A Tam là một tay ăn cắp lão luyện, quanh năm trà trộn trong những người trên xe bus. Ngày hôm đó, đôi mắt của hắn ta dán vào một ông già quê mùa ăn mặc rách rưới nhưng lầm lì khó hiểu mang một chiếc túi nặng. A Tam nghe người ta nói rằng, bây giờ những người nhà quê có tiền thường đổ về thành phố, luôn luôn thích mặc dơ bẩn, như là để tránh bị người khác để mắt tới. Thấy túi màu đen ấy sáng lên, A Tam nhận định rằng ông già là con mồi của mình ngày hôm nay.
Với kinh nghiệm trước đây, A Tam coi đó như chuyện đùa, không ngờ ông già đưa chiếc túi cho cậu bé bên cạnh ông: “Tôn à, cầm thật chắc nó cho ông, năm nay trộm đạo nhiều lắm, nếu không cẩn thận, chúng móc trộm mất, ông trèo đèo lội suối mới được những thứ này sẽ toi công đấy”.
A Tam cố ý đi lảo đảo, xiêu vẹo, xấn tới bên cạnh cậu bé. Thật bất ngờ, ông già cảnh giác liếc nhìn hắn, liền giật lấy túi của đứa trẻ và nói: “Hừ, túi này để ông giữ cho, ông cảm thấy không yên tâm”.
Chỉ sau hai ba phút, A Tam tìm liền phát hiện thấy bọc tiền của ông già chỗ dưới nách trái lộ ra một đường may. Hắn đã mở cờ trong bụng, liền rút chiếc lưỡi dao cạo râu giấu trong ngón tay… Vừa đúng lúc ông già chuyển bọc từ dưới nách trái sang nách bên phải, lấy ra từ trong ngực áo một chiếc điện thoại cũ, bấm một loạt số rồi nói: “Con à, cứ yên tâm nhé, không bị mất đâu! Bố nghe nói bọn móc túi trên xe nhiều lắm, nhưng bố cẩn thận lắm! Cái gì? Việc đó ấy à? Cứ yên tâm đi, không có chuyện gì đâu, ba ngàn tệ cơ mà, làm sao mà bố lại để cho nó nhầm lẫn được? Bây giờ đang nằm ở trong bọc rồi! Kẻ cắp phải có can đảm chứ, bố thấy nó đã chán sống rồi”.
Minh họa: Lê Tâm.
Ba ngàn tệ cơ à? A Tam nghe rõ ràng, liền sướng rơn trong bụng: Lão già ơi lão già, ông không chán sống ư, hôm nay gặp phải thằng tôi A Tam này, ông không may rồi, và tôi đã để cho ông thấy con ngựa của đức vua có ba mắt nhé!
Không biết tại làm sao mà mãi A Tam vẫn chưa tìm thấy cơ hội xuống tay. Trông thấy ông già đi nhanh ra cửa xe, A Tam nghiến răng và nói thầm trong bụng: Thằng già này đừng đổ cho tay của tao vô tình nhé! Hắn duỗi chân khoèo một cái, ông già lảo đảo, ngã rơi luôn xuống đất. Ông già đau nhưng vẫn nhe răng cười, không quên đưa chiếc bọc cho đứa trẻ và nói: “Tôn à, nhanh lên, nhanh, nhanh cầm lấy chiếc bọc này cho chắc nhé”.
Tận dụng lúc hành khách lộn xộn, A Tam chen lấn về phía trước, dao cạo râu sáng lóe lên, chiếc bọc ấy rách ra một lỗ. A Tam mỉm cười, đưa hai ngón tay giống như một con rắn để thọc vào….
Đột nhiên, “Ôi mẹ ơi!”, một tiếng thét cất lên, đám đông kinh hãi sững sờ mất một lúc. Chỉ thấy A Tam mặt tái mét, đầu hai ngón tay có vật gì đang cắn, quấn chặt lấy nó trong bọc. Thấy nhiều người nhìn mình, A Tam rất lo lắng, đột nhiên rút tay ra, hai ngón tay có hai con rắn màu lục màu hồng theo ra.
Lúc ấy, đột nhiên ông già cười: “Ha ha, thảo nào Sở Cảnh sát chịu chi ba ngàn tệ tiền để cao thủ bắt rắn là tôi bán cho họ hai con rắn lục. Họ nói hiện nay bọn trộm cắp quá hung ác, phải dùng con rắn độc này mới trị chúng được”.
Sau đó, ông già nghiến răng trách mắng A Tam:
– Đừng đổ lỗi cho tôi đã không cảnh báo cậu nhé, anh bạn trẻ! Tôi dùng điện thoại giả để nhắc nhở cậu, ai dám chú ý đến cái bọc của tôi, hắn là kẻ chán sống rồi, nhưng cậu lại cứ cố ý thò vào.
A Tam run rẩy hỏi:
– Tôi, tôi sẽ không chết chứ?
Ông già cười:
– Không chết đâu, nhưng ngay lập tức cắt hai ngón tay ấy đi, nếu không, chỉ sau ba phút, tính mạng sẽ khó nói đấy!
Nghe ông già nói vậy, A Tam ngất đi.
Phạm Thanh (dịch) – Theo Văn nghệ công an