Vũ Thị Huế

“Nếu kết hợp Jane Austen và Franz Kafka lại với nhau, bạn sẽ có Kazuo Ishiguro”, Sara Danius, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển nói. “Tuy nhiên, bạn sẽ phải thêm vào đó một chút Marcel Proust, sau đấy khuấy lên một cách nhẹ nhàng”. Là tác giả quốc tịch Anh gốc Nhật Bản, Kazuo Ishiguro, nhà văn chiến thắng Nobel Văn học 2017, được đánh giá là “tài năng vẹn toàn”, thành công “xây dựng một vũ trụ thẩm mỹ riêng biệt”.

1. Chiến thắng thuyết phục

Giữa một rừng những tên tuổi ứng cử viên tiềm năng nổi bật như Margaret Atwood (Canada), Ngugi Wa Thiong’o (Kenya), Haruki Murakami (Nhật Bản), Salman Rushdie (Ấn Độ), Cormac McCarthy (Mỹ)… Ishiguro không dám mong đợi là người vinh dự giành giải thưởng văn học uy tín nhất thế giới. Ông thừa nhận, so với nhiều tác giả xuất sắc đang còn sống, mình không hẳn xứng đáng là chủ nhân Nobel Văn chương. Thế nên, khi được tin, Ishiguro nghi ngờ là “tin vịt”. Chỉ đến khi các phóng viên ào đến vây kín nhà riêng, ông mới vỡ òa cảm giác vui mừng. Ishiguro nói rằng ông rất tự hào vì giành được giải thưởng, hy vọng điều này sẽ là một sức mạnh góp phần hóa giải sự bất ổn trên toàn cầu hiện nay.

“Chúng ta đang ở trong khoảng thời gian rất kỳ quặc của thế giới”, Ishiguro nhận định. “Mất niềm tin vào hệ thống chính trị, người lãnh đạo, không dám chắc về giá trị của mình. Tôi chỉ mong rằng, Giải thưởng Nobel này sẽ đóng góp được chút gì đó cho việc tạo ra thiện chí và hòa bình. Thế giới đang ra sao, mọi người có thể làm những gì từ các góc độ khác nhau, tôi hy vọng nó sẽ nhắc nhở chúng ta về điều đó”. Giữa những tác giả tiền bối giành Nobel Văn học như Seamus Heaney (Ireland), Toni Morrison (Mỹ), Doris Lessing (Anh), Pablo Neruda (Chile)… Ishiguro nổi bật với đánh giá là người “khám phá vực thẳm ẩn sâu dưới cảm giác mơ hồ của sự kết nối với thế giới” và “viết bằng năng lượng cảm xúc tuyệt vời”.

Khác với sự hỗn loạn của Nobel Văn học 2016, khi Bob Dylan được thông báo là người giành chiến thắng, không có bất kỳ sự phản đối nào với tin tức Ishiguro trở thành chủ nhân Nobel Văn chương năm nay. Salman Rushdie, tác giả Những vần thơ của quỷ Satan (The Satanic Verses) lập tức đưa ra lời chúc mừng. Ông cho biết, kể từ khi đọc Cái nhìn mờ ảo của những ngọn đồi (A Pale View of Hills), ông đã thật sự ngưỡng mộ Ishiguro. “Ông ấy còn biết chơi guitar và sáng tác nhạc nữa. Điều này làm tôi nhớ tới Bob Dylan”, Rushdie nói. Bản thân Ishiguro là người hâm mộ Bob Dylan từ thời thanh niên. Khi được hỏi về giải thưởng Nobel Văn chương năm ngoái, ông nói tránh “Đó không phải điều tôi nên nêu ý kiến. Chúng ta đã chọn ra người mà chúng ta cho là xuất sắc nhất”. Ông khẳng định Bob Dylan vẫn là “người hùng” của mình.

2. Tác giả mọi thời đại

Với tuổi 62, Ishiguro tự cho rằng mình cũng không phải còn quá trẻ để giành một giải thưởng lớn. Một phần ông cảm thấy khó tin vì chiến thắng quá bất ngờ, phần còn lại ông tự hào vì những gì đã đạt được. Sinh ngày 8/11/1954 tại Nagasaki, Nhật Bản, Ishiguro cùng gia đình chuyển tới Anh năm 1960, khi mới 5 tuổi. Ông tốt nghiệp Đại học Kent, nhận bằng Thạc sĩ khoa Sáng tác trường Đại học East Anglia năm 1980.

Trong thế giới nói tiếng Anh, Ishiguro là tác giả hư cấu gốc Nhật Bản được biết đến nhiều nhất. Ông từng nhận 4 đề cử cho Giải thưởng Man Booker và chiến thắng năm 1989 với tác phẩm Tàn tích của ngày (The Remains of the Day). Tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi (Never Let Me Go) của Ishiguro được Tạp chí Time đánh giá là tiểu thuyết hay nhất năm 2005, nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh xuất sắc nhất trong khoảng 1923-2005. Tác phẩm mới nhất, Người khổng lồ bị chôn vùi (The Buried Giant), cũng được xuất bản từ năm 2015. Năm 2008, Tạp chí Time lần nữa vinh danh Ishiguro trong danh sách 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945.

Với nhiều tác phẩm được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng, Ishiguro ghi dấu ấn trong lòng độc giả thế giới bằng chủ đề “ký ức, dòng thời gian và ảo ảnh”. “Một trong những điều tôi luôn luôn để tâm, đó là: chúng ta cùng lúc sống trong cả thế giới nhỏ bé lẫn vũ trụ to lớn. Chúng ta có một mảnh sân cá nhân mà trong đó, chúng ta nỗ lực tìm kiếm sự hoàn hảo và tình yêu thương. Nhưng ‘mảnh sân cá nhân’ đó thế nào cũng giao thoa với thế giới vĩ đại, nơi chính trị, thậm chí là đảo chính, có thể chiếm ưu thế”, ông cho biết. Trước sự nghiệp của Ishiguro, Andrew Motion, nhà thơ Ireland từng nói “Thế giới trí tưởng tượng của tác giả này có phẩm hạnh tuyệt vời”, “đáng kinh ngạc”, “đầy hấp dẫn”, “xứng đáng là tác giả được công nhận bởi Nobel Văn học”.

“Ishiguro là người cực kỳ quan tâm đến chủ đề ký ức, nhưng ông không phải nhà văn theo chủ nghĩa Proust”, Danius khẳng định. “Ishiguro không viết vì tiếc nuối quá khứ. Ông viết nhằm cho chúng ta biết về những gì chúng ta đã quên đi để sống lúc mới bước vào đời, trong vai trò một cá nhân và một xã hội”.

3. Với Nhật Bản

Dù dành phần lớn thời gian ở Anh, Ishiguro giữ tên tiếng Nhật cũng như văn hóa Phù Tang. Tiểu thuyết đầu tay của ông, Cái nhìn mờ ảo của những ngọn đồi, là câu chuyện về người nhập cư Nhật Bản tại Anh. Nó dường như được đúc kết từ kinh nghiệm của chính gia đình tác giả. Tuy nhiên, như tác giả thừa nhận, ông không có nhiều hiểu biết về Nhật Bản, ngay cả các tác phẩm cũng không mang nhiều hơi hướm văn chương cố quốc. Dẫu vậy, Ishiguro vẫn yêu thích không ít nhà văn của xứ sở Hoa anh đào, thường trích dẫn tác giả Jun’ichirō Tanizaki, đặc biệt ngưỡng mộ hai đạo diễn Yasujirō Ozu và Mikio Naruse.

Ba mươi năm sau khi rời quê hương, Ishiguro mới trở về thăm Nhật Bản. Ông thú nhận với Kenzaburō Ōe, nhà văn Nhật đoạt giải Nobel năm 1994, trong một buổi nói chuyện, rằng bối cảnh Nhật Bản được xây dựng trong 2 tiểu thuyết đầu tiên của mình thuần túy là ảnh ảo. “Tôi lớn lên với hình ảnh Nhật Bản được phác họa trong đầu… Trong suốt thời gian ở Anh, tôi dành thời gian để xây dựng một đất nước Nhật Bản bằng óc tưởng tượng”.

Khi được hỏi về ảnh hưởng của Nhật Bản với tác phẩm của mình vào năm 1989, Ishiguro trả lời “Tôi không thích Anh quốc cho lắm, vì tôi có cha mẹ là người Nhật và được nuôi dưỡng trong môi trường tiếng Nhật. Cha mẹ tôi không biết rằng họ sẽ phải ở lại nước ngoài lâu đến thế. Họ tin mình có trách nhiệm dạy dỗ tôi giữ gìn truyền thống Nhật Bản”. Ngay cả khi được phỏng vấn sau thông báo kết quả giải Nobel, Ishiguro vẫn nói “Trong suốt sự nghiệp của tôi, dẫu trưởng thành và được đào tạo tại Anh quốc, phần lớn quan điểm của tôi về thế giới, cả phương pháp tiếp cận nghệ thuật, vẫn là đứng ở góc độ Nhật Bản. Vì, tôi được nuôi dạy bởi cha mẹ là người Nhật, nói tiếng Nhật. Tôi luôn nhìn thế giới thông qua đôi mắt của bậc sinh thành”.

Các tiểu thuyết của Ishiguro, trừ Người khổng lồ ngủ quên, đều được kể bởi ngôi thứ nhất. Bằng cách này, ông khéo léo cho phép các nhân vật tự tiết lộ sai sót trong khi vẫn xin được sự đồng cảm của người đọc. Hầu hết tác phẩm đều kết thúc dở dang. Những vấn đề mà nhân vật của Ishiguro phải đối mặt với quá khứ bị chôn vùi, vẫn chưa được giải quyết. Cái chung nhất là sự thừa nhận với chuyện đã xảy ra, từ đó chấm dứt sự dằn vặt trong tâm khảm. Các nhà phê bình thường so sánh Ishiguro với Fyodor Dostoyevsky (Nga) và Marcel Proust (Pháp) vì văn phong “dòng ý thức”. Ngoài ra, họ cũng đặt ông trong so sánh với Salman Rushdie, Jane Austen, Henry James (Mỹ)… dù Ishiguro tỏ ra không đồng tình.

Tác phẩm nổi bật nhất của Ishiguro có lẽ là Mãi đừng quên tôi, câu chuyện viễn tưởng xoay quanh mối quan hệ của ba người bạn Kathy H, Ruth và Tommy, với những sự kiện trải dài từ lúc còn nhỏ tới khi trưởng thành. Nó được đặt trong bối cảnh nước Anh. Tuy nhiên, với văn học Anh, đây là một trong số những lần hiếm hoi họ tiếp cận với nông thôn, trường nội trú, thị trấn ven biển quen thuộc trong bối cảnh rối rắm đến như vậy. Tương tự, Tàn tích của ngày, dù nhân vật là quản gia, hình ảnh không lạ lẫm ở Anh, vẫn là sự đánh đố với nền văn chương vốn điển hình bằng lối miêu tả tường minh. Tiểu thuyết của Ishiguro là sự tự phủ nhận và tự lừa dối. Nó khiến độc giả buộc phải động não nếu muốn hiểu tường tận vấn đề.

Trong khi dùng lối hành văn tiểu thuyết phức tạp, Ishiguro lại vẫn khá dễ dãi và dí dỏm lúc viết truyện ngắn. Ngoài ra, ông còn tham gia lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, sáng tác truyện tranh. Ishiguro lo lắng gánh nặng người giành giải Nobel Văn học sẽ ảnh hưởng đến bản thân. Ông hy vọng nó “không đánh dấu cho sự kết thúc”. Ông cũng mong sẽ không ngủ quên trên chiến thắng, trở nên lười biếng hay tự mãn.

Tổng hợp từ Cnn, Theguardian và Wikipedia

Nguồn Văn nghệ số 41/2017

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

 

Exit mobile version