Có lần tôi định viết một nghiên cứu những tiên báo về Kafka. Ban đầu tôi nghĩ ông độc đáo như loài phượng hoàng trong sự tán dương cường điệu; nhưng sau một thời gian ngắn đọc ông, tôi lại cảm thấy như nhận ra tiếng ông, hoặc những lề thói của ông, trong những văn bản của nhiều tác phẩm văn chương khác nhau và nhiều thời đại khác nhau. Tôi sẽ ghi lại một ít trong đó ra đây, theo trình tự thời gian.
Đầu tiên là nghịch lí của Zeno về chuyển động. Một vật di chuyển từ điểm A (Aristotle nói rõ) sẽ không thể đến được điểm B, vì nó phải vượt qua một nửa khoảng cách giữa hai điểm, và trước đó, một nửa của một nửa, và trước đó nữa là một nửa của một nửa của một nửa, rồi cứ thế đến vô cùng. Thể thức của nghịch lí nổi tiếng này chính xác như trong Lâu đài và vật di chuyển, mũi tên và Achilles là những nhân vật kiểu-Kafka (Kafkaesque) đầu tiên trong văn chương.
Trong văn bản thứ hai mà một thư mục đã tình cờ đưa lối cho tôi, sự tương đồng không nằm trong thể thức mà là ở giọng điệu. Đó là một truyện cổ được viết bởi Hàn Dũ (韓愈), một nhà văn ở thế kỉ thứ IX, được phát hiện trong một tác phẩm đáng quý Anthologie raisonée de la litérature chinoise (Tinh tuyển Văn học Trung-hoa) (1948) của Margouliès. Đây là đoạn văn huyền bí và lặng lẽ mà tôi chú ý:
Thú một sừng (unicorn) được thừa nhận rộng rãi như một sinh thể siêu nhiên và một điềm lành; nên nó được xưng tụng trong những vần thơ trữ tình Ode, trong những pho Sử biên niên (Annals), trong lai lịch của những con người lừng lẫy, và trong các văn bản với quyền uy không thể nghi ngờ khác. Ngay cả phụ nữ và trẻ con trong cộng đồng cũng biết rằng thú một sừng là điềm lành. Nhưng loài sinh vật này không mang dáng dấp của những thú nuôi trong nhà, thật không dễ tìm thấy nó, nó không can dự vào bất kì sự phân loại nào. Nó không giống một con ngựa hay một con bò, một con sói hay một con nai. Trong tình trạng như vậy, chúng ta có thể cảm nhận sự hiện diện của một con thú một sừng và không biết chắc đó có phải là nó hay không. Chúng ta biết một sinh vật có bờm như vậy là một con ngựa, và một sinh vật có sừng như thế là một con bò. Chúng ta không biết một con thú một sừng trông ra sao.
Văn bản thứ ba đến từ một nguồn dễ đoán hơn: những ghi chép của Kierkegaard. Mọi người đều nhận thấy sự tương đồng về tâm thần của hai ông; điều chưa từng được nhấn mạnh – theo những gì tôi biết, là Kierkegaard, cũng như Kafka, ngập tràn những ẩn ngữ tôn giáo viết về những đề tài đương đại và giới trung lưu. Lowrie, trong cuốn Kierkegaard (Oxford University Press, 1938) của ông, có nhắc đến hai trong số đó. Một là truyện kể về một kẻ làm giả giấy tờ, dưới sự giám sát thường trực, kiểm tra ngân phiếu cho Ngân hàng Anh-quốc; theo lối tương tự, Thượng đế có lẽ nghi ngờ Kierkegaard song vẫn giao cho ông một sứ vụ chính bởi Ngài biết rằng ông đã quen mùi xấu ác. Những chuyến thám hiểm Bắc Cực là đề tài của truyện kia. Các giáo sĩ Đan-mạch tuyên bố từ bục giảng kinh của họ rằng việc gia nhập các đoàn thám hiểm có thể đem đến sự sung mãn vĩnh cửu cho tâm hồn. Tuy vậy, họ cũng phải thừa nhận rằng đến được vùng Cực là rất gian nan, và có lẽ là bất khả, và không phải ai cũng có thể thực hiện được những chuyến thám hiểm. Cuối cùng, họ tuyên bố rằng bất cứ một cuộc thám hiểm nào – từ Đan-mạch đến Luân-đôn, rằng, trên một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước, hoặc một buổi học cưỡi ngựa ngoài trời vào Chủ nhật – cũng có thể được coi là một chuyến thám hiểm thực thụ đến Bắc Cực.
Điềm thứ tư tôi tìm thấy trong bài thơ Fears and Scruples (Sợ hãi và Ngần ngại) của Browning, xuất bản năm 1876. Một người có, hoặc nghĩ rằng mình có, một người bạn nổi tiếng. Anh chưa từng gặp mặt người bạn này, và thực tế người bạn này chưa bao giờ giúp được gì cho anh, nhưng anh biết rằng người bạn ấy có những phẩm tính cao quý, và anh khoe với người khác những lá thư mà bạn anh đã viết. Vài người nghi ngờ tính cao quý của anh bạn nọ, các chuyên gia về chữ viết tay tuyên bố rằng những bức thư là đồ giả. Ở dòng cuối, người này hỏi: “What if this friend happen to be – God? (Người bạn này phải chăng là – Thượng đế?)”
Những ghi chép của tôi cũng bao gồm hai truyện ngắn. Một từ Histoire désobligeantes của Léon Bloy, đề cập đến vài kẻ góp nhặt những quả cầu, những tập bản đồ, lịch trình huấn luyện, rương hòm, và những kẻ cho đến lúc lìa đời vẫn chưa từng một lần rời khỏi khu vực nơi mình được sinh ra. Truyện còn lại nhan đề là Carcassonne được viết bởi Lord Dunsany. Một đạo quân những chiến binh bất khả chiến bại tràn ra từ vô số lâu đài, chinh phục các vương quốc, tiêu diệt quái vật, băng qua những sa mạc và núi đồi, nhưng chưa bao giờ đến được Carcassonne, mặc dù họ từng một lần thoáng nhìn thấy nó. (Dễ nhận thấy câu truyện này hoàn toàn trái ngược với câu truyện trước; trong truyện đầu, những kẻ kia không bao giờ rời khỏi thành phố; trong truyện sau thì những kẻ nọ không bao giờ đến được thành phố.)
Nếu tôi không lầm thì những mảnh khác nhau mà tôi vừa ghép lại có một sự tương đồng với Kafka; nếu tôi không lầm thì không phải tất cả chúng đều tương tự nhau. Điều thứ hai này đáng chú ý hơn. Chất Kafka lộ ra trong mỗi tác phẩm này, theo những mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng nếu Kafka không viết, chúng ta sẽ không nắm bắt được nó; hay có thể nói rằng nó không tồn tại. Bài thơ Fears and Scruples (Sợ hãi và Ngần ngại) của Robert Browning tiên đoán tác phẩm của Kafka, nhưng việc đọc Kafka đã tinh luyện và làm chuyển hướng việc đọc thơ. Browning đã không được đọc Kafka như chúng ta bây giờ. Chữ tiên báo (precursor) rất cần trong vốn từ của việc phê bình, nhưng người ta phải cố gạn lọc nó khỏi ý nghĩa luận chiến hay tranh chấp. Vấn đề là mỗi tác giả tạo ra những tiên báo của riêng mình. Công trình của y sẽ làm thay đổi quan niệm của chúng ta về quá khứ, cũng như sẽ làm biến đổi tương lai. Trong mối tương quan này, tính tương đồng hay đa nguyên của họ không quan trọng. Betrachtung (Trầm tư) thời kì đầu của Kafka còn kém hơn một tiên báo như Browning hay Lord Dunsany về một Kafka của những thần thoại u ám và những thiết chế khủng khiếp.
J.L.Borges – Trích “Tuyển tập tác phẩm của Jorge Luis Borges”