Nhà văn Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh năm 1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Mạc Ngôn vào quân đội năm năm 1976. Đến năm 1984, ông trúng truyển vào khoa Văn thuộc Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Năm 1981 ông bắt đầu công bố tác phẩm và đến nay, ông đã có trên 200 tác phẩm với nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, phóng sự, tùy bút… trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết. Hiện nay, Mạc Ngôn là sáng tác viên bậc 1 của Cục chính trị – Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Mạc Ngôn được đánh giá là một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng lớn trong nước và nước ngoài. Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học của Trung Quốc và thế giới. Năm 2012 ông được trao giải Nobel Văn học với đánh giá cao vì đã “kết hợp được chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với truyện kể dân gian, lịch sử và cuộc sống đương đại” trong các trang văn của mình.
MẠC NGÔN (Trung Quốc)
Napoleon từng nói, cho dù bịt mắt ông thì bằng khứu giác ông vẫn lần tìm về được quê hương mình, đảo Corse. Trên đảo Corse có một loài thực vật, và trong gió luôn có mùi vị đặc biệt của loại thực vật này.
Nhà văn Sholokhov của Liên Xô trước đây cũng đã cho chúng ta thấy khứu giác đặc biệt của mình trong tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” của ông. Ông miêu tả về mùi vị của nước sông Đông, về mùi cỏ tươi, mùi cỏ khô, mùi cỏ mục của thảo nguyên và cả mùi mồ hôi trên mình ngựa, đương nhiên còn có cả mùi trên cơ thể của các chàng trai và cô gái Kozak. Trong lời đầu của cuốn tiểu thuyết ông viết: Ôi, sông Đông êm đềm, người cha của chúng ta! Mùi vị của sông Đông, mùi vị của thảo nguyên Kozak thực ra chính là mùi vị của quê hương ông.
Con cá hồi sinh ra ở sông Ôxili, lớn lên ở đáy sâu của biển cả, nhưng đến kỳ đẻ trứng chúng lại bơi ngược dòng tới hàng vạn dặm, vượt qua biết bao ghềnh thác trở về nơi chúng đã sinh ra để sản sinh ra đời sau. Thật khó lý giải cho khả năng khó có thể hình dung này của chúng. Gần đây các nhà ngư học đã tìm ra lời giải đáp: Loài cá tuy không có mũi như chúng ta, nhưng lại có khứu giác đặc biệt phát triển và khả năng nhớ mùi vị. Chính là nhờ vào khả năng này, nhờ vào ký ức đối với mùi vị của dòng sông mẹ nơi chúng đã sinh ra, chúng có thể chiến thắng mọi sóng gió của biển cả bơi ngược dòng, bất chấp mình đầy thương tích trở về quê hương, và sau khi hoàn thành nhiệm vụ sản sinh ra thế hệ sau, chúng đón nhận cái chết một cách rất thanh thản. Mùi vị của dòng sông quê hương không chỉ dẫn dắt phương hướng cho chúng mà còn là sức mạnh để chúng chiến thắng gian khó.
Ở một ý nghĩa nào đó, cuộc đời của loài cá hồi cũng giống như cuộc đời của nhà văn. Việc sáng tác của họ thực ra cũng là quá trình tìm về quê hương dựa vào những ký ức đối với hương vị của quê hương.
Trong thời đại có đầy đủ radio, video và mạng internet như ngày nay, vai trò tả cảnh vật, màu sắc của tiểu thuyết cũng phải đón nhận những thách thức khắc nghiệt. Cho dù ngòi bút của bạn chính xác và sắc sảo đến mấy thì cũng không thể thắng nổi những cảnh quay của phim ảnh. Duy chỉ có mùi vị thì không phim ảnh nào có thể chuyển tải nổi. Đây là lãnh địa cuối cùng của nhà văn đương đại, nhưng điều này cũng chẳng còn được bao lâu nữa, vì chẳng bao lâu nữa các nhà khoa học lại cho ra đời loại máy ghi lại mùi vị. Những bộ phim và những loại tivi phát ra mùi vị chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đời. Trong lúc những loại máy móc này chưa ra đời, các nhà văn chúng ta hãy mau chóng viết ra những bộ tiểu thuyết chan chứa những mùi vị phong phú.
Tôi thích đọc những cuốn tiểu thuyết có mùi vị. Tôi nhận thấy những cuốn tiểu thuyết có mùi vị là những cuốn tiểu thuyết hay. Những cuốn tiểu thuyết có mùi vị độc đáo riêng là những cuốn tiểu thuyết hay nhất. Những nhà văn làm được cho cuốn sách của mình chứa đầy hương vị là những nhà văn giỏi, những nhà văn làm được cho cuốn sách của mình có hương vị độc đáo riêng là những nhà văn giỏi nhất.
Một nhà văn cần có một chiếc mũi nhạy cảm, nhưng một người có chiếc mũi nhạy cảm chưa hẳn đã là một nhà văn. Mũi của loài chó săn thính nhất, nhưng loài chó săn không phải là nhà văn. Nhiều nhà văn mắc bệnh viêm mũi nặng, nhưng điều đó không cản trở họ viết ra những bộ tiểu thuyết có hương vị độc đáo. Điều tôi muốn nói là một nhà văn cần phải có sức tưởng tượng phong phú về hương vị. Một nhà văn có sức sáng tạo, khi viết phải để cho nhân vật và cảnh vật dưới ngòi bút của mình tỏa ra những hương vị. Cho dù là những thứ không có hương vị cũng phải tạo ra hương vị cho chúng bằng sức tưởng tượng của mình. Những vì dụ như vậy có rất nhiều.
Bức tranh biếm họa về cảnh báo chí truy tìm nhà văn Mạc Ngôn đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu |
Nhân vật trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Márquez có thể phát ra mùi hôi khiến cho hoa cỏ phải khô héo, có thể tìm đến chỗ người đàn bà mà anh ta yêu thích bằng khứu giác đặc biệt của mình ngay cả trong bóng đêm mù mịt.
Một nhân vật trong cuốn “Âm thanh và cuồng nộ” của nhà văn William Faulkner có thể ngửi thấy mùi vị của cái lạnh. Thực ra cái lạnh không có mùi vị, nhưng Faulkner đã viết như vậy, và chúng ta cũng không hề cảm thấy rằng ông đã viết quá lên, ngược lại thấy có ấn tượng rất sâu sắc và thấy nó rất thật. Vì rằng nhân vật ngửi thấy hơi lạnh ấy là một kẻ ngốc nghếch.
Qua những ví dụ và sự phân tích trên đây, chúng ta có thể phát hiện thấy trong tiểu thuyết thực tế tồn tại hai loại mùi vị, nói cách khác, mùi vị trong tiểu thuyết trên thực tế có hai cách viết. Một là dùng bút pháp tả thực, dựa vào kinh nghiệm cuộc sống của nhà văn, đặc biệt là những ký ức về quê hương để mang mùi vị tới cho các vật thể, hoặc nói cách khác là dùng mùi vị để thể hiện vật thể mà nhà văn muốn miêu tả. Một cách viết nữa là dựa vào sức tưởng tượng của mình để mang mùi vị tới cho các vật thể không có mùi vị và làm cho các vật thể có mùi vị mang một mùi vị khác. Hơi lạnh vốn không có mùi vị bởi hơi lạnh không phải là vật thể nhưng Márquez đã mạnh dạn gán mùi vị cho nó. Cái chết cũng không phải là vật thể, cái chết cũng không có mùi vị, nhưng Márquez đã để cho nhân vật của mình ngửi thấy mùi vị của cái chết.
Nhưng nếu chỉ có mùi vị không thì không thể tạo ra tiểu thuyết. Khi viết nhà văn phải huy động mọi giác quan của mình như vị giác, thị giác, thính giác, khứu giác, hoặc là một cảm giác kỳ diệu vượt qua tất cả mọi cảm giác kể trên. Có như vậy tác phẩm của họ mới có thể mang hơi hướng của cuộc sống. Đó không còn là những mớ chữ thiếu sức sống nữa mà là những vật thể sống động có mùi vị, có âm thanh, có hình dạng, có tình cảm. Lúc mới bắt đầu viết chúng ta thường rơi vào một hoàn cảnh khó khăn như thế này, nhiều câu chuyện đã xảy ra hết sức chân thực trong cuộc sống, và bản thân chúng ta cũng đã từng trải qua, nó khiến chúng ta xúc động, nhưng sau khi chúng ta viết ra đúng như sự thật, đọc lại chúng ta cảm thấy nó rất giả dối, không hề khiến người ta xúc động. Thế mà có nhiều cuốn tiểu thuyết rõ ràng chúng ta biết rằng nhà văn hư cấu lên nhưng lại khiến chúng ta rất xúc động. Vì sao lại xảy ra điều này? Tôi cho rằng mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, khi chúng ta kể lại câu chuyện chân thực của cuộc sống chúng ta đã quên chúng ta là người sáng tạo mà không hề huy động các cơ quan cảm giác của chúng ta. Còn các tác phẩm hư cấu của các nhà văn vĩ đại sở dĩ khiến chúng ta thấy rất chân thực, là vì khi viết, các nhà văn đã huy động toàn bộ cơ quan cảm giác của mình. Đó chính là nguyên nhân cơ bản khiến chúng ta có ấn tượng rất sâu sắc trước chuyện con người biến thành con giáp trùng qua chuyện “Hóa thân” của Kafka.
Từ sau khi điện ảnh ra đời, nhiều người đã rất lo lắng cho tương lai của tiểu thuyết, năm mươi năm trước, Trung Quốc từng có người dự đoán rằng tiểu thuyết sẽ bị diệt vong, nhưng tiểu thuyết vẫn sống đến ngày hôm nay. Sau khi truyền hình đi vào đời sống của các gia đình, số phận của tiểu thuyết càng kém phần tốt đẹp, mặc dù truyền hình đã lấy đi rất nhiều độc giả của tiểu thuyết, nhưng vẫn có rất nhiều người tiếp tục đọc tiểu thuyết, ngày tận thế của tiểu thuyết sẽ không tới. Việc mở ra mạng lưới internet dường như lại mang tới cho tiểu thuyết những thách thức mới, nhưng tôi cho rằng mạng internet cũng chỉ là một cách thức viết khác và là một phương thức truyền thông khác với thư họa truyền thống mà thôi.
Đối với những người ngoài viết tiểu thuyết ra không còn khả năng gì khác, cho dù đã nhìn thấy tương lai ảm đạm của nó nhưng cũng không muốn thừa nhận, huống hồ tôi cho rằng tiểu thuyết là thứ mà không một loại hình nghệ thuật và hình thức nghệ thuật nào có thể thay thế được, cho dù phát mình ra máy mùi vị cũng không thể nào thay thế được. Vì máy ghi mùi vị cũng chỉ có thể ghi lại được những mùi tồn tại trên thế giới này chứ không thể ghi những mùi vị trên thế giới không có. Điều đó cũng giống như việc video chỉ có thể ghi lại những vật thể tồn tại trong hiện thực chứ không thể ghi lại được những vật thể không tồn tại. Nhưng trí tưởng tượng của nhà văn có thể biến từ không thành có. Nhà văn có thể dựa vào trí tưởng tượng sáng tạo ra những mùi vị không tồn tại và những sự vật không có thực. Đây chính là căn cứ vĩnh hằng muôn đời trong nghề nghiệp của chúng ta.
Năm xưa nhà văn Đức, Thomas Mann đã từng tặng Einstein một cuốn tiểu thuyết của Kafka, nhưng ngày hôm sau, Einstein đã trả lại và nói rằng: Bộ não của con người không thể phức tạp như vậy. Kafka của chúng ta đã chiến thắng nhà khoa học vĩ đại nhất trên thế giới, đó là niềm tự hào của những người theo đuổi nghề viết văn như chúng ta.
Vậy hãy để chúng ta mạnh dạn huy động mọi cơ quan cảm giác của mình để tạo ra những thiên tiểu thuyết có hơi thở, có mùi vị, có độ ấm, có âm thanh và đương nhiên cũng có cả những tư tưởng diệu kỳ.
Đương nhiên nhà văn phải dùng ngôn ngữ để viết tác phẩm của mình, mùi vị, màu sắc, độ ấm, hình dạng đều phải dùng ngôn ngữ để tạo ra hoặc nói cách khác là lấy ngôn ngữ làm vật chuyển tải. Không có ngôn ngữ thì mọi thứ sẽ đều không tồn tại. Tác phẩm văn học sở dĩ có thể được dịch ra là bởi vì ngôn ngữ chứa đựng nội dung cụ thể. Cho nên xét ở góc độ thuận tiện cho công tác dịch thuật thì nhà văn cũng phải nỗ lực viết ra những cảm giác, tạo ra thế giới có cảm giác của sự sống. Có cảm giác rồi thì mới có tình cảm. Những tiểu thuyết không có cảm giác của sự sống thì sẽ không thể đi vào lòng người.
Hãy để chúng ta được giống như loài cá hồi trở về tìm mùi vị của dòng sông mẹ, dũng cảm lên phía trước.
Hãy để cho trí tưởng tượng của chúng ta tìm về với mùi vị của trái đất thuở hoang sơ. Lúc đó trên trái đất sinh sống rất nhiều loại khủng long khổng lồ với mùi hôi nồng nặc cả đất trời, có người đã nói rằng khủng long đã bị chính mùi hôi thối của mình giết chết.
Hãy để chúng ta huy động tất cả những mùi vị có trong ký ức, rồi sau đó lần theo mùi vị đi tìm tình yêu, tìm nỗi đau khổ, niềm sung sướng của chúng ta trong quá khứ, giống như Macxen Prust mượn chiếc bánh ngọt của Madeleine trở về với ký ức tuổi thơ.
Nhà văn vĩ đại Bồ Tùng Linh của chúng ta trong tác phẩm “Liêu Trai chí dị” đã viết về một vị hòa thượng mũi thần kỳ, vị hòa thượng này có thể dùng mũi phán đoán được văn hay hoặc dở. Rất nhiều người tham dự khoa cử đã mang bài viết của mình đến để hòa thượng ngửi. Khi ngửi thấy một bài văn tồi hòa thượng sẽ nôn mửa, ông nói bài văn đó tỏa ra một mùi hôi. Nhưng sau này có một người từng bị hòa thượng chê vì bài viết tồi lại đỗ Bảng nhãn, còn những người có bài viết mà hòa thượng khen là thơm lại bị rớt.
Dân tộc Bô Nông của Đài Loan còn lưu truyền một câu chuyện nói rằng dưới lòng đất của làng sinh sống một bộ tộc có khứu giác đặc biệt phát triển. Người của bộ tộc này giỏi nấu nướng, có thể tạo ra các món ăn thơm phức. Nhưng họ lại không ăn mà đặt nó lên một mặt phẳng, cả bộ lạc vây xung quanh các món ăn đó ra sức hít lấy mùi thơm của nó, và họ đã duy trì cuộc sống của mình bằng các mùi thơm này. Những người trên mặt đất thường xuyên thâm nhập xuống lòng đất lấy trộm các món ăn đã bị người của bộ lạc kia hít hết mùi thơm. Tôi đã đem câu chuyện trên viết thành một truyện ngắn. Trong truyện tôi là một đứa trẻ thường xuyên xuống lòng đất để lấy trộm thức ăn. Sau khi truyện ngắn đó được in tôi thấy rất hối hận, tôi nghĩ lẽ ra mình phải đứng ở lập trường của những người của bộ tộc kia để viết chứ không phải ở lập trường của những người bình thường. Nếu tôi để trí tưởng tượng của mình thành một đứa trẻ của bộ tộc kia thì truyện ngắn đó chắc chắn sẽ rất kỳ diệu.
Nguồn: Vannghequandoi