Chúng tôi dịch và giới thiệu tóm tắt cuộc phỏng vấn trên để bạn đọc tham khảo.
Nhà văn Hàn Thiếu Công.
Gần đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo điện tử “Tân Hoa xã”, nhà văn nổi tiếng Hàn Thiếu Công, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc đã nói nhiều đến mạng internet, ông cho rằng sự xuất hiện của mạng internet là một hiện tượng không thể đảo ngược.
Từ sắc thái hoang đường kỳ bí của tiểu thuyết “Bố, bố , bố”, từ cuộc sống bán ẩn cư của một người nửa là Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Nam, nửa là ẩn sĩ nông thôn Hồ Nam, đến khoảnh khắc trả lời phỏng vấn của báo chí hôm nay, nhà văn Hàn Thiếu Công hơi tỏ ra thần bí và thâm trầm.
Nhà văn Hàn Thiếu Công cho rằng, quan điểm phân chia khu biệt văn học nhã tục là không thoả đáng. Bốn trước tác cổ điển Trung Quốc nổi tiếng (“Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thuỷ Hử”, “Tây Du ký” và “Hồng Lâu Mộng” – VPT), có người cho là nhã, có người cho là tục, nhã tục là khái niệm trôi nổi bất định, là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ và bổ sung cho nhau.
Đối với những xuất bản phẩm gọi là “tục”, nhà văn Hàn Thiếu Công chấp nhận rất thoáng (khoan dung). “Áp lực của đời sống hiện thực rất lớn, tinh thần của mọi người rất căng thẳng, sau khi tan tầm về nhà tự nhiên càng muốn đọc những cuốn sách nhẹ nhàng, không thể chê trách được”, nhưng, ngay những kẻ ác ôn, người ăn xin, vào những thời khắc đặc biệt cũng có thể rung động tình cảm, cũng có thể muốn thận trọng suy nghĩ đến những vấn đề có chiều sâu nào đó, văn học nghiêm túc cũng có thể thoã mãn nhu cầu của họ. Mà có những người theo đuổi vươn tới tinh thần cao hơn, thì càng không tài nào buông tay những tác phẩm văn học nghiêm túc.
Nhà văn Hàn Thiếu Công cho rằng xu thế của mạng internet là không thể đảo ngược.
“Sự xuất hiện của mạng internet là một hiện tượng không thể đảo ngược”, Hàn Thiếu Công nói: bất luận sử dụng bút mực sáng tác, hay là sử dụng máy vi tính gõ chữ, chỉ là sự khác nhau về hình thức và văn bản sáng tác mà thôi.
Mạng internet có lẽ khiến cho quan niệm về nội dung và phương pháp biểu đạt của văn học phát sinh thay đổi, song dòng chảy của sáng tác trên giấy không thể gián đoạn, ma lực không thể giảm.
“Chúng tôi tin tưởng viết lách trên mạng internet có thể sáng tác ra những tác phẩm vĩ đại. Nhưng, không có nghĩa là có mạng internet rồi, thì không có thành quả huy hoàng của sáng tác truyền thống.” Nhà văn Hàn Thiếu Công nói.
Vũ Phong Tạo dịch và giới thiệu
(Theo www. book.sina.com.cn, 12-4-2010)