Tháng 9, chính quyền Saint Petersburg đã khởi động các trang mạng xã hội của nhà thơ nổi tiếng Nga Nhikolai Gumilyev (1886-1921) và của đức cha nhà thờ Chính thống giáo Nga Joann Kronstadtski (1829-1908).

Đó là các blog với những phát biểu hoặc những câu thơ nổi tiếng trích từ tác phẩm hoặc phát biểu của các nhân vật nổi tiếng này.

Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội thể hiện mối quan tâm tới những nhân vật lịch sử hoặc văn học. Những nhân vật kiệt xuất của quá khứ thường xuyên “sống lại” trên Internet, không chỉ nhằm để tiêu khiển mà còn là trong khuôn khổ những dự án với những mục tiêu giáo dục.

Thí dụ năm 2009, Sara Romeyn – một giáo viên Mỹ ở bang Maryland – đã yêu cầu học sinh của mình thực hiện các bài tập môn lịch sử Mỹ không phải dưới dạng bài viết thông thường mà dưới dạng các trang Facebook. Học sinh sẽ chọn những nhân vật lịch sử thế kỷ 19, đăng ký tài khoản cho họ và nhân danh họ đứng trang một thời gian.

Điều kiện của bài tập: tất cả những comment hay các thông điệp post lên trang của họ phải là những thông tin lịch sử chính xác từng chi tiết, phản ánh đúng lịch sử, cuộc sống của nhân vật lựa chọn. Cuối học kỳ, mỗi học sinh sẽ trình bày bằng video nhân vật của mình trên Facebook, kể lại các trang đã được duy trì thế nào và đã nhận được những bình luận, phản hồi ra sao từ những người theo dõi.

Một công trình khác hồi sinh những nhân vật lịch sử trên mạng xã hội là tài khoản Twitter của quan chức hàng hải Vương quốc Anh Samuel Pepus (1633-1703), nổi tiếng với quyển nhật ký viết liên tục trong 10 năm, ghi lại hết không khí của thời đại và của cuộc sống cá nhân.

Người lập trang blog này là Phil Gyford, đã đưa lên Internet những trích đoạn nhật ký của Pepus từ thế kỷ 17, phát triển từ một công trình nghiên cứu quy mô về Pepus của Gyford trong sáu năm. Nhật ký của Pepus vốn đã nổi tiếng ở Anh từ trước khi có Internet, được xem là một trong những mô tả đời thường hay nhất về cuộc sống dân London thời Phục hưng.

Trên Twitter, người ta có thể nghe Pepus kể chuyện đã thử thứ nước trà của người Hoa thế nào, đã tổ chức thảo luận về sức mạnh quân sự của hạm đội Tây Ban Nha và Pháp, đồng thời than trời trách đất vì những “hạn chế của giác quan” (Pepus vốn thị lực kém, nhiều năm bị bệnh mắt và luôn lo sợ bị mù lòa).

Trong số những trang Twitter của các nhân vật lịch sử Nga, nổi tiếng nhất có thể kể trang của… sa hoàng Nikolai đệ nhị. Trang blog này chủ yếu được xây dựng trên những ghi chép của ông và không cho phép bất kỳ hư cấu nào. Từ khi trang Twitter này xuất hiện đến nay đã có khoảng 7.000 ghi chép, đi được tới giai đoạn năm 1913 trong cuộc đời vị sa hoàng này.

Không hay biết gì về cuộc cách mạng sục sôi sắp tới và cái chết của chính mình, sa hoàng Nikolai Alexandrovich đang thông tin cho 17.000 người hâm mộ về việc “chơi quần vợt”, “ăn trưa trên du thuyền” và “đọc to thành tiếng sau bữa trưa”.

Ngoài ra, những nhà văn nổi tiếng của văn học Nga cũng được yêu thích, đặc biệt là đại văn hào Lev Tolstoy và tác giả Tội ác và trừng phạt Fyodor Dostoyevsky. Trong bài viết đầu tiên được post lên vào tháng 2-2011, Dostoyevsky than phiền về sức khỏe không được tốt của mình và tình trạng tiếng Nga bị pha tạp.

Trang của đại văn hào Chiến tranh và hòa bình thì lý thú nhờ những chiêm nghiệm cuộc sống rất gần với thời hiện đại (các ghi chép về những sinh hoạt ngày thường của Lev Tolstoy được xen kẽ với những chiêm nghiệm về cuộc đời, như nhận định về những chỉ dấu của thời hiện đại cho đến thế nào là bản chất dân tộc của người Slavơ…).

Theo ghi nhận của các nhà quan sát, các trang xã hội của những danh nhân nổi tiếng không chỉ vì chính những danh nhân này, mà còn nhờ tài năng của người đứng trang hiện đại.

Twitterature

Năm 2009, Nhà xuất bản Penguin Books đã cho in quyển sách nhan đề Twitterature, kể lại những tác phẩm văn học lừng danh thế giới bằng ngôn ngữ của người sử dụng mạng Twitter. Bằng những câu, cụm từ ngắn (không quá 140 từ cho mỗi lần post như quy định của Twitter), 75 tác phẩm đã được kể lại, từ kiệt tác của Voltaire tới tiểu thuyết của Dan Brown.

Hai tác giả của quyển sách, Alexander Aciman và Emmett Rensin, sinh viên Đại học Chicago, đã hứng chịu không ít búa rìu dư luận vì việc “kể lại” tác phẩm này, được một người sử dụng Twitter đánh giá là “tiếng kêu của Shakespeare trên nấm mồ ông”!

(http://www.us.penguingroup.com/static/pages/features/twitterature.html)

MINH NHIÊN tổng hợp

Nguồn: tuoitre.vn