J. Hillis Miller.J. Hillis Miller sinh năm 1928, giáo sư văn học Anh tại Đại học Johns Hopkins (1952-1972), tại Đại học Yale (1972-1986), rồi tại Đại học California, Irvine; tác phẩm chính: Thomas Hardy: Distance and Desire, 1970, Fiction and Repetition: Seven English Novels, 1982, The Linguistic Moment: From Wordsworth to Stevens, 1985, The Ethics of Reading: Kant, de Man, Eliot, Trollope, James, and Benjamin, 1987, Theory Now and Then, 1991, Speech Acts in Literature, 2001.

Ta hãy bắt đầu bằng Phê bình Mới, với ông từng rất quan trọng, chính là cái thống trị những năm tháng ông còn đi học. Liệu có thể nói rằng nó đã được thiết lập thành định chế ở mọi trường đại học quan trọng tại Mỹ vào thời điểm ông khởi đầu sự nghiệp học thuật của mình?

Đúng, điều đó có nghĩa mọi sinh viên tốt nghiệp đại học đều đã đọc [Cleanth] Brooks, [René] Wellek và [Austin] Warren. Khoa Anh ngữ tại Yale được coi là nhất nước vì Phê bình Mới đã được hình thành từ đây.

Vậy thì Phê bình Mới ở Mỹ chưa từng đóng cùng cái vai trò mà cấu trúc luận đã có thể đóng tại Pháp. Nó chưa từng bao giờ được coi như là tiền phong chủ nghĩa hay có tính chất lật đổ phải không?

Có hai câu trả lời cho câu hỏi này. Một mặt, Phê bình Mới có vẻ phi chính trị, nhưng đấy chỉ là vẻ ngoài thôi. Những người lập ra nó xuất thân từ miền Nam, họ là người Thiên chúa giáo, không những thế còn là người theo phái Giám lý, tức là dòng Tin lành tương đối bảo thủ gắn chặt với các hình thức cụ thể của thơ ca. Phê bình Mới tự muốn mình phi chính trị, nhưng ở bình diện tri thức nó lại truyền đạt một loạt giá trị khá là bảo thủ. Lý tưởng của nó là thơ ca siêu hình, tất tật được viết bởi các nhà thơ Thiên chúa giáo, cùng với đó còn là những khái niệm như tính thống nhất hữu cơ của bài thơ và, bởi vậy, cả một di sản của chủ nghĩa lãng mạn.

Mặt khác, nó đã đóng một vai trò quan trọng sau Thế chiến thứ hai, với nước Mỹ đó là thời điểm quan trọng để dân chủ hóa Đại học, mà chủ yếu người ta phải mở để phục vụ các cựu chiến binh. Nhiều trường đại học đã phát triển rất mau chóng, đón nhận nhiều thanh niên thuộc tầng lớp trung lưu dưới, những người về cơ bản chưa từng được hưởng giáo dục và mù tịt về truyền thống văn chương. Phê bình Mới đã tự áp đặt vào đúng lúc ấy, không phải vì các lý do chính trị, mà bởi nó đặt tiền giả định rằng không cần đến một hiểu biết đặc thù nào cũng có thể nghiên cứu văn học được. Điều duy nhất cần có là một quyển từ điển để biết nghĩa các từ.

Điều này không phải là không có điểm tương đồng với trào lưu cấu trúc luận tại Pháp, cũng xuất hiện chính vào thời điểm phát triển mạnh mẽ của các trường đại học dành cho giới bình dân…

Có thể, nhưng cấu trúc luận là một phương pháp dễ làm chủ và khả dụng trong đủ mọi lĩnh vực. Vậy nên nó có cái gì đó mang tính chất phổ quát. Phê bình Mới thì chưa bao giờ như thế, nó chỉ quanh quẩn bên trong ngành nghiên cứu văn học.

Hồi những năm 1960 ông đã giảng dạy ở Đại học Johns Hopkins, đúng lúc trường là một trong những điểm tiếp xúc chính giữa nghiên cứu văn học anglo-saxon và phê bình mới của Pháp, rồi French Theory [lý thuyết Pháp], nhất là với cuộc hội thảo lừng danh năm 1967 xuất hiện cả [Jacques] Lacan và [Jacques] Derrida. Với ông, rất nhanh chóng, tác phẩm của Derrida sẽ trở nên rất quan trọng. Tại sao? Ông ấy mang lại điều gì mới mẻ?

Vấn đề mà Derrida cho phép tôi giải quyết là như sau: với tôi, có tồn tại những tác phẩm văn chương rất quan trọng, nhưng chúng không thuộc về dạng thống nhất hữu cơ. Derrida đã cho phép tôi đoạn tuyệt hoàn toàn với Phê bình Mới, ông ấy đã cho tôi các phương tiện để phân tích các tác phẩm hẳn nhiên là rất không đồng nhất, mâu thuẫn.

Có phải mối quan tâm của ông đối với Derrida trước hết mang tính chất tri thức? Có những nguyên do chính trị nào khiến ông quan tâm đến ông ấy không?

Đó là một mối quan tâm trước hết mang tính chất tri thức. Mãi sau này tôi mới bắt đầu suy nghĩ tới những hàm ý chính trị trong diễn ngôn và chỗ đứng của ông ấy, đến việc ông ấy không thuộc đảng Cộng sản, rằng ông ấy đã cãi nhau với Philippe Sollers v.v… Tôi có biết, nhưng thời ấy những chuyện đó với tôi không mấy quan trọng. Cũng tương tự với Paul de Man, người từng là đồng nghiệp của tôi ở Hopkins rồi Yale, với ông ấy tôi đã có thể hệ thống hóa toàn bộ vấn đề, một vấn đề trọng yếu đối với tôi, về tính chất bất khả quyết định [indécidabilité] của các văn bản. Tất nhiên, lúc đó tôi chưa hề biết những gì Paul de Man từng viết hồi chiến tranh. Nếu là bây giờ, hẳn tôi sẽ nhạy cảm hơn nhiều đối với những hàm ý chính trị trong diễn ngôn của họ và hẳn tôi sẽ quan tâm hơn, chẳng hạn vậy, tới các liên hệ giữa Derrida và Sartre, bởi Derrida bắt đầu dạy tại Trường Sư phạm Ulm đúng lúc ảnh hưởng chính trị của Sartre đang mạnh mẽ nhất. Hẳn Derrida đã bị Sartre ảnh hưởng theo một cách thức rất phức tạp. Tôi bắt đầu suy nghĩ đến kiểu các vấn đề ấy sau này, khi những đòn tấn công vào Derrida rất phát triển ở Mỹ, người ta chê trách ông ấy đã phi chính trị, nói cách khác là đã đứng về phe những người bảo thủ.

Thế về mặt chính trị thì ông biện minh hay bảo vệ cho Derrida như thế nào, trong bối cảnh nước Mỹ?

Có rất nhiều điều học được khi đọc Derrida, đặc biệt từ các văn bản sau này của ông. Những gì độc giả trẻ tuổi tự định vị mình vào trong một trào lưu khuynh tả có thể học được ở ông, đó là để nhận lấy những vị thế chính trị có thể gây hiệu ứng, bạn phải tự đặt cho mình câu hỏi về trách nhiệm. Các sinh viên Mỹ từng tham gia những phong trào nổi loạn rõ ràng là sẵn sàng nhận lấy một trách nhiệm về những hiệu ứng của các cuộc chiếm đóng tại trường đại học hoặc các cuộc biểu tình đông người. Hiện nay, tôi lại mong sinh viên xuống đường, làm một cái gì đó, tôi mong có vài vụ lộn xộn. Derrida rất nghiêm túc với vấn đề các hàm ý chính trị của những gì ông làm. Đó là một trong các lý do khiến ông ấy chờ đợi lâu đến vậy mới viết về Marx.

Ông giải thích thế nào về sự thành công gây choáng váng của giải cấu trúc trong giới học thuật Mỹ?

Thành công của giải cấu trúc gắn liền với bối cảnh Phê bình Mới, cái đã chuẩn bị sẵn địa bàn cho nó. Ở trung tâm của giải cấu trúc cũng có phân tích ngôn từ. Do vậy nó có một tính chất hữu dụng rất thực tế, nó đã củng cố cho phân tích văn bản trong khuôn khổ của nghiên cứu văn học. Bởi chính đó là cái nằm ở trung tâm sự thực hành của Derrida: một phiên bản rất đặc thù của giải thích văn bản kiểu Pháp, cũng có thể áp dụng vào các văn bản triết học, cái cho phép xem xét một văn bản và khám phá ở đó những điều chưa từng có ai nhìn thấy. Tôi tin đó là lý do chính: đã có sẵn một bối cảnh cho phép ứng dụng phương pháp của Derrida. Có lẽ còn có thêm một lý do: chúng tôi là một đất nước trẻ, chúng tôi ít chắc chắn về thẩm quyền của mình và do đó luôn luôn sẵn sàng nhập khẩu các phương pháp và tư tưởng từ nơi khác, và đặc biệt hơn là từ Pháp, ngay cả khi chúng tôi làm việc đó với rất nhiều lo lắng.

Ngày nay vẫn luôn luôn có chỗ cho giải cấu trúc trong giới học thuật Mỹ chứ?

Ngày càng ít đi, vì đủ mọi lý do. Lý do đầu tiên là Derrida cùng những người theo ông đều rất khó đọc. Suy nghĩ về văn chương bằng những khái niệm ấy đòi hỏi nhiều nỗ lực. Lý do hiển nhiên thứ hai là sự thăng tiến mạnh mẽ của cultural studies [nghiên cứu văn hóa], cái thường đặt tiền giả định rằng giải cấu trúc về mặt chính trị là cái gì đó đầy bảo thủ, ngay cả khi một người như Judith Butler chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ Derrida. Nhiều nhà phê bình thuộc trào lưu cultural studies cũng tương tự, điều đó không ngăn cản họ nói với sinh viên của mình đừng đọc những gì xuất phát từ giải cấu trúc. Nhưng lý do chính hẳn là sự thoái lưu chung của tầm quan trọng của văn chương trong nền văn hóa chúng tôi. Giờ đây tại các khoa văn học chúng tôi có thế hệ đầu tiên các trợ lý giáo sư được giáo dục trong một môi trường cấu thành nên từ phim, video, trò chơi điện tử và các loại phương tiện truyền thông mới. Dù cho họ có nói gì về mối quan tâm dành cho văn chương của mình và dù cho có thể mong muốn điều gì, chúng tôi cũng biết rằng họ không được cấu trúc nên từ việc đọc Shakespeare. Tôi hoàn toàn không chống lại tiến trình này, nhưng nó cũng có nghĩa văn chương nhanh chóng mất đi tầm quan trọng của mình. Biểu tượng cho tình thế ấy là một đồng nghiệp trẻ được tuyển vào ở Irvine cách đây vài năm với tư cách chuyên gia về Flaubert, cô ấy tin Flaubert là một người đàn ông da trắng đã chết và bảo sinh viên của mình đừng đọc Flaubert nữa, rằng làm thế là xấu. Cô ấy quan tâm đến trang phục, mốt và bắt tay nghiên cứu các tạp chí mốt dành cho phụ nữ da đen (cô ấy thì không da đen). Tôi tôn trọng vị thế của cô ấy, nhưng đó là một ví dụ huy hoàng cho sự sụp đổ của nền văn hóa văn chương mà tôi quan sát thấy, mà cũng là như vậy khi tôi giảng bài ở Trung Quốc hay những nơi khác, về các tác giả như Henry James. Sớm hay muộn thì cũng sẽ rõ ràng rằng với họ điều quan trọng hơn cả là các chuyển thể tác phẩm của James thành phim ảnh. Tôi nghĩ điều này là không thể đảo ngược, ít nhất là vào lúc này. Như vậy lý thuyết văn học đóng một vai trò ngày càng bớt phần quan trọng vì càng ngày càng có ít người đọc và dạy văn chương.

Như vậy hẳn ông có thể theo giả thuyết của [Michel] Foucault, người nói rằng lý thuyết văn học chính là tiếng hát thiên nga của một nền văn hóa thực sự có tính chất văn chương?

Đó là một giả thuyết mà tôi thấy là khả dĩ, ngay cả khi tôi nghĩ văn chương còn sống sót được một thời gian nữa, sẽ vẫn có người quan tâm đến nó. Nhưng Foucault có lý, nó không còn là cái lực tự nhiên và ở vị trí trung tâm của văn hóa nữa. Không phải vì lý thuyết đã giết chết nó. Mà lý thuyết, sự suy tư về bản chất của nó, về việc nó vận hành như thế nào, mọi thứ ấy quả thực đã xuất hiện vào lúc nó mất đi quyền lực của mình. Với những người thời Victoria, tiểu thuyết có tính chất trung tâm và xác quyết đối với hành xử của họ cũng như điện ảnh và các phương tiện truyền thông khác ngày nay. Bởi vậy, không cần phải nghĩ đến nó, tiểu thuyết cứ thế mà tồn tại thôi. Chỉ khi tiểu thuyết gây ra vấn đề thì mới cần suy nghĩ về nó, không chỉ trong khuôn khổ lý thuyết văn học, mà cả trong bản thân khuôn khổ thực hành văn chương nữa. Thomas Pynchon hay E. L. Doctorow hẳn đã không viết những gì họ từng viết nếu với họ kịch, tiểu thuyết hay vị thế tác giả là những điều hiển nhiên. Cũng vậy, có thể Aristote đã viết Nghệ thuật thi ca của mình, chủ yếu hướng tới bi kịch Hy Lạp, vào đúng lúc bi kịch biến mất – ít nhất thì ngày nay cũng có một số người khẳng định điều đó.

Cao Việt Dũng dịch

(Trích từ Vincent Kaufmann, La Faute à Mallarmé. L’aventure de la théorie littéraire [Lỗi của Mallarmé. Cuộc phiêu lưu của lý thuyết văn học], Seuil, 2011, tr. 270-275)

Chuyên đề: Văn chương lâm nguy do Văn nghệ Trẻ thực hiện.