Đầu tháng Tư năm 1957 Hội nghị thành lập Hội Nhà văn (1/4 – 14/4), họp tại trụ sở câu lạc bộ Đoàn Kết, Hà Nội, đã lần đầu tiên trong văn học Việt Nam hiện đại sáng lập một tổ chức của những người lao động văn học trên phạm vi cả nước.

Một điều đáng chú ý là các bản tin về sự kiện thành lập Hội Nhà văn Việt Nam đều nhắc đến  điều III của Điều lệ Hội: “ … Hội Nhà văn Việt Nam đoàn kết mọi nhà văn yêu nước và tiến bộ, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, xu hướng chính trị, xu hướng nghệ thuật.”

Trong chính thể của nước Việt Nam mới, ngay từ những ngày mới ra đời các tổ chức văn học nghệ thuật đã hình thành với tư cách các thể chế văn hóa của nghệ thuật nằm trong thể chế chung của Nhà nước – điều đó có nghĩa là những tác phẩm văn học nghệ thuật do văn nghệ sĩ thành viên các hội văn học nghệ thuật ấy sáng tạo đều là những phần hợp thành máu thịt của thể chế xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN.

Sự kiện đó đã có nguồn cội từ rất sớm trong sự nghiệp cách mạng của Đảng của đất nước, với Đề cương văn hóa Đảng đã dựng cờ tập hợp đông đảo những nhà văn và nghệ sĩ trong Tổ chức Văn hóa Cứu quốc, năm 1943. Hội Văn hóa cứu quốc với cơ quan ngôn luận là tạp chí Tiên phong đã thành một nơi quy tụ trí thức và văn nghệ sĩ tham gia cuộc tranh đấu giành độc lập cho Việt Nam. Và như vậy nhà văn và nghệ sĩ đã tham gia ngay từ đầu công cuộc dựng xây nền văn hóa mới của một nước Việt Nam mới; nhất là với số đông văn nghệ sĩ đã đứng vào hàng ngũ kháng chiến sau sự kiện 19-12-1946 thì đó còn là một nền văn hóa của thời kỳ chiến tranh cách mạng vì một nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Nhìn vào danh sách Ban Chấp hành đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam, ta thấy diện mạo tiêu biểu của lớp người sau này chúng ta mệnh danh là thế hệ nhà văn kháng chiến: Nông Quốc Chấn, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Anh Thơ, Mộng Sơn, Cầm Biêu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Sao Mai, Tố Hữu, Hoàng Tích Linh, Nguyên Hồng, Bửu Tiến, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi, Phạm Huy Thông, Tế Hanh, Nam Trân, Vũ Tú Nam, Hoàng Trung Thông, Xuân Miễn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân. Và đó là thế hệ đã kiến tạo “dấu ấn” của Hội Nhà văn Việt Nam trong nền văn học nước nhà trên tiến trình lịch sử hiện đại.

Trong mấy năm hòa bình ngắn ngủi sau ngày thành lập, Hội Nhà văn Việt Nam (HNV) đã kịp cho thấy sức sáng tạo to lớn qua nhiều tác phẩm văn học mới mẻ mà thời gian đã chứng tỏ giá trị mẫu mực và bền lâu như “Sống mãi với thủ đô” của Nguyễn Huy Tưởng, “Sóng gầm”, “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, “Mùa lạc”, “Xung đột” của Nguyễn Khải,  “Trăng sáng”, “Đôi bạn” của Nguyễn Ngọc Tấn (tức Nguyễn Thi), “Gió lộng” của Tố Hữu, “Trời mỗi ngày lại sáng” của Huy Cận, “ánh sáng và phù sa”của Chế Lan Viên, “Riêng chung” của Xuân Diệu, “Tiếng sóng” của Tế Hanh, “Tháng Tám Ngày Mai” của Giang Nam, v.v.

Những tác phẩm văn học như thế đã tạo được nhiều ảnh hưởng to lớn trong đời sống xã hội đất nước, đặc biệt với việc phản ánh và qua đó tạo nên luồng tâm tư xã hội phù hợp, đồng thuận với các cuộc vận động quan trọng của sự nghiệp xây dựng nền tảng của Chủ nghĩa xã hội và bắt đầu cuộc kháng chiến “chống Mỹ cứu nước” về sau này như “Cái sân gạch”, “Vụ lúa chiêm” của Đào Vũ, “Sống như anh” của Trần Đình Vân,…

Trong bối cảnh xã hội khi đó còn thiếu thốn phương tiện thông tin, với truyền thống phổ biến yêu chuộng, tôn vinh và tin vào văn học của người Việt, những sáng tác văn học như thế đã đặt các nhà văn nhà thơ vào hàng tiên phong của những “chiến sĩ trên mặt trận văn học nghệ thuật” như lời nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này càng trở nên hiện thực với lớp nhà văn trẻ của HNV khi đó, những nhà văn trong thời kỳ 1964-1975 từ miền Bắc đi vào chiến trường miền Nam trực tiếp tham gia chiến tranh giải phóng hoặc trở thành nhà văn từ cuộc sống chiến đấu của người “bộ đội Cụ Hồ,” mà trong số họ nhiều tác giả đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường như Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, …

Thật đáng kể khi ngày nay nhìn lại lực lượng các “nhà văn trẻ” được bổ sung  vào hàng ngũ HNV trong giai đoạn “chống Mỹ cứu nước”, với biết bao tên tuổi về sau đã trở nên những “rường cột” của nền văn học nước nhà như Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Thái Bá Lợi,Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Chí Trung, Chu Lai, Nguyễn Trọng Oánh,  Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ, Bế Kiến Quốc,… Sức phát triển như thế đã tạo thành một truyền thống của HNV, rộng hơn nữa là một truyền thống trong  gia tài văn hóa của một thời đại cách mạng. Đó là truyền thống văn học gắn bó cội nguồn với nhân dân và số phận đất nước, gắn bó hữu cơ với quá trình phát triển của thể chế Nhà nước cách mạng, qua mỗi bước đi đều cống hiến cho sự lớn mạnh và bền vững của nhà nước Việt Nam mới bằng nhiều tác phẩm giá trị, và bằng một kho tàng văn học hàng trăm tác phẩm còn được truyền lưu trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt bây giờ và mai sau – và giản dị là không thể hình dung nền văn hóa Việt Nam mà thiếu đi truyền thống cùng gia tài văn học đó.

Điều cần nói thêm nữa về các thế hệ nhà văn hai cuộc kháng chiến, những tác giả đã góp công lớn lao xây nên nền văn học nước nhà đương thời bằng sáng tác và sự hiện diện của họ, là: phần đông đảo nhất trong số họ đều là những “đứa con đẻ” của Cách mạng, và đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình trong sự nghiệp chung đó. Những thành tựu đó chứng minh rằng một nền văn học được tổ chức tốt, được chăm sóc chu đáo sẽ đưa tới những mùa trái ngọt.

Điều này cũng được thể hiện rõ hơn trong sức chuyển mình nhạy bén, mạnh mẽ của nhà văn và văn học trong thời kỳ Đổi mới – bởi các nhà văn thuộc vào lớp những người mong muốn nhất có cơ hội đổi mới mình để tham gia vào sự nghiệp cách mạng của toàn dân.

Thông qua tuần báo Văn nghệ, HNV là một trong số ít ỏi những tiếng nói đầu tiên báo hiệu cuộc đổi mới sâu rộng đời sống và xã hội đất nước vào năm 1986. Có thể nói, vào thời khắc quan trọng với vận mệnh chung đó, HNV lại một lần nữa đứng ở hàng tiên phong trên phương diện văn hóa và tư tưởng của đất nước, biểu hiện mạnh mẽ tiếng nói và hy vọng, khao khát của đại đa số nhân dân.

Văn học đã bước vào đổi mới trên tất cả bình diện của nó: từ nhận thức đổi mới về lý luận văn học, từ mở rộng hơn rất nhiều biên độ và chủ đề, chủng loại đề tài, từ mở rộng dải tần của đa dạng giọng điệu và phong cách, từ đổi mới thi pháp thể loại trong cả thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết, từ sự chấp nhận thay đổi đa dạng trong các khuynh hướng sáng tác, từ việc nhìn nhận cho đến tiếp nhận nhiều “chủ nghĩa” xa lạ về văn học, triết học đã hội nhập vào Việt Nam, được giới thiệu và ứng dụng đôi khi rất rộng rãi trên những vấn đề của xã hội và văn học Việt Nam.

Một lần nữa, nhìn vào danh mục tác giả thời đổi mới, ta lại có dịp thấy rõ sức sinh động của truyền thống văn học mà HNV đã không ngừng vun đắp phát triển qua hơn nửa thế kỷ. Thực tế là khái niệm “thế hệ” luôn không đủ rộng để mô tả chính xác hàng ngũ nhà văn của HNV thời kỳ đổi mới, khi mà sức năng động của văn học một lần nữa bừng nở trên khắp các tầng bậc xã hội và tuổi tác: Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Mậu, Y Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Kiều Minh, Đỗ Chu, Tô Nhuận Vỹ, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Chí Trung, Chu Lai, Nguyễn Trọng Oánh, Thái Bá Lợi, Khuất Quang Thụy, Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Trúc Thông, Hoàng Trần Cương, Anh Ngọc, Đỗ Trung Quân, Việt Phương, ý Nhi, Sương Nguyệt Minh, Cao Duy Sơn, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Nhật ánh, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Triều Hải, Mai Quỳnh Nam, Giáng Vân, Vi Thùy Linh, Trần Quang Quý, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Hùng, Inrasara, Nguyễn Một, Trần Thùy Mai, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Xuân Hà, Bùi Chí Vinh, Đỗ Trọng Khơi, Phạm Công Trứ, Đặng Huy Giang, Lý Lan, Bích Ngân, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Trần Đức Tĩnh, Uông Triều, Tuyết Nga, Lê Thị Kim, Phạm Thị Ngọc Liên,…

Không khác gì thời mở đầu của nền văn học cách mạng, ta thấy ở đây gương mặt văn học Việt Nam chính là một diện mạo “toàn dân, toàn diện.” Có nguồn gốc từ nhân dân và mang tính nhân văn sâu sắc.

Những phẩm chất đặc biệt đó hôm nay đã và đang được khơi dậy mạnh mẽ, phù hợp với sứ mệnh và vai trò đặc biệt của văn học trong thời kỳ mới, khi xã hội đất nước đi vào những “cơn gió lốc” của một quốc gia đang phát triển. Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều thách thức dường như mới mẻ xuất hiện trong lĩnh vực then chốt nền tảng nhất của một quốc gia: thách thức về vun trồng con người phù hợp với thể chế và sự phát triển của xã hội đương thời. Một câu hỏi rất lớn đã đặt ra: nhà văn  đồng hành với nhân loại cần lao hiện nay như thế nào trong một xã hội đang giàu có lên, như đã đồng hành với họ suốt mấy mươi năm cách mạng và chiến tranh giữ nước?

Thành tựu văn học trong sự nghiệp xây dựng con người và văn hoá Việt Nam mấy mươi năm qua của HNV nay vẫn là phương châm và cách thế tồn tại của HNV cũng như các hội viên của mình. Không chỉ là trách nhiệm công dân và sứ mệnh  nhà văn trong cuộc đồng hành với mọi số phận Việt Nam, sự gắn bó cội nguồn với nhân dân, sự gắn bó trong am hiểu sâu sắc thực tiễn lòng người lòng dân chính là sức mạnh của những cây bút và của một thể chế văn học. Từ đại hội Đảng lần thứ 12, một lần nữa vai trò về văn hóa đã được Đảng ta khẳng định và tôn vinh như là động lực, nền tảng cho một giai đoạn cách mạng mới, trong đó văn học đã tự nguyện đi tiên phong trong nhiệm vụ xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong thời đại mới!

Trông lại 60 năm ấy, và nguồn mạch xa hơn đã nhen nhóm khi tạp chí “Văn nghệ” ra đời ở ấp Đồi Cháy (Nhã Nam, Bắc Giang) tháng Ba năm 1948 trong hoàn cảnh thiếu thốn đầy khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp; trông lại những tên tuổi và sự nghiệp văn chương khởi nghiệp cho Hội Nhà văn Việt Nam từ ấy như Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố… ; trông lại những thành quả văn học đã góp phần xứng đáng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ta thấy HNV đã thực sự làm giàu đời sống tình cảm và tư tưởng  của nhân dân, đã góp phần rất đáng kể xây nên diện mạo và phẩm chất của một nền văn hóa Việt Nam mới. Đó là đặc điểm của một thể chế văn học thành công và đang đổi mới, luôn hướng đến những kết hợp tối ưu có thể giữa lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ , mà nền tảng và động lực luôn là sự gắn bó cội nguồn với nhân dân mình, gắn bó cơ hữu với nhà nước và xã hội.

BT (Nguồn: Văn Nghệ)

——————————

Hội Nhà văn Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất ; 48 nhà văn được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 122 nhà văn được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 5 nhà văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; 2 nhà văn được tặng Huân chương Sao Vàng là Tố Hữu và Huy Cận.

Exit mobile version