Nhà văn Ba Lan Janusz Rudnicki sinh năm 1956 tại Kedzierzynie – Kozlu – do hoạt động cho Công đoàn Đoàn kết nên sang định cư tại Đức từ năm 1983. Ông bắt đầu viết văn tại Hamburg và in tác phẩm chủ yếu ở trong nước từ năm 1993, đến nay đã có khoảng mười đầu sách. Ông nổi lên như một nhà văn theo chủ nghĩa hậu hiện đại – một xu hướng trong văn hóa đương đại với đặc trưng là chối bỏ sự thật khách quan và siêu tự sự là phương cách giải thoát có chủ ý khỏi những cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện đại từng thống trị trước đó.


Minh họa của Đặng Hồng Quân

Tôi đã không thức dậy được đúng giờ, mà tôi đâu có làm chuyện gì xấu xa. Họ đâu có biết một con người đơn độc đang như thế nào? – anh ta sẽ ngủ quên nếu như không được đồng hồ báo thức.

Cái giây phút đầu tiên ấy, nỗi hoảng loạn đã xẻ tôi ra thành hai chiếc kim đồng hồ, còn mặt đồng hồ bên dưới thì đột nhiên biến mất.

Rửa mặt mũi, mặc quần áo, cạo râu ria, tất cả những việc ấy đều phải làm gần như đồng thời. Một chân còn ở trong nhà, chân kia đã lia ra ngoài phố, chạy đôn chạy đáo ra bến xe, nếu thấy có gì đó cờm cợm ngưa ngứa ở dưới cằm thì cũng mặc kệ, tôi cứ chạy, xa xa đã thấy chiếc xe bus – đúng chiếc số sáu – rời bến, không kịp nữa rồi, tôi vẫy vẫy tay dẫu thừa biết rằng làm sao mà dừng nó lại cho được. Thì còn biết làm gì bây giờ? Đến bến, trong khi chờ chiếc xe khác tới, tôi tính, hay là chạy về lấy xe nhà? Nhưng, nếu đi xe nhà thì đến tòa soạn, làm sao tôi có thể đỗ được xe? Những chỗ đỗ xe miễn phí thì đã hết từ lâu, chỉ còn những chỗ đỗ phải nộp phí, nửa tiếng đồng hồ là mất tong hai euro. Nghĩa là, tôi vẫn phải đứng chờ tại bến xe bus.

Ở bến, có một người đang nằm giãy đành đạch trên mặt đất – chắc người này mắc chứng động kinh. Một người khác đứng cạnh đó, và toàn bộ sự khác nhau chỉ là ở chỗ: người này nằm và người khác thì đứng. Đứng, và hét:

– Kurva! Cố chịu thêm chút nữa!

Nghe rõ ra là tiếng Ba Lan, cho nên tôi thốt lên:

– Có chuyện gì thế?

Tôi hỏi bằng tiếng Ba Lan, khiến anh ta sung sướng như thể vừa được gỡ một chiếc mũ kim cô quá chật khỏi cái đầu mụ mị của mình.

– Người Ba Lan hả? Có thế chứ! May quá, kẻo tiếng Đức thì tôi điếc đặc, mà anh bạn lại đang lên cơn, anh ấy bị động kinh, đang chả biết xử trí ra sao. Chúng tôi đang chờ xe cấp cứu, bác lái xe bus đã gọi điện giúp, chúng tôi muốn lên xe bus để đến bệnh viện, nhưng bác lái xe không chịu cho lên, ai dám chở một người đang giãy đành đạch trong xe công cộng, ngài biết đấy. Giúp chúng tôi với, hỡi ngài, kẻo tiếng Đức thì tôi điếc đặc, có đến bệnh viện cũng chẳng biết nói năng như thế nào. Giúp chúng tôi với, hỡi ngài?

Nhưng “ngài” đang vội, “ngài” lỡ ngủ quên và cần phải đến chỗ làm việc ngay! “Ngài” phải gánh cả gia đình trên đôi vai gầy gò này, chứ không phải ở đây mà đợi xe cấp cứu. Cái ngữ người như “ngài” đâu có phải là Hội Chữ thập đỏ? Thân tôi ở đây mà lòng tôi đã ở tận tòa soạn. Nhưng đến nước này thì tôi không thể điều khiển nổi mình, nên tôi cứ ở lại, không phân thân nữa. Được rồi, “ngài” sẽ ở lại, chiếc xe bus đến rồi rời bến, còn “ngài” thì ở lại đây và chờ xe cấp cứu.

– Hay là, ta nhét vào mồm anh ta một thứ gì đó? – Tôi hỏi cái người đang đứng.

– Nhét làm gì? Lão ấy móm hết răng rồi.

– Trong cái không may biết đâu lại có cái may mắn, cứ thử xem sao!

– À đây rồi. Để tôi nhét chiếc lược vào miệng lão, xem lão làm gì.

Kết quả là như thế nào? Thay vì ba chân bốn cẳng chạy đến chỗ làm việc, thì tôi lại đứng nhìn chiếc lược. Mà chiếc lược chỉ có đôi ba chiếc răng.

– Lão sẽ làm gì với chiếc lược ấy?

– Thì lão sẽ nhe lợi ra, giời ạ, chứ còn gì nữa? Và lão sẽ chơi với chiếc lược ấy.

Thôi, quẳng chiếc lược vào thùng rác.

Cái người nằm dưới đất đang lên cơn co giật ấy nhìn tôi mới lạ làm sao, và cái người đang đứng cũng bắt đầu nhìn tôi chằm chặp. Thế này là thế nào? Tôi nghe thấy ba tiếng “xe cấp cứu”, họ đã đến, tôi kể lể sự tình, và các cô y tá nhìn tôi, cũng đầy vẻ lạ lùng, làm như tôi mới chính là người mắc chứng động kinh hay sao ấy…

Người tôi nhẹ bỗng, tôi lao như bay về lấy xe nhà, không kịp lên xe bus nữa rồi. Nhanh lên nào, nhanh lên nào, trò đời vẫn thế – càng muốn đến một địa điểm nào đó thật nhanh thì y như rằng tốc độ lại càng chậm. Tắc đường, đèn đỏ, xe chở rác. Ngồi trong xe mà tôi tru lên như con sói đồng cỏ bị trúng thương và bịt mõm, ấy là vì một lẽ nữa. Tôi đưa những ngón tay lên quệt cằm thì thấy máu! Tôi nhìn vào gương: con sói đã bị cắt tiết, trong lúc vội vàng cạo râu, tôi đã bị cứa một nhát, phải kiếm một mảnh giấy nào đó để lau, thì vớ phải ngay tấm bưu thiếp của mẹ tôi, hôm nay rõ ràng không phải ngày của tôi nhưng sao lại vớ ngay được tấm bưu thiếp này? Tôi cấu lấy một mẩu bưu thiếp đưa lên lưỡi rồi dán vào chỗ đang rỉ máu, cảm thấy mình như đang quỳ gối – đấy là cách mẹ tôi dạy, bởi vì tôi không có bố đã lâu.

Gì vậy? Ngoài đường có hai bà lão hình như muốn dùng chân để thử mặt đường nhựa – xem nó có bỗng nhiên phồng lên hoặc lún xuống hay không? Không thể vượt được hai bà lão, tôi phanh xe, vậy mà hai bà lão vẫn chẳng chịu tin là mặt đường nhựa không có gì khác thường. Chà, chẳng lẽ lại bỏ tay lái đấy, chất hai bà lão lên lưng mà cõng đến tận tòa soạn cho nhanh, nếu như…

Nếu như ở ngã tư đường, hai bà không nắm tay nhau. Hai bà vừa từ nhà trẻ bước ra và di chuyển thẳng đến nhà dưỡng lão. Mặt đường cứ thản nhiên như không thèm biết là tôi vừa ngủ quên, tôi cần phải vượt lên, chỉ có cách vượt lên. Để hù dọa họ, tôi đưa xe về số không và rồ ga, nhưng rồi thôi ngay: rồ ga để chạy không thì phí xăng lắm. Tôi chuyển bánh lái chệch sang phải, nửa xe chạy trên hè, nửa xe chạy dưới mặt đường, thì điều quan trọng nhất là tôi phải vượt lên mà lại.

Đã không còn xa nữa; tôi nghĩ về chuyện mình rồ ga như thế nào, rồ ga để mà chạy không – đó là một lối sống chăng?

Tòa soạn đây rồi. Đúng như tôi nghĩ, những chỗ trống toàn là chỗ phải trả lệ phí, thôi thì cũng đành, biết làm sao được, tôi đỗ xe. Mở cửa xuống xe, tôi tìm chiếc xe có dán tờ giấy trắng đề “trực ban” – lúc này cũng phải tìm lâu hơn lệ thường mới thấy. A ha, có đấy, tôi thấy rồi, tôi rút lấy một tờ biên lai nộp tiền phạt rồi quay lại xe của mình, khi dừng lại nhìn số biển xe bỗng thấy ngỡ ngàng, có phải biển xe của mình không, không, không phải.

Sau đó chủ nhân của chiếc xe bị phạt gấp đôi mức bình thường ấy có nói với tôi, gặp hai bà lão người Ba Lan ấy thì rắc rối là điều không tránh khỏi, xe không hỏng hóc thì cũng phải bóc biên lai…

Nhét tờ biên lai nộp phạt vào túi, tôi đi như chạy. Người gác cổng há hốc mồm kinh ngạc, vừa trỏ tay vào mặt tôi vừa hét lên:

– Hôm nay, ngài Rudnicki ạ, ngài giống hệt nhân viên của Hội Chữ thập đỏ!

Được rồi, được rồi, không có thời gian đâu, không có thời gian đâu, tôi lao như bay đến chỗ thang máy, vừa mở cửa thang máy chui tọt vào bên trong thì…

Tôi bay

xuống dưới!

Tôi rơi. Rơi còn nhanh hơn cả lúc bay vào thang máy.

Tôi rơi, bởi vì làm gì có thang máy.

Tôi rơi, tôi rơi, và đột nhiên, cũng nhanh như thể lúc rơi, tôi dừng lại.

Nằm im, bất động.

Tôi thấy, giữa không trung, thân hình tôi như chiếc du thuyền, đầu được buộc vào một quả khí cầu.

(Đấy, tình cảnh của tôi như thế đấy.

Tôi nhắc lại, với hai chữ “tình cảnh” tô đậm.

Hay là, nếu như bạn muốn – kết cuộc một trình tự nào đó của tình cảnh).

Thế là tôi thành kẻ bị treo cổ. Và máu, máu không cầm lại được, cứ tiếp tục nhỏ thành từng giọt từng giọt, từ đoạn dưới đây:

Tôi gửi cho em tiền để mua máy sấy tóc, bởi vì biết em nghèo như con chuột và cô đơn như con mèo, hai mươi euro thôi, bởi vì nếu gửi nhiều hơn thế, một tay người Đức nào đó có thể lấy trộm mất. M.

NGỌC NHẬT dịch qua bản tiếng Nga,

(tạp chí Inostrannaya Literatura 8.2006)

Nguồn: Đại biểu nhân dân

Exit mobile version