Cuộc thi tiểu thuyết đồng bằng lần đầu tiên đã khép lại vào những ngày cuối năm Nhâm Thìn. Nhiều người hy vọng thể loại này sẽ bay cao trong thời gian tới.
Người đồng bằng viết về châu thổ
23 tác phẩm của 20 tác giả dự thi đã vẽ nên bức tranh đồng bằng khá sống động với bối cảnh trải dài từ thời mở đất đến hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; những nhân tố mới, tích cực cũng như cái xấu cần loại bỏ và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa hôm nay.
Có một dòng chảy lịch sử, truyền thống với Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều, Bùi Hữu Nghĩa, những chủ Tây, hội đồng, hương quản, những nghĩa binh khởi nghĩa, những du kích bộ đội anh hùng… Và có cả những tác phẩm đề cập đến những sự kiện “nóng” của hiện thực cuộc sống hôm nay. Con gái nhà quê phản ánh số phận, tình duyên thôn nữ vùng sông nước. Đất thiêng, Chợ quê, Bến cũ… kéo người đọc về với khung cảnh và con người đang biến động tại châu thổ Nam bộ.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Lê Quang Trang (bìa trái) trao giải cho các tác giả.
Đã có hương vị riêng cho tiểu thuyết đồng bằng. Trưởng ban giám khảo cuộc thi, nhà phê bình lý luận Lê Quang Trang nhận xét: “Bên cạnh số đông vẫn viết theo lối truyền thống, một số tác giả đã mạnh dạn tìm lối thể hiện mới”. Tha La bến đá (Trần Đắc Hiển Khánh) khúc chiết trong bố cục, xây dựng hình tượng, văn phong sáng; có mạch ngầm, chiều sâu ý tưởng trong Tiếng trống gọi bình minh (Nguyễn Trân), Hoa tràm nở muộn (Phạm Anh Hoan); Vây giữa đời người (Hồ Tĩnh Tâm) lại có cách viết tung tẩy, đa dạng chọn nhiều góc khuất để khai thác, tạo màu sắc riêng; Rừng dừa sông Ba Lai (Lê Văn Phúc) ngồn ngộn chất sống, đầy ắp sự kiện…
Rất đáng chú ý là nhiều tác giả đoạt giải đã cao tuổi, lại ở vùng sâu vùng xa, ít va đập với kỹ thuật thể loại, thậm chí lần đầu viết tiểu thuyết. Vốn sống trĩu nặng cùng kỹ năng viết ký – thế mạnh của các tay viết đồng bằng đã dẫn họ đến thành công?
Sự dàn trải, chữ nhiều hơn ý; ít chú trọng xây dựng tình huống và nhân vật hợp bối cảnh câu chuyện; chưa thể hiện rõ, “đắt” ngôn ngữ giàu biểu cảm Nam bộ; vẫn thiếu những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống hay nêu bật được tính cách con người ở vùng đất mà nhiều nơi đang muốn tìm hiểu, khám phá… vẫn là những mong đợi cho lần sau.
Tiểu thuyết đồng bằng sẽ bay cao
“Ngán viết dài hơi, lực lượng (viết tiểu thuyết) lại mỏng”, ông Trịnh Bửu Hoài, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) An Giang nhận xét. “Hơn nữa, đây là thể loại khó, như một thứ công nghiệp nặng của nền văn học, có dung lượng và độ khái quát lớn, cho nên, khi đặt bút làm việc này, không chỉ đòi hỏi nhà văn có vốn sống phong phú, một kỹ năng viết thành thục mà còn đòi hỏi tư duy bao quát rộng và sâu”, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói. Vì vậy, số lượng 23 tác phẩm tuy chưa nhiều nhưng không phải ít.
“Cuộc thi khởi động lại “men tình” tiểu thuyết, giúp các Hội VHNT trong khu vực tăng tính liên kết, nhìn lại lực lượng để có sự quan tâm bồi dưỡng, phát triển lĩnh vực vốn rất quan trọng trong nền văn học”, Chủ tịch Hội VHNT Sóc Trăng Văn Ngọc Nhuần chia sẻ. Và cũng nên “lật lại” để nhớ: Cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử nền văn học quốc ngữ nước nhà được tổ chức ở Nam bộ, do chủ bút Trần Chánh Chiếu khởi xướng, trên tờ báo Nông Cổ Mín Đàm (số 262 – 23-10-1906). Đất châu thổ từng sản sinh ra nhiều tài năng văn xuôi có cá tính độc đáo như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo… Và gần đây Mệnh đế vương dày trên 600 trang do một nhà văn nữ tại An Giang (Trương Thị Thanh Hiền) viết về những biến động dữ dội của triều đại Lý Trần ở Thăng Long và vùng đất Bắc gây nhiều ngạc nhiên và thích thú cho người đọc.
“Người viết cần đam mê hơn, năng động hơn. Cần duy trì các cuộc thi, mở thêm lớp sáng tác, tạo môi trường thuận lợi cũng như kinh phí; tiền đầu tư cho tác phẩm hiện nay sống không nổi đâu”, nhà văn Hồ Tĩnh Tâm phát biểu. Người nông dân đồng bằng đang sống và nghĩ gì trên mảnh ruộng của mình? Nét đẹp “văn minh miệt vườn” còn lại những gì, gìn giữ ra sao? ĐBSCL giàu chất liệu cuộc sống, cả về con người lẫn cảnh vật cùng những vấn đề hiện thực cuộc sống đang đặt ra, đòi hỏi người viết quan tâm. Thăm thẳm đêm sâu (Trịnh Bửu Hoài) có độ dài khoảng 1.000 trang viết về chính cái làng mình sinh ra cũng mong tìm được phần nào lời giải đó. Tiểu thuyết đồng bằng sẽ bay cao, ai cũng hy vọng vậy.
Nguồn: SGGP