Dân trí – Là mẹ, là vợ, là chị, là em, là bạn gái – những người phụ nữ trong “Vệt son môi ở Bangkok” dù dưới lăng kính của nhân vật kể nào đi nữa, cũng đều hiện lên với vẻ bâng khuâng, đầy nỗi lòng.

Đề tài về phụ nữ chưa bao giờ có dấu hiệu bế tắc trong ngòi bút của Tĩnh Phan. Tác giả đã khéo léo đưa độc giả trải nghiệm những cảm xúc của người thứ ba, của những cặp chị em, của những người mẹ, người vợ với bao bối cảnh và sự xô đẩy của cuộc đời.

Tập truyện ngắn “Vệt son môi ở Bangkok” kể về những số phận phụ nữ ở mọi lứa tuổi, xuất thân, hoàn cảnh và những xô đẩy, vấp ngã của cuộc đời khác nhau. Từ hình ảnh của người chị đảm đang trong “Vườn lá lốt xanh thẫm” làm người đọc cay mũi, cho tới hình ảnh của người con gái trẻ vì bạo bệnh mà phải xa người thầm yêu.

Những phận đời phụ nữ bước ra từ “Vệt son môi ở Bangkok” không ngốc nghếch ngôn tình, không viển vông xa rời thực tế, mà chân thực đến giản dị và quá đỗi thân quen. Họ là những người dễ dàng bắt gặp ngoài cuộc sống, là người những số phận mà người đọc sẽ quen mặt, nhưng cũng có khi là những người mà ta đã vô tình bỏ qua những góc khuất trong cuộc đời họ với bao sự éo le và cuộc sống xô đẩy.

Người miền biển, người đồng bằng, người vùng núi, người di dân. Người là gái còn son, người lại qua bao lần ảo tưởng, người bị đặt vào vị trí thứ ba, người là vợ hờ không giá thú, người bỏ con phiêu bạt, người lùi lũi góc nhà… Ai trong số họ cũng có một câu chuyện để kể, một tâm sự để chia, một niềm đau để chôn giấu hay một khắc khoải để trải lòng. Có những câu chuyện buồn đến nao lòng, thắt đến cùng cực, hay bâng khuâng đến chơi vơi. Và rồi ai cũng đi đến những đoạn kết của mình.

Chiêm nghiệm, lắng đọng là những gì “Vệt son môi ở Bangkok” mang tới cho bạn đọc. Cuốn sách do NXB Văn học và YoLoBooks ấn hành. Tác giả “Vệt son môi ở Bangkok” là một nhà báo trẻ sinh năm 1986. “Đàn bà được phép mắc sai lầm nhưng hãy nhớ đàn ông đa tình môi rất đỏ và mùi rất thơm – Hãy tránh xa họ”, đó là châm ngôn sống của tác giả Tĩnh Phan.

 

Theo Phương Nhung – dantri.com.vn