Trường ca “Khát vọng biển” của nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên (NXB Hội nhà văn, năm 2013) kết hợp khá nhuần nhuyễn yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình, chắc tay cả về nội dung tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật với cảm hứng mạnh mẽ, tự nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo quê hương gắn liền với những biến động lịch sử của dân tộc và tâm tư của bao người trong suốt quá trình dựng nước và bảo vệ đất nước.

Trường ca gồm 7 chương: “Cùng cây bút”, “Lời ru đất nước”, “Truyền thuyết biển”, “Chủ quyền”, “Tượng đài quyết tử trên biển”, “Trường Sa hôm nay” “Khát vọng và ngôn ngữ biển”. Mỗi chương như những mạch nguồn trong mát nhẹ nhàng chảy từ quá khứ oai hùng của dân tộc thấm dần vào lòng người đọc để rồi dâng lên thành ngọn sóng khát vọng trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho muôn đời sau.


Bìa sách

Tác giả nói với: “Cùng cây bút” mà nội hàm ẩn chứa bao điều: “Chiến tranh đã lùi xa/ Độc lập, tự do đã trở về dân tộc tôi/ Ba mươi bảy năm có lẻ/ Hơn ba mươi vạn cây số vuông/ đang nhịp đập sinh sôi/ ngày đêm hối hả/ Hơn một triệu cây số vuông và ba ngàn ngọn đảo/ Đang tưng bừng rộn rã các ngư trường”. Lịch sử được tái hiện một cách bình dị, dễ hiểu và dễ cảm: “Đất nước phải có tên/ Phải trọn vẹn chủ quyền/ Bởi “Độc lập tự do” là thiêng liêng hơn tất cả”. Chúng ta đồng tình cùng tác giả bởi “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, mất đi điều cao quí thiêng liêng ấy ắt nước mất, nhà tan. Đất nước “phải trọn vẹn chủ quyền”, trong khi: “Ba mươi bảy năm niềm vui tràn mắt Mẹ/ mà bão giông còn cuộn phía bờ Cha/ Những tuổi hai mươi thân vùi đáy sóng/ Nghĩa trang chìm trong nước mắt biển chan hòa…”. Mỗi người có quan niệm khác nhau về tài nguyên biển đảo, với nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên: “Đã là sở hữu của mẹ cha/ Một tấc đất cũng không rời/… Đã là tài sản Ông Cha/ Phải quyết giữ muôn đời”. Đó không chỉ là cách nghĩ của tác giả mà hơn thế đó là chân lý. Câu thơ khiến người đọc nhớ đến lời của vua Trần Nhân Tông răn đe quần thần: “Một tấc đất của tiền nhân nếu để mất đi,cũng bị tru di tam tộc!”. Ý thức công dân trước cương vực của dân tộc được kế thừa và phát huy. Mỗi người đóng góp theo khả năng, sở trường của mình cho đất nước, với tác giả: “Vũ khí của tôi là cây bút, trang thơ/ Với Tổ quốc ngàn năm phận người là cát bụi/ Trước đại dương tôi bé nhỏ đến… sững sờ”. Đáng quí thay, khi con người nhận ra trách nhiệm của mình và dù ở cương vị nào, lập nên công trạng đến bao nhiêu, trước Tổ quốc, trước nhân dân mãi là bé nhỏ. Những câu thơ: “Biết viết gì nói gì hỡi bút/ Bút có cùng hành trang với ta không..? và “Viết thế nào cho xứng với biển đây!/ tôi phải viết gì để tạ Anh Linh bao người đã hóa hình hài/ thành hồn biển/ xưa/ nay..!” đầy day dứt, ám ảnh. Tác giả nói với mình mà như một phương châm sống: “Bút hãy cùng ta làm đòn bẩy cho thơ/ Mà điểm tựa là bao đời ông cha ta đã sống/ Là thế hệ mồ hôi lăn tròn trên cát bỏng/ Là nối đời vọng phu hóa đá trước biển khơi/ … Trộn đất Mẹ phì nhiêu, nước biển Cha mặn mòi/ làm hồn cốt/ Và điểm tựa sau cùng/ điểm tựa sau cùng là lời ru Đất Nước/ thổn thức/ mang mang/ trong điệp khúc trống đồng”. Ý thức công dân, ý thức của người cầm bút thật trong sáng và cao đẹp có được khi kế thừa và phát huy được tinh hoa văn hóa của dân tộc, nhịp thơ ngắn, dồn dập như thôi thúc con cháu tiếp bước tiền nhân.

Từ khởi nguồn sáng tạo ấy, tác giả đưa người đọc đến với “Lời ru đất nước”: “Lời ru thăm thẳm cõi người/ ru tròn quả phúc/ ru trời đất say… / Đất nước có tên sau lời ru của mẹ”. Người Việt Nam ta tự ngàn xưa như thế đấy: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” – (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy). Hình ảnh người mẹ Việt Nam “tần tảo bao đời vắt đất thành giọt sữa” và người cha “đạp núi băng ngàn/ xuôi sông về cuối biển/ uốn lưỡi gươm thiêng theo thế núi hình sông”, để rồi: “Đất nước!/ Có tên từ trong nhịp trống đồng/ từ đêm dài Mẹ Âu Cơ “nhất bào bách ngọc” sao mà cao quí và thiêng liêng đến thế. Những người con sinh ra và lớn lên trong nghĩa đồng bào, thấm đượm lời ru của Mẹ, nhân ái, cần cù và dũng cảm nhận thức rất rõ: “Đất nước! Là của anh/ là của tôi/ của những đứa trẻ còn nằm trong nôi…” và thật bất ngờ khi tác giả nói về đất nước: “Rất giản đơn chỉ hai từ ghép chung/ mà là máu, là mồ hôi/ là lời ru/ với trí tuệ khát vọng bao đời/ để thành Đất nước”. Đằng sau những hình ảnh dung dị ấy là bao điều lớn lao và sâu sắc, không hề khuôn sáo. Con người ta chỉ yêu nước và biết hy sinh vì nước khi hiểu được đất nước bắt đầu từ những gì nhỏ bé, thân yêu nhất.

Chương: “Truyền thuyết biển” dẫn người đọc trở lại buổi hoang sơ khi: “Lịch sử Đất Nước tôi chưa vuông nếp thành pho”, “dân tộc tôi mộc mạc dịu hiền như câu Ghẹo câu Xoan/ bất diệt!/ như nhịp Cồng Chiêng/ như điệu Ca Trù/ như khúc Quan Họ nồng nàn da diết tựa lời ru”. Văn hóa dân tộc từng bước hình thành và hoàn thiện, phát triển thấm vào hồn mỗi người làm nên cốt cách dân tộc Việt. Nhất là từ xưa dân tộc ta đã có những “Tiên Dung, Chử Đồng Tử… /Có nhân vật ly kỳ Mai An Tiêm…/ Một nửa nhân dân tôi sinh ra lớn lên/ nối kiếp/ truyền đời/ sống chết cùng với biển”. Có thể nói “Truyền thuyết biển” như những thước phim tái hiện quá khứ oai hùng của dân tộc, khẳng định chủ quyền đã có tự ngàn xưa.

Chương “Chủ quyền” được tiếp nối một cách logic. Tác giả đưa người đọc đến với vùng quê “nơi mẹ chôn núm nhau của tôi” trong bối cảnh “vừa cắt rốn giặc ùa vào càn quét” đâu có phải để nói về cái tôi, mà hoàn cảnh đất nước ta lúc đó như vậy. Âm thanh “trong ngách tăng xê hồn nhiên tôi bật khóc” một cách tự nhiên như qui luật của sự sống không thế lực nào có thể bóp nghẹt được. “Chủ quyền” đầu tiên mà tác giả gửi đến người đọc là quyền được sống, được làm người. Và đứa trẻ khi hồn nhiên hỏi mẹ: “Năm mươi người con lên rừng/ tròn năm mươi xuống biển/ vậy nhà ta ở lối nào?”, sau khi được mẹ trả lời đã ngộ ra chân lý: “Nhưng ở đây cũng non sông nước Việt/ bất cứ ai ai/ cũng nòi giống Tiên Rồng”. Cội nguồn dân tộc thấm vào hồn đứa trẻ, nâng ước mơ bay cao, bay xa: “Mẹ thủ thỉ đêm đêm/ tôi thiêm thiếp mơ màng/ rồi chập chờn… mơ mọc cánh…”. Khi ra biển cùng suất đội, ta bắp gặp “ngôi miếu chủ quyền có tự ngàn xưa/ …/ xác lập chủ quyền cho muôn đời con cháu/ rằng: Hoàng Sa, Trường Sa là Tổ quốc Việt Nam”. Cuộc “gặp gỡ” giữa tác giả còn là một đứa bé với các âm binh suất đội xưa ra giữ Hoàng Sa và Trường Sa thật cảm động. Ta như thấy sự giao hòa của hai cõi âm dương và linh hồn của những bậc tiền nhân luôn bên chúng ta ngày đêm canh giữ biển trời, khát vọng cao cả ấy theo cậu bé vào cả giấc mơ nhưng rất thực: “Tôi ú… ớ gọi ông/ mẹ đã sát bên giường/ có lẽ tôi mơ/ mà hình như là thực/ vẫn đồng vọng/ biển đảo là Tổ quốc/ là thịt, là xương, là máu của bao đời”. Khát vọng giữ toàn vẹn chủ quyền biển đảo truyền từ đời này sang đời khác, cả trong những giấc mơ con trẻ!

Không phải tự nhiên mà tác giả dành chương 5 để nói về: “Tượng đài quyết tử trên biển” bởi “khi nền tảng của sự tồn, vong/ không còn được tôn thờ/ khi lịch sử bị sới, cày bằng bom đạn/ … / Khi chân lý bị đảo xoay/ mà công lý chưa về…”. Những vấn đề nhạy cảm của đất nước được tác giả diễn đạt một cách sâu sắc, gợi bao điều về lương tri, ý thức trách nhiệm của mỗi người. Song đấy cũng là lúc: “Chính các anh/ những phiến đá chở che/ là chứng tích/ là những dòng đầu trang sử mới…”. Những người con của Mẹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, những câu thơ như lửa cháy: “Biển lại động thêm một lần giông bão/ Sóng thét gào tung bọt trắng Trường Sa/ biển lại động, sóng dâng thềm lục địa/ biển gầm rung ngầu đỏ Trường Sa…”. Tác giả dùng hình ảnh “máu” nhiều lần trong chương này như một biểu tượng của sự hy sinh to lớn của bao người con dũng cảm từ xưa đến nay bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc: “Đêm thao thức tôi lật mình trăn trở/ vội vã lần, bật cuốn sử cha ông/ từng trang…/ từng trang…/ là máu”, “Máu in đậm trong sắc cờ Tổ quốc”, “Chỉ danh từ giản đơn/ sao máu lại thiêng liêng?!”. Rồi: “Máu ru em thơ”, “Máu tạ lỗi mẹ già”, “Máu an ủi vỗ về em”, “Máu thấm đẫm đường cày cho bông mẩy hạt sây”, “Máu thắm đại dương/ cho sóng yên biển lặng”, “Hãy lấy máu ta tô thắm sắc cờ”. Và : “Giữa biển Trường Sa các anh là Tượng Đài Quyết Tử”. Khi viết về cảm hứng trữ tình thế sự, người viết non tay dễ mắc vào việc hô hào, gào thét mà thiếu đi chất thơ, với nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên, anh tỏ ra chắc tay trong lĩnh vực này, bởi vậy người đọc bị cuốn hút vào chất thơ và những thông điệp anh gửi gắm thấm vào lòng người một cách tự nhiên, bám rễ trong lòng người đọc.

Trong chương: “Trường Sa hôm nay” tác giả trăn trở trong bối cảnh mọi người hối hả trong cuộc mưu sinh, cơn bão số 5 của năm 2013 gây ra bao tổn thất trong cả nước và biển động dữ dội: “Cả nước đêm nay có bao người không ngủ/ bao người thức với Trường Sa”. Cơn bão kia phải chăng đâu chỉ là cơn thịnh nộ của tự nhiên mà còn là những cơn bão lòng từ nhiều hướng. Câu hỏi của tác giả trở thành câu hỏi tu từ đa thanh, đa nghĩa. Sau trường đoạn miêu tả cuộc sống khó khăn, vất vả, kẻ thù rình rập, ta bắt gặp một nhành thơ tươi xanh đầy tinh thần lạc quan của người lính trẻ: “Chàng lính trẻ vít nhẹ nhành trinh nữ/ tán lá ấp e/ bần thần anh chợt nhớ/ mắt người yêu cũng e ấp đêm trăng”. Anh mang trong mình “dòng máu Mẹ Âu Cơ đi giữ biển Cha/ chiều mỗi chiều khi hoàng hôn ráng đỏ/ lại bâng khuâng nơi ấy… quê nhà”. Chính phần “người” ấy giúp anh nhận thức rõ sứ mệnh cao cả của mình và vững tay súng nơi đầu sóng, ngọn gió. Câu thơ chạm vào phần hồn sâu thẳm trong mỗi con người khiến ta khâm phục nhưng cũng rưng rưng xúc động, sự xúc động đầy nhân tính, bởi sau những phút giây ấy, con mắt của người thương cùng các anh: “Từng phút, từng giây cả ba con mắt thức/ Giữa mù mịt trùng khơi bóng tàu lạ rập rình/ tiếng chó đổ xô chập chờn người nhái/ những bóng ma xé nát cả bình minh”. Mạch thơ đưa người đọc đến với những cảm hứng thế sự: “Có những triết lý giản đơn trọn cuộc đời không thể nghĩ ra/ những toan tính, lọc lừa cả trăm năm vẫn còn nguyên vỏ bọc”, thực ra tác giả nhường cho người đọc bóc trần cái vỏ bọc ấy bởi sự áp đặt không bao giờ làm tổ được trong lòng người và tác giả đem lại niềm tin cho chúng ta: “Dẫu đốt cháy cả rừng/ xuân về/ chồi vẫn nảy/ Có thể xua đuổi hết chim muông/ tháng ba chim chóc cứ gọi bầy”. Đấy không chỉ là niềm tin mà là qui luật của cuộc sống, không gì đảo ngược được. Trong bối cảnh ấy tác giả nói giùm chúng ta “khao khát cháy lòng/ là biển yên/ sóng lặng”.

Thật lý thú khi ở chương: “Khát vọng và ngôn ngữ biển” tác giả lại cho “tôi” “gặp lại người xưa sau nửa vòng thế kỷ”, dẫu: “Phần hồn ông đây nhưng phần xác của ông cùng bao người mấy trăm năm vẫn vùi trong biển mặn” và lời của “ông” hay thực ra là lời của bao thế hệ: “Giữ Đất Nước phải bắt đầu từ Lịch Sử/ nếu chỉ suy nghĩ giản đơn và trái tim/ chưa đủ!/ phải bắt đầu từ lời ru/ từ máu xương/ và trăn trở của cha ông..!”. Câu nói tưởng như giản đơn nhưng là chân lý bao đời và phải đổi bằng bao xương máu mới rút ra được. Không chỉ có vậy, lời của bậc tiền nhân còn nhắc nhở trách nhiệm với những người đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc: “Bao oan hồn còn vùi dưới đại dương/ tới bao giờ mới trở về vòng tay mẹ/ Họ là những chứng nhân lịch sử/ cũng như ta/ chẳng chóng thì chầy,/ Lịch sử sẽ gọi tên”. Đấy không chỉ là lời nhắc nhở của tổ tiên mà chính là nguyện vọng chính đáng và đạo lý của những người con chân chính của đất Mẹ Việt Nam. Tập thơ khép lại với những ánh sáng, âm thanh, ánh mắt, nụ cười thân thiện “Đang hòa chung thứ ngôn ngữ tình yêu. Ngôn ngữ hòa bình/…/ và có phải / ấy là ngôn ngữ biển. (?!)”. Đấy là ước mong và phấn đấu của toàn dân tộc, cũng là những câu thơ mang tính dự báo xu thế của thời đại, dấu hỏi chấm và chấm than ở cuối bài nặng trĩu tâm tư và khát vọng không chỉ của riêng tác giả, câu hỏi day dứt ám ảnh bao người con chân chính của Mẹ Việt Nam yêu kính.

Trường ca: “Khát vọng biển” của nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên tuy giàu chất trữ tình công dân, giàu tính thế sự phản ánh những sự kiện lớn lao của dân tộc và thời đại nhưng không mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ đặc trưng của thơ. Tác giả sử dụng khá nhuyễn cách nói của dân gian với nhiều hình ảnh đẹp, ngôn từ trong sáng, tiết tấu thay đổi phù hợp trong từng chương, từng trường đoạn, thống nhất giữa nội dung và nghệ thuật, cùng với cảm xúc thẩm mỹ khá tinh tế đã tạo nên một giá trị thẩm mỹ không nhỏ trong lòng người đọc. Với tập trường ca này nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên đã tạo cho mình một giọng điệu riêng, góp thêm một tiếng nói thức tỉnh nhân tâm về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trần Vân Hạc

Nguồn: Toquoc