Tác gia vừa đoạt giải Nobel Văn học 2017, Kazuo Ishiguro kể lại quá trình 4 tuần không giao tiếp, lao động điên cuồng để viết tác phẩm đem lại cho ông giải thưởng danh giá.

Bài viết này do tác gia Kazuo Ishiguro gửi báo Guardian, đăng năm 2014.

“The Remains of the Days” phiên bản sách điện tử trên Kindle – Ảnh: Đ.K.L.

Nhiều người phải viết suốt nhiều giờ liền. Tuy nhiên, khi viết tiểu thuyết, đa số cho rằng sau bốn tiếng cật lực viết sẽ tới giai đoạn bão hòa. Ít nhiều tôi thuận theo quan điểm này, nhưng khi gần đến mùa hè 1987, tôi thấy cần phải có một cách tiếp cận quyết liệt hơn. Vợ tôi, Lorna, đồng ý.

Cho tới thời điểm đó, 5 năm sau khi nghỉ việc, tôi xoay sở khá ổn để giữ ổn định nhịp độ cũng như hiệu suất làm việc. Nhưng những xáo động sau thành công của hai quyển tiểu thuyết đầu tiên khiến tôi bị chi phối.

Nhiều lời đề nghị thăng tiến sự nghiệp, thư mời ăn tối, tiệc tùng, các chuyến du lịch nước ngoài đầy lôi cuốn, hàng núi thơ đã đặt dấu chấm hết cho lịch làm việc “đúng đắn” của tôi. Mùa hè năm trước, tôi đã viết chương đầu cho cuốn tiểu thuyết mới, nhưng giờ đây, gần một năm sau, tôi chưa thêm được chữ nào.

Vì vậy, Lorna và tôi vạch ra một kế hoạch. Trong vòng bốn tuần, tôi sẽ dứt khoát xóa hẳn nhật ký và đi theo một chương trình chúng tôi bí mật gọi với nhau là “Đổ vỡ”. Suốt thời gian Đổ vỡ, tôi không làm gì ngoại trừ viết từ 9g sáng đến 10g30 đêm, từ thứ hai tới thứ bảy.

Buổi trưa, tôi nghỉ một tiếng, và ăn tối nghỉ hai tiếng. Tôi không gặp ai, đừng nói tới trả lời thơ, và tôi tuyệt đối không tới gần điện thoại. Không ai được mời tới nhà. Trong giai đoạn này, dù rất bận rộn với lịch làm việc dày đặc riêng, Lorna sẽ làm luôn phần việc nhà và nấu ăn của tôi. Bằng cách này, chúng tôi hi vọng, tôi không chỉ có thể hoàn thành công việc chất lượng hơn, mà đạt tới trạng thái tinh thần mà bối cảnh tiểu thuyết trở nên thực hơn cuộc sống.

Lúc đó tôi 32 tuổi, và chúng tôi vừa mới chuyển tới căn nhà tại Sydenham, phía nam London, cũng là nơi lần đầu tiên trong đời tôi có một bàn làm việc đàng hoàng. (Hai cuốn tiểu thuyết đầu được tôi viết ngay trên bàn ăn). Thật ra đó là một dạng tủ li lớn sắp sập và đã mất một cánh cửa, nhưng tôi háo hức bởi có được không gian để bày bừa thỏa thích giấy má mà không phải dọn dẹp sau mỗi lần làm việc. Tôi dán các bản mục, ghi chú đầy bức tường loang lở rồi bứt xuống viết.

Cơ bản, đây là điều kiện The Remains of the Days được viết ra. Suốt Đổ vỡ, tôi phóng tay viết, không quan tâm tới thể loại cũng như nếu lỡ những gì viết ra trong buổi chiều hoàn toàn đối lập với những tình tiết vừa xây dựng trong truyện hồi sáng. Mục tiêu đơn giản là để ý tưởng trồi lên và phát triển.

Tôi cứ để đó những câu văn thấy ghê, những đoạn hội thoại gớm ghiếc, những tình huống không đi về đâu và tiếp tục cày bừa.

Trong ngày thứ ba, lúc nghỉ buổi chiều, Lorna nhận thấy tôi hành xử khác lạ. Trong ngày nghỉ chủ nhật đầu tiên, tôi đi ra ngoài, trên đường cao tốc Sydenham và cười rúc rích liên tục Vì vậy Lorna nói với tôi rằng do con đường được xây trên dốc, người đi xuống đạp lên chính họ, còn những người đi lên lảo đảo và thở hổn hển.

Lorna ý thức rằng tôi sẽ trải qua thêm ba tuần như vậy nữa, nhưng tôi đã giải thích là vẫn ổn, và tuần đầu tiên diễn ra rất thành công.

Tôi duy trì như vậy trong vòng bốn tuần, và cuối cùng ít nhiều có được phần lớn cuốn tiểu thuyết: dù dĩ nhiên vẫn cần thêm nhiều thời gian để viết lại cho đàng hoàng, nhưng những hình ảnh đột phá đều có được trong giai đoạn Đổ vỡ.

Phải nói rằng trong thời gian bắt tay vào Đổ vỡ, tôi ngốn một lượng lớn “nghiên cứu”: sách viết về các người hầu Anh hoặc do chính họ viết, về chính trị và chính sách ngoại giao giữa các cuộc chiến, nhiều sách và tiểu luận từ thời đại đó, trong đó phải kể đến The Dangers of Being a Gentleman (Những hiểm họa khi trở thành quý ông) của Harold Laski.

Tôi tập kích kệ sách cũ của cửa hàng sách địa phương (Kirkdale – hiện vẫn đang phát đạt) để tìm các hướng dẫn về miền quê nước Anh trong những năm 30 đến 50. Với tôi, quyết định khi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết – lúc bắt đầu tạo ra bản thân câu chuyện – luôn luôn là điều tiên quyết.

Thật tai hại nếu bắt đầu viết quá sớm, và cũng tai hại không kém nếu bắt đầu quá trễ. Tôi nghĩ, với Remains, tôi đã may mắn: Đổ vỡ đến đúng thời điểm, khi tôi biết vừa đủ.

Nhìn lại, tôi thấy rất nhiều thứ đã gây ảnh hưởng và là nguồn cảm hứng cho tôi. Đây là hai ví dụ:

1. Lúc tuổi thiếu niên trong thập niên 70, tôi coi bộ phim The Conversation, một phim trinh thám do Francis Ford Coppola đạo diễn. Trong phim, Gene Hackman vào vai một chuyên gia giám sát tự do, một dạng người làm cho các thân chủ muốn bí mật thu âm những cuộc hội thoại của người khác.

Hackman điên cuồng muốn trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực – ‘kẻ nghe lén vĩ đại nhất nước Mỹ’ – nhưng dần dần lại bị ám ảnh bởi ý tưởng những băng ghi âm đưa cho các thân chủ quyền lực có thể dẫn tới hậu quả xấu, thậm chí giết người.

Tôi nghĩ nhân vật của Hackman là hình mẫu ban sơ của ông quản gia Stevens.

2. Lúc nghĩ rằng đã hoàn thành Remains, đột nhiên một chiều nọ tôi nghe bản Ruby’s Arms (Những cánh tay ngọc ngà) của Tom Waits. Đó là một bản ballad nội dung kể rằng người lính ra đi trên chuyến xe lửa sớm bỏ lại người tình đang ngủ.

Câu chuyện không có gì bất thường. Nhưng bài ca lại được hát bằng một giọng Mỹ gai góc kiểu vô gia cư, hoàn toàn không quen thuộc với cảm xúc mang theo trong kế hoạch của vai chính. Và rồi nút thắt đến khi ca sĩ tuyên bố tan nát con tim. Đó là bước chuyển không thể chịu đựng được, bởi căng thẳng giữa tình cảm nội tại và trở lực lớn cần phải vượt qua để thốt ra lời đó.

Waits hát ra những lời này với sự trút bỏ oai hùng, và bạn cảm thấy được thời gian dằng dặc của một gã khắc kỷ, vụn vỡ khi đối mặt với nỗi buồn choáng ngợp. Tôi nghe bài này và đảo ngược một quyết định, rằng Stevens vẫn nguyên vẹn xúc cảm cho tới tận cuối cùng.

Tôi quyết định rằng, tại một thời điểm nào đó – và tôi phải chọn lựa rất kỹ càng – lớp vỏ cứng nhắc của ông ấy sẽ rạn nứt, và từ đó hé lộ chủ nghĩa lãng mạn bi kịch được giấu kín suốt từ đó đến nay.

TTO

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài