Hiếm có một nhà văn nào mà đương thời những tác phẩm của mình lại được tuyển chọn in trong bộ sưu tập Pléiade tại Pháp. Julien Gracq là một trong những nhà văn hiếm hoi đó. Ông không những là một nhà văn nổi tiếng mà còn là một nhà phê bình văn học tầm cỡ như nhà văn Philippe Sollers đã từng phát biểu : Gracq chiếm một vị trí đặc biệt đáng kể trong nền văn học Pháp ở thế kỷ XX. Ông là hiện thân của trào lưu văn học lãng mạn Pháp, vừa thiên cảm mộng mơ vừa có tính bác học. Trong ông hội tụ những phẩm chất có từ Goethe – một nhà phiêu lưu nhất cho tới Châtaubriant rồi lại tiến tới sự mạo hiểm của trường phái siêu thực. Những phân vân ngờ vực, mà văn chương thời hậu chiến trăn trở, nhiều câu hỏi mà những nhà văn cùng thời liên tiếp đặt ra thì Gracq lại hình như không hề muộn phiền về điều đó, ông tự chọn cho mình một con đường đi riêng biệt, và con đường ấy đã đưa ông lên đỉnh cao và dành cho ông một vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học pháp.


Julien Gracq sinh ngày 27 tháng bảy năm 1910 tại Saint-Florent-le-Veil, thuộc tỉnh Maine et Loire, Pháp và mất tại đây vào ngày 22 tháng 12 năm 2007. Ông có một tuổi thơ êm đềm trầm tư, mặc dù trong thời kỳ đó đã vẳng tới những tiếng vọng ầm ào của chiến tranh. Julien Gracq là bút danh, còn tên thật của ông là Louis Poitier. Ông đã chọn cho mình cái bút danh nửa như cổ xưa, nửa lại giống cách gọi tên của Standale, tác giả của kiệt tác Đỏ và Đen ấy đã có ảnh hưởng rất lớn và gần như là người đã vạch ra con đường đi tới văn chương cho ông. Từ năm 1921 tới 1927, ông được gửi vào học nội trú tại trường trung học Clémenceau ở Nantes. Năm 1930 vào đại học và chọn chuyên ngành địa lý. Nét tiểu sử này rất cơ bản vì trong mỗi tác phẩm của mình, Julien Gracq thường miêu tả rất chi tiết từng đặc điểm, từng nơi chốn, khí hậu đặc trưng của từng vùng đất, cũng như những chất khoáng sản tiêu biểu của từng vùng rừng núi. Ông bắt đầu khám phá và làm quen với trường phái siêu thực vào năm 1932. Ông làm quen với André Breton qua tác phẩm Nadja, và với Max Ernst qua tác phẩm bất hủ Người đàn bà trăm đầu. Ông đậu bằng thạc sĩ vào năm 1934. Cũng cùng thời gian này ông tham gia nghĩa vụ quân sự, và cũng tại đây ông được phong hàm giáo sư sử học. Vào mùa hè năm 1937, ông bắt đầu ấp ủ và cho ra đời vài tháng sau đó cuốn tiểu thuyết đầu tay Ở lâu đài Argol (Au château d’Argol) bị nhà xuất bản N.R.F (Gallimard) từ chối, nhưng lại được nhà xuất bản José Corti in ấn một năm sau đó. André Breton là một trong những bạn đọc đầu tiên rất hứng thú khi đọc tác phẩm của ông. Cuộc gặp gỡ của họ vào năm 1939 tại Nantes đánh dấu bước khởi đầu của một tình bạn trân trọng lẫn nhau, nhưng dù sao vẫn có khoảng cách. Bởi lẽ là người rất có cảm tình với Chủ nghĩa Cộng sản nên Julien Gracq vẫn e dè với nhóm theo trường phái siêu thực. Thế rồi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ đã lôi Gracq đi khắp nơi trong vòng hai năm liền 1939 – 1941 : Từ vùng Moselle của xứ Flandre Pháp tới đất nước Hà Lan xa xôi. Quãng đời quân ngũ này rất quan trọng cho cuộc đời văn chương của ông sau này và được ông khắc hoạ lại rất thành công trong Rừng thẳm (Un balcon en forêt). Mọi phong cảnh đẹp mà ông ghi nhận được của những vùng rừng núi hẻo lánh nơi ông đã từng đóng quân, của sương mù, của sự đợi chờ khắc khoải, rồi những cảnh chết chóc, những cái chết hết sức vô nghĩa lý của những người lính trong chiến tranh, tất cả đã nuôi dưỡng cho trí tưởng tượng vốn đã rất phong phú của Gracq, là nguồn mạch chủ yếu cho những tác phẩm của ông. Một gã đẹp trai ủ dột (Un beau ténébreux) xuất hiện năm 1945 đã được bạn đọc Pháp đón nhận nồng nhiệt. Năm 1945 Tự do hùng vĩ (Liberté grande), bước thử nghiệm đầu tiên trong sáng tác thơ vần theo lối văn xuôi được trường phái siêu thực đánh giá rất cao. Cũng năm này ông được điều về làm giáo sư tại trường trung học Claude – Bernard tại Paris, và làm việc tại đây cho tới lúc nghỉ hưu để rồi dành trọn toàn tâm toàn lực cho nghề viết. Năm 1948 bút ký André, vài nét khắc hoạ chân dung của một nhà văn (André Breton, quelques aspects de l’écrivain) ra đời mà tác giả không ai khác ngoài Gracq. Năm 1949 cho ra mắt vở kịch Le roi pêcheur, không gặt hái được nhiều thành công lắm khiến ông rất thất vọng. Tác phẩm Văn chương dạ dày (La littérature à l’estoma) xuất bản năm 1949 là một tiếng nói châm biếm đả kích mạnh mẽ và vạch trần những phong tục sáo mòn trong văn chương. Cuốn Bờ biển Syrtes (xuất hiện năm 1951), đây có lẽ là một tác phẩm nổi tiếng nhất, không chỉ bởi đó là cuốn tiểu thuyết phong phú nhất và thành công nhất của tác giả cho tới thời điểm bấy giờ mà còn bởi một lý do vô cùng “tồi tệ” vì Gracq đã cương quyết từ chối nhận giải Goncourt mà Viện Hàn lâm Goncourt quyết định trao cho tác phẩm này của ông. Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Việt.

Bên bờ biển Syrtes tái tạo lại một thành phố Venise của thế kỷ XVI. Thông qua sự lãng mạn của nhân vật Aldo, Gracq đưa chúng ta đến sống lại cùng thời với bộ máy chính trị của một thành phố vinh quang với nguồn sức mạnh đang ngủ vùi. Toàn bộ tác phẩm giống như một con dốc dài, ngột ngạt, nặng nề…, ấy thế nhưng ngược hẳn những điều chúng ta hy vọng, bởi nó mang tính độc hại mà tác giả dần dần sáng chế ra trên từng chương truyện để đến cuối tác phẩm đưa ra một kết cục gỡ rối khá thê lương. Hai quốc thành đối nghịch trong thời cổ xưa vinh quang, (có thể là quá cổ xưa chăng ?) bị một lớp bụi dày bao phủ mà nó được tác giả ví như một tấm khăn liệm. Từ đây bắt đầu một công việc khổ ải, phải khuấy động, phải rung lắc, phải gột rửa để làm sáng lại những tấm phù hiệu của những thời quá khứ xa xôi. Một định mệnh mà các cấp thẩm quyền bí mật của thành phố tính thúc đẩy mạnh, dựa vào tuổi trẻ và sự hăng hái nhiệt tâm. Julien Gracq quyến rũ chúng ta bằng sự miêu tả cảnh, miêu tả tâm lý các nhân vật, mà ông vốn là bậc thầy trong lĩnh vực này, chúng tựa như những bức tranh họa màu nước trong suốt. Những bức tranh như trong cõi mộng ấy nuôi dưỡng những suy tư mơ màng của bạn đọc. Những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này giống hệt như những bóng ma lẩn quất, như Mario – người thuyền trưởng già của Bộ Tư lệnh Hải quân – đã cảm thấy run sợ khi nhìn thế giới của ông bị sụp đổ. Đôi khi những bóng ma đó là Dorian Gray, là cô gái trẻ Vanessa Aldobrandi – người tình và phái viên mật vì ý chí lừa lọc thâm độc của một quốc gia. Cuốn tiểu thuyết khiến chúng ta ngây ngất bởi hương vị của những huyền bí, bởi bi kịch tiềm ẩn mà bộ máy sẽ dần dần được đưa vào vị trí của nó.

Khi tác phẩm này ra đời, đã có rất nhiều bút chiến, tranh luận thậm chí cãi vã. Nhiều người so sánh với tác phẩm Désert des Tartares của Dino Buzzati (nhà văn Ý) vừa được dịch và xuất bản tại Pháp trước đó ít lâu, nhưng Gracq đã phản pháo dữ dội trước bất kỳ ý tưởng nào cho rằng ông bị ảnh hưởng bởi nhà văn Ý này, và tiết lộ rằng nguồn cảm hứng viết tác phẩm này của ông xuất phát từ khi đọc cuốn La fille du Capitaine của Pouchkine. Và như đã nêu, Gracq đã từ chối giải Goncourt khi Viện này quyết định trao giải cho ông, một sự kiện chưa từng có trong làng văn học Pháp. Điều này sẽ còn khiến cho giới văn chương và truyền thông Pháp tốn rất nhiều giấy mực. Và như vậy, Gracq sẽ mãi mãi được ghi nhận bởi điều mà một số người cho rằng giống như một «sự lạm dụng quyền lực». Cho đến cuối đời mình, Gracq đã luôn từ chối lời mời tham gia vào các chương trình bàn luận trực tiếp trước công chúng.

Năm 1952 theo yêu cầu của Jean-Louis Barrault ông đã dịch cuốn Penthésilée của Kleist ra tiếng pháp. Rừng thẳm (Un balcon en forêt), được hoàn thành và xuất bản năm 1958. Đây có lẽ là cuốn tiểu thuyết sâu đậm nhất của ông. Trong tác phẩm này, ông đã trao gửi nhiều kinh nghiệm của chính bản thân mình trong cuộc đời quân ngũ mà ông đã ấp ủ bấy lâu. Vào năm 1939, đây là lần đầu tiên của thứ mà ta vẫn quen gọi là Cuộc chiến tranh kỳ cục. Giai đoạn chờ đợi phập phồng, thời kỳ chờ đợi sự đổ bộ của quân Đức quốc xã vào Pháp ở vùng Ardenne, nơi mà chuẩn uý Grange cùng với tiểu đội của mình có nhiệm vụ cầm chân những chuyến xe bọc thép của Đức tràn xuống nếu như cuộc chiến bùng nổ. Nơi đây, thật ra vừa là chốn tiền tiêu, lại giống như một thứ đảo hoang trên trận tuyến Meuse luôn có những dấu hiệu đầy nghi ngại. Qua tác phẩm của mình, Gracq tố cáo chiến tranh – một cuộc chiến hết sức vô nghĩa lý như những trò chơi con trẻ với «Những cú huých khuỷu tay, những cú đạp chân…». Grange tới nhận nhiệm vụ ở chốt tiền tiêu với thái độ hết sức thờ ơ lãnh đạm. Với anh, một khi đã bị cuốn vào cuộc chiến thì cuộc đời coi như đã chấm dứt, bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài. Đây hẳn cũng là tâm trạng chung của những người lính cùng trận tuyến, họ cảm thấy bị chính những cấp trên của mình phản bội. Ngược lại, giữa họ – những người lính với nhau lại có những tình cảm vô cùng gắn bó yêu thương chân thành. Từ cuộc chiến vô nghĩa lý, tác giả nâng cao giá trị nhân văn, tình nhân loại yêu thương của con người trong thời chiến : những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa những người lính với những người dân địa phương, những mối tình chớm nở đã kịp để lại cho họ những tình cảm gắn bó không dễ gì phai mờ. Để thoát khỏi sức ép của cuộc chiến vô nghĩa lý, Grange tìm về với thiên nhiên, và thiên nhiên cũng mở rộng lòng mình đón chào anh. Qua ngòi bút của Gracq, thiên nhiên hiện ra hiền hoà, mỹ miều, tràn đày tình nhân loại. Những cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm luôn rì rào, xào xạc. Rừng trò chuyện cùng anh, rừng che chở cho anh cùng đồng đội anh cho đến tận lúc cái chết đến với họ. Rừng thẳm – một tác phẩm đặc biệt thành công của tác giả về đề tài thiên nhiên lãng mạn và trữ tình. Tác phẩm đã được Hiệu Constant dịch ra tiếng Việt, do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2006.

Từ năm 1959 đến năm 1970 đó là những năm tháng của những cuộc gặp gỡ triền miên với nhiều nhà văn tên tuổi trên thế giới và các chuyến du lịch thăm thú và nói chuyện Văn chương ở khắp nơi, trong những năm này ông đã cho ra đời các tác phẩm như Préférences năm 1961 và Lettrines I năm 1967 và Bán đảo (La presqu’ile) năm 1970. Trong những năm  1971 – 1978 ông luôn được mời đến nói chuyện trong các trường đại học lớn của Mỹ, của Bồ đào Nha và Thuỵ Điển về các tác phẩm danh tiếng của ông. Nhiều tác phẩm xuất hiện trong những năm này trong sự nghiệp của Gracq, năm 1974 cuốn Lettrines phần II xuất hiện và Les Eaux étroites năm 1976. Vào năm 1980 nhân dịp dự sinh nhật lần thứ 85 của một người bạn thân có tên Ernt Juger, nếu bạn là người yêu văn học Đức hẳn bạn đã nhận ra được cái tên này, vì đây chính là một nhà văn rất lớn của đất nước Đức, Gracq đã cho ra đời cuốn Đọc và viết (En lisant en écrivant) – một cuốn sách được soạn thảo kỳ công nhất. Trong tác phẩm này tác giả đề cập nhiều điều chủ yếu về Mỹ quan, đến vẻ đẹp trong văn học, nhưng ông cũng đề cập nhiều đến những phương thức để trở thành một nhà văn chân chính theo đúng nghĩa của nó. Vào năm 1985 xuất hiện cuốn Mô hình của một thành phố (La forme d’une ville), một tác phẩm dành trọn để viết về thành phố Nantes thơ mộng cổ kính, nơi mà tác giả đã gắn liền một phần đời mình và như ông vẫn thường nói đó là «thành phố của tôi», đây là một trong những tâm sự hay nhất của những ai đó muốn nói lên những tình cảm yêu thương của mình đối với nơi mà mình đã từng gắn bó và có nhiều kỷ niệm với nó. Năm 1988 ông cho ra đời cuốn Dạo chơi quanh thành phố bảy quả đồi (Autour des sept collines), năm 1992 cuốn Carnets du grand chemin, cuốn này làm rung động rất nhiều giới phê bình và các bạn đọc Pháp. Năm 1989 Julien Gracq là một trong những nhà văn hiếm hoi mà đương thời được Thư viện Pléiade chọn in toàn tập các tác phẩm trong bộ sưu tập của họ. Julien Gracq sống và làm việc tận tuỵ với nghề mà ông đã dành trọn cả đời theo đuổi : nghề viết văn, tại ngôi nhà tổ để lại ở thành phố quê hương ông nằm cạnh dòng sông Loire hiền hoà thơ mộng, nơi mà cách đây 102 năm ông đã cất tiếng khóc đầu tiên chào đời cho đến tận cuối đời mình vào năm 2007. Gracq cũng là đề tài mà nhiều nhà văn Pháp nghiên cứu và viết về ông.

Paris tháng bảy năm 2012