Đời sống văn học được tạo nên bởi sự tổng hòa giữa quá trình sáng tạo và tiếp nhận. Hai quá trình này gắn kết, tương tác và có vai trò như hai mặt của một tờ giấy. Nếu thiếu một trong hai thì không có đời sống văn học, hoặc đời sống văn học sẽ bị triệt tiêu. Mukarovki khẳng định “Tác phẩm văn học chỉ có thể tồn tại trong sự tác động tương hỗ luôn thay đổi giữa tác phẩm và người tiếp nhận”. Đọc không phải là hoạt động tiếp thu một cách thụ động, một chiều. Nó cũng là hoạt động sáng tạo có vai trò quan trọng không kém gì so với hoạt động sáng tác nên người đọc cần có sự nỗ lực tương đương với người viết trong suốt quá trình tiếp nhận. Mấy năm gần đây đời sống, chất lượng và vai trò của văn học có dấu hiệu suy giảm. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến khả năng sáng tạo của nhà văn nhưng một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém, theo tôi, đó là khả năng tiếp nhận của người đọc đang suy giảm.
Gần mười năm trực tiếp dạy môn Ngữ Văn và một số môn khác thuộc chuyên ngành văn học Việt Nam nhưng rất hiếm khi thấy có học sinh hoặc sinh viên nào thực sự say mê và có khả năng cảm thụ văn chương tinh tế như các thế hệ trước. Càng về sau, khả năng tiếp thu và cảm thụ của các em, kể cả sinh viên chuyên ngành Ngữ Văn đều có xu hướng giảm so với những khóa trước đó. Điều này thật đáng buồn và đã đến lúc phải lên tiếng cảnh báo vì môn Ngữ Văn có vai trò rất lớn và quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, đạo đức, tâm tư và tình cảm của mỗi con người.
Ngày nay, không còn được nhìn thấy cảnh các em học sinh, sinh viên truyền tay nhau những cuốn lưu bút, chia sẻ những vần thơ hay. Đối với công chúng phổ thông ngoài xã hội, còn rất ít người yêu văn chương và đọc các tác phẩm văn chương. Các ấn phẩm văn chương như sách thơ, sách truyện ngắn, các tạp chí của các Hội văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương được in ra tương đối nhiều (Mặc dù nhiều ấn phẩm dở nhưng phải công nhận rằng không ít ấn phẩm rất hay, có chất lượng cao cả về nội dung và hình thức) nhưng không mấy người quan tâm và chịu bỏ thời gian để đọc chúng.
Người đọc thờ ơ với văn chương vì nhiều lý do như: sự phì đại của các phương tiện thông tin đại chúng, do nhịp sống của xã hội hiện đại đã ngốn hết quỹ thời gian của họ, do sự ra đời và phát triển rầm rộ của các loại hình giải trí… Tuy vậy nguyên nhân quyết định và trực tiếp nhất vẫn là khả năng cảm thụ của họ đã giảm sút nhiều so với các thế hệ trước. Họ không thể cảm nhận, không có cảm xúc trước một bài thơ, một truyện ngắn… nên chúng không thể hấp dẫn được họ và họ thờ ơ, xa lánh, thậm chí quay lưng lại với văn chương là điều đương nhiên.
Nói đến đây, tôi sợ nhiều người hiểu nhầm tôi đổ lỗi hoàn toàn cho người đọc nhưng không phải vậy. Như đã nói ở trên, chúng ta đang càng ngày càng ít những cây bút có phong cách, tài năng thực sự và những tác phẩm nổi bật, gây được tiếng vang lớn trong đời sống văn học. Với vai trò và tâm thế của người sáng tạo, các nhà văn phải thẳng thắn nhìn nhận và điều chỉnh lại quá trình làm việc của mình để cải thiện tình hình này. Điều tôi muốn nhấn mạnh trong phạm vi bài viết này là khả năng cảm thụ của người tiếp nhận.
Sự suy giảm năng lực cảm thụ văn chương đã đi đến mức khiến cho nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu và những người có trách nhiệm phải lên tiếng “cảnh báo một lối đọc thơ phản thẩm mỹ” vì chúng không chỉ xảy ra trong “cộng đồng diễn giải” phổ thông mà ngay trong chính những cá nhân của “cộng đồng diễn giải” cao cấp. Bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của nhà thơ Đàm Chu Văn đã đăng Báo Văn nghệ cách đây hơn một năm trước (16/04/2011) được Trần Thu Hằng – Hội viên Hội nhà văn Việt Nam tiếp nhận và hành xử bằng chính trình độ, nhân cách đặc biệt là khả năng tiếp nhận quá yếu kém của mình dẫn đến tình trạng đã buồn lại càng thê thảm hơn trong việc cảm thụ văn chương là một ví dụ tiêu biểu.
Bài thơ nói trên của nhà thơ Đàm Chu Văn được Hội Nhà văn Việt Nam thẩm định và có kết luận bằng văn bản chính thức rằng: “Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định bài thơ có tư tưởng lành mạnh, tình cảm trong sáng có ý nghĩa khao khát vươn lên tới sự trường tồn của thiên nhiên, của dân tộc”. Trả lời báo Vietnamnet về vụ việc này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Công tác thẩm định đánh giá nhằm thực hiện tốt nhất Nghị quyết 23 của Bộ chính trị, không can thiệp quá sâu vào công tác sáng tạo của văn nghệ sĩ, mở rộng tự do dân chủ, tránh quy kết, suy diễn, áp đặt, hạn chế tự do sáng tạo của nghệ sĩ. Cần tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để tác giả yên tâm phát huy trách nhiệm, tính độc lập và tài năng, xây dựng con người và văn hóa”.
Một bài thơ như vậy lại được Trần Thu Hằng tiếp nhận và đưa ra kết luận. “Cảm nhận ban đầu của tôi là bài thơ dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ để nói thay một cái cây cổ thụ, song bên cạnh đó lại thể hiện quan điểm chính trị một cách định kiến, ám chỉ khá tùy tiện” và gửi thư tố cáo nhà tác giả của nó đến Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai. Cách tiếp nhận và lối hành xử tùy tiện như vậy rất tiếc lại là của một Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với chính đồng nghiệp của mình. Nó gây ra nhiều bức xúc cho đọc giả nói chung và những người có trách nhiệm nói riêng. “Ba là quả thật là tôi không thể nào tưởng tượng nổi là cho đến bây giờ mà còn có người đọc thơ như thế” (Văn Công Hùng). “Đọc nhận xét của cô Hằng, tôi chợt rùng người tự hỏi: Tại sao trong không khí văn chương đổi mới, cởi mở của hơn hai chục năm qua trên đất nước ta, bỗng dưng hôm nay lại thấy xuất hiện một thứ phê bình “cóc cụ” (hay “cóc cáy”) trong thẩm định văn thơ một cách vô lối, tùy tiện như vậy. Người đọc bình thường cũng có thể nhận thấy rằng, bài thơ của Đàm Chu Văn không hề có nhiều từ ngữ hoa mỹ, lại càng không có sự ám chỉ tùy tiện theo một định kiến chính trị nào như cô Hằng phán xét”(Nguyễn Việt Chiến). “Bạn Hằng thân mến! Tôi thật ngỡ ngàng, khi biết tin bạn gửi ý kiến góp ý lên cơ quan chỉ đạo địa phương, về bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân, của nhà thơ Đàm Chu Văn. Một việc làm ngoài văn chương, phản văn chương. Bởi vì, theo cảm nhận của tôi, đó là một bài thơ hay, năm ngoái đã được đăng trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Một tác phẩm văn chương hay, cần đa nghĩa, làm cho người này cảm thấy thú vị, kẻ khác thì giật mình, thức tỉnh”…
Kiểu phê bình quy chụp, suy diễn như vậy xuất phát từ trình độ chuyên môn, năng lực thẩm mỹ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp… yếu kém. Nó cho chúng ta thấy rõ rằng khả năng tiếp nhận văn học của người đọc đang suy giảm và việc tìm ra những phương pháp để khắc phục tình trạng này là vô cùng quan trọng và mang tính cấp bách.
Bài đã đăng Tạp chí Non Nước, số 180