Buổi sớm, trời mù trong hơi lạnh, những hạt mưa bụi giăng khắp sân nhà, cây bưởi già sau một đêm tắm mưa xuân như nảy thêm chồi lộc mới. Hoa và lá bưởi rụng nhiều dưới gốc cây, như tấm thảm màu sắc điểm xuyết trắng, xanh, tẩm thêm chút hương thơm thanh khiết, nhẹ nhàng đến lạ. Ông nội nở nụ cười, vội vàng giục tôi: “Năm nay bưởi ra hoa nhiều, nhà mình có lộc lắm đây. Cháu lấy ghế đẩu ở đầu hiên, chọn hái cho ông những bông hoa cánh nở đều, không bị tật để ông ướp với trà”…


Tôi vâng dạ nghe lời, vinh dự như được giao một trọng trách lớn. Đứng trên chiếc ghế đẩu, tôi ghé sát vào từng chùm hoa bưởi để lựa chọn. Những bông hoa màu trắng tinh khôi đầy đặn, ken đều nhau thành từng chùm, tôi phải khéo léo lách chiếc kéo tách từng bông hoa xuống. Khi chiếc rổ mây đã đầy hoa bưởi dưới đáy, ông bỏ một ít hoa bưởi vào chiếc đĩa gốm men bóng màu thiên thanh có in hình đôi cá chép. Rồi ông đặt chiếc đĩa lên ban thờ cẩn thận. Chỉ độ mươi phút sau, căn nhà đã thơm mùi hương bưởi thanh tao.

Số hoa bưởi còn lại, ông tỉ mẩn sơ chế từng bông hoa bưởi để ướp trà. Ông dùng chiếc kéo nhỏ cắt từng đầu nhụy hoa màu vàng ra chiếc bát con. Nhụy hoa chứa nhiều nước, khi ướp trà dễ thối nhũn gây mùi khó chịu nên phải tách riêng. Từng mảnh nhụy rơi đều trên bát như hạt ngọc vàng cất giấu bao điều bí mật của hoa bưởi. Không mấy chốc, chiếc bát đựng nhụy đã đầy, bên cạnh là rổ đựng cánh hoa bưởi đã tách riêng sạch sẽ. Như thường lệ, tôi nhanh nhẹn cất chiếc bát đựng nhụy hoa lên kệ cao nhất của chiếc chạn bát tre. Số nhụy ấy sẽ được bà đun sôi với nước, gạn lọc lấy tinh dầu thơm để gội đầu.

Cánh hoa bưởi đã lọc riêng, ông cho ướp cùng trà Tân Cương hảo hạng. Ông nội không bao giờ mua trà của mấy bà hàng xén bọc to, bọc nhỏ đựng lỉnh kỉnh cả thuốc lào, trà với bánh kẹo vẫn đi rao khắp xóm. Ông thường nhờ một người quen biết ở làng bên đang làm ăn kinh tế ở Thái Nguyên mua trà giúp. Mà trà phải đúng của người nhà ông Đội Năm ở Tân Cương trồng. Trà được bọc cẩn thận trong giấy gói màu nâu nhạt buộc bằng cọ sợi. Trà Tân Cương chính hiệu một tôm hai lá, cánh phải cong đều như cái móc câu.

Ông cho ướp trà với cánh hoa bưởi trong vại nhỏ bằng đất nung. Dưới đáy vại, ông trải một lớp giấy báo rồi cứ một lượt trà là một lượt hoa bưởi. Xếp sao vừa 1 cân trà thì cũng hết 3 lạng hoa bưởi. Ông đặt một lớp giấy báo lên trên rồi đậy nắp để trà “ngậm” dần hương thơm thoang thoảng của hoa bưởi. Trà được ướp từ sáng đến khi bà nổi lửa thổi cơm chiều thì bỏ ra để sao. Đổ trà ra sàng, ông xoay một cách khéo léo để tách hoa bưởi ra khỏi trà. Tôi có thể nhìn rõ một nửa bên này sàng là hoa bưởi, nửa kia là trà như hình âm dương cân đối.

Tận dụng than hồng vừa nhóm bếp của bà, ông bắc chảo gang lớn để sao trà. Đôi tay ông cẩn thận đến nỗi tôi tưởng như chỉ có thể bắt gặp được ở những người thợ kim hoàn đang nâng niu những chi tiết nhỏ nhất trên sản phẩm của mình. Vừa sao trà, ông vừa dặn tôi: “Sao trà cũng như làm bất cứ công việc gì cũng vậy rất cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Lớn lên, cháu sẽ hiểu chính sự trách nhiệm với công việc là chìa khóa của thành công”. Trà sao xong còn nguyên cánh, bóp nhẹ trên tay thì vụn đều như cát mịn. Ông trải đều trà ra giấy bản màu nâu cho nguội trước khi đựng trong bình thủy tinh kín hơi. Rồi sai tôi đi gọi mấy người bạn đồng niên thân thiết của ông đến thưởng mẻ trà hoa bưởi đầu xuân.

Đêm xuân, ông và bạn bè hàn huyên bên chén trà nước xanh ánh vàng hòa quyện với hương thanh khiết của hoa bưởi. Đôi lúc căn nhà lại vang lên tiếng cười, mỗi khi ai đó kể một câu chuyện vui. Ngoài trời, mưa xuân mơn man, hoa bưởi thoảng hương đưa theo gió nhẹ ru tôi vào giấc ngủ từ khi nào.

 

Nguồn QĐND

Exit mobile version