Nhà văn 32 tuổi Joseph Andras từ chối giải Goncourt dành cho tiểu thuyết đầu tay De nos frères blessés (Về những anh em bị thương tổn của tôi) mà Hội văn học Goncourt công bố ngày 9-5.

Bìa tiểu thuyết De nos frères blessés với dải băng đỏ “Giải Goncourt cho tiểu thuyết đầu tay 2016” – Ảnh: aps

Tiểu thuyết De nos frères blessés viết về cuộc đời của chàng thanh niên công nhân Fernand Iveton (1926-1957) – người châu Âu duy nhất bị xử tử trong cuộc chiến Algeria (1954-1962) vì đã tham gia FLN (Mặt trận giải phóng quốc gia Algeria).

Dù không có trong danh sách chung kết vì phát hành trễ, De nos frères blessés bất ngờ được trao giải Goncourt dành cho tiểu thuyết đầu tay “bởi sự chín chắn, chững chạc, cách viết và cách xây dựng”.

Vắng mặt tại lễ công bố giải, Joseph Andras gửi thư điện tử cho Hội văn học Goncourt ba ngày sau để giải thích lý do từ chối giải:

“Tôi chân thành cám ơn những ai tìm thấy chút thú vị từ quyển sách này. Có nhiều điều mà tôi không thể chấp nhận: trong mắt tôi, sự cạnh tranh, cạnh tranh và cạnh tranh là những khái niệm xa lạ với viết lách và sáng tạo.

Văn học, như tôi từng nghe với tư cách độc giả và nay là nhà văn, phải chăm chút đến tính độc lập và giữ khoảng cách với các bục phát thưởng, vinh quang và ánh đèn sân khấu”.

Ngày 24-5, L’Humanité – tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp mà Joseph Andras thường đọc – trích đăng thư điện tử của tác giả cho biết nhận giải Goncourt có thể kìm hãm sự độc lập của ngòi bút.

Vì thế với tư cách độc giả, Joseph Andras có xu hướng tránh đọc những tác phẩm có quàng dải băng đỏ của “tác phẩm đoạt giải Goncourt”.

Văn học, như tôi từng nghe với tư cách độc giả và nay là nhà văn, phải chăm chút đến tính độc lập và giữ khoảng cách với các bục phát thưởng, vinh quang và ánh đèn sân khấu

Joseph Andras

Tiết lộ việc bản thảo đầu tiên bị các nhà xuất bản từ chối, Joseph Andras ngạc nhiên khi De nos frères blessés được đánh giá cao. Ông xem đó như màn tiếp thị trong một xã hội chịu nhiều tác động truyền thông như Pháp.

Kín đáo, không chụp ảnh hay trả lời phỏng vấn trực tiếp, Joseph Andras trở thành nhà văn thứ hai từ chối giải thưởng của Hội văn học Goncourt.

Năm 1951, Julien Gracq (1910-2007) là người đầu tiên từ chối giải Goncourt dành cho tiểu thuyết Le Rivage des Syrtes (Bờ biển Syrtes).

Công Khanh (Tổng hợp từ báo Pháp) – TTO


Exit mobile version