc. Theo Vương Sóc thì chung quanh Lỗ tấn có một màn sương mê tín khiến chúng ta không thể nhìn thẳng vào ông. Những lời ca tụng Lỗ Tấn hiện nay làm chúng ta nghẹt thở, vì thế Vương Sóc muốn “giải cấu” Lỗ Tấn một phen. Vương Sóc không thừa nhận Lỗ Tấn là nhà cách mạng, mà chỉ là người hay “đấu” với bọn tiểu nhân. Vương Sóc không coi Lỗ Tấn là nhà tư tưởng, vì tư tưởng của ông chả có gì mới mẻ “không thể dẫn đường chỉ lối cho dân tộc, quốc gia”. Vương Sóc cho Lỗ Tấn là nhà văn ít có tác phẩm hay. Những truyện đặt nền móng cho văn học mới như Nhật ký người điên, hay được cả thế giới khen ngợi như AQ chính truyện, Vương Sóc cũng cho là dở, là khái niệm. Họ Vương đặc biệt cho Lỗ Tấn không có truyện dài (Trường thiên tiểu thuyết) thì không trở thành văn hào được. “Lỗ Tấn không có trường thiên, giải thích thế nào thì cũng là điều đáng tiếc. Có lẽ đó không chỉ là tổn thất của cá nhân mà còn là tổn thất của dân tộc Trung Hoa”. Vương Sóc còn nói, một nhà văn chân chính chỉ dựa vào một mớ tạp văn và mấy thiên truyện ngắn thì đứng không vững.

Ngày nay đọc lại bài Tôi nhìn Lỗ Tấn của Vương Sóc ta thấy có những điều ông nói đúng mà đương thời giới phê bình – nghiên cứu văn học chưa nhận ra hoặc là có thấy nhưng vì lý do nào đó không chịu thừa nhận mà thôi. Lỗ Tấn không phải là vị thánh như Mao Trạch Đông nói, ông là con người, mà đã là con người thì “nhân vô thập toàn”, ông cũng có những nhược điểm. Ví dụ thời kỳ đầu ông chủ trương “toàn diện Tây hóa”, bài xích y học dân tộc, khuyên thanh niên không nên đọc sách của Trung Quốc, cuối đời có ảo tưởng về Liên Xô, cho đó là một thiên đường của nhân loại, v.v… Về tính cách, có người cho ông quá “nghiêm khắc”, thậm chí trong di chúc, ông còn viết: “…người châu Âu lúc sắp chết thường có một nghi thức, là xin kẻ khác tha thứ cho mình và mình cũng tha thứ cho người khác. Kẻ thù của tôi có thể nói là nhiều, nếu có người nào theo lối sống mới mà hỏi, thì tôi trả lời thế nào đây? Nghĩ đi nghĩ lại, quyết định như thế này: cứ để cho họ oán giận, mà tôi cũng không tha thứ cho một người nào hết” (Thả giới đình tập cuối).

Đọc những dòng này của Lỗ Tấn, ta hiểu được vì sao trong bài Điếu Lỗ Tấn của Lâm Ngữ Đường viết tại New York ngày 1-1-1937 lại có câu: “Haine, nhà thơ Đức nói với mọi người rằng: Khi tôi chết, đặt cho tôi một thanh kiếm vào quan tài, chứ đừng đặt cây bút. Điều đó thật đúng với Lỗ Tấn”.

Vương Sóc cho rằng người nào không viết được trường thiên tiểu thuyết thì không phải là nhà văn và càng không xứng đáng là văn hào thế giới, thì phải bàn lại. Theo quan điểm của họ Vương thì trước đời Đường như Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên… không thể gọi là nhà văn được sao? Bồ Tùng Linh tác giả của Liêu trai chí dị chuyên viết những truyện ngắn cũng không thể gọi là nhà văn được sao? Văn hào thế giới như Sêkhốp của Nga cũng bị xóa tên hay sao? Và nữ văn sĩ Canada Alice Munro chuyên viết truyện ngắn vừa được giải Nobel văn học năm 2013, chả lẽ Viện Hàn lâm Thụy điển chọn lầm chăng!?

Vương Sóc nói Lỗ Tấn không phải là nhà tư tưởng, tư tưởng ông ta chẳng có gì mới mẻ, không có tác dụng chỉ đường cho dân tộc, quốc gia cũng bị các nhà phê bình phản bác mạnh mẽ. Họ nói, theo tiêu chuẩn của Vương Sóc thì Lão Tử – người được Hegel cho là “đại biểu tinh thần thế giới phương Đông cổ đại” – chỉ có một trước tác mỏng tang Đạo đức kinh vẻn vẹn có 5000 chữ, hay như Khổng Tử – vạn thế sư biểu, chỉ có cuốn Luận ngữ do các môn đệ ghi lại, không thể gọi là nhà tư tưởng hay sao? Ngay đến những nhà triết học châu Âu nổi tiếng như Hegel, Kant, nếu dùng tiêu chuẩn của Vương Sóc cũng không thể gọi là nhà tư tưởng được!

Tư tưởng của Lỗ Tấn chủ yếu nằm ở trong hơn 900 bài tạp văn của ông, tư tưởng của ông sâu sắc và phổ quát có thể so sánh với bất cứ nhà tư tưởng nào ở cùng thời đại. Lỗ Tấn là người dùng khái niệm “Ăn thịt người” để khái quát tội ác của chế độ phong kiến và luân lý phong kiến mấy nghìn năm nay. Nếu như Lỗ Tấn không phải là nhà tư tưởng thì làm sao có thể giải thích cặn kẽ lý thuyết “nhất trị nhất loạn” của các bậc tiên nho. Ông nói, cái gọi là “trị” chính là thời đại người Trung Quốc tạm thời được ổn định làm người nô lệ; cái gọi là “loạn” chính là thời đại người Trung Quốc có muốn làm nô lệ cũng không được. Chỉ mấy câu nói ấy thôi, Lỗ Tấn khái quát được cả bức tranh tuần hoàn của lịch sử Trung Quốc. Những tác phẩm văn học khác của Lỗ Tấn cũng chứa đựng nhiều tư tưởng phong phú. Ví dụ tập thơ văn xuôi Dã thảo thể hiện triết học nhân sinh sâu sắc. Tuy Lỗ Tấn ít viết về đề tài tình yêu nam nữ, nhưng qua chuyện Thương thệ, ta thấy có nhiều triết lý sâu sắc. Ví dụ Lỗ Tấn đã từng khuyên những thanh niên đang yêu: “Tình yêu cần phải luôn luôn đổi mới, sinh trưởng, sáng tạo. Đó là sự thật”, “Con người cần phải sống cái đã thì tình yêu mới có chỗ dựa”.

Gần đây ở Trung Quốc xuất bản nhiều cuốn sách chuyên nghiên cứu về tư tưởng triết học, tư tưởng giáo dục, tư tưởng mỹ học, tư tưởng lịch sử, tư tưởng văn học; ngoài ra còn có những chuyên luận nghiên cứu về tư tưởng khoa học, tư tưởng phiên dịch, tư tưởng luân lý của ông. Những trước tác này chẳng phải đã phản ánh sự uyên thâm bác học của tư tưởng Lỗ Tấn đó sao?

Phải thừa nhận là trong di sản văn học của Lỗ Tấn, tạp văn chiếm số lượng nhiều nhất. Tạp văn của ông có nhiều bài viết sâu sắc, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố thơ ca và chính luận, nó phản ánh được cuộc đấu tranh tư tưởng học thuật của Trung Quốc cuối thế ky XIX, đầu thế kỷ XX. Trong ba tập truyện ngắn Gào thét, Bàng hoàng, và Cố sự tân biên có bốn truyện được dựng thành phim nhựa, đó là: AQ chính truyện, Thuốc, Chúc phúc và Thương thệ, đặc biệt là AQ chính truyện đã xây dựng được nhân vật điển hình bất hủ AQ. Nhà văn Pháp R. Roland từng nói: “Tác phẩm hiện thực này là của thế giới, hồi đại cách mạng Pháp cũng có AQ. Tôi không thể nào quên được bộ mặt khổ não của AQ”.

Những lời nhận định của Vương Sóc mang màu sắc của chủ nghĩa hậu hiện đại, mà chủ nghĩa hậu hiện đại là muốn hạ bệ thần thánh, phá bỏ sùng bái, chống lại quyền uy, lật đổ truyền thống, phản lại văn hóa. Phủ định mọi thứ là đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Hạt nhân hợp lý của nó là xô đổ thần thoại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản, mở rộng không gian tư duy nhân loại và mở rộng tầm mắt quan sát thực tế. Nhưng cái hạn chế lớn nhất của nó là tính phá hoại và coi nhẹ tính xây dựng. Dường như Vương Sóc chỉ tiếp thu cái sở đoản của chủ nghĩa hậu hiện đại mà vứt bỏ cái sở trường của chủ nghĩa hậu hiện đại. Vì thế, đối với Lỗ Tấn – xưa nay được coi là nhà văn hóa lớn của Trung Quốc – ông tỏ ra có chút bất kính và mong mọi người bỏ tệ sùng bái đi.

Phong trào “viết lại lịch sử văn học” là cuộc vận động lớn của Trung Quốc những năm cuối thế kỷ XX. Đối với những nhà văn lâu nay bị phê phán, phủ định như Hồ Thích, Chu Tác Nhân, Lâm Ngữ Đường, Thẩm Tòng Văn, Hồ Phong, v.v… đã được xem xét lại, không xổ toẹt tất cả như trước đây nữa. Còn những nhà văn xưa nay được ca ngợi đến tận mây xanh như Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Triệu Thụ Lý, Chu Lập Ba, v.v… cũng được đánh giá lại, đi gần tới chân lý hơn.

Mặc dù Lỗ Tấn ở vào “tâm bão” của việc đánh giá lại, tuy bị một số nhà văn trẻ không thừa nhận ảnh hưởng, nhưng người Trung Quốc nói chung, các nhà nghiên cứu nói riêng vẫn coi Lỗ Tấn là nhà văn lớn của họ. Năm 2005 ở Bắc Kinh, dưới sự chủ trì của nhà văn nổi tiếng Bạch Hoa, 25 nhà phê bình, nhà nghiên cứu cùng các giáo sư đại học khắp cả nước đã bình chọn ra “60 nhà văn Trung Quốc tiêu biểu của thế kỷ XX”, thì Lỗ Tấn vẫn được xếp đầu bảng.

Lỗ Tấn không những được đánh giá cao ở trong nước mà còn được nhiều nhà văn nước ngoài rất kính trọng. Ví dụ nhà văn Nhật Bản được giải thưởng Nobel văn học năm 1994 Oe Kenjamuro (Sinh năm 1935) từng nói: “Lỗ Tấn là một trong những nhà văn vĩ đại nhất châu Á. Truyện ngắn của ông là viên ngọc quý trong kho báu văn học của thế giới (xem Văn học nhân sinh của Trương Anh. Nxb Giáo dục Thượng Hải, 2005).

———————-

(1) Trích lại theo cuốn Lỗ Tấn phong ba của Trần Thấu Du Nxb Văn nghệ Đại chúng, 2001, trang 127.

(Nguồn: Văn nghệ số 7/2014)

Exit mobile version