Trong ý hướng dân chủ hóa văn học trong thời đại toàn cầu hóa, ở đó thơ Việt đương đại được sử dụng làm chất liệu minh giải, tập tiểu luận Song thoại với cái mới bước đầu thử làm cuộc phá vỡ vách ngăn văn chương [bị cho là] ngoại vi với văn chương trung tâm, trên nhiều bình diện của vấn đề.
Văn học Đông Nam Á so với thế giới: “Văn chương Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”; thơ nữ so với nam: “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố “nữ’”; thơ dân tộc thiểu số/ dân tộc đa số: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”; thơ tiếng Chăm/ Việt: “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”; văn chương địa phương/ văn chương các trung tâm văn hóa lớn: “Nhập cuộc và hi vọng”; văn chương ngoài lề/ chính thống: “Văn chương trẻ Sài Gòn ở đâu?” và “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”; thơ phi truyền thống với thơ truyền thống: “Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt” và văn chương mạng/ văn chương giấy: “Văn chương mạng”.
Qua các tiểu luận này, Song thoại với cái mới nỗ lực đưa suy tư len giữa vạch đứt của tư duy phân biệt đối xử, với tham vọng đẩy lui nỗi mặc cảm từ phía ngoại vi, đồng thời lay dậy cánh trung tâm tự thức để luôn đặt mình vào tư thế thay đổi, cải tiến, cạnh tranh.
Dụng ngữ “song thoại” trong tập tiểu luận còn mang ở tự thân thái độ sẵn sàng san lấp hố phân cách giữa sáng tác và phê bình. Phê bình không đi trước hay sau, đứng trên hay dưới sáng tác. Phê bình từ chối phê hay bình, cũng không đối thoại mà – song thoại. Bằng thái độ đi vào trong. Phê bình đến với sáng tác trong tâm thế người bạn đồng hành hỗ trợ nhau khai phóng con đường phát triển văn chương. Hai tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” và “Bế tắc trong sáng tạo” làm nhiệm vụ đó.
Thơ ca không là một thực thể bất định, nó luôn hướng về phía chuyển động. Tập tiểu luận Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say tiếp nối Song thoại với cái mới – ghi nhận chuyển động kia. Chuyển động được nhìn cả “điểm” lẫn “diện”, vừa đồng đại vừa lịch đại. Chuyển động ngay khởi đầu thời kì đổi mới (“Thơ đổi mới, hành trình ‘chuyển một hướng say’”), sang hậu đổi mới (“Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”) và cả thế hệ mới (“Thơ Việt thế hệ hậu hiện đại mới”).
Chuyển động, không chỉ riêng với sáng tác mà cả phê bình. Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say đi tìm căn nguyên sự “khủng hoảng” phê bình vừa bao quát (“Gọi tên căn bệnh phê bình hôm nay”, “Phê bình văn học: hội chứng rên rỉ và đổ thừa”), vừa cụ thể (“Khủng hoảng, phản kháng & dối lừa”, “‘Hiện tượng’ thơ Nguyễn Quang Thiều, vài minh định”) đồng thời thử khởi động một chiều hướng phê bình mới để tháo gỡ khủng hoảng kia (“Khởi động một chiều hướng mới cho phê bình văn học”, “Phê bình [như là] lập biên bản, một chứng từ: Thơ Đồng Đức Bốn & Mai Văn Phấn”).
Thơ, dù chuyển động với bao nhiêu khác biệt về quan niệm chăng nữa, việc hóa giải và hòa giải chúng vẫn là khả thể. “Thơ như là con đường” thử gánh vác phần việc đó. Bởi thi sĩ, dẫu phiêu lưu chân trời nào chăng nữa, vẫn là kẻ canh giữ ngôn ngữ dân tộc. Để hắn hết làm kẻ vô gia cư lang thang lạc lõng, trở về trú ngụ trong ngôn ngữ như là ở lại Nhà mình. Một cư lưu đầy thi tính. Bởi,
Đầy tràn công danh sự nghiệp
nhưng con người cư lưu đầy thơ mộng trên mặt đất này
Full of merit,
yet poetically, man dwells on this earth.
(Hoelderlin)