So với văn học trẻ cả nước, văn học trẻ TP. Hồ Chí Minh sôi động hơn hẳn, từ việc ra sách, bán sách, lực lượng sáng tác trẻ…

Sôi động văn học trẻ

Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là hai thị trường văn học lớn nhất cả nước, thậm chí Hà Nội còn được cho là “đất văn chương”. Thế nhưng những cuốn sách luôn nằm trong danh sách sách bán chạy hoặc có lượng xuất bản nhiều thì phần lớn xuất phát từ các tác giả phía Nam. Và với văn học trẻ, đây cũng không phải là ngoại lệ.


Các nhà văn trẻ TP.HCM (ảnh nhandan.com.vn)

Liên tiếp hai Hội sách tại TP. Hồ Chí Minh, 2 cuốn sách “Buồn làm sao buông” và “Thương mấy cũng là người dưng” của tác giả Anh Khang đều có tên trong danh sách 10 đầu sách bán chạy.

Ngoài Anh Khang có thể kể đến Iris Cao cũng là cái tên mà khi ra sách luôn có số lượng xuất bản khiến nhiều người cầm bút mơ ước.

Nếu như để nổi tiếng và có sách bán chạy đối với văn xuôi đã khó nhưng xem ra để “nổi tiếng” và “có sách bán chạy” bằng thơ còn khó khăn hơn. Thế nhưng tác giả trẻ Phong Việt ngay từ tập thơ đầu tiên xuất bản đã tạo được sự chú ý của dư luận và khiến không ít người ngạc nhiên, thậm chí nghi ngờ khi có số lượng xuất bản lên tới vạn bản.

Vào năm 2014, một số đơn vị làm sách đã công bố so sánh thị trường sách miền Bắc và miền Nam. Theo đó, ngay cả nhiều đầu sách được in ở miền Bắc nhưng mức tiêu thụ ở miền Nam vẫn cao hơn, thậm chí là cao hơn gấp đôi.

Không những thế, các buổi ra mắt sách, giao lưu ký tặng của các tác giả trẻ phía Nam thường diễn ra cảnh đông nghịt, xếp hàng dài chờ nhau để được mua sách, xin chữ ký.

Trong ngày Hội sách TP.HCM lần thứ 9- 2016 thì phần lớn các chương trình giao lưu là dành cho người đọc trẻ, độ tuổi khoảng từ 15-25. Những banner, tờ rơi quảng cáo trong hội sách tô đậm những cái tên: Hamlet Trương, Anh Khang, Phan Ý Yên, Thanh Duy, Nguyễn Ngọc Thạch… đây đều là những gương mặt nhiều tiềm năng, hứa hẹn “doanh thu” cho các đơn vị xuất bản sách.

Các giải thưởng, các chuyến tham quan, thực tế, trại sáng tác… dành cho văn học trẻ phía Nam cũng được quan tâm, tổ chức đều đặn hơn. Do đó, mặc dù số lượng các cây bút trẻ vào hoạt động các hội chuyên ngành không nhiều như ở một số địa phương nhưng lại ngày một tăng lên.

Tại sao văn học trẻ phía Nam lại sôi động?

Liệu có phải do các đối tượng viết sách khiến văn học trẻ phía Nam sôi động? Tuy nhiên, các đối tượng viết sách ở miền Nam và miền Bắc đều có sự đa dạng, từ người làm công việc gần gũi với viết lách đến người làm công việc không liên quan đến viết lách.

Phải chăng việc PR sách của đơn vị làm sách, cũng như tự tác giả PR ở khu vực phía Nam tốt hơn so với các khu vực khác?

Thị trường sách nói chung và văn học trẻ nói riêng phía Nam sôi động với lượng xuất bản dồi dào cho thấy một thị trường đầy cởi mở. Phải chăng độc giả phía Nam cởi mở hơn, gu độc giả của phía Nam cũng khác so với gu độc giả các vùng miền khác?

Việc các cuốn sách bán chạy dù chưa bàn đến chất lượng hay dở đến đâu và như thế nào nhưng rõ ràng điều này kích thích, cổ vũ mạnh mẽ người cầm bút. Đây là điều rất cần thiết, nhất là cho những người viết trẻ.

Và lý do nữa, dân số ở TP.HCM đông hơn Hà Nội khoảng 1 triệu người (số liệu thống kê của Tổng cục Dân số 7/2014) có phải là lý do để các cuốn sách của tác giả trẻ phía nam bán chạy hơn?

Mặc dù có nhiều ý kiến không đồng nhất giữa sách bán chạy và sách hay, thậm chí còn có những “cảnh báo” cho tác giả trẻ mê mải chạy theo xu hướng của đại đa số độc giả nhưng không thể phủ nhận sự sôi động của văn học trẻ khiến cho thị trường độc giả phong phú, qua đó hiểu được thị hiếu của độc giả số đông.

Trong cuộc phỏng vấn bàn về “Thế hệ nhà văn sau 1975” với nhà lý luận phê bình Văn Giá – Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, liệu thế hệ 7X, 8X có vị trí thế nào, đã có thể đứng cùng thế hệ trước và gọi tên chung trong “thế hệ nhà văn sau 1975” hay chưa, thì nhà phê bình Văn Giá cho biết: Thành tựu của thế hệ 7x, 8x tuy đã có khá nhiều nhưng vẫn đang trong quá trình định hình, chưa tạo ra một diện mạo, một thế hệ. Để trở thành diện mạo, phải có những đặc điểm riêng biệt. Lớp những người cầm bút 9x thì đang còn mỏng cả về đội ngũ và chất lượng”.

Hà Anh – Văn học quê nhà

Exit mobile version