Sinh năm 1939 tại Hall/Tirol, Cộng hòa Áo, hiện sống tại Italia, là Chủ tịch Hội Văn bút Công quốc Lichtenstein, một cây bút đương đại độc đáo trong văn chương Đức ngữ. Thơ ông được dịch ra gần 20 thứ tiếng và được tôn vinh bằng nhiều huân chương, huy chương về  khoa học và nghệ thuật, văn hóa và nghệ thuật.

Các thi phẩm chính: Tĩnh lặng là thước đo chốn xa xăm (1973), Người thuê lại cuộc đời (1976), Kinh tuyển hy vọng (1979), Vắng mặt (1993), Ngược thời gian (1998), Tiền sảnh vào đêm (2000)…
Ở Việt Nam, một tập thơ của Karl Lubomirski đã được xuất bản qua sự tuyển chọn và dịch của dịch giả Quang Chiến vào tháng 7 năm 2013. Tập thơ mang tên: Ánh sáng và tro tàn. Trong Ánh sáng và tro tàn, những bài thơ của Karl Lubomirski cực ngắn. Bài dài nhất chỉ 14 – 16 câu. Bài ngắn nhất chỉ có một câu. Còn phổ biến là những bài 2 – 3 hoặc 5 – 6 câu.

Thơ này là thứ thơ kiệm lời đến nỗi không thể kiệm lời hơn được nữa. Nó là thứ thơ nén chữ và cô ý được đặt trên nền tảng bất di bất dịch là tứ. Dường như không có tứ, ông không có thơ và làm thơ. Nói như Viên Mai (đời Thanh, Trung Quốc):  Ý tứ trong thơ Karl Lubomirski là “ông chủ”, còn câu chữ chỉ như “đầy tớ” mà thôi. Nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của ông giống như châm ngôn, danh ngôn vậy.

Nếu diễn đạt theo cách khác thì thơ của ông giống như một người ít nói hoặc nói ít, nhưng đã không nói thì thôi, còn đã nói thì nói câu nào “chết người” câu ấy.

Nhưng thơ của Kail Lubomirski kiệm lời mà không khô khan, nén chữ và cô ý là để bùng nổ và lan truyền. Bài thơ ngắn nhất mang tên “Con mắt thứ ba”, chỉ có ba từ: Sự đau khổ. Bài thơ ngắn thứ hai mang tên “Cảnh báo”, cũng chỉ có năm từ: Tâm hồn không tái sinh. Những bài thơ này thuộc dạng thơ định đề. Một khi một vấn đề được phát hiện ra, được đặt ra, ngay lập tức nó được định vị, được găm hoặc đóng đinh tức khắc vào trí nhớ độc giả.
Có thể liệt kê: “Cái thiện cái ác”; “Đời”; “Tất cả chúng ta”; “Cây đời”; “Sách”; “Trống rỗng”; “Sự tiến bộ”; “Chiến tranh”; “Lòng nhân từ”; “Cây”; “Cuộc sống là”; “Thiền”; “Học khó nhất”; “Con người”; “Tất cả chúng ta”…

Đây là nguyên văn bài “Cái thiện, cái ác”:

Cái thiện

Cái ác

Hai đường song song

Giao điểm ở vô cùng.   

Đây là nguyên văn bài “Cây đời”:

Cây đời tôi ra trái

Hoài nghi.

Đây là nguyên văn bài “Sự tiến bộ”:

Chúng ta chặt đứt tay

Số phận

Và tin

Không có số phận.

Đây là nguyên văn bài “Cuộc sống là”:

Một bức thư dài

Mà bất hạnh

Gửi cho hạnh phúc.

Đây là nguyên văn bài “Học khó nhất”:

Học khó nhất

Học mình thất bại.

Và còn nhiều nữa.

Trong chùm thơ trên, tính triết lý, triết luận trong thơ là rất cao. Và đằng sau những con chữ hiếm như vàng ròng ấy là hàng loạt những lời bàn, lời bình không dứt.

“Trường” đề tài trong Ánh sáng và tro tàn rất rộng và đôi khi, cũng có thể chỉ là cái cớ. Cụ thể cũng có. Trừu tượng cũng có. Đó là các bài thơ, các nhà thơ và những gì liên quan đến các bài thơ, các nhà thơ; quốc gia, con người ở quốc gia đó và những gì liên quan đến quốc gia và con người ở quốc gia đó; môi trường nói chung, hoa nói riêng và những gì liên quan đến môi trường và hoa; mẹ và tình yêu cùng những gì liên quan đến mẹ và tình yêu; chiến tranh và những gì liên quan đến chiến tranh; sự nổi dậy; bóng tối và những gì liên quan đến bóng tối…

Ông coi nhà thơ là Con chim bay/ Trên rừng cháy, là Những viên gạch/ xây tường/ cho một vương quốc lạ và coi các bài thơ là Chìa khóa vào nhà ngục đời tôi.

Ông coi Ba Lan là nơi/ người ta chôn cất các nhà thơ/ Bên cạnh các ông vua và nhận thấy: Những người Trung Hoa thường Mỉm cười sống cái khổ của mình/ Mỉm cười/ Cho đến khi chiều tắt.

Ông thương biển vì Khoác tấm áo ngọc trai/ Và rác thải của chúng ra. Ông trách cứ con người đã không ân hận, ăn năn cho dù đã Lấy đi âm thanh của không trung/ Đã cướp đi khoáng vật của trái đất/ Đánh cắp gam màu tối của màn đêm/ Cướp đi muông thú của rừng/ Cá của nước/ Tự do của loài vật… Ông mong có một ngày Vì một con thú đã khẩn nài nhìn bạn và Bạn cứu giúp/ Không để con thú kia thất vọng. Ông luôn luôn muốn gìn giữ, nâng niu, sống hòa hợp với thiên nhiên đến nỗi mà trong “Ngày của mẹ” đã thốt ra những lời này: Con đã không ngắt/ Những bông hoa tím ở trong rừng/ Con tặng mẹ/ Sự sống còn của chúng. Còn đây là cách lý giải gốc gác sự nở của hoa thật lạ lùng:

Mỗi năm một lần

Các thiên thần từ trên trời xuống trái đất

Cây cối

Vì không biết khóc

Đã nở hoa.

Ông gửi gắm tình yêu của mình vào các bài thơ: “Những bông hoa của ánh mắt em”, “Gửi Enrica”, “Tỉnh ngộ”, “Tôi”, “Bên em”… Có lẽ, chỉ cần đọc Bên em/ Anh chết dễ dàng hơn, ta cũng đủ hình dung tình yêu dành cho người mình yêu của ông sâu sắc và lớn đến mức nào. Và cả với mẹ nữa qua “Chưa bao giờ con thấy”: Chưa bao giờ con thấy các thiên thần/ Nhưng mẹ ơi/ Chắc chắn họ phải vô cùng giống mẹ.

Về đề tài chiến tranh, trong Ánh sáng và tàn tro, ít nhất có hai bài. Bài thứ nhất ở mang nặng chất định đề: Máy tính điện tử tính toán được tất cả/ Ngoại trừ lòng thương người. Bài thứ hai mang một cách nhìn hoàn toàn khác. Nếu Vương Hàn (đời Đường, Trung Quốc) trong “Khúc hát Lương Châu” có câu Xưa nay chinh chiến mấy ai về, thì Karl Lubimirski lại có cách diễn đạt khác, vừa sinh động hơn, vừa thực chứng hơn qua “Chiến tranh”:

Chiến tranh có nghĩa

Những chiếc ví của người lính căng phồng

Đầy ảnh và thư

Đôi khi

Các anh hùng ra đi khóa cửa rất cẩn thận

Như thể họ sẽ trở về.

Ông đề cao sự nổi dậy của mỗi cá nhân, ngay cả khi đã trở về thế giới bên kia qua “Tại sao”:

Tại sao

Bạn không xô phiến đá

Trước mộ mình sang một bên

Và đứng lên?

Theo tôi, những bài thơ viết về bóng tối và liên quan đến bóng tối của ông, còn lạ lùng hơn.

Trong “Mỉm cười”, ông đặt ra câu hỏi nằm ở hai câu kết: Cần bao nhiêu bóng tối/ Cho một đêm vô tận? Có thể diễn xuôi và hiểu theo kiểu bề nổi: Một đêm vô tận thì cần bao nhiêu bóng tối là đủ? Trong “Không thể làm ánh sáng”, ông triển khai một tứ thơ như một lời khuyên có giá trị như một bài học đạo đức, cách sống, quan niệm sống: Nếu bạn không thể làm ánh sáng/ Cho một ai/ Cũng đừng làm bóng tối. Đến “Vì sao”, khi đọc xong, tôi có cảm giác gai người:

Vì sao

Ánh sáng lại trở thành bóng tối

Khi đi qua chúng ta.

Nếu được phép của dịch giả Quang Chiến, tôi muốn đảo câu thứ hai thành câu thứ ba, câu thứ ba thành câu thứ hai nhắm nhấn mạnh ý:

Vì sao

Khi đi qua chúng ta

Ánh sáng lại trở thành bóng tối?

Rõ ràng nếu hai câu: Hoa huệ trắng, hoa lan cũng trắng/ Sao bóng nó trên tường lại đen? mới đạt đến hiện tượng, thì ba câu thơ trên đã đạt đến bản chất. Và chỉ ba câu thơ trên thôi, cũng đủ tầm cỡ khơi mở, gợi ý cho một luận văn tốt nghiệp trình độ cử nhân rồi.

Thơ Karl Lubomirski thấm đẫm nhân văn. Nói một cách khác: Ông là con người nhân văn và là một nhà nhân văn. Chỉ cần đọc “Nếu sự khốn cùng”, “Chưa bao giờ con thấy”, “Những người hành khất”, “Ngày của mẹ”, “Không thể làm ánh sáng”, “Điều ước một ngày”, “Cha”, “Ai ngã”…là thấy rõ. Trong “Những người hành khất”, ông viết:

Họ hào hiệp để mất sự yên bình

Mong có được hai xu

Và làm cho chúng ta giống người hơn

Hai xu.

Vậy mà ông vẫn rất khiêm nhường qua “Không là gì”:

Không là gì hết cả

Đời là sự thoáng qua

Một đời đâu đủ sức

Hiểu hết một bông hoa.

Thế giới trong lòng “bàn tay thơ” của Karl Lubomirski là thế. Đấy là thứ thơ của một bậc minh triết và nhân văn.
Hình như từ xa xưa, Khổng Tử từng dạy (đại ý): Cái gì nhỏ là bất cứ cái gì cũng ở ngoài nó. Cái gì lớn là bất cứ cái gì cũng ở trong nó.

Và thơ Karl Lubomirski nằm ở lời dạy thứ hai.

Theo VNTPHCM