Cuốn Kafka: Pour une Littérature Mineure (phát hành năm 1975) do Gilles Deleuze đồng tác giả với triết gia người Pháp Felix Guattari.
Năm 1986, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh. Theo hai tác giả, đã từ lâu, độc giả bị chi phối bởi nhiều phân tích, quan niệm, bình luận đi ngược với những tư tưởng chủ lưu của Kafka – nhân vật mà tài năng của ông là không thể phủ nhận. Liệu Kafka là một thiên tài cô đơn, một kẻ nghiện tình dục hay một người bi quan yếm thế…?
Cuốn sách của Gilles Deleuze và Felix Guattari nhằm nỗ lực đưa ra những góc nhìn khác về cuộc đời và các tác phẩm phức tạp của ông. Nếu sách của Kafka có vô số lối vào, chuyên khảo của Deleuze và Guattari cũng có thể được tiếp cận từ vô số hướng khác nhau.
Gilles Deleuze là một trong những triết gia quan trọng của thế kỷ 20. Ông từng đặt chân đến TP HCM từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày nay, người ta có thể tìm thấy những bản gốc tác phẩm bằng tiếng Pháp của ông được lưu giữ ở thư viện Khoa học Xã hội. Ông luôn dành được sự quan tâm của một số người làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội ở Sài Gòn thời trước.
Bìa cuốn “Kafka – Vì một nền văn học thiểu số”. |
Nhưng hơn 30 năm sau, cuốn Kafka: Pour une Littérature Mineure của ông mới được dịch sang tiếng Việt, với tên Kafka – Vì một nền văn học thiểu số. Sách do Nguyễn Thị Từ Huy dịch. Học giả Bùi Văn Nam Sơn dành chín tháng để đọc, hiệu đính sách và viết lời giới thiệu. NXB Tri Thức mất bốn tháng để biên tập. Tổng cộng, những người thực hiện sách phải lao động cật lực hơn hai năm mới có thể cho ra bản dịch tiếng Việt của tác phẩm chỉ có khoảng 160 trang. Điều này cho thấy, cuốn sách của Deleuze khá phức tạp.
Nhà văn Kafka. |
Để trao đổi với bạn đọc về những điều Deleuze và Guattari nói về Kafka cũng như những quan điểm về văn học của các triết gia, một buổi nói chuyện về sách được tổ chức vào 18h, thứ tư ngày 18/9 tại Thư viện Idecaf, Viện trao đổi văn hóa với Pháp, TP HCM. Buổi này sẽ có sự tham gia của dịch giả Từ Huy, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn và nhiều bạn đọc. Trong cuộc trò chuyện, các diễn giả sẽ cùng khám phá một số vấn đề khác được đặt ra trong cuốn sách, và một vài khái niệm căn bản của triết học Deleuze như: “sự trở thành”, “kết chuỗi”… cùng những khái niệm đặc trưng của tinh thần hậu hiện đại.
Trước đó, ban tổ chức cũng thực hiện một buổi trao đổi giữa những người yêu sách với dịch giả về tác phẩm. Buổi này diễn ra ở Cà phê thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ tại TP HCM.
Franz Kafka (1883-1924) là nhà văn lớn, được giới phê bình xem như một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Kafka là một nhà hiện đại chủ nghĩa và chịu ảnh hưởng mạnh bởi những thể loại khác, bao gồm chủ nghĩa hiện sinh. Các tác phẩm của ông, như Hóa thân (Die Verwandlung), V (Der Process), và Lâu đài (Das Schloss) sử dụng những chủ đề và nguyên mẫu về sự ghẻ lạnh, sự tàn bạo về thể xác và tinh thần, mâu thuẫn cha-con, những nhân vật trong những cuộc truy tìm đáng sợ, và những sự biến đổi kỳ bí.
Thất Sơn
Nguồn: Vnxepress