Giới thiệu sách, toạ đàm, hội thảo văn chương lâu nay ở ta thường có xu hướng khen là chủ yếu, nhưng tại buổi giới thiệu hai cuốn sách mới nhất của Nguyễn Văn Thọ chiều 27/3 tại Hà Nội không ít lần nhà văn bị “chê” bởi đồng nghiệp, độc giả. Thiết nghĩ không cần bình luận nhiều, chỉ cần ghi lại vài phát biểu đáng lưu ý cũng đủ thấy sự thẳng thắn và mở ra một không khí mới trong đối thoại văn chương hiện nay.
Nhà văn Di Li đọc câu hỏi chung đầu tiên mà nhiều người muốn hỏi: Tại sao nhà văn lại công bố cuốn sách Vợ cũ trong một hoàn cảnh nhạy cảm là khi mình đang có vợ mới?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi phải sòng phẳng nói với các bạn thế này, trước hết tôi luôn tin ở cái tâm của mình. Khi nghĩ, viết và không giấu về vợ cũ thì chính người vợ mới của tôi xúc động, thích đọc và thấy được sự tử tế của tôi. Và rõ ràng người đàn bà cũng muốn đi tìm một người đàn ông tử tế. Khi mà chúng tôi đã trở thành vợ chồng thì chính cô ấy bảo tôi dẫn đến gặp vợ cũ. Theo tôi thì thông lệ có thể như thế nhưng nếu khi ta làm bằng cả trái tim chân thật thì cả người cũ và mới sẽ hiểu được tấm lòng của tôi.
Nhà văn Đỗ Bích Thuý: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ có 3 mảng đề tài: là chiến tranh, Hà Nội và người Việt hải ngoại thì cả ba đều rất thành công. Không phải ở tác phẩm nào xuất hiện nó cũng tách bạch đề tài mà có nhiều cái đan xen cả 3 đề tài đó. Tôi cho rằng, sự thành công của Nguyễn Văn Thọ đã được chắt lọc từ việc phải hi sinh rất nhiều, trả giá rất nhiều trong cuộc sống quá khốc liệt đối với những năm tuổi trẻ, những năm quý giá nhất của đời người.
Tôi muốn nói về cuốn tạp văn Vợ cũ. Trong cuốn này có những tác phẩm mang tính báo chí nhiều hơn văn chương, nó ngồn ngột thông tin. Khi viết về vợ cũ, về cây khế, về người tình của cha tôi… thì đều thể hiện một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và sự cảm nhận vô cùng phong phú của nhà văn.
Tôi rất tiếc, tôi nói thật là khi cuốn sách đến tay tôi thì nó đã hoàn thành, có những cái lẽ ra anh có thể đưa vào trong tập này, rất nhiều những ghi chép chỉ 200 – 300 chữ anh viết trên facebook đặc biệt hay. Anh viết trong một trạng thái mà tôi nói đùa là như lên đồng và gõ sai chính tả be bét. Nếu anh hoàn thiện và đưa vào tập sách này thì chắc chắn bạn đọc sẽ thích và có sức nặng rất nhiều.
Tôi cũng thấy hơi tiếc một chút cho cuốn này về sự trình bày, cái bìa bắt mắt… nhưng hình ảnh này đi kèm với cái tít Vợ cũ với một chiều sâu đặc biệt tâm trạng, giàu tình cảm để người phụ nữ ấy hiện lên thật đẹp làm cho bao nhiêu người phải ngưỡng mộ thì cái bìa này hơi bị lệch tông. Nhưng có lẽ đây là sự tính toán của nhà sách, muốn một cái bìa bắt mắt để làm sao kể cả các bạn trẻ cũng đọc được.
Tôi cho rằng Nguyễn Văn Thọ sẽ còn đi rất dài trong văn chương và có những cuốn sách nặng ký hơn nữa. Tôi biết anh là người cực kỳ kỹ lưỡng, hết sức cẩn thận và rất có trách nhiệm với từng câu chữ mình viết ra. Tôi vừa là độc giả, vừa là người biên tập nên đôi khi chúng tôi cũng có những tranh luận, sự quyết liệt của chúng tôi đôi khi va nhau. Nhưng vấn đề cuối cùng là hướng sự hoàn thiện tác phẩm. Nguyễn Văn Thọ luôn luôn ý thức một tác phẩm mà mình đã viết ra thì cái đó phải đạt đến sự hoàn thiện.
Tất nhiên không phải lúc nào cũng được như mong muốn. Tôi nói thật với anh Thọ là cũng có những cái chúng ta có thể chỉnh sửa chỗ này một chút, sửa chỗ kia một tí. Dù sao thì với tư cách một bạn đọc thì tôi cũng hài lòng với hai cuốn sách. Tôi hi vọng trong thời gian tới, những cuốn sách của anh sẽ gây ấn tượng nhiều hơn nữa, đặc biệt là mảng anh đã rất thành công và gần như là cây bút độc quyền, đấy là mảng người Việt hải ngoại. Rất mong anh sẽ có những cuốn sách nặng ký về đề tài đó.
Độc giả Lê Minh Đạt: Một bài thơ viết trên facebook có những câu: Vô tình anh đặt môi đúng vào vệt son trên tách/ vệt son hình trái tim còn mọng dấu/ anh nuốt cả hương trà, nuốt cả hương môi…/ chầm chậm/ quanh bàn trà mọi người đều biết em rời gót/ riêng anh thấy em còn. Xin được hỏi nhà văn có bao nhiêu chiếc tách có vệt son như thế rồi?
Nguyễn Văn Thọ: Có khi có những cái bất gặp đi qua cũng có thể làm thơ tình nhưng không phải là yêu. Ở đây có những người như Hồng Thu chẳng hạn, sau 8 năm gặp lại thì tôi có tặng ngay bài thơ tôi viết như một lá thư tình. Nhưng đây không phải tình yêu mà là tình cảm rất chân thành như lòng yêu cái đẹp.
Bài thơ bạn vừa nhắc là một ngẫu hứng. Một bạn người Nghệ Tĩnh, bạn đã đọc tôi lâu rồi. Hôm đấy bất ngờ gặp lại bạn ở báo Văn nghệ, bạn ấy vô tình đặt môi trên cái tách. Sau đó nhà thơ Vũ Long lại mời tôi đúng cái tách của bạn ấy, tất nhiên vệt son vẫn còn. Khi tôi đặt cái tách lên môi mình tôi nhận ra mùi son môi của người đàn bà ấy và lập tức tôi viết 4 câu thơ trên facebook. Đó là tình yêu cái đẹp chứ không phải tình yêu nam nữ.
Tôi lấy ba lần vợ. Người vợ đầu không có bài thơ nào mà chỉ có những lá thư. Vì lúc đó ở lính chỉ viết thư để giãi bày. Người vợ thứ 2 thì gần 20 năm tôi tặng hai bài thơ. Riêng người vợ thứ 3 thì tôi có khoảng hơn trăm bài thơ để tặng. Có thể nói, nếu giờ tập hợp tất cả các bài thơ ấy lại thì in thành tập thơ tình dày dặn.
Đặng Thiều Quang: Anh Thọ có đặc điểm tôi rất quý đấy là bộc trực, nói thẳng vấn đề. Văn của anh Thọ tôi cảm giác như những viên đạn bay thẳng tới đích. Tôi muốn hỏi, lối hành văn của anh nó đã định hình và là thế mạnh của anh, nhưng biết đâu nó sẽ rơi vào sự lặp lại. Liệu anh có tìm thay đổi cách viết khác không?
Nguyễn Văn Thọ: Thực ra ở từng đề tài tôi tìm một ngôn ngữ riêng. Nếu như ở cõi mong manh, mênh mông và nên thơ thì tôi giọng dịu dàng như Đại tá về hưu. Nếu bạn nào coi Đại tá về hưu thì thấy nó như một lá thư nhưng cũng có thể coi đấy là một bài thơ văn xuôi. Tôi quan niệm, chính cái đặc tính của từng nhà văn trong từng cách thể hiện thì nó đẻ ra phong cách. Nhưng cái giọng văn cũng là một. Cái nữa là phải sử dụng chi tiết để tạo nên phong cách. Tất cả các truyện ngắn của tôi từ cái êm dịu đến cái bạo liệt đều ngồn ngột chi tiết. Và sự êm dịu hay bạo liệt thì nó phụ thuộc vào câu chuyện cần phải thể hiện.
Độc giả: Nhà văn làm thế nào để điều tiết sự đối lập giữa dịu dàng, bạo liệt… mà tác phẩm vừa hấp dẫn vừa để lại dấu ấn tác giả trong lòng người đọc?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Khi tôi mới viết văn thì tác phẩm đầu tay được in trên báo Văn nghệ tôi thích lắm, tôi hãnh diện lắm. Những năm 80 mà được in chung với các nhà văn như Vũ Tú Nam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải thì oai lắm, đi đâu cũng có thể hãnh diện. Nhưng thực ra những ngày đầu ấy tay nghề rất mỏng, mình chưa biết gì nhiều, chỉ là bản năng thôi.
Có lần đi đến đồng muối 7, 8 ngày với một hiện thực rất dữ dội ở trên đồng muối làm tôi rất xúc động. Các bạn thử tưởng tượng một mùa hè mà 7 người chết khát trên đồng muối. Tôi về viết truyện ngắn Muối mặn. Viết xong đưa cho Bế Kiến Quốc đọc. Đọc xong Bế Kiến Quốc vứt, bảo “vứt đi, nhiều tình huống giả”. Lúc đó tôi rất giận. Tôi nhìn thấy tất cả những cái này tại sao lại nói là giả. Rồi tôi tự ái. Bế Kiến Quốc bảo tôi về nghĩ kỹ đi, văn chương không phải như thế này. Tôi buồn vô cùng và cuốn tập giấy đi về.
Sau đó tôi đọc đi đọc lại và thấy mình nhầm thật.
Văn xuôi khác thơ. Khi cảm xúc bất chợt thì câu thơ như ở không khí mình phải với tay hái lấy, giữ nó lại. Nhưng với văn xuôi thì không làm được như thế. Văn xuôi phải để cho nó trầm lắng xuống thì mới tái tạo được sự thật, thậm chí là bịa như thật. Tôi viết văn xuôi vào lúc tôi tỉnh táo nhất là 3 giờ sáng.
Nhà văn Bùi Việt Thắng: Trước khi tôi đến dự buổi ra mắt sách thì vợ tôi có hỏi đi đâu, tôi bảo đi ra mắt sách Nguyễn Văn Thọ. Vợ hỏi lần này có ra tiểu thuyết không, có hay bằng Quyên không? Tôi cũng chưa biết nhưng hình như không phải là tiểu thuyết mà là một tập truyện ngắn và một ký. Vợ tôi bảo không có tiểu thuyết à. Không hiểu sao người đọc bình thường như vợ tôi lại thích đọc tiểu thuyết? Nhà văn Di Li và nhà văn Nguyễn Văn Thọ có giải thích được không?
Tôi rất tâm đắc với nhận xét của anh Đặng Thiều Quang là giọng văn của Nguyễn Văn Thọ như những viên đạn, khác hẳn với văn Đặng Thiều Quang. Tôi đọc Chờ tuyết rơi của Đặng Thiều Quang thì cứ đi lòng vòng lòng vòng, lảng tảng lảng tảng nhưng mà cuối cùng cả hai cũng tới đích.
Tôi ở trong nhà trường nên rất “bế quan toả cảng”. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi chúng tôi là bọn “Trường phiệt”, “chúng mày là trường phiệt biết cái gì ra đây mà hóng hớt”, vì tôi thỉnh thoảng có tham gia một vài hoạt động văn chương ngoài nhà trường. Cơ duyên quen với Nguyễn Văn Thọ cũng là một may mắn. Tôi theo dõi nhiều tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ, tôi thấy dù viết thế nào, giọng nào cũng thế, truyện nào cũng thế thì anh Thọ cũng viết đến tận cùng sự chân thành. Tôi thích điểm này. Trong các bậc tiềm bối văn chương ở ta thì đấy là một đặc tính của Nam Cao. Nam Cao viết gì cũng viết đến tận cùng của sự chân thành.
Nhà giáo Nguyễn Hoàng Ánh: Thành thật tôi không đọc tác phẩm văn học Việt Nam nhiều lắm. Tôi quen Nguyễn Văn Thọ trên facebook. Tính tôi cũng thẳng và hay tham gia những chủ đề, diễn đàn với anh và không ít lần cãi nhau tơi bời khói lửa. Tôi là một giáo viên và tôi không thích người viết sai chính tả. Anh Thọ là người viết sai chính tả khủng khiếp. Tôi có bảo thì anh bảo đang vội, đợi sửa chính tả thì mất hứng.
Sau vài lần tranh luận với anh thì tôi mến anh.
Sỡ dĩ tôi đọc Quyên là tôi đi Đức, tôi chỉ có mỗi một quyển sách đọc trên đường đi là Quyên. Trong suốt chuyến đi tôi đã đọc quyển sách đó đến mức không thèm nói năng gì với chồng. Sau nhiều năm, đây là một cuốn sách tôi đọc hết lòng. Tôi là người sống lâu ở nước ngoài và tôi biết những chuyện anh viết trong cuốn sách là những điều rất thật. Rất nhiều người không dám đi sâu vào thế, hoặc qua rồi không dám kể lại, thì anh dám kể lại. Có rất nhiều người đi qua rồi không có dám kể lại mình từng có lúc làm những việc này việc kia.
Là phụ nữ tôi cũng quý anh Thọ ở chỗ thái độ trân trọng của anh. Nói thật, trong các văn sĩ Việt Nam số người trân trọng phụ nữ không nhiều. Mặc dù anh có mắng mỏ phụ nữ nhưng vẫn trân trọng.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi có rất nhiều người trước khi là bạn và khi là bạn có những cuộc “mắng mỏ” ghê gớm. Nhưng từ chỗ cãi nhau, hiểu nhau hơn, là bạn của nhau. Ứng xử của người Việt đối với tất cả mối quan hệ xung quanh mình phải có thái độ văn hoá, trí thức và có tấm lòng chân thành của con người.
Nguồn: Vanhocquenha