Nói các nhà văn không còn trẻ chỉ là muốn nói đến tuổi sinh học của họ. Có thể gọi thế với những văn nghệ sĩ sinh vào năm 50 thế kỉ XX trở về trước. Trong thế hệ ấy, một số người đã ra đi, tên tuổi và tác phẩm chỉ còn nằm trong hoài niệm của người yêu văn học. Họ và những người đang sống, tuy cuộc đời không cùng mẫu số nhưng đâu đó trong hành trình nghệ thuật đã gặp nhau. Đó là cuộc gặp gỡ không hẹn trước nhưng đúng quy luật. Dân gian thường nói “Một già một trẻ bằng nhau”. Kinh nghiệm đó không chỉ xuất phát từ sự tương đồng về “thể lí” mà còn có căn cơ từ tâm lí. Khi “lượng đời” chật lại, con người thường có xu hướng sống với kí ức, nhất là kí ức thuộc về những ngày rất xa. Kỉ niệm choán ngợp suy nghĩ, vì thế, tìm về tuổi thơ trở thành nhu cầu lớn của xúc cảm. Giống như niềm vui trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ May có đứa bé/ Còn ở trong hồn/ Cái nhìn xanh biếc/ Lung linh cội nguồn, họ đã cho ra mắt những tác phẩm viết về thuở bé dại, dù rằng với một số người, đó là lần đầu và cũng là cuối họ để lại cho đời một sáng tác văn học thiếu nhi. Với những người thời tuổi trẻ đã gắn bó với độc giả nhí như trường hợp Vũ Hùng, Nguyễn Nhật Ánh thì cách viết cũng có nhiều thay đổi.
Để trở về với nguồn cội ban sơ, các nhà văn tuổi “tri thiên mệnh” đã có những lựa chọn phù hợp cho đường đi của xúc cảm. Chủ yếu, đó là những thể loại thuộc loại hình tự sự, có khả năng chuyển tải chân thực và dài hơi tâm trạng cũng như chuỗi sự kiện. Di cảo của Lê Bầu là hồi kí Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa. Vũ Hùng từ nơi đất khách bồi hồi nhớ Song An thời dĩ vãng và xúc động viết Mái nhà xưa. Lạ lẫm cái tên Bình Ca với câu chuyện có dáng dấp tự truyện Quân khu Nam Đồng. Trần Đức Tiến cũng trở thành một nhân vật trong tác phẩm Trên đôi cánh chuồn chuồn của mình. Nguyễn Nhật Ánh bước hai chân trên hai ngưỡng thời gian để hiện thực hóa lời thỉnh cầu Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ… Với những hành trình trở về tuổi thơ ấy, các nhà văn chủ yếu viết bằng trí nhớ chân thành chứ không chạy theo những tưởng tượng phi logic. Thế nhưng không vì thế mà tác phẩm của họ trở nên cũ kĩ, thiếu sức mời gọi. Tiếp xúc với riêng tư kỉ niệm và thật thà nỗi niềm ấy, bạn đọc chính thức dấn thân vào cuộc rượt đuổi của cảm xúc. Một phần lí do là bởi người kể chuyện không hoàn toàn bị “tuổi thơ hóa” từ vô thức mà thi thoảng lại quay về đúng tuổi tác, thân phận hiện tại.
Buồn cười, đó là trạng thái tâm lí khó cưỡng khi đồng hành cùng kí ức nhà văn. Đi qua từng ngóc ngách hoài niệm, rộn lòng trước những trang viết quên tuổi, phút chốc hóa thành trẻ thơ, dung dăng dung dẻ cùng những bữa “chầu mồm”, những ngày ăn giỗ ở làng quê, những mối tình trẻ con, những trò nghịch dại… Bình Ca với giọng kể hài hước làm người đọc nhiều phen không nhịn được cười trước cái lớ ngớ của trẻ con khu gia binh trong buổi đầu yêu. Trong một đêm trăng, con trai khu Nam Đồng đã tập hợp lại nghe Khanh hướng dẫn bài học tình yêu đầu tiên: “Tình yêu bắt đầu từ lao động sản xuất. Lao động sản xuất của học sinh là học tập. Vì vậy cần tấn công vào những lĩnh vực liên quan đến học, ví dụ như hỏi bài, mượn vở… để làm thân”. Cả hội cũng thảo luận để phân chia các bạn gái như đế quốc phân chia thuộc địa. Tiếp đó là những bức tình thư viết hộ sến sẩm, mang đậm chất Tự lực văn đoàn; những tình huống dở khóc dở cười trong hành trình làm quen. Trần Đức Tiến thì nhắc lại “những tai nạn” thuở đầu đi học. Mùa khai trường nhằm mùa nước lụt, hai anh em phải cởi truồng đội quần, đội sách lên đầu để lội và kết quả là đỉa theo chân cậu học trò vào lớp, làm chữ cậu xiên xẹo, trang viết tập dây máu. Bài chính tả đầu tiên bị điểm bốn. Như một định mệnh, sự cố lại tiếp tục diễn ra vào đúng giờ chính tả khác. Chỉ vì buột mồm đay lại câu nói hỗn hào của đứa bạn nhằm ý cảnh cáo nó – “Thầy giáo đểu nhỉ” – mà cậu bị phạt đứng ngoài cửa lớp suốt buổi. “Khốn khổ cho tôi! Lúc cái thằng chết giẫm ấy nói không ai nghe. Còn tôi thì mọi người nghe rõ mồn một”. Cậu học trò nhỏ lúng túng, sợ hãi khi nghe tiếng thầy quát: “Đứng lên!”, “Đi ra ngoài!”. “Choáng! Thực sự choáng. Tôi không ngờ sự thể diễn ra như vậy. Lần đầu tiên bị phạt. Phạt nặng…”. Kí ức riêng của mỗi nhà văn đã chạm vào cái nghịch ngợm, hồn nhiên chung của tuổi thơ nhiều người. Ai đọc cũng phải nhỏn nhẻn cười và mắt thì cay vì thương và nhớ. Một số tác phẩm về tuổi thơ tiêu biểu của các nhà văn Ảnh: TL
Để trở về với nguồn cội ban sơ, các nhà văn tuổi “tri thiên mệnh” đã có những lựa chọn phù hợp cho đường đi của xúc cảm. Chủ yếu, đó là những thể loại thuộc loại hình tự sự, có khả năng chuyển tải chân thực và dài hơi tâm trạng cũng như chuỗi sự kiện. Di cảo của Lê Bầu là hồi kí Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa. Vũ Hùng từ nơi đất khách bồi hồi nhớ Song An thời dĩ vãng và xúc động viết Mái nhà xưa. Lạ lẫm cái tên Bình Ca với câu chuyện có dáng dấp tự truyện Quân khu Nam Đồng. Trần Đức Tiến cũng trở thành một nhân vật trong tác phẩm Trên đôi cánh chuồn chuồn của mình. Nguyễn Nhật Ánh bước hai chân trên hai ngưỡng thời gian để hiện thực hóa lời thỉnh cầu Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ… Với những hành trình trở về tuổi thơ ấy, các nhà văn chủ yếu viết bằng trí nhớ chân thành chứ không chạy theo những tưởng tượng phi logic. Thế nhưng không vì thế mà tác phẩm của họ trở nên cũ kĩ, thiếu sức mời gọi. Tiếp xúc với riêng tư kỉ niệm và thật thà nỗi niềm ấy, bạn đọc chính thức dấn thân vào cuộc rượt đuổi của cảm xúc. Một phần lí do là bởi người kể chuyện không hoàn toàn bị “tuổi thơ hóa” từ vô thức mà thi thoảng lại quay về đúng tuổi tác, thân phận hiện tại.
Buồn cười, đó là trạng thái tâm lí khó cưỡng khi đồng hành cùng kí ức nhà văn. Đi qua từng ngóc ngách hoài niệm, rộn lòng trước những trang viết quên tuổi, phút chốc hóa thành trẻ thơ, dung dăng dung dẻ cùng những bữa “chầu mồm”, những ngày ăn giỗ ở làng quê, những mối tình trẻ con, những trò nghịch dại… Bình Ca với giọng kể hài hước làm người đọc nhiều phen không nhịn được cười trước cái lớ ngớ của trẻ con khu gia binh trong buổi đầu yêu. Trong một đêm trăng, con trai khu Nam Đồng đã tập hợp lại nghe Khanh hướng dẫn bài học tình yêu đầu tiên: “Tình yêu bắt đầu từ lao động sản xuất. Lao động sản xuất của học sinh là học tập. Vì vậy cần tấn công vào những lĩnh vực liên quan đến học, ví dụ như hỏi bài, mượn vở… để làm thân”. Cả hội cũng thảo luận để phân chia các bạn gái như đế quốc phân chia thuộc địa. Tiếp đó là những bức tình thư viết hộ sến sẩm, mang đậm chất Tự lực văn đoàn; những tình huống dở khóc dở cười trong hành trình làm quen. Trần Đức Tiến thì nhắc lại “những tai nạn” thuở đầu đi học. Mùa khai trường nhằm mùa nước lụt, hai anh em phải cởi truồng đội quần, đội sách lên đầu để lội và kết quả là đỉa theo chân cậu học trò vào lớp, làm chữ cậu xiên xẹo, trang viết tập dây máu. Bài chính tả đầu tiên bị điểm bốn. Như một định mệnh, sự cố lại tiếp tục diễn ra vào đúng giờ chính tả khác. Chỉ vì buột mồm đay lại câu nói hỗn hào của đứa bạn nhằm ý cảnh cáo nó – “Thầy giáo đểu nhỉ” – mà cậu bị phạt đứng ngoài cửa lớp suốt buổi. “Khốn khổ cho tôi! Lúc cái thằng chết giẫm ấy nói không ai nghe. Còn tôi thì mọi người nghe rõ mồn một”. Cậu học trò nhỏ lúng túng, sợ hãi khi nghe tiếng thầy quát: “Đứng lên!”, “Đi ra ngoài!”. “Choáng! Thực sự choáng. Tôi không ngờ sự thể diễn ra như vậy. Lần đầu tiên bị phạt. Phạt nặng…”. Kí ức riêng của mỗi nhà văn đã chạm vào cái nghịch ngợm, hồn nhiên chung của tuổi thơ nhiều người. Ai đọc cũng phải nhỏn nhẻn cười và mắt thì cay vì thương và nhớ.
Các nhà văn, chắc họ cũng xốn xang khi kể những câu chuyện ấy. Sao khỏi đắng lòng, nghẹn lòng khi gặp lại những buồn vui của thuở cái nghèo nhất loạt tỏa bóng lên mọi trang đời. Ngày ấy, trẻ con làm bạn với những trò chơi bẩn thỉu, nguy hiểm như bới rác nhặt phim hoặc nút bia, chơi pháo đất, chơi xèng, chơi khăng…, những trò chơi hợp “túi tiền” con nhà nghèo, khi bố mẹ chúng phải chạy ăn từng bữa; chúng hạnh phúc đánh “thủng nồi trôi rế” những bữa ăn cải thiện với những thức ăn rẻ nhất ở chợ Đuổi là lòng lợn và phèo bò – thứ mà người bán có mang về nhà cũng chỉ đổ đi (Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa). Ngày ấy, “đi tỉnh” là giấc mơ xa lắc, người được đi háo hức suốt đêm không ngủ, chộn rộn nghĩ về món phở nóng kinh khủng mà người nhà quê chưa hề được nếm (Trên đôi cánh chuồn chuồn). Đề cập tới những mảng kí ức ấy, nhịp điệu của các tác phẩm đều chậm lại trong những ngậm ngùi gửi về ngày xa xanh. Thậm chí có lúc, nỗi nhớ quặn xoắn vì tuổi thơ bị cuốn vào cơn biến động thời đại. Tác phẩm Mái nhà xưa là dòng chảy lạ trong đời văn Vũ Hùng. Con người cặm cụi thâm canh với đề tài thiên nhiên, muông thú ở rừng lần đầu khai phá một vùng đất mới. Với lần đầu ấy, Vũ Hùng đớn đau thương nhớ ngôi nhà Song An, không gian bình yên và nên thơ một thuở đã tan hoang và hiu hắt buồn khi cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra. Nhà văn cũng bàng hoàng trước “cơn mơ dữ dội”, đất nước cải cách ruộng đất và người anh rể hiền lành của mình bỗng nhiên bị biến thành địa chủ cường hào gian ác. Có một sự đồng điệu giữa tâm trạng cậu bé Hoàng ngày phải rời xa Song An với tâm trạng nhà văn mấy chục năm sau trên đất Pháp. “Biết bao giờ trở về, mà biết còn sống để trở về nữa không, phải quay lại nhìn Song An lần cuối”.
Có phải những nhà văn ở “bên kia dốc của cuộc đời” thường thừa dũng khí vượt khỏi khuôn phép của văn chương, xã hội để đối thoại lại với quá khứ? Hay là trong sâu thẳm tâm hồn họ, đứa bé con mang phẩm tính của nhân vật nhí trong truyện Bộ quần áo mới của hoàng đế(Andersen) vẫn đang hiện hữu? Nhiều câu chuyện văn chương của họ vì những giả thiết đó mà trở nên dạn dĩ và có phần mạnh bạo. Những góc khuất trong cuộc đời nhà văn lần đầu được giãi bày. Lê Bầu xót xa vì thằng Bầu ngày bé vốn rất cảnh giác với những chuyện “vu oan giáng họa” nhưng khi lớn lên lại bị vu oan nhiều đến thế, vì bản thân mình một đời không tham gia đấu đá, tranh giành địa vị ở cơ quan lại “chết dở” vì cái tội không có lập trường giai cấp. Bình Ca thì viết Quân khu Nam Đồng và tác phẩm tự mình đứng riêng một vị trí. Bạn đọc văn học thiếu nhi lâu năm hẳn sẽ bị sốc vì chưa bao giờ gặp một tập thể trẻ con nổi loạn và quậy phá đến như thế. Sẵn mang tố chất con nhà lính, những đứa trẻ vốn trong sáng, nhiều tình cảm, nặng tính cộng đồng trở nên mạnh mẽ và có phần ngang tàng. Trên khuôn mặt chúng không chỉ có nụ cười mà còn có những vết bầm tím và máu. Thoát ra từ miệng chúng không chỉ là những lời yêu thương hồn nhiên mà còn là những lời xấc xược, thô lỗ. Không ít đứa phải lưu ban hoặc làm bạn cùng nhà tù. Tác giả cắt nghĩa hiện tượng đó từ những vấn đề vĩ mô của thời đại. Đó là câu chuyện tự nhiên của “một xã hội mệt mỏi và thiếu thốn vì chiến tranh kéo dài”. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, các ông bố quân nhân khoán trọn việc chăm con cho vợ, trong khi các bà vợ lại bù đầu với hàng trăm công việc nhằm khắc phục sự nghèo khó của chế độ tem phiếu thời bao cấp. Việc giáo dục trẻ vì thế được phụ huynh phó mặc cho nhà trường và cho chính trẻ. Gần như là những cây cỏ dại, những đứa trẻ tự nhiên mà lớn, và theo bản năng tự vệ cộng với nghĩa khí con nhà lính, chúng đã tự phát hình thành những lực lượng đối địch với các băng nhóm cướp giật, trấn lột ở Hà Nội thời đó. Bình Ca đã khôn ngoan mượn sự đối thoại về quan điểm của trẻ con khu gia binh để bày tỏ thái độ của mình với các vấn đề cuộc sống. Chẳng hạn như việc xếp hàng lấy nước của Tư lệnh Sư đoàn 308 Nguyễn Hữu An. Cậu bé Minh thương Tư lệnh xếp hàng hai tiếng đồng hồ mà chưa lấy được nước nên cho rằng phải ưu tiên chú, vì chú là Tư lệnh trẻ nhất khu và mỗi tháng chỉ được về nhà một lần. Nhưng Đính thì khăng khăng lí lẽ: “Tướng giỏi thì xếp hàng cũng phải giỏi”. Những đứa trẻ trong Quân khu Nam Đồng chắc chắn không phải là hình mẫu lí tưởng cho trẻ em ngày nay dù rằng trong quá khứ chúng từng là sự ngưỡng mộ của các bạn gái trong và ngoài quân khu. Với độ lùi thời gian, Bình Ca đã soi chiếu, nhận thức lại quá khứ bằng cái nhìn điềm tĩnh, thẳng thắn, giúp người đọc hiểu về tuổi thơ của những cư dân trẻ trong khu tập thể Nam Đồng những năm 50, 60 thế kỉ trước.
Cũng với độ lùi thời gian, tố chất của một triết gia dần hình thành trong mỗi nhà văn. Không nhìn đời giản đơn, một chiều, họ bắt tay “giải phẫu” cuộc sống, lật trở hiện thực và đúc kết từ vỉa đời nhiều triết lí nhân sinh. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhiều lần làm người lớn nhột nhạt vì những lí lẽ như “Nhiều người lớn có khuynh hướng coi trọng sự ngay ngắn của quần áo hơn là sự ngay ngắn của tư cách. Bởi quần áo luộm thuộm dễ dàng bị người khác phát hiện còn sự luộm thuộm của tư cách là cái gì đó khó phát hiện hơn và khi bị phát hiện thì lại có vô số lí do để bào chữa” (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), “Xưa nay chiến tranh nổ ra cũng chỉ vì miếng ăn. Mặc dù người ta luôn tìm cách che lấp đi bằng những điều cao cả”, “Khi bạn quá tin cậy hoặc sùng bái một ai, chắc chắn bạn không bao giờ đề phòng, thậm chí nghi ngờ. Và đôi khi bạn chết vì niềm tin ngây thơ của bạn” (Tôi là Bêtô)… Khi nhà văn này ở tuổi thanh niên, ta không bắt gặp giọng điệu ấy. Cái sự trẻ tuổi thường đi với trẻ lòng nên Nguyễn Nhật Ánh ngày trước trong trẻo và giản đơn hơn bây giờ. Điều đó khẳng định rằng, gập ghềnh đường đời, rộng lớn đường đi của các nhà văn là nguồn cội và cũng là sự kiểm nghiệm đầu tiên nhưng chính xác về chân lí của những triết lí ấy. Điều thú vị hơn là từ chính vốn sống của mình, họ đã tạo ra trong tác phẩm những cuốn từ điển mini mang ý nghĩa giáo dục học, xã hội học. Đầu tiên là cuốn từ điển ĐỜI XƯA – ĐỜI NAY. Ở trang phụ bìa cuốn Trên đôi cánh chuồn chuồn, Trần Đức Tiến viết: “Bạn sẽ “lãi” gấp đôi khi đọc cuốn sách: vừa có thêm bạn mới, vừa được du lịch qua một miền đất tưởng quen thuộc mà hóa ra chưa bao giờ hết lạ lùng”. Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa của Lê Bầu cùng chung ý nghĩa đó. Cả hai tác phẩm này đã trở thành nơi lưu giữ cảnh trí, sinh hoạt, trò chơi, ngôn ngữ… của một thời đã xa. Hồi kí của Lê Bầu thậm chí còn giải thích những mánh khóe lừa đảo mang tính chất “bình cũ rượu mới” trong đời sống Hà Nội hiện đại như một sự tân trang lại những cái đã tồn tại ở Hà Nội thời phong kiến – thực dân. Riêng Nguyễn Nhật Ánh, trên chuyến tàu về tuổi thơ để “gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn”, đã tạo ra cuốn từ điển TRẺ CON – NGƯỜI LỚN. Vì những người đã từng là trẻ em lại quên mất gương mặt tâm hồn ấu thơ của mình nên nhà văn làm điều đó để hóa giải khoảng cách giữa hai thế hệ. Trẻ đặt lại tên cho thế giới (thằng cu Mùi – thầy hiệu trưởng, cái bàn ủi – con Vện…) để thế giới mới mẻ hơn như được sinh ra lần đầu, người lớn thì đánh tráo khái niệm để “đẩy vô chỗ mù mờ những gì đang vô cùng sáng rõ (hối lộ – tặng quà trên mức tình cảm, tham ô – thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng…). Trẻ hào hứng với trò chơi thay đổi chức năng của các vật dụng (ăn cơm trong thau) giống như người lớn thích tỏ tình ngoài đồng cỏ hơn là ở quảng trường hay chợ búa. Người lớn đánh giá sự vật hiện tượng bằng chức năng trong khi trẻ con nhìn mọi thứ bằng óc tưởng tượng… Những đối chiếu cặp đôi như thế không thể có được nếu trải nghiệm cuộc sống của nhà văn mỏng mảnh và ngắn ngủi.
Con người không ai muốn đối diện với tuổi già. Nếu có phép màu trong đời, họ vẫn muốn “cưỡng bức” thời gian để sống mãi tuổi hoa niên, xuân xanh đẹp đẽ. Ích kỉ chăng khi tôi lại muốn có nhiều hơn những nhà văn già? Thiết nghĩ, chỉ có cuộc trở về của những người không còn trẻ ấy chúng ta mới có những hồi ức chân thành, những trang viết phóng khoáng, những bản lĩnh vững vàng có khả năng bóc tách từng mảng hiện thực lớn…
T.T – Văn Nghệ Quân Đội