Nữ văn sĩ Anh khuyến khích những tác giả trẻ thể hiện bản thân qua trang viết. Cô cũng tiết lộ, sở thích đọc tiểu thuyết từ bé đã nuôi dưỡng tình yêu văn chương của mình.

Jenny Valentine là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi người Anh, cô nổi danh ngay từ tiểu thuyết đầu tay Finding Violet Park (vừa được xuất bản với tên tiếng Việt: Bí mật tiếng dương cầm). Cuốn tiểu thuyết này giành được giải Guardian ở thể loại truyện thiếu niên năm 2007.

Nhân dịp cuốn sách Bí mật tiếng dương cầm vừa xuất bản tại Việt Nam, eVan giới thiệu độc giả bài phỏng vấn Jenny Valentine do chuyên mục Q&A của BBC thực hiện.

Nhà văn Jenny Valentine.

– Cô thích đọc sách gì khi ở tuổi thiếu niên?

– Tiểu thuyết, tiểu thuyết và tiểu thuyết. Khi còn nhỏ, tôi đọc hầu như tất cả mọi thứ có trong tay. Khi đó, tôi chẳng bao giờ đọc một loại sách gì cố định cả, đơn giản là tôi thích đọc. Khi tôi ở tuổi vị thành niên, tôi lại thích đọc tiểu thuyết, cả tiểu thuyết cho người lớn và trẻ em.

– Cô bắt đầu thích viết lách từ khi nào?

– Tôi luôn muốn thử sức. Tôi đã viết rất nhiều truyện ngắn khi tôi còn trẻ, nhưng tôi lại mất đi dần sự tự tin để thực hiện ý tưởng đó khi tôi vào đại học, và không cố gắng biến ý tưởng đó thành hiện thực. Mãi cho tới sau này, cho tới khi cuốn sách Finding Violet Park ra đời.

Bìa sách “Bí mật tiếng dương cầm”.

– Cô bắt đầu viết cuốn sách đầu tiên của mình như thế nào?

– Tôi viết vào sau giờ làm việc các ngày trong tuần và vào tất cả các ngày cuối tuần, cứ như thế trong vòng 6 tháng cho tới khi hoàn thiện.

Cô có thể bật mí một chút về cuốn sách “Finding Violet Park” không?

– Cuốn tiểu thuyết này viết về một cậu thiếu niên tên là Lucas, cậu tìm thấy bình đựng hài cốt của một phụ nữ bị bỏ rơi trong một văn phòng xe taxi. Đó là hài cốt của một quý bà đặc biệt. Cậu đã tìm hiểu về cuộc đời của bà và qua đó, cậu biết được nhiều điều về chính bản thân và về gia đình cậu.

– Cuốn sách này lấy bối cảnh ở phía bắc London. Vì sao bối cảnh này có vị trí quan trọng trong tác phẩm của cô?

– Tôi đã sống ở London hơn 10 năm. Vì thế, tôi cảm thấy an tâm khi bắt tay viết về chúng.

Cuốn tiểu thuyết tôi đang viết hiện nay cũng mang dáng dấp của London, và chắc chắn là nó có ảnh hưởng rồi. London vẫn luôn mang lại nguồn cảm hứng lớn cho tôi.

– Giải thưởng Guardian cho thể loại tiểu thuyết thiếu niên có ý nghĩa như thế nào đối với cô?

– Điều đó khiến tôi rất bất ngờ. Tôi nghĩ rằng không ai có thể hy vọng về một thành quả tương tự như thế ở cuốn tiểu thuyết đầu tay.

– Cảm xúc của cô thế nào khi biết mình đoạt giải?

– Ồ, lúc đó tôi vừa khóc vừa cười.

– Cô có nhận được nhiều phản hồi từ độc giả của mình không?

– Tôi đã đến nhiều trường học để đọc sách, chia sẻ và gặp gỡ các độc giả của mình.

– Cô có lời khuyên nào cho các tác giả trẻ khi viết tiểu thuyết dành cho thiếu nhi không?

– Hãy là chính mình khi bạn viết và khi thưởng thức một tác phẩm.

Phùng Hà dịch

Sau thành công của Finding Violet Park, cuốn tiểu thuyết thứ hai của Jenny Valentine mang tên Broken Soup xuất bản năm 2008 cũng lọt vào danh sách đề cử những giải thưởng danh giá như Costa Book Children’s Book Award, Carnegie Medal, Booktrust Teenage Prize…

Năm 2009, Jenny Valentine được chọn là tác giả cống hiến của Ngày Sách Thế giới (World Book Day). Cũng trong năm 2009, cô đã cho ra đời tập truyện ngắn Ten Stations, sử dụng các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Finding Violet Park. Tiểu thuyết thứ ba The Ant Colony và thứ tư The Double Life of Cassiel Roadnight của cô đều được đề cử Huy chương Carnegie.

Nguồn: eVan.

Exit mobile version