Franz-Kafka (Kap-ka) là nhà văn Séc (1833-1924) sinh ra trong một gia đình người Do Thái vùng Bô-hêm (Bohême) thuộc thủ đô Praha. Cha ông là một thương gia gốc Tiệp nhưng đã tham gia cộng đồng người Đức ở Praha. Sau khi kết thúc trung học, Kap-ka học luật. Năm 1906, bảo vệ luận án Tiến sĩ; 1903, vào làm việc tại cơ quan bảo hiểm tai nạn công nhân ở Praha, nhưng vẫn quan tâm đặc biệt đến sáng tác văn chương. Năm 1917, Kap-ka bị bệnh lao nặng và phải đi dưỡng bệnh một thời gian dài.


Ảnh nhà văn Kap-ka

Kap-ka là một người có tính tình tế nhị, dễ xúc động. Ông luôn bị ám ảnh và chịu đau khổ do tính cách thô bạo, gia trưởng và áp đặt của người cha đối với mình. Năm 1923, khi gặp Đô-ra Đi-măng (Dora Dymant), một thiếu nữ Do Thái, nhà văn tưởng mình gặp được hạnh phúc, nhưng sau đó bệnh lao đột ngột tăng lên và ông chết ở một bệnh viện gần Viên (Vienne) lúc tài năng văn học của ông đang độ chín muồi.

Sáng tác của Kap-ka chịu nhiều ảnh hưởng trái ngược và phức tạp. Khi còn sống, ông chỉ cho in một số tác phẩm, chủ yếu là những truyện ngắn như Lời phán xét, Hóa thân (1916), Trại cải hối (1919)… Sau khi chết, Măc Brôt (Max Brod), bạn thân của ông, đã cho in một số tiểu thuyết: Vụ án (1925), Lâu đài (1926), Nước Mỹ (1927) và ông đã trở thành một trong những bậc thầy của văn học hiện đại phương Tây.

Thế giới mà Kap-ka biểu hiện trong các sáng tác của mình mang đặc trưng của hiện thực Đế quốc Áo-Hung – “một quốc gia quân chủ đang suy tàn”. Quốc gia này chứa đựng trong nó toàn bộ những mâu thuẫn rải rác ở các quốc gia châu Âu thời kỳ này và những hiện tượng phi lý trong xã hội đó đã báo hiệu sự tha hóa cao hơn của thể chế chính trị tư bản, từ đó xuất hiện chủ nghĩa phát-xít. Nhưng tất cả những biến thái kinh khủng đó của xã hội lại được bao quanh bằng một vòng hào quang mờ ảo, khiến cho nó như tồn tại ngoài thời gian và không gian, khiến cho nó như là tiền định của loài người. Vì thế các câu hỏi Kap-ka đặt ra trong tác phẩm không có câu trả lời mà chỉ gây một nỗi lo âu bi kịch, khiến cho sáng tác của ông gắn bó với chủ nghĩa biểu hiện về phương diện hệ ý thức và nghệ thuật. Tác phẩm của Kap-ka mang nhiều lớp ý nghĩa. Muốn hiểu được những gì Kap-ka viết người đọc cần “phải có chìa khóa tốt” (Brest) để giải mã.


Tượng nhà văn Kap-ka ở Praha

So với nhiều thiên tài văn học khác, Kap-ka viết không nhiều và để lại di nguyện trước khi chết là đốt hết bản thảo của mình, nhưng Kap-ka vẫn sống và tỏa ánh hào quang lên những thân phận đau khổ trên khắp thế gian này. Đặc trưng phong cách nghệ thuật của ông là quy tụ nhiều lối viết, nhiều hệ tư tưởng, vì thế ông được nhiều nhà văn coi là “tổ phụ” trường phái mình (Chủ nghĩa Hiện sinh, Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo…).

Kap-ka trở thành độc nhất vô nhị trong văn học. Ông là nhà văn của nhiều trường phái lớn của thế kỷ XX. Đúng hơn, ông chẳng thuộc về trường phái nào cả. Tự ông đã hình thành nên một trường phái của riêng mình: Trường phái của mọi trường phái = “Kiểu Kap-ka”. Trong đó sự kết hợp lý thuyết của “những nhà Mác-xít, những nhà Phân tâm học, những nhà Hậu cấu trúc và các nhà Hiện đại” vẫn chưa đủ. Vì thế, người ta coi Kap-ka là nhà văn phức tạp nhất thế giới. Nghệ thuật của ông đã thâu tóm gần như mọi linh hồn của thời đại.

Ảnh hưởng của Kap-ka đối với văn học thế giới trong thế kỷ XX và cả thể ký XXI là hết sức to lớn. Đã có trên 10 nhà văn được trao giải thưởng danh giá nhất hành tinh là Nobel Văn học đều chịu ảnh hưởng nghệ thuật Kap-ka: An-be Ca-muy, Mác-két, J.M. Cốt-di, Mạc Ngôn, v.v… Thế nhưng chính bản thân Kap-ka thì không được bất kỳ ai trong hội đồng Nobel của Viện hàn lâm Thuỵ Điển chú ý đến. Đó là một nghịch lý đến mức phi lý, nhưng điều đó lại không quá xa lạ đối với Kap-ka… Vì văn chương của ông đầy rẫy những điều dị thường, phi lý, nghịch lý…!!!

Tài liệu tham khảo

01. “Từ điển văn học (Bộ mới)”, Nxb Thế giới, 2004.

02. Lê Huy Bắc: “Nghệ thuật Phran-dơ Káp-ka”, Nxb Giáo dục, 2006.

Nguồn: yume.vn

Exit mobile version