Nhà văn Hiệu Constant (chụp tại Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc khi về nước)

HƯƠNG XƯA

Truyện ngắn của nhà văn Hiệu Constant


Câu hát đang ngân bỗng tắt nửa chừng…

Tặng T. H.

Chị ngồi đó, trên tầng 3 của một quán cà phê khang trang trong khu phố cổ Hà Nội, để ngắm anh. Một người đàn ông không còn trẻ nữa. Mái tóc bạc trắng do những đợt xạ trị kéo dài. Vẻ trầm ngâm của anh, mà xưa chị thường ví “trụ đá trăm năm cũng phải hờn ghen” thì giờ đây còn yên ắng và sâu thẳm hơn. Làn da rám nâu đã từng được “tráng” trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc giờ đây còn sạm hơn và lấm tấm hạt đồi mồi. Chị bất giác thở dài! Chị không biết anh đang nghĩ gì, còn chị thực sự hơi choáng, hơi sốc trước sự thay đổi của anh. Nhưng rồi tự an ủi rằng gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhật nguyệt vô tình, con người sao có thể không già, huống chi anh còn đang vướng bạo bệnh!  

Dẫu sao, chị cũng không thoát khỏi cảm giác đắng đót. Chị đang ngồi đây, trước mặt anh, gần gụi nhưng xa xôi làm sao ! Xa xôi bởi không còn có thể được chạm vào anh. Gần gụi là bởi những năm tháng ấy, những hình ảnh, và cả sự rung động ngọt ngào của mối tình đầu đời vẫn còn nguyên vẹn trong chị…

Đúng! Tất cả vẫn hiển hiện…

Những trận chiến ác liệt. Những cây thốt nốt và cánh rừng khộp vào mùa thay lá. Những cơn mưa rừng kéo dài lở đất, lở rừng, còn mùa khô được người lính ví như những cuộc viễn chinh trên sa mạc, bởi nắng nóng và hiếm nước. Lần gặp nhau chớp nhoáng ở chiến trường tây bắc Capuchia, nơi anh đóng quân. Khi biết tin đoàn chị đến biểu diễn thì anh đã đi hàng chục cây số, bị quân Pol-pốt mai phục, anh thoát chết nhưng nhiều đồng đội khác đã không may mắn như anh! Anh đến nơi thì buổi biễu diễn đã kết thúc, hai người đã đi lang thang trong đêm ở khu rừng cạnh doanh trại. Đang đi, đế dép chị như bị vướng vào cái gì đó, anh lấy đèn pin rọi xuống thì thấy những sợi mảnh như tơ. Anh lấy cành cây gạt tiếp thì lộ ra một cái đầu người còn đầy tóc bù xù… Sau này chị được anh cho biết rằng bộ đội đã khai quật và khám phá ra nơi ấy vốn là một hố chôn tập thể của quân Kh’mer Đỏ, hàng trăm người đã bị chôn dưới đó…

 Rồi còn những đợt anh về phép, cả hai đã đi dạo dưới trời khuya Hà Nội, quanh hồ Gươm. Hà Nội ngày đó tầm 22h đã vắng tanh, chỉ còn lác đác vài đôi người gò mình trên xe đạp dưới ánh sáng đèn đường đỏ quạch, hương hoa sữa phảng phất khiến cho đêm đông bớt lạnh. Họ thường im lặng đi bên nhau. Những tán bàng trong phố cổ, Tòa Bưu điện bề thế, Nhà Thủy tạ im lìm, Tháp rùa thâm nghiêm trơ trọi giữa hồ và những vì tinh tú làm chứng cho họ. Anh ít nói, chỉ có chị là thao thao bất tuyệt về những ước mơ, về những gì họ sẽ làm khi anh được chuyển về Hà Nội, về những đứa con…

– Nhưng anh hơn em nhiều tuổi, em không ngại sao ?

– Không ngại !

– Anh là lính, chiến trường nay đây mai đó, sống chết không biết, còn em rất trẻ trung xinh đẹp…

Chị dừng lại, xoay anh về phía mình và nhìn thẳng vào mắt anh:

– Cuộc đời này là một giấc mơ, anh ạ. Và chúng ta là những người đang ở trong giấc mơ đó. Hãy sống cùng đời thật trong thời khắc này, hãy sống cho tình yêu thật, để khi tỉnh giấc chúng ta không phải hối hận vì đã không yêu đủ. Em yêu anh!

Chị nói và gắn lên môi anh một nụ hôn thật sâu.

Anh lên tiếng để phá tan sự im lặng bất thường.

– Em còn nhớ…

– Vâng, em nhớ chứ ! – Chị ngay lập tức ngắt ngang lời anh, như thể chị chỉ đợi có thế! Bởi tất cả những gì họ đã có trong ngần ấy năm yêu nhau, những lần gặp gỡ, những lá thư… Chị vẫn nhớ như in.

Chị làm sao quên được buổi đầu họ gặp nhau vào mùa mưa năm ấy khi cuộc chiến tranh Tây Nam vừa bùng nổ. Quân K’mer Đỏ tràn sang khắp vùng biên giới trải dài suốt 700 km. Hai mươi tuổi, lần đầu tiên chị xa Hà Nội cùng đoàn đi công tác. Chị thuộc đoàn Ca Múa Nhạc Quân Đội đi biểu diễn phục vụ các đơn vị ở vùng chiến trận. Đó là vào cuối tháng 10. Là mùa thu nhưng cũng là cuối mùa mưa, trời như thể muốn trút nốt phần nước ế còn lại để bắt đầu dấn vào mùa khô. Mưa rất lớn. Đoàn của chị đã phải dừng chân ở một trạm trong khu rừng già…

Những trận mưa dai dẳng khiến người ta ủ ê và dễ bị vướng bệnh. Nhẹ thì cảm cúm, nặng thì sốt. Những cơn mưa cũng khiến sự di chuyển khó khăn. Do không quen khí hậu, chị đã là người đầu tiên trong đoàn bị ốm. Chị sốt rất cao, có hôm lên đến 39°C, khiến cả đoàn lo lắng. Sau này khi làm việc trong ngành Y tế ở Đức, chị cho đó là sốt vi rút hay còn gọi là sốt siêu vi. Đó là một căn bệnh không nguy hiểm, đến rồi đi nếu biết cách điều trị. Chỉ cần tắm nước ấm, uống nhiều nước hoặc các chất điện giải để vừa giúp hạ thân nhiệt vừa ngăn ngừa tình trạng mất nước do sốt và nhất là người bệnh cần phải nghỉ ngơi. Nhưng ngày đó, các bạn thấy chị sốt cao lại chườm bằng khăn lạnh nên đã mấy ngày mà sốt không giảm, còn cơ thể chị thì ngày càng thê thảm, suy nhược trông thấy và hết sức mệt mỏi. Mưa nhiều ngày nên trời vừa hửng ráo là đoàn phải lên đường, họ chia tay chị trong ngậm ngùi.

Phải nói là chị đã rất thất vọng và chán chường chính bản thân mình. Hai mươi tuổi, lần đầu được đi xa nên chị đã cực kỳ háo hức. Phải nói chị đã làm mình làm mẩy với bố mẹ biết bao nhiêu để họ đồng ý cho đi. Bố mẹ chị đều từng du học ngành Y tại Pháp, ông bà trở về Hà Nội ít ngày thì Hiệp định Genèves được ký kết và Pháp rút khỏi Đông Dương. Sau đó họ được nhận vào công tác tại bệnh viện Phủ Doãn mà sau này là Việt – Đức. Hơn chục năm sau, bố được bổ nhiệm làm bác sỹ trưởng khoa Phẫu thuật, còn mẹ làm ở khoa Hồi sức Cấp cứu. Do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và cũng bởi giờ giấc làm việc ở bệnh viện nên dù là con một và được chiều chuộng, bố mẹ chị vẫn giáo dục con sống tự lập ngay từ nhỏ. Chị nghiêm túc học hành nhưng cũng rất lãng mạn. Dạo Mỹ đánh bom Hà Nội, chị được gửi về sống với ông bà nội ở vùng ngoại ô. Tổ tiên nhà chị nhiều đời làm quan nhưng ông nội lại chỉ theo ngành thuốc Đông y. Nhà vườn của ông bà nội rất rộng, đầy cây cối và những luống thảo dược. Chị thích ngôi nhà cổ với bức hoành phi lớn với dòng chữ Hán mạ vàng nổi bật. Chị đi học cùng với đám bạn quê và sống hòa mình, thường xuyên rủ chúng về nhà. Lúc nào bà nội cũng có cái gì đó cho đám trẻ. Khi thì những cái bánh thơm phức do chính bà làm, khi khác lại là những trái cây được hái trong vườn.  

Trước lúc đi, các cán bộ trong đoàn đã “quán triệt” về nhiệm vụ và những khó khăn trong chuyến công tác. Rằng bom đạn chiến tranh sẽ chẳng chịu chừa ai. Rằng là mùa mưa thì mưa nhiều, mùa khô thì nóng dữ, rằng rừng thường có nhiều mòng muỗi rắn rết và cả những con thú hoang… Rằng phải cẩn thận để tránh bị ốm. Với tuổi đôi mươi, chị nghĩ đó chỉ là những chuyện bình thường, mưa thì ở Hà Nội cũng mưa, nắng thì ở Hà Nội cũng nắng. Bom đạn thì người Hà Nội đã chẳng chứng kiến những trận oanh tạc ghê rợn của Mỹ rồi đó thôi… Trong đầu chị khi ấy chỉ thấy mình đang được biểu diễn dưới những tán rừng mùa thu, lá vàng rụng như trải thảm giữ cho những bước chân được êm. Hơn nữa, chị cũng đã đọc tiểu thuyết Khoảng Sáng Trong Rừng, hoặc Bình Minh Nơi Đây Yên Tĩnh… Có thảm cảnh, có hi sinh, có những giây phút khắc nghiệt, có những giây phút tạm lắng và cả sự sống chết mong manh…  nhưng chết vì Tổ quốc, đó là một hi sinh vinh quang! Chiến trường thu hút chị bằng những huyền bí khó giải thích. Chị đã đọc Tên Anh Chưa Có Trong Danh Sách, hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh nhưng chiến tranh không chỉ có thế, mà còn là nơi rèn luyện và phát triển đức tính của con người. Phải thừa nhận nhà văn Boris Vasilyev đã miêu tả cuộc chiến tranh chớp nhoáng, giáp lá cà giữa quân Nga và quân Đức trong tòa lâu đài cổ Brest ấy hết sức sống động! Tiếng đạn nổ, người chết và máu tuôn trào khắp nơi, cái đói cái rét rình rập và tình người chứa chan… Truyện nhiều hội thoại và có sức lôi cuốn. Càng về sau, sự tàn khốc của chiến tranh càng được phơi bày rõ hơn và cảm xúc của các nhân vật được diễn đạt theo nhịp độ khốc liệt của trận chiến. Đây đúng là một Bi tráng ca về chiến tranh. Chị hiểu tâm trạng của người sỹ quan trẻ Nikolai Pluzhnikov. Sự sinh tồn, danh dự của người lính… đã nhào lặn con người rất nhanh. Từ một sỹ quan trẻ vừa rời ghế nhà trường, đem theo những suy nghĩ hơi ngây ngô cứng nhắc và một lý tưởng trong sáng nhưng chỉ vài tháng sống giữa chiến trận đã biến anh ấy thành một người lính kiên định và thực tế hơn nhiều. Chị muốn tự mình khám phá bản chất thật của chiến tranh. Chị muốn khám phá chính mình.

Tàu hỏa đưa đoàn văn công của chị từ Hà Nội đến Vinh, sau đó chuyển sang xe quân đội rồi tiếp tục hành quân bộ qua những cánh rừng xăng lẻ miền trung. Phong cảnh đẹp, cây đang mùa thay lá, có chỗ trơ trụi. Dưới ráng chiều, khung cảnh mê ly, pha chút bâng khuâng hoài niệm. Nhưng cảnh đó chẳng kéo dài. Được mấy hôm thì mùa mưa ập đến và chị bị mắc kẹt ở đây. Chị còn chưa nghe thấy một tiếng súng, chưa nhìn thấy một quả bom nổ ở chiến trường thì đã bị ốm nằm lỳ ở trạm này hàng tuần liền. Trong khu rừng già với các đoàn quân chỉ tạm dừng một đêm rồi lại đi để hôm sau Trạm lại đón những đoàn mới.

– Em nhớ năm ấy, cơn lũ…, hang đá… – Anh lại lên tiếng để đánh tan sự ngột ngạt, khiến người ta nghe rõ cả tiếng muỗi bay vo vo đâu đó.

– Vâng! Làm sao em quên được…!

Chị choàng tỉnh, thoát khỏi những hoài niệm và quay sang anh! Chị cố lần tìm sự thân quen năm xưa. Vẫn ánh mắt và cái nhìn ấy; sự va chạm đầu tiên với một người khác giới; vành môi đàn ông đầu tiên đặt lên môi chị…!

Chị bị giữ lại ở trạm ấy gần hai tuần. Rồi trời bất chợt không mưa liền hai hôm, thi thoảng còn hửng nắng, chị thấy khỏe khoắn và tâm trạng vui vẻ, chị không muốn bị đoàn mình bỏ lại quá xa, nên đến lán quân y.

– Anh bác sỹ quân y ở trạm ngày ấy tên gì nhỉ?- chị thốt lên.

– Trạm Quân Y nào? – Anh nhất thời lơ ngơ hỏi lại. Nhưng rất nhanh đã lấy lại vẻ tự tin. – Cậu Thành, Nguyễn Hải Thành. Trung úy, trạm phó….

Nói rồi anh nhoẻn cười hết sức thoải mái.

– Anh còn nhớ lúc cậu ấy nói không đồng ý để em lên đường, em đã rất cáu. Hết giận dữ lại chuyển sang giận dỗi, hai chân lạch bạch giậm đất rồi lại ra rừng nhảy choi choi, đánh đấm những tán lá vô tội và rút cuộc, cậu ấy đã phải đồng ý…

– Đúng rồi…, – chị cũng bất giác nhoẻn cười khi nhớ lại những trò “trẻ ranh” của mình khi ấy. Đó chính là anh Nguyễn Hải Thành, sau này chị được biết anh cũng đã từng là sinh viên của bố chị.

Nhận được giấy “ra viện” của anh Thành, chị đã sung sướng cực độ. Nhưng lại có rắc rối, đó là chị không thể đi một mình trong rừng vắng. Và chính tại đây mà “Người Hùng” của chị đã xuất hiện.

Trạm vốn ngày nào cũng có đoàn đến đoàn đi thì hôm đó lại chẳng có đoàn nào đi về hướng đoàn văn công của chị. Chị đang buồn phiền ngồi vặt trụi cả một búi cây lúp xúp thì một nữ y tá, tên Hồng, chạy đến thông báo có một anh cán bộ cũng chuẩn bị đi về hướng ấy.

– Nhanh lên, về sắp ba lô đi, anh ấy chuẩn bị lên đường rồi!

Thế là chị chạy ngay về lán, xách ba lô, đội mũ và chạy đến lán chỉ huy. Bởi đồ đạc đi công tác không nhiều và chị đã xếp gọn từ sáng sớm rồi.

Đến nơi, chị thấy Trung úy Nguyễn Hải Thành đang ngồi trò chuyện với một anh cán bộ tầm thước, chững chạc, khó đoán tuổi. Ở anh toát lên một vẻ phong trần của một người đàn ông đã kinh qua chiến tranh. Cái nhìn thẳng thắn  và cái bắt tay chặt của anh khi được trạm phó giới thiệu đã gây được niềm tin nơi chị.

– Đây là đồng chí Nguyễn Chiến Hải, cán bộ biệt phái, sẽ đi cùng đường đến trạm có đoàn của cô. Còn đây là Hạ Huyền, cô văn công của đoàn Ca Múa Nhạc Quân Đội. Chúc hai người đi đường bình an!

Chị chỉ kịp hớp một ngụm trà và họ cùng xuất phát.

Trời khá đẹp sau mấy ngày mưa tầm tã. Nắng nhạt chiếu rọi qua những tán lá mong manh, mơn chớn các thân cây. Những lớp rêu xanh bắt nắng nổi bật như muốn tung ra làn váy áo đẹp nhất trước khi mùa đông tới. Một màu trầm lắng bao phủ lên mọi cảnh vật và cả khu rừng vàng mượt. Nếu không biết trước thì có lẽ sẽ chẳng ai nói rằng vẫn đang có chiến tranh và chết chóc luôn rình rập đâu đây. Họ cứ theo con đường mòn nhỏ phủ đầy lá khiến nền đất hơi có vẻ mềm lún. Nắng không đủ làm khô tầng dưới rừng nên không khí vẫn ẩm ướt. Những tán lá dương xỉ xòe rộng là là mặt đất tựa như một chiếc ô sặc sỡ lấm tấm giữ lại màu mùa thu. Thi thoảng vẳng tới tiếng hót lanh lảnh của vài con chim rừng đa sắc, ngó nghiêng, nhảy nhót trên những thân gỗ mục. Chị ngỡ ngàng trước vẻ mong manh đến nao lòng của những chồi thông non dưới những vạt rừng trũng. Màu xanh của lá tỏa vào không gian mùi hương nhựa cây… Cảnh tượng thoát tục khoáng đạt.

Trên đường đi, họ hầu như không trò chuyện. Háo hức muốn đuổi kịp đoàn nên chị luôn đi trước còn anh đằng sau, cách chừng hai mét.

Vào cuối bữa trưa ăn nhanh bên đường, anh bỗng cảm thấy lo ngại khi phát hiện những đám mây đen bắt đầu vần vũ quần tụ trên bầu trời bao trùm cánh rừng. Anh hối chị:

– Nhanh lên! Phải vượt suối trước khi trời mưa.

– Còn xa không?- chị hỏi.

– Chừng 2 km nữa…

Họ cùng rảo bước, thậm chí là chạy. Nhưng không kịp rồi, những giọt mưa nặng đã bắt đầu rơi. Khi đến được bờ suối thì mưa đã rất to. Nước xối xả rớt xuống, thành dòng, lộp độp trên lá cây, trên mũ, trên áo mưa.

Đã nghe kể về những cơn lũ quét, những trận lũ ống vào mùa mưa ở vùng tây nam trung bộ này, nhưng tận mắt chứng kiến chị mới thấy hết độ hung dữ của chúng. Con suối bình thường rất cạn, lòng suối chỉ rộng chừng chục mét nhưng khi lũ tràn về thì phình rộng trông thấy. Khi đó, chị chỉ nóng lòng muốn vượt qua nên đã không nghe thấy tiếng kêu hét của anh bảo đừng đi. Khi nhận ra độ nguy hiểm của nó thì chị đã lội đến giữa suối. Dòng nước bỗng trở nên ầm ào cuồn cuộn khiến chị nghĩ đến những con sóng thần. Chỉ trong tích tắc, chị đã bị dòng lũ đẩy ngã nhào và cuốn phăng đi. Chị chấp chới, lặn ngụp giữa nước, lá và cành cây. Chị biết bơi nhưng mọi thứ ập đến quá nhanh. Chị cố xoay sở để gỡ bỏ ba lô và mũ nhưng chúng cứ bùng nhùng bám riết lấy cơ thể. Chị đã nghĩ mình sẽ chết, và chết ở tuổi 20 thì uổng quá. Chị vẫn chưa thực sự thấy chiến trường, chưa chứng kiến một trận đấu giáp là cà, chưa được biểu diễn buổi nào tại đó, và chết đuối trong một dòng suối giữa rừng này sẽ là một cái chết lãng xẹt…

Giữa những lần ngụp lặn trong nước, chị thoáng thấy anh vừa chạy dưới làn mưa rừng vừa trút bỏ những thứ đeo trên người rồi bơi ngược dòng lũ hung dữ. Khi được anh tóm trúng thì chị đã gần như lả đi vì đuối sức. Anh luồn tay ôm ngang lưng chị từ phía sau, gỡ chiếc ba lô của chị quàng vào cổ mình rồi gắng tránh những thân cây lớn cũng đang bị dòng nước siết cuốn đi. Sau một hồi rập rềnh vật lộn, chồi lên ngụp xuống hàng chục lần giữa những đám lá và cành cây, anh cũng kéo được chị vào bờ. Cả người chị nhợt nhạt, im lìm. Anh vội đặt chị nằm lên nền cỏ và thực hiện những động tác sơ cứu. Chị vẫn bất động, sau một cái mím môi, anh đã dùng cặp môi mình để làm hô hấp nhân tạo. Cuối cùng chị đã mở mắt sau khi hắt ra một búng nước… Dẫu rất sợ nhưng bản năng của một cô gái chưa một lần yêu đã khiến mặt chị nóng bừng, đỏ lựng.

Mưa vẫn xối xả. Anh chỉ chếch về hướng bắc và nói cách vài trăm mét có một hang đá rồi dìu chị bước đi. Đến nơi, anh chọn một phiến đá phẳng, đặt chị ngồi rồi nói:

– Giờ em ngồi đây, anh quay lại bờ suối lấy…

Anh chưa dứt câu, chị đã vội níu chặt vạt áo anh, môi lắp bắp, run rẩy cầu xin anh đừng đi, “đừng để em lại một mình!”…

Lúc ấy, trong cặp mặt cô gái trẻ, anh nhận thấy một nỗi sợ hãi tột cùng, một sự thất lạc, một cơn tuyệt vọng. Trong cô đã mất hết sự nhanh nhẹn, nhí nhảnh thậm chí đỏng đảnh của một cô gái mới lớn. Lúc này, cô giống như một bé gái đang bị lạc trong rừng sâu, sợ bị bỏ lại với loài thú hoang khi đêm xuống…

Anh nhẹ nhàng ngồi xuống bên cô, vỗ nhè nhẹ lên vai cô để trấn an:

– Anh chỉ đi lấy ba lô thôi mà, có lẽ chúng ta phải qua đêm ở đây…!

– Không, anh không được đi! – cô vẫn cố níu!

– Anh chỉ đi một lát rồi sẽ quay lại ngay…, anh hứa!

– Vậy anh thề đi!

Anh bất chợt nhoẻn cười nhưng cũng đưa tay lên:

– Anh thề chắc chắn sẽ quay lại!

Trong lúc anh vắng mặt, chị cố bình tâm và hồi tưởng lại những gì vừa xảy ra. Suy ngẫm về những gì được biết qua đọc sách và nghe kể… với những gì xảy ra trên thực tế. Người ta cứ uổng công biết qua sách vở, qua những gì người khác kể, rồi lại uổng công ngồi nghĩ ra trăm ngàn tình huống rồi lại uổng công tìm ra ngàn cách đối phó, bởi thực tế thì khác xa. Bởi sự việc luôn ập đến hết sức bất ngờ, với những tình tiết éo le khó đoán… Chị thấy xấu hổ với chính mình! Dẫu đã đọc hàng trăm cuốn sách, học cách tự lập từ nhỏ, tự tin trước lũ trẻ ở quê, ở phu phố nhà chị. Thi thoảng hơi cao ngạo với các đồng môn ở trường học, bởi họ lúc nào cũng khen chị tự tin thông minh, dễ ứng phó trước các tình huống… Giờ đây, chị thấy mình chẳng khác gì một bé gái nhà quê bị lạc mẹ giữa phố thị, thấy gì cũng sợ!… Nhìn dòng nước chảy loằng ngoằng từ trong hang đá ra cũng tưởng là con rắn, giọt nước ngấm qua vách đá, đọng lại rồi rơi độp xuống trán thì giật mình tưởng con đại bàng xà xuống mổ, bóng tán lá chấp chới dưới mưa in hình lờ mờ trước cửa hang thì ngỡ là kẻ thù đang tập kích rình rập… Chị chỉ lấy lại chút tự tin khi anh trở về cùng hai chiếc ba lô. Nước trên người anh chảy xuống thành dòng.

Anh đưa ba lô cho chị:

– Thay đồ đi, tôi ra ngoài kiếm củi nhóm lửa…

“Nhóm lửa”, chị thầm nghĩ chắc anh đang nằm mơ! Mưa to thế này, cỏ lá cành cây xung quanh đều ướt, nhưng chút kinh nghiệm vừa học được khuyên chị nên im lặng thì hơn.

Anh lại ra khỏi hang đá còn chị ngồi cởi ba lô của mình. Mọi thứ bên trong đều sũng nước.

Chẳng mấy chốc, anh đã quay lại với một ôm cành cây thông và những khúc củi ướt. Thấy cô gái ngồi im bên cạnh chiếc ba lô đã mở. Anh lẳng lặng đến bên chiếc của mình, tìm lấy ra chiếc sơ mi và một chiếc quần rồi đưa cho cô.

– Vào trong kia thay tạm, kẻo ngấm lạnh lại ốm đấy! Tôi nhóm lửa, hong quần áo chắc sẽ nhanh khô thôi!

Chị thoạt đầu có chút ngần ngại, nhưng cũng đỡ lấy. Lạ thật, áo quần khô bong! Còn anh đã kịp quay lưng lại, hí húi xếp những hòn đá thành bếp và dựng mớ cành lá thông thành hình chóp, chúng còn tươi rói, nước vẫn nhỏ xuống, loang dài trên nền đất.

Khi đã thấy thoải mái hơn trong bộ quần áo thùng thình khô ráo, lúc đi ra, chị đã không thể tin vào mắt mình: một ngọn lửa đã được nhóm lên, đang reo tí tách. Lúc đầu, do củi và cành lá ướt nên khói bốc mạnh, lan tỏa đi khắp hang đá làm cho không khí bớt u ám. Rồi bỗng chốc, ngọn lửa bùng lên, liếm trọn mớ cành lá xanh tươi và bén dần vào các khúc gỗ, cháy lem lém… Anh sẽ không bao giờ biết rằng kỹ thuật nhóm lửa và những kỹ năng sinh tồn nơi rừng hoang anh dạy chị đêm ấy đã giúp chị ghi điểm trong mắt các đồng nghiệp Đức khi họ đi dã ngoại, cắm trại trên miền núi cao và gặp mưa rét. Chị đã không chỉ thành công nhóm được lửa bằng lá thông tươi mà còn chỉ cho họ cách căng bạt mắc võng sao cho nước khỏi chảy vào chỗ nằm…

Cũng trong đêm đó, anh kể cho chị nghe về gia đình mình, rằng bố anh mất sớm, mẹ đã ở vậy nuôi hai người con. Anh cả đi bộ đội và đã hi sinh năm 1966, ở đâu đó vùng Hạ Lào, gia đình đã nhận giấy báo tử nhưng hiện vẫn chưa tìm được mộ. Còn anh đã xung phong đi bộ đội khi mới 17 tuổi… Anh kể những lần hành quân bộ ròng rã cả tháng trời, phong cảnh đẹp cũng khiến anh quên đi sự nghiệt ngã của chiến tranh. Rồi có lần phải bò đi dưới những làn đạn. Những ngày nằm hầm ở vùng địch hậu, ở các căn cứ tạm chiếm. Cách ứng xử với người dân tộc thiểu số, họ vốn rất hiền lành và dễ tin người. Họ sẵn sàng đem cho bộ đội tất cả những gì họ có. Anh cũng nói kỷ luật quân đội rất gắt nếu người lính nào lạm dụng đồng bào để rồi có phản ánh đến cấp trên thì nguy to… Lần anh cùng đơn vị đi giải phóng Côn Đảo. Giải phóng Sài Gòn xong, nghỉ ngơi chưa được bao lâu thì đã lại bắt đầu cuộc chiến tranh Tây Nam này… Giọng anh kể cứ đều đều hệt như đang kể chuyện của người khác. Chị lắng nghe như nuốt từng lời, những ngôn từ anh phát ra đơn giản nhưng mang đầy triết lý sống.

– Giờ thì anh hiểu chiến tranh có quy luật, có đạo lý riêng của nó. Có những điều đáng ra không thể tha thứ được trong thời bình thì lại rõ ràng cần thiết trong chiến tranh. Quy luật đơn giản và không tránh khỏi như cái chết chẳng hạn. Nếu anh sống sót thì do người khác đã chết thay anh. Nhưng đối với anh, điều đó không hề trừu tượng mà là sự từng trải của chính mình. Không chỉ là vấn đề lương tâm mà còn là vấn đề cuộc sống. Anh cần phải sống. Anh muốn sống tốt, sống cho cả những đồng đội của anh!…

Anh kể cũng rất thương mẹ, anh hình dung bà ngày đêm trông ngóng anh trở về! Nghe anh kể đến đây, chị bỗng bật khóc hu hu, bởi chị cũng đang rất nhớ bố mẹ và ông bà nội…

Bỗng anh lên tiếng đưa chị trở về thực tại:

– Anh muốn biết ngày đó, sao em lại lẳng lặng bỏ anh…

– Anh muốn biết thật không?- chị hỏi lại.

– Thật!

– Ừ… Nhưng giờ thì… Ích gì…

Làm sao chị có thể nói với anh là ngày đó, khi đang ở cơ quan thì mẹ anh bỗng từ quê lên gặp chị. Biết chị là một cô gái thông minh, xinh đẹp, con nhà trâm anh, bà chỉ có thể nói thật lòng mình. Bà đã khóc và kể lể đủ chuyện. Rằng bà đã góa phụ từ khi còn rất trẻ để nuôi hai đứa con trai lớn lên và chúng đều đã làm trọn nghĩa vụ với Tổ quốc, một đứa sẽ không bao giờ trở về. Còn một đứa…

– Bác biết con trai bác không hợp với cháu đâu, – bà nói tiếp. Nó hơn cháu nhiều tuổi, lại là bộ đội, ăn nói không thạo như người ta. Cháu còn trẻ, xinh đẹp thông minh. Là nghệ sỹ, cháu sẽ được nhiều người giỏi giang giàu sang lịch lãm đưa đón… Con trai bác là trưởng họ, cần người nối dõi tông đường. Bác đã nhắm một cô giáo dạy cấp I ở cùng quê, chúng có lẽ hợp với nhau hơn…

Bà nói thêm:

– Nếu cháu thực tình yêu nó thì hãy nghĩ cho nó. Nó là niềm hi vọng của cả họ Nguyễn! Bác thay mặt dòng họ, cám ơn cháu!

Rồi không đợi cho chị mở miệng, bà đứng dậy, quày quả ra về.

Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, chị đã suy nghĩ rất nhiều, thậm chí mất ngủ hàng đêm. Chị hiểu tình cảnh và những suy nghĩ của mẹ anh. Sự khác nhau về xuất thân, nghề nghiệp của chị. Rồi còn tư duy truyền thống về nối dõi tông đường đã ăn sâu bén rễ nơi bà mẹ quê chân chất và thuần phác này. Gặp chị, bà đã nói một mạch những suy nghĩ của mình và không cho chị cơ hội biện giải. Bà đáng thương hơn là đáng trách. Vả lại “Chồng bộ đội, vợ giáo viên” vốn là cặp đôi lý tưởng được truyền tụng khắp nơi. Chị chợt nhớ có nhiều lúc bên nhau, khi chị nói chưa muốn cưới thì anh hay trầm tư, có lẽ vì những điều này sao? Thôi thì…

Vài tháng sau đó, Nhà hát có đợt công diễn ở Liên Xô và Đông Đức, chị cũng được đi. Lúc sắp đến ngày về nước, chị đã quyết định trốn ở lại.

– Anh không biết, em ở bên đó có vất vả…?– Anh lại cất tiếng hỏi mà không dám nhìn chị.

Đúng, – chị thầm nghĩ. Anh làm sao biết được. Đã có lần chị nghĩ ở lại là một quyết định sai lầm! Anh làm sao biết được chị đã từ bỏ nghề ca hát và múa. Anh làm sao biết được một người nhập cư bất hợp pháp, không biết tiếng, không hiểu văn hóa, làm nghệ sỹ thì có ích gì… Anh làm sao biết được chị đã kinh qua những chật vật và khó khăn nào, phải trốn tránh cảnh sát Đức ra sao? Phải làm những công việc dọn nhà thuê, trông trẻ, giữ người già tại gia trong nhiều năm. Những đêm đông miền đông Âu rất lạnh, tuyết rơi trắng trời và nhớ nhà quay quắt… Chỉ khi Đông Âu có biến, bức tường Berlin sụp đổ, tận dụng cơ hội như bao người nhập cư bất hợp pháp khác, chị đánh liều khai báo và đã may mắn có giấy tờ hợp lệ. Rồi như được hưởng gien ngành Y của gia đình, chị ghi tên theo học để trở thành y tá. Sau mấy chục năm làm việc, trước khi nghỉ hưu, chị đã được Bộ trưởng Y tế của Cộng hòa Liên bang Đức vinh danh vì những Sáng tạo và Tận tụy phục vụ Cộng đồng.

Anh đề nghị được đưa chị đi dạo đêm Hà Nội. Chị nhè nhẹ lắc đầu. Hà Nội và những kỷ niệm chỉ còn trong ký ức, là chút hương xưa. Chị muốn giữ trọn chúng trong tim. Hơn ai hết chị hiểu rằng có những cuộc đời được liên hệ với nhau xuyên thời gian, qua tiếng gọi vẳng tới từ ngàn xưa. Có những tình yêu vượt qua sự sống chết, cũng vượt qua thời gian và không gian. Không cần biết trôi qua bao lâu, cũng không cần biết người mình yêu còn sống hay không. Đối với người mình yêu, mỗi thời khắc bên nhau đều vĩnh viễn được khắc ghi trong tim.

Paris 08/2024