Tôi hẹn tình cũ ra quán “We”. Trời ngả trưa, mưa hạ vu vơ, mát dịu. Phố vẫn đông mà buồn thiếu vắng, cây cối xôn xao dưới màu trời ủ dột. Tôi cuốc bộ trên vỉa hè dài dặc dọc bờ tường của tòa tổng giám mục trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 – Sài Gòn. Dinh thự uy nghi, nét xưa trang nghiêm chìm giữa khu vườn bao la hoa lá và những cổ thụ cao vút như niềm tin hướng tìm đấng cứu rỗi…
Tôi thích thắp nhang ở chùa, mơ màng nhìn làn khói mong manh lởn vởn trước ánh mắt nhân từ của Đức Phật rồi tự hỏi: “Hàng trăm triệu phật tử toàn cầu đang thắp nhang, đấng từ bi phù hộ ai trước nhỉ?”. Tôi mê cả những ngôi giáo đường toát lên vẻ bình yên đến lạ, dù là lúc người người chìm trong lời giảng sang sảng qua máy tăng âm của linh mục.
Tôi yêu cả Chúa, cả Phật và cũng hứng thú với triết học vô thần. Các vĩ nhân lập thuyết để tranh đoạt nhân tâm và danh vọng trường tồn, còn tôi như con cá bơi lặn thỏa thích giữa những dòng chảy tư tưởng của lịch sử và tôn giáo. Tôi là kẻ vô thần nhưng đa tín ngưỡng, chất chứa trong nội tâm cả sự phức tạp, bí ẩn của vũ trụ và tính phong phú của ước mơ nhân loại.
Trên đường hẹn hò với tình cũ, tôi thấy mình vừa tân vừa cổ; vừa hớn hở vừa suy tư, nôn nao pha ngại ngùng; lãng mạn đến mức trịnh trọng khi sắp đối diện những ngày say mê thời trai trẻ…
Nàng đi qua cánh cửa trong suốt bằng bước chân thoăn thoắt trên đôi giầy bệt và áo đầm đen lồng phồng như một nữ tu vội vã đến nơi cầu nguyện cho kịp giờ linh. Tôi đến trước, ngồi đó, lắng lòng nghe cảm xúc trào dâng. Quán “We” rộng thênh thang, hai mặt giáp Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn đều là kính. Khu phố sang, xe cộ vừa phải, những ngôi biệt thự và hàng cây già nua bên ngoài vách kính đang ùa vào theo bước chân vội vã của nàng. Tôi xô ghế đứng dậy bắt tay, mời nàng ngồi. Nàng rịn mồ hôi trên trán – những giọt mồ hôi từ xúc động, từ quá khứ?
– Bao nhiêu lâu rồi mình mới gặp lại vậy anh?
– Hai mươi lăm năm…
– Anh chỉ mập hơn chứ không già…
– Tay em búp măng trắng hồng đẹp lắm!
Nàng ngước khuôn mặt sung sướng đón nhận lời khen rồi dùng khăn giấy thấm nhẹ những giọt nước mưa xen lẫn mồ hôi trên trán, trên má, trên cánh mũi dọc dừa và hàng mi cong. Cảm hứng dâng trào, nàng vén váy chìa bắp chân yêu kiều trắng hồng có mấy hạt nốt ruồi son ra khoe:
– Không phải tay, chân mà cả thân hình em vẫn đẹp như gái mười tám anh à!
Tôi nhìn niềm hãnh diện xuân thì trong ánh mắt sắp năm mươi rồi buột miệng hỏi:
– Sao ngày đó em bỏ anh?
– Tại anh hay cãi… cái gì cũng cãi!
Tôi buồn lặng, hai mươi lăm năm sau đổ vỡ tình đầu mới biết mình từng yêu một kẻ độc tài! Chờ nàng gọi thức ăn, nước uống xong, tôi hỏi:
– Gia đình em thế nào, con lớn chưa, mấy đứa?
Nàng cười buồn:
– Em ở với mẹ, không lấy chồng…
Tôi nhìn nàng ái ngại:
– Mai mốt già thì sao?
– Phước phần cả thôi anh ạ. Nhiều người có con nhưng về già có được nhờ đâu…
Tôi thăm dò:
– Em đặt mục tiêu cao quá, thực tế không đáp ứng được?
Nàng cười chua chát:
– Ừ, ngày đó em thấy mình còn đẹp hơn hoa hậu nên cứ ngỡ mình là trung tâm, cả vũ trụ phải xoay chuyển theo mình, ai làm trái là trừng phạt. Anh còn nhớ không, mình đang đi ăn rất đoàn kết, anh cãi vài câu, em cho anh ra rìa, cho anh chới với luôn!
Tôi muốn nói “nhờ xa em anh mới được như hôm nay”, nhưng thấy tàn nhẫn quá nên thôi, dù đó là sự thật. Nàng bất ngờ hỏi:
– Còn nhớ tên họ đầy đủ của em không?
– Liên… Dương Mộng Liên. Em là một phần lịch sử của anh, quên sao được!
– Chia tay anh xong, em đổi tên là Linh… Mai mốt có đến công ty tìm em thì hỏi Linh chứ hỏi Liên lớp trẻ không biết đâu! Nè, sao ngồi với em mà anh cứ bần thần, nhìn ra ngoài đường vậy. Đang chờ hay đang nhớ cô nào à?
Minh họa: Tô Chiêm.
Tôi giật mình luống cuống, tìm cách lấp liếm:
– Anh đang nghĩ lát sẽ về đường nào để khỏi bị kẹt xe… anh sắp có việc quan trọng phải đi!
Liên nhìn tôi nửa chế giễu, nửa chê trách:
– Ngày trước anh tận dụng mọi cơ hội để gần em, đem em đi khoe khắp thiên hạ để được tự hào có bồ đẹp. Còn bây giờ em già, em xấu ngồi với em sợ người khác chê cười phải không?
Tôi thật lòng:
– Dù em có già cũng đẹp hơn tỷ người, trời cho em nội lực và cốt cách mỹ nhân mà!
– À, sao anh có số điện thoại để gọi em?
– Anh tình cờ gặp anh Hai của em. Anh ấy cho số… Bây giờ em làm gì?
– Kinh doanh xăng dầu… giá dầu thế giới giảm, em trữ nhiều hàng, lỗ chỏng vó. Còn anh làm gì?
– Ông bà, tổ tiên để lại cho mảnh đất đẹp ở ngã tư sầm uất, anh cho nước ngoài thuê kiếm ngoại tệ mỗi tháng nuôi con và sắp tới nuôi cháu, nuôi chắt!
– Tốt rồi… sướng hơn em nhiều.
– Cũng khá thảnh thơi, nhưng gã hàng xóm tham lam cứ bày trò lấn đất nên phải mệt mỏi canh chừng!
Liên đứng lên bắt tay tạm biệt, tôi muốn hôn nàng thắm thiết như một phần tư thế kỷ trước, nhưng trong quán nhiều ánh mắt tò mò… nên thôi!
*
Liên đi, tôi ngồi một mình, chừng mười lăm phút thì nàng nhắn tin lại: “Kẹt xe vì đón Obama. Em lẻ loi giữa biển người gào thét mừng thần tượng mới”… Tôi thở dài, lo cho Liên rồi lại nghĩ đến cái áo đầm đen từ cổ xuống quá gối Liên mặc lúc nãy. Thêm khăn lúp đội đầu, phủ vai nữa là nàng thành nữ tu.
Hồi đó, chia tay Liên ba tháng, tôi gặp một sơ (soeur) trên chuyến xe đò từ Đà Lạt về Sài Gòn. Sơ trẻ lắm, mặt trắng hồng, giản dị, thuần khiết mà thu hút. Trong đời tôi mới được một lần ngồi sát bên, nói chuyện suốt mấy giờ với một cô gái đặc biệt như vậy. Lúc đầu sơ ngại, chỉ trả lời miễn cưỡng vài câu xã giao của người lạ. Đến khi tôi kể hồi nhỏ từng học ký nhi viện Rạng Đông ở Đà Lạt và được các sơ nhất, sơ nhì ở đó cho ăn bánh thánh thì sơ hoa khôi này nhìn tôi dịu hơn. Tôi hứng lên thật thà tâm sự là mình rất thích đến các giáo đường ngày lễ để nghe thánh ca và ngắm các thiếu nữ ca đoàn đẹp như thiên thần trong tà áo dài trắng. Sơ quay sang hỏi:
– Vậy anh có lấy vợ là người công giáo?
– Muốn lắm, nhưng sợ họ không thích một người vô thần như tôi!
Sơ nở đôi môi tươi hồng khoe hàm răng trắng ngọc, cười duyên dáng:
– Buổi sơ khai nhân loại đều vô thần. Nhờ ánh sáng của Chúa trời soi rọi, con người lầm lạc được cứu rỗi. Đến với Chúa không bao giờ muộn!
Thấy sơ vui vẻ, tôi bạo miệng:
– Nếu Chúa cử một đại diện xinh đẹp như sơ rửa tội cho tôi, tôi theo đạo liền!
Mặt sơ đỏ lựng lên, tôi chờ một cơn giận, nhưng sơ bỗng thở dài:
– Năm mười bảy tuổi tôi đã làm thánh lễ tuyên khấn trọn đời để làm một nữ tì trong nhà của Chúa rồi. Mười năm nay tôi thuộc về Đức Kitô phần hồn lẫn phần xác, anh đừng tán tỉnh tôi nữa!
Khi sơ nói câu đó, mấy ngón tay trắng trẻo nổi gân xanh, không để móng đặt trên túi xách ôm trước ngực run run. Tôi bỗng thương nàng quá, muốn gọi một tiếng “em” mà không dám. Tôi dùng ánh mắt để bày tỏ điều đó với sơ:
– Cha mẹ sơ còn không, sao đẹp như vầy mà đi tu?
Sơ quay sang tôi ngập ngừng rồi đổi cách xưng hô:
– Mình là Tâm, tên thánh đầy đủ là Maria Nguyễn Thị Thanh Tâm. Nhà mình ở Đăk Nông, ba mẹ trồng cà phê nuôi mấy chị em đi học. Hồi nhỏ mình bị đau nặng mà nhà nghèo không tiền chạy chữa, mình khấn xin Chúa ban phước. Khi hết bệnh, mình dành hết cuộc đời để trả ơn Chúa. Nhiều năm nay mình chăm sóc cho những người cùi hủi ở trại phong Di Linh. Nay bề trên gọi về Sài Gòn để mang thêm quần áo, thuốc men, thực phẩm quyên góp được lên giúp đỡ cho bà con ở trại…
Tôi sửng sốt, bàng hoàng rồi xúc động trước thánh nữ bên cạnh. Tôi mạnh dạn dùng cả hai bàn tay của mình nâng niu những ngón tay bao dung, nhân ái của Tâm. Tâm hớt hải rụt tay về, hai má lại đỏ bừng, nhưng nàng kịp nhìn thấy lệ chảy từ hai mắt tôi:
– Sao anh lại khóc, đàn ông gì mau nước mắt quá vậy?
– Vì tôi rảnh rỗi nên bạn bè có lần nhờ mang quà lên trại phong Di Linh. Tôi chỉ dám đứng từ xa để chiêm nghiệm nỗi đau và bày tỏ sự cảm thông theo cách trịch thượng và giả dối với những người bệnh. Không ngờ một cô gái mảnh mai như Tâm lại dám dành cả phần đời son trẻ, tươi đẹp của mình để gần gũi, an ủi, chăm sóc cho họ. Tâm đẹp vô cùng với sự hy sinh cao cả đó. Tôi thấy mình ham hố, yếu đuối, tầm thường, vô nghĩa trước một thánh nữ nên không kiềm chế được. Tâm đừng cười chê…
Tâm lấy một cuốn sách mỏng, in ronéo đưa cho tôi:
– Anh cầm về đọc… lịch sử của trại phong Di Linh đó. Hồi ấy những người cùi hủi bị đuổi vào rừng sâu cho cọp ăn. Năm 1927, Đức cha truyền giáo Giang Cát Sanh (giám mục Jean Cassaigne) đã đưa họ về, cất nhà tranh cho họ ở và khai sáng niềm tin vào Đấng Kitô cho những số phận bị ruồng rẫy đó. Họ được chữa lành vết thương trong tâm hồn trước, giờ đến lượt tụi mình chăm sóc vết thương thể xác cho những thế hệ sau của đoàn người bi đát đó!
Tôi đón nhận, vuốt ve tập sách mỏng đơn sơ với niềm vui âm thầm. Tôi muốn nói thêm điều gì đó thì xe dừng để khách ăn trưa. Tâm xuống xe, vào nhà vệ sinh rửa mặt rồi quay ra kiếm một bàn riêng, gọi một dĩa cơm với mảnh trứng chiên. Tôi đến ngồi cùng, gọi thêm nhiều thức ăn, nước trái cây mời. Tâm khó chịu nhưng tôi lì lợm cố nài ép nên sơ hoa khôi đành miễn cưỡng nhận sự chăm sóc đó. Tôi nhìn người con gái gầy gò mặc áo chùng thâm, đội khăn lúp đen, ăn nhỏ nhẹ, uống từ tốn với lòng thương xót, kính nể; thấy mình thật may mắn, vinh dự khi được ngồi ăn cùng một á thánh bằng xương, bằng thịt. Tôi không còn thấy vị ngon của thức ăn đang nhai trong miệng, chỉ thấy lòng ngập tràn những cảm xúc khó tả. Khi Tâm ăn xong, tôi xé khăn lạnh, năn nỉ xin được lau tay cho nàng. Tâm tròn mắt, sững sờ trong giây lát rồi bất ngờ hỏi:
– Anh đã được điều trị tâm thần lần nào chưa?
Tôi bình thản trả lời:
– Tâm nghĩ tôi điên cũng được, nhưng Chúa đang muốn tôi phải lau tay, rửa chân cho Tâm như một cách chuộc lỗi cho cuộc sống ích kỷ, tầm thường của mình.
Tâm nhìn tôi ngán ngẩm cũng có thể là thương hại:
– Đức cha Giang Cát Sanh mà tôi đã kể là người sáng lập trại phong Di Linh. Ngài đã bị lây rồi chết vì bệnh hủi năm 1973. Nếu tay chân của Maria Nguyễn Thị Thanh Tâm này lở loét, đầy máu mủ tanh hôi vì bị lây hủi như vậy, anh còn mơ ước được nâng niu, lau rửa không?
Tôi giật mình tỉnh mộng, dĩ nhiên không đủ can đảm để gật đầu. Tâm nói tiếp bằng giọng trầm tĩnh, nghiêm khắc:
– Nếu anh không có lòng tin vào Chúa thì đừng mạo danh ngài để dụ dỗ người khác. Anh thật xấu xa khi quyến rũ cả người tu hành. May mà Chúa nhân từ cứu vớt tôi không sa ngã, lầm lạc. Lát lên xe tôi sẽ tìm chỗ khác chứ không muốn ngồi gần anh nữa!
Tôi sượng trân, nhưng một ý mới lóe lên trong đầu:
– Là thừa sai của Chúa, nếu sơ thấy tôi xấu xa, lầm lạc thì phải khai sáng cho tôi chứ sao lại bỏ đi?
Sơ phì cười:
– Anh đúng là lém lỉnh. Thế khi được khai sáng rồi, anh sẽ làm gì?
– Theo sư phụ…
– Tốt! Trại phong Di Linh đang cần thêm người khỏe mạnh, xốc vác để giúp đỡ hơn ba trăm bệnh nhân. Chừng nào anh bắt đầu?
– Sao cứ phải là trại phong, trên đời còn nhiều việc thiện khác mà?
– Sợ rồi phải không? Những người vô thần như anh không nhẫn nại, chịu khổ, thành tâm với những đứa con bất hạnh của Chúa như giới tu sĩ chúng tôi đâu. Đừng tự huyễn hoặc mình nữa, về lấy vợ tận hưởng vinh hoa phú quý đi!
Nói xong sơ đứng lên, xách giỏ bước ra khỏi quán cơm rồi đón một xe khác để về Sài Gòn. Tôi tính tiền cơm rồi uể oải bước lên xe, ngồi lại chiếc ghế cũ mà không còn chút hứng thú nào. Xe chạy chốc lát thì một cô gái phấn son lòe loẹt, mặc quần đùi, áo hai dây hở hang, trên bắp tay xâm một cành hồng đầy gai được lơ xe chỉ vào chiếc ghế nữ thánh của tôi để lại. Mùi son phấn, nước hoa ngột ngạt làm tôi xây xẩm, nhờn nhợn muốn ói. Cô lấy một miếng dưa hấu to ra ăn húp xì xụp, nước miếng, nước hồng của dưa văng cả sang quần áo tôi.
Xe giờ đông khách, người người chen lấn bu bám trên lối đi dọc hai hàng ghế. Ai đó vô ý đạp trúng chân cô, cô hét lên kinh hoàng rồi tuôn một tràng chưởi thề tục tĩu. Chưởi xong cô ném cùi dưa xuống sàn, trét hai tay nhễu nhão nước lên lưng ghế trước rồi ngáp, ợ, hắt hơi rất ồn ào. Tôi ngửa đầu ra ghế nhắm mắt lại để chạy trốn biểu tượng đanh đá, thô lỗ, hãi hùng mà tôi tin là Chúa mới gửi từ địa ngục lên trừng phạt tôi vì tội tán tỉnh nô tì Maria Thanh Tâm dịu dàng của ngài!
Đêm đó, tôi đọc đi đọc lại cuốn sách mỏng Tâm đã tặng rồi đặt nó cao hơn những cuốn triết học vô thần trên giá sách. Tôi mất ngủ, trằn trọc nhớ đến Tâm, nhớ những ngón tay trắng trẻo, gầy guộc; nhớ khuôn mặt thuần khiết dưới vành khăn lúp, nhớ nụ cười trong trẻo nhân hậu và đôi mắt dịu dàng chan chứa yêu thương. Những ngày, những đêm sau cũng vậy, Tâm biến tôi thành con người phờ phạc, thực mơ lẫn lộn, chán ăn, chán làm… Tôi nốc rượu tì tì rồi lang thang đến các giáo đường tìm kiếm vóc dáng mảnh mai trong màu áo chùng thâm và khăn lúp đen phủ vai. Tôi cầu xin Chúa trả Tâm lại cho tôi…
Rồi tôi lại đến chùa Phật, nhà thờ Hồi giáo, Thánh Thất Cao Đài, đền Chăm, Phủ Mẫu, Lăng Ông… nguyện cầu. Tình yêu đã biến tôi – kẻ vô thần thành đa tín ngưỡng! Nhưng sức mạnh tôn giáo mấy ngàn năm, xuyên biên giới cũng không thể làm nhẹ đi nỗi đau thất tình, tôi chỉ còn quốc lộ 20 nối Sài Gòn – Lâm Đồng. Tôi đến Di Linh vào một chiều mưa tầm tã, ướt lướt thướt, rồi u ám trở về với bức thư nhận từ cổng trại phong…
“Tôi biết anh sẽ trở lại nên để cho anh bức thư này. Anh không chỉ gây rắc rối cho tôi mà còn làm khổ hơn ba trăm con người đã quá đau khổ! Một lần nữa tôi gọi anh là kẻ xấu xa! Tôi đã phải bỏ trại phong để không thất hứa với Chúa. Tôi ra đi với nước mắt lưng tròng vì thương xót những người tàn tật… Dưới màu áo tu nghiêm cẩn, tôi cũng chỉ là một trinh nữ yếu đuối. Lần đầu nghe một lời tỏ tình, tôi sợ hãi muốn ngất rồi bị ám ảnh suốt những ngày, đêm sau đó. Nếu anh trở lại tìm tôi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Thôi thì tôi đến nơi khác để tiếp tục được phụng sự Chúa. Vĩnh biệt con người đã làm khổ tôi, khổ đời!
Maria Nguyễn Thị Thanh Tâm”
Tôi đứng dưới mái hiên nhà tiếp đón của trại phong đọc xong bức thư, vò lại trong nắm tay rồi cứ thế lảo đảo bước trong mưa, khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt lẫn nước mưa. Tôi ước được gặp Tâm lần nữa rồi chết cũng cam lòng. Nhưng trời đất bao la, mưa gió mù mịt, rét buốt xương, biết tìm Tâm phương nào? Tôi ôm thất vọng, não nề lội mưa ra quốc lộ 20 đón xe trở về…
*
Hai mươi lăm năm sau ngày chia tay tình đầu với Liên và ôm nỗi đau mất Tâm, tôi gặp Mỹ Kim. Cũng vóc dáng mảnh khảnh, cao ráo nhưng Kim ngăm ngăm chứ không trắng hồng như hai tình trước. Lần đầu hẹn hò, tôi không tìm được quán “Quy” như Kim hướng dẫn qua điện thoại. Nàng đến, chỉ lên chữ “We” to đùng rồi nói “Chúng tôi, chúng ta theo tiếng Anh đó”…
Tôi phì cười, nghĩ bụng: “Chắc phải học tiếng Anh thôi!”. Hai đứa thường ngồi chiếc bàn nhỏ sát tường, có mấy bông hồng tỉ muội bé xíu cắm trên cổ chai dân dã. Kim nói chuyện có duyên, mắt lúng liếng đa tình, giọng trong trẻo cao vút. Tôi bực mình vì nàng quá bận rộn, điện thoại nối tiếp điện thoại, toàn chuyện làm ăn… chẳng còn bao nhiêu thời gian để chuyện trò. Tôi cũng không hiểu mình mê Kim vì cái gì mà đắm đuối si dại; hờn giận rồi “hòa bình” rồi lại hờn giận… quen nhau ba tháng giận nhau gần chục lần.
Lần cuối cùng Kim tuyên bố “cấm vận” tôi 15 ngày. Hai đứa cùng thi gan không gọi điện, nhắn tin cho nhau suốt hai tuần. Đó là thời gian tôi bị đày đọa bởi cuộc đấu tranh giữa tự ái và nhớ nhung. Tự ái thắng nên tôi kiềm chế được những lần muốn bấm gọi hay nhắn tin làm hòa.
Đúng lúc “căng thẳng, quyết liệt” đó, tôi tình cờ gặp anh trai của Liên và được cho số tình đầu. Tôi gọi ngay sau cái bắt tay tạm biệt người đàn ông mình suýt gọi bằng anh vợ. Tôi hẹn Liên đến quán “We”, ngồi đúng chiếc bàn tôi với Kim hay ngồi. Tôi mượn tình cũ thay thế nỗi đau tình mới hay ngược lại? Chịu, chẳng phân biệt được!
Liên vẫn trẻ đẹp, mơn mởn ở tuổi chớm ngũ tuần và cố bình thản với cuộc sống độc thân, nhưng tôi biết nàng có những nỗi buồn thầm kín. Buồn nhất là sau 25 năm gặp lại, tôi dửng dưng, mơ màng, cứ nhìn qua vách kính ra ngã tư nhộn nhịp. Kim làm gần đó. Tôi thường đến trước, ngồi chỗ này, nhìn phía đó với cảm giác nôn nao. Kim mặc váy bó khoe đôi chân cao ráo, khỏe mạnh bước qua đường với nụ cười nghiêng nghiêng.
Tôi thích mái tóc bới cao, cái cổ xinh xắn xuôi theo hai vai tròn trịa. Thích ánh mắt nhìn tôi trìu mến từ xa và bước chân nhún nhẩy trên giầy cao gót. Bây giờ ngồi với Liên, tôi sực nhớ chưa bao giờ thấy Kim xõa tóc. Phát hiện này còn quan trọng hơn sự xuất hiện của sinh vật ngoài vũ trụ làm tôi ngồi với Liên mà như người mất hồn, tâm trí cứ nghĩ về Kim.
Liên đi rồi, tôi ngồi mân mê mấy bông hồng tỉ muội. Kim thích loại hoa này, tôi hứa nhưng chưa kịp tặng nàng một chậu thì hai đứa giận nhau, được 13 ngày sáu tiếng rồi. Thời gian khá dài trong nỗi nhớ mong và vô thức tôi bày ra đủ trò để “tự vệ”. Nơi tôi làm việc vừa xuất hiện một nhân viên mới, tên Hòa, trẻ hơn tôi 30 tuổi và trẻ hơn Kim 11 tuổi. Hòa thường rủ: “Bữa nào mình đua xe? Ra đường Nguyễn Văn Linh đạp ga mát trời ông địa luôn…”.
Tôi nhớ Kim nên chẳng để ý Hòa. Đến lúc Kim bảo tôi độc đoán, gia trưởng nên giận, tuyên bố “cấm vận” hai tuần, tôi buồn nên đi cà phê với Hòa. Hòa mới tốt nghiệp đại học, trẻ trung vui nhộn như con sáo, lái xe hơi hạ mui như tiểu thư trong phim Hong Kong. Tôi nửa đùa nửa thật nói:
– Trai già được đi cà phê với gái trẻ, thật vinh dự!
Hòa tinh nghịch bẹo má tôi, cười nắc nẻ:
– Chơi với người lớn, mình cũng lớn theo. Chơi với con nít mình “tồ” suốt đời. Hơn nữa Hòa với anh tình công sở “môi hở răng lạnh”!
– Tôi già rồi, dễ đau ốm, chắc có dịp cũng nhờ Hòa thôi!
– Khi nào anh ốm đau mới thấy “người hàng xóm tốt bụng” này ý nghĩa như thế nào!
Tôi đứng ở giữa, muốn yêu cả Kim lẫn Hòa. Được Kim chiều chuộng buổi tối, sáng sau quên mất Hòa. Lúc Kim gây sự, lại hẹn hò với Hòa để quên bực bội. Có chiều tan sở, tôi cuốc bộ nôn nao chờ Kim đến đón. Kim báo bận chẳng đến, Hòa lái “bi em” (BMW) mui trần tà tà hỏi tôi muốn đi nhờ không? Lên xe, trong bụng đang giận Kim, tôi ấm ức kể Hòa nghe chuyện có người hứa đón rồi không đến. Hòa cười: “Nước xa khó cứu lửa gần” sau này anh cần đi đâu, kể cả lên cung trăng, cứ gọi em!”.
Tôi đang hài lòng với Hòa thì điện thoại reng, giọng Kim:
– Em xong việc rồi nè, lại đón anh nhé. Mình đi ăn rồi bàn thương vụ này hay lắm!
Tôi nhìn Hòa lưỡng lự, Hòa liếc mắt mỉa mai, dọa dẫm:
– Nghe hết rồi, cứ đứng núi này trông núi nọ đi, đến lúc hối không kịp!
Tôi chẳng còn gì để mất nên nói thật:
– Cô ấy hứa giúp anh chuyện làm ăn…
Hòa bất ngờ đạp thắng làm tôi ngã xô về trước, giọng nàng lạnh băng:
– Xuống đi… con người không chung thủy!
Tôi nhìn theo chiếc xe của Hòa giận lẫy phóng đi, vừa ngượng vừa lo lo, tiếc tiếc. Hòa từng kể ba cô là gã hàng xóm khó ưa của tôi mới giàu lên nhờ làm hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, nên tôi thích trêu nàng là “nhà giàu mới”. Kim lái chiếc Ford 7 chỗ đen thui, kềnh càng đến, tôi mở cửa bước lên, nhìn Kim hài lòng.
Tôi có “bệnh” lạ, mỗi ngày soi gương hai lần mà hơn nửa thế kỷ làm người, vẫn không nhớ được khuôn mặt của mình. Tôi yêu, nhớ Kim và thật kỳ lạ cũng không hình dung được mặt mũi nàng lúc xa nhau. Đúng là mối quan hệ khó nhận diện! Nhưng thôi, lúc khác sẽ suy nghĩ tiếp về vấn đề hóc búa này, giờ cứ bắt tay, mừng rỡ vì đã có “hòa bình” đã…
Đêm đó vui vẻ, tôi cứ ngỡ quan hệ đã được nâng cấp. Ai ngờ lúc sắp ra về, Kim hôn má tôi rồi la toáng lên: “Có mùi lạ, trước lúc gặp em anh ôm ai?”. Tôi đành thú nhận chuyện đi nhờ xe của Hòa. Kim xẵng giọng: “Vậy gọi cô ấy đến đón đi”… rồi bỏ tôi lại, lên xe Ford phóng đi. Tôi cũng bực, nhắn cho Kim: “Em muốn gì nói thẳng đi, đừng có sáng nắng, chiều mưa anh điên lắm!”. Kim không trả lời, lại “chiến tranh lạnh”!
*
Tôi ngồi một mình ở quán cà phê “We” nghĩ ngợi đủ chuyện. Khi Liên nhắn tin báo bị kẹt đường vì dân Sài Gòn hồ hởi đón Tổng thống Obama, cũng là lúc Kim gọi tôi:
– Hello anh yêu! Hết giận em chưa?
Tôi bật cười, bắt chước tuyên bố chung Việt – Mỹ vừa phát đi từ Hà Nội ra khắp thế giới: “Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai!”… Kim cười giòn tan…
Theo Văn nghệ công an