Đó là thế hệ của những thanh niên mang trong tim bầu máu nóng sục sôi của lòng ái quốc cùng những giá trị truyền thống của văn hoá cha ông, kết hợp với  những tinh hoa của văn hoá Pháp. Thế hệ đó chỉ xuất hiện có một lần, không có thế hệ kế tiếp,và người đại diện cuối cùng của nó là nhà thơ Cù Huy Cận vừa từ giã chúng ta.  Cùng với sự ra đi của ông đã khép lại huyền thoại về một lớp người có một không hai trong lịch sử cận đại của dân tộc.

Ai cũng biết Cù Huy Cận từng là con chim đầu đàn của phong trào Thơ Mới (cho đến nay sau 70 năm vẫn còn mới), từng là  kỹ sư canh nông, tùng là nhà hoạt động cách mạng, từng là bộ trưởng, từng là cố vấn cao cấp của Cộng đồng Pháp ngữ, từng là Chủ tịch Liên hiệp văn học nghệ thuật VN… nhưng trên hết ông là một nhà văn hoá, một nhà trí thức lớn của đất nước.

Lần đầu tôi được tiếp xúc với ông là vào dịp tôi được Xưởng phim phân công làm bộ phim tài liệu Nguyễn Trãi theo đơn đặt hàng của Uỷ ban UNESCO quốc gia mà ông là chủ tịch, nhằm phục vụ cho việc kỷ niệm 600 năm sinh của nhà đại thi hào dân tộc vừa được UNESCO công nhận như một danh nhân văn hoá của thế giới. Cái ấn tượng đầu tiên của tôi khi được làm việc với ông là một tác phong làm việc rất tỉ mỉ , khoa học, thận trọng từng ly từng tí một, không như hình ảnh của một nhà thơ mà tôi vẫn hình dung trong đầu. Ông đọc đi đọc lại, góp ý kịch bản rồi sau đó trong giai đoạn quay, được mẻ nháp nào ông đều yêu cầu xem. Ông rất quan tâm đến bộ phim và không dấu nổi sự lo lắng của mình. Khi kết thúc giai đoạn quay, vừa mới sơ dựng hình ảnh xong, chưa kịp lồng thuyết minh, âm nhac, tiếng động, ông đã bắt tôi đem chiếu để Thủ tướng Pham văn Đồng xem góp ý. Phải nói rằng tôi rất run, nhưng vẫn phải chấp hành lệnh của ông vì tôi biết ông muốn có thêm ý kiến của Thủ tướng – một người rất am hiểu về Nguyễn Trãi, cho thật yên tâm. Và rồi bộ phim tài liệu dài năm cuốn đã ra đời, kịp gưỉ đi các nước đúng vào dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh nhà đại thi hào. Sau khi  hoàn thành xong nhiệm vụ, một hôm gặp tôi, ông vui vẻ nói: Cậu đúng là con ông Ngữ. Đối với tôi đó là một lời khen vô giá.

Đối với tôi ông thuộc lớp tiền bối mãi mãi kính nhi viễn chi, không bao giờ dám đến gần, nếu không có quãng thời gian 10 năm về công tác ở Hội Điện ảnh, cùng chung một sân 51 Trần Hưng Đạo với Uỷ ban trung ương Liên hiệp văn học nghệ thuật VN mà ông là chủ tịch. Ông là người suốt đời “làm quan” nhưng không bao giờ có vẻ quan cách. Một lần sau khi đi Pháp về ông kể với tôi: “Trong một cuộc họp báo ở Paris, có nhà báo hỏi mình: Ông từng là một kỹ sư canh nông, từng là bộ trưởng, lại là một nhà thơ. Vậy làm sao ông  có thể có cả ba con người ấy trong  một con người? Mình đã trả lời: Nhà thơ là do thiên bẩm, kỹ sư canh nông thì cứ học khắc thành, còn bộ trưởng là do gặp may”. Đối vối ông thơ ca là trên hết. Mỗi lần làm xong một bài thơ, gặp ai ông đều níu lại đọc cho nghe một cách rất hồn nhiên. Tôi cũng nhiều lần được ông cho nghe như vậy giữa sân 51 Trần Hưng Đạo. Khi được gần ông tôi ngạc nhiên thấy trong con người từ 17 tuổi đã đau đáu một nỗi buồn về cái hữu hạn của đời người trước cái vô cùng của vũ trụ, trong con ngưòi  “khi xưa hay sầu lắm” của ông lại có một tâm hồn rất lạc quan, yêu đời. Cái chất humour trong ông là một biểu hiện sinh động nhất cho những phẩm chất ấy. Tại bất cứ một cuộc họp nào dù quan trọng đến mấy, ông đều có những phát biểu sâu sắc nhưng rất hóm hỉnh, đôi khi đó là những câu thơ lục bát do ông ứng tác ngay tại chỗ. Nhiều lần dự họp cùng ông, tôi thấy ông ngồi nhắm mắt, tưởng như ngủ (có thể đôi khi ông ngủ thật). Nhưng rồi khi cần, ông liền bật dậy, phát biểu cực kỳ chính xác về những điều mà mọi người đang quan tâm. Có lần tôi đánh bạo hỏi, ông cười trả lời: “Mắt mình ngủ nhưng tai mình vẫn thức đấy chứ. Cậu biết không, để giữ thần kinh cho tốt, tôi có bí quyết là tranh thủ ngủ. Những lúc không cần thiết, tôi để cho cái đầu được nghỉ”. Thật vậy, ông có biệt tài ngủ bất cứ lúc nào ông muốn. Chỉ cần ngồi trên xe ôtô từ nhà đến cơ quan chưa đầy 15 phút ông đã có thể tranh thủ làm một giấc.

Đôi khi tôi ngạc nhiên tự hỏi một người như ông, được đào tạo dưới thời Pháp, hết tú tài tây rồi cử nhân (cử nhân canh nông) vậy mà tại sao con ngườì ấy lại có được một kho kiến thức văn hoá đông tây kim cổ uyên bác đến như vậy? Ông trang bị cho mình từ lúc nào và bí quyết là ở đâu? Một hôm đến nhà ông vì một công việc gì đó, sau khi làm việc xong ông thân tình nói với tôi: “Lên đây, tôi cho cậu xem cái này”. Rồi ông đưa tôi lên gác hai, hé cửa cho tôi nhìn vào một căn phòng rộng chất đầy từ dưới lên trên toàn sách là sách. Ông nói: “Đi nước ngoài, mình chỉ  tìm mua sách. Những cuốn sách mà cậu được nhìn thấy ở đây là tài sản vô giá của mình. Tôi không cho ai vào căn phòng này bao giờ . Hôm nay quý cậu lắm tôi mới cho cậu được nhìn”. Tôi ngỏ ý mượn vài cuốn về đọc thì được ông trả lời rất thành thật: Mình có một nguyên tắc là không cho ai mượn sách bao giờ. Mình chết đi thì kho báu này để lại cho con mình. Cậu thông cảm”. Dĩ nhiên là tôi thông cảm ngay. Tôi hiểu đó là ngôi đền thiêng của ông, không muốn ai xâm phạm, và tôi đã tìm được lơì giải đáp cho câu hỏi của mình. Thế hệ ông là một thế hệ đã kế thừa được truyền thống hiếu học từ ngàn xưa của cha ông. Hành trang của họ là tinh hoa của nền văn hoá dân tộc cộng với những kiến thức chắt lọc được từ văn hoá của nhân loại, trước hết phải kể đến văn hoá Pháp, cùng một ý chí tự học không bao giờ biết mệt mỏi. Ông có một phương tiện rất hữu hiệu để làm được việc đó là vốn tiếng Pháp vô cùng phong phú của mình. Ngay đến người Pháp cũng phải kinh ngạc về sự chính xác, nhuần nhị, tinh tế trong việc sử dụng tiếng Pháp của ông. Có lần ông nói với tôi: “Khi làm thơ đôi lúc tôi nghĩ trong đầu bằng tiếng Pháp trước rồi tìm cách diễn đạt bằng tiếng Việt sau”. Có thể nói ông là bậc thầy của cả hai ngôn ngữ Việt Pháp, là một trong những đại diện xuất sắc nhất của cái mà UNESCO từng gọi là “sự tiếp biến văn hóa” (acculturation) giữa Phương Đông và Phương Tây, cụ thể là với văn hoá Pháp. Có lần ông rủ tôi vào phòng làm việc ở 51 Trần Hưng Đạo chìa cho tôi xem một cách hết sức bí mật bức thư viết tay của Tổng Thống Pháp Chirac gửi cho ông sau khi được đọc tập thơ Nước triều đông vừa xuất bản bằng tiếng Pháp. Trong thư Tổng thống Pháp viết: Đọc thơ của ông tôi  càng hiểu thêm phương Đông. Những người như ông càng ngày càng hiếm giữa cuộc đời này. Họ đã lần lượt ra đi… và khi họ đi rồi, ta mới cảm thấy hết cái khoảng trống mênh mông không gì bù đắp nổi.

Ông là người trần tục, nhưng thơ ca đã đưa ông vào cõi bất tử. Đã có biết bao nhiêu giấy mực của người đời viết về những giá trị thơ ca của ông. Có nói nữa cũng không cùng… vì vũ trụ thơ của ông là không cùng. Tôi chỉ xin ghi lại ở đây một vài kỷ niệm nho nhỏ của mình như một nén hương thành kính dâng lên ông. Ngọn “Lửa thiêng” ấy sẽ còn cháy mãi không bao giờ tắt.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An


Exit mobile version