Mai Anh Tuấn

Một khảo sát nhỏ trên trang web chính thức của Giải Nobel cho thấy chỉ có chừng 30% người được hỏi đã từng đọc Kazuo Ishiguro, tân chủ nhân Nobel Văn chương 2017. Nhưng Nobel văn chương vẫn hay đỏng đảnh với những lí lẽ của riêng mình.

Nối lại từ quãng đứt

Sinh tại Nagasaki (Nhật) năm 1954 nhưng chỉ vài năm sau, Kazuo theo gia đình chuyển đến sinh sống ở Guildford, một thị trấn nhỏ miền nam nước Anh. Cho đến năm 29 tuổi, Kazuo vẫn chưa quay lại Nhật Bản mặc dù trước đó, trong tiểu thuyết đầu tay, A Pale View Of Hills (1982), Kazuo lấy bối cảnh là thành phố quê hương. Khi quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, mẹ của Kazuo vừa qua tuổi thiếu nữ. Nhà cửa của bà bị tàn phá, bản thân bà bị thương tích và phải ở lại điều trị trong khi anh chị em thì đi các vùng khác để được giúp đỡ. Nhật Bản, từ trong kí ức của người mẹ, với Kazuo, là nỗi hãi hùng, khiếp sợ. Ông chỉ có thể nắm bắt được xứ nhà ấy bằng tưởng tượng, bằng những hình ảnh, bức tranh hiện hữu trong đầu. Tuổi thơ của Kazuo khá êm đềm ở Anh, hầu như chẳng gặp khó khăn gì, kể cả thứ ngôn ngữ mới bên cạnh tiếng Nhật được bố mẹ giữ gìn. Nhưng để viết, kể một câu chuyện thực sự của mình, Kazuo phải bắt đầu từ vết thương Nagasaki không dễ nguôi ngoai. Hai bảy tuổi, nhờ A Pale View Of Hills, một tiểu thuyết kể về cái cách Nagasaki đứng lên sau đống tro tàn, Kazuo đã được coi là nhà văn trẻ xuất sắc của Anh.

Rõ ràng, lí lịch của Kazuo thuộc về một kiểu chân dung mà thời đại toàn cầu hóa thường lấy đó làm điều suy tư, bàn luận: rút cuộc, căn cước của mỗi cá nhân là gì, nằm ở đâu, giữa một bên là quê nhà nguồn cội với một bên là trú xứ xa lạ? Sẽ thật khó trả lời thấu đáo nếu những trải nghiệm của anh chưa đủ thấm thía, chưa tựu kết thành một thứ cảm quan về sự bật gốc, bứng trồng địa dư và văn hóa. Ở khía cạnh này thì Kazuo, bởi đã là chứng nhân nhân rồi trở thành hiện thân của quá trình dịch chỗ, luôn có thái độ chân thực tận đáy không chỉ trong việc cất tiếng nói nội tâm sâu lắng của chính mình, mà còn cả trong khả năng quan sát, mô tả những số phận bị mắc kẹt bởi kí ức, bị truy vấn bởi đòi hỏi hòa nhập, chấp nhận thực tại. Cần lưu ý thêm rằng, trước và cùng thời với Kazuo, văn chương thế giới, đặc biệt là các tác giả đến từ “thế giới thứ ba” (Michael Ondaatje, J. M. Coetzee, Salman Rushdie, hay Linda Lê, Monique Trương chẳng hạn) vẫn đầy ắp nỗi niềm, thường là dằn vặt, đau đớn và hoài thương, khi đề cập đến tình thế bị lãng quên, mất mát của sắc dân thiểu số, của các cá nhân đơn lẻ, nhỏ yếu trước sức mạnh “phẳng hóa” đến mọi ngóc ngách. Điểm riêng đáng kể nhất của Kazuo, có thể, như chính Viện hàn lâm Thụy Điển phát hiện, là ông cố gắng nhìn ra nhu cầu “kết nối” không bao giờ nguội lạnh ngay cả khi phải đối mặt với hắt hủi, ruồng bỏ.

Kết nối là cách để con người tìm thấy điểm chung, hơn nữa, để vượt qua các rào cản vô hình. Trong Dạ khúc: năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông (2009), tập truyện ngắn đầu tiên sau khi đã công bố sáu tiểu thuyết, Kazuo hướng trọng tâm vào những khớp nối nhân tâm ấm áp, dù chốc lát và đôi khi mỏng manh, đang nâng bước con người bước tiếp đoạn đời phía trước chưa thể hình dung sẽ ra sao. Đó có thể là Người hát tình ca, là Nghệ sĩ Cello, là cặp vợ chồng già đến du xuân trên ngọn đồi Malvern ở Anh hoặc một cặp bệnh nhân phải “đẽo lại mặt” trong bệnh viện thẩm mĩ… Họ xuất thân ở nhiều nơi khác nhau, ngôn ngữ khác nhau nhưng đều thuận lòng tự thổ lộ, bộc bạch điều gan ruột. Họ mang theo những kỉ niệm chung, đôi khi chỉ về một bài hát, một điệu nhảy, và họ cũng muốn từ chối những thứ cũ kĩ, kể cả tình yêu. Họ đơn độc mưu sinh nhưng không hề ngần ngại lắng nghe những thất bại, muộn phiền của người khác. “Nối lại từ quãng đứt”, nhân vật trong Mưa hay nắng đến đã mong muốn như vậy. Tất nhiên, không thật dễ dàng để bắt đầu phục dựng kí ức, thanh lọc những gì tinh tế, đẹp đẽ của quá vãng khi thân thể ngày một già đi và đầu óc mất dần tỉnh táo. Như cách nói giàu biểu tượng của Kazuo, nó là những “cái còn lại” (The Remains of the Day, 1989), phần cuối của đời người ngắn ngủi, nhưng là phần hồi tưởng, nuối tiếc, bao dung cho định mệnh và thành kiến vốn chẳng bao giờ thôi hủy hoại con người.

Trong cách kể của Kazuo, cảnh quan đóng vai trò quan trọng. Bởi nó là thanh âm địa lí của sự chuyển dịch, nhưng hơn hết, nó dung chứa một quãng đời đã qua, vừa ngọt ngào vừa u buồn, một khoảng thời gian với nhiều xáo trộn tâm tư, tính cách. Không dữ dội, thậm chí, tiết chế đến từng lời than thở, nhưng Kazuo vẫn nhìn thấu hình bóng quá khứ đang va động, ăn sâu vào hiện tại. Với ông, quá khứ dù cố vuốt thẳng để thành một tờ giấy đẹp, chúng liền nhăn trở lại. Tuy nhiên, trái ngược cảm giác sầu muộn vì bất khả vãn hồi thời gian trôi qua như trong văn chương Kawabata, Kazuo tươi tắn và hài hước hơn trong khi suy niệm về thời gian, cái đẹp, sự tàn phai và tính chất mơ hồ của các giá trị vĩnh hằng. Điều này, đặt trong mạch tiếp nối truyền thống nghệ thuật Nhật Bản, khơi gợi những tương đồng nhất định giữa Kazuo và Tanizaki Junichiro, Yasujiro Ozu… Còn đặt trong thời thế bất an mà chúng ta đang thấy, nó vun đắp lòng ham sống, ý chí vượt qua thất bại thay vì ẩn nhẫn chịu đựng.

(Kazuo Ishiguro trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi được tin giải Nobel văn chương)

Không chỉ là giả tưởng

Cả Mãi đừng xa tôi (Never let me go, 2005) và Người khổng lồ ngủ quên (The Burried Giant, 2015) đều được viết theo lối kì ảo, giả tưởng. Nhưng dưới vỏ bọc có vẻ tân thời ấy, Kazuo không giản đơn kể cho xong một câu chuyện hoang đường, huyền hoặc.

Mãi đừng xa tôi ra đời sau khi sự kiện nhân bản thành công cừu Dolly. Vì thế, câu chuyện về ngôi trường Hailsam chuyên nuôi dưỡng những đứa trẻ vô tính để biến chúng thành người hiến tạng hẳn là một lời cảnh tỉnh ngầm của Kazuo trước cuộc chạy đua kĩ thuật y học như hiện nay. Cuốn tiểu thuyết không chỉ nhấn mạnh việc hiến tạng là khủng khiếp và tàn nhẫn, mà ám ảnh hơn, chủ yếu dự báo sự vô cảm tuyệt đối của cộng đồng đối với những cá thể đơn độc là thực tế chẳng riêng ở đâu. Nếu rơi vào một thiết chế bảo thủ, già nua và phi nhân như trường Hailsam thì bất cứ ai cũng đều có nguy cơ trở thành người hiến tạng, mất dần thân thể cho đến chết. Đâu mới là bản chất thật của vô tính và nhân tính khi nhìn lại kẻ thực thi chương trình hiến tạng và nạn nhân là những người đã chứng thực mình có tâm hồn, tình yêu, nỗi đau?. Mãi đừng xa tôi gần giống một đối thoại mà ở đó, cái nhìn duy lí kiểu phương Tây được gài cắm rất tinh tế dưới giọng điệu tự sự thoang thoảng bi thương, trữ tình.

Cũng là đối thoại nhưng Người khổng lồ mất ngủ mang nhiều cảm hứng triết luận. Đằng sau hành trình tìm lại con trai của đôi vợ chồng già Axl và Beatrice trên xứ sở đầy ắp sương mù, những loài ma quỷ, những người dân không có nhu cầu nghĩ về quá khứ, là cả một cuộc phiêu lưu quyết liệt để nắm bắt tự do,  để chiêm nghiệm thù hận và tội lỗi. Cuốn tiểu thuyết mà người già là nhân vật trung tâm này, thiết nghĩ, còn hàm nghĩa sự cố gắng chấp nhận nhận thức lại sâu hơn, thậm chí vươn đến tầm bi kịch hơn, để không còn những băn khoăn, hồ nghi về bản ngã, về điều gì đáng quên và đáng nhớ. Khi nhân loại cũng đang bước vào tuổi xế chiều, những thúc giục hào hứng nhất, như Kazuo lấy Axl và Beatrice làm hình mẫu, phần lớn đều xuất phát từ đức tín, từ lòng hướng thượng trong sáng và thành thực. “Rất có thể Chúa đã nghe thấu những gì chúng ta cầu xin và đang vội tới đây giúp chúng ta nhớ lại mọi thứ” – đấy cũng là điểm khởi sinh của năng lượng yêu thương, gắn kết.

Cố nhiên Kazuo không siêu hình hóa, càng không tự lừa mị sự thật cuộc đời bằng thứ nước sơn trắc ẩn nông nổi. Là người Nhật thành danh trên nền học vấn Anh, có vốn tri thức văn chương và âm nhạc phương Tây khá vững, nhưng cỗi gốc Nhật chưa mất trong gia đình, Kazuo hiểu rằng muốn vươn đến “thế giới đại đồng”, con người ít nhất cần thông hiểu và tôn trọng cái nhỏ nhặt, khác biệt của mỗi sắc tộc, vùng miền. Và nhất là, phải để hiện tại ứng xử chính xác, nhân văn hơn với quá khứ. “Tôi luôn nhìn thế giới qua đôi mắt của bố mẹ” – Kazuo Ishiguro khẳng định như vậy ngay khi nhận tin vui từ Thụy Điển.

“Con người không phải là hợp nhất hai phần ba của một thứ, phần còn lại là thứ gì đó khác. Không nên tách bạch khí chất, tính cách hay quan điểm như thế. Các thành tố đừng phân chia rõ ràng. Thường thì chúng ta được tạo kết trong một hỗn hợp hài hước. Điều đó sẽ trở nên phổ biến hơn trong phần sau của thế kỉ này: pha trộn văn hóa, nguồn gốc và chủng tộc. Thế giới đang hiện hình theo cách đấy”.  

Kazuo Ishiguro trả lời BOMB Magazine khi được hỏi về “chất Anh” trong mình.

(Nguồn: Tuổi Trẻ cuối tuần)

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài