Lý luận phê bình văn học phương Tây hướng đến thế kỉ 21 sẽ có diện mạo như thế nào? Trên cơ sở thâm nhập nghiên cứu tài liệu gốc, tôi gọi cục diện cơ bản của lí luận phê bình văn học phương Tây hướng vào thế kỉ 21 là “thể phồn tạp” (Mosaicism(2)). Hàm nghĩa cơ bản của nó là “các phương pháp phê bình và quan điểm lí luận văn học phương Tây đương đại rất hỗn tạp, giữa chúng dường như không hề có quan hệ nội tại, góc nhìn và điểm chú ý của mỗi phương pháp khác nhau, từng phương pháp lại có một vị trí riêng trong khu vườn học thuật, hình thành cục diện “trăm hoa đua nở”. Với bất kì một luận đề hoặc lĩnh vực nào, chúng ta cũng có thể phát hiện ra: tuy vấn đề mà họ quan tâm giống nhau, nhưng lập trường, xuất phát điểm, căn cứ lí luận, phương pháp bàn luận và kết luận đưa ra của họ đều rất khác nhau. Nói một cách khác, cách nhìn của họ đối với cùng một vấn đề là vô cùng “đa nguyên”, hoàn toàn không tìm kiếm sự thống nhất, dường như không có bất kì một chủ âm nào.

Tôi dùng cụm từ “thể phồn tạp” để miêu tả diện mạo lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại là muốn nhấn mạnh các loại lí luận phê bình văn học phương Tây hiện nay không chỉ có đặc trưng phiến đoạn, hỗn tạp, lắp ghép, mà mỗi loại đều muốn thể hiện đặc sắc riêng của mình, muốn trở thành một màu sắc trong “tấm khảm đa màu”, không muốn dung nạp lí thuyết khác, và cũng không muốn bị lí thuyết khác hấp thụ. Cục diện mỗi loại đều có sắc màu riêng này chính là đặc trưng điển hình cho việc ra sức theo đuổi “đa nguyên hóa” (plurality) của thời hậu hiện đại, cũng là diện mạo cơ bản của văn hóa và tư tưởng phương Tây đương đại. Bề ngoài, một mặt “thể phồn tạp” của hậu hiện đại dùng “đa nguyên hóa” để đối kháng với “trung tâm hóa”, khống chế, thao túng hình thái ý thức chủ đạo; mặt khác lại thông qua “phiến đoạn hóa” để khẳng định mình không hướng tới kiến tạo hệ thống lí luận đại tự sự, mà chỉ là từ góc độ đặc thù, hoặc thể hiện một quan niệm, hoặc tiến hành hóa giải lí luận truyền thống, thậm chí phá vỡ biên giới khoa học truyền thống, thảo luận một vấn đề “chuyên ngành” nào đó trên bình diện khoa học liên ngành, liên lĩnh vực (ví dụ như vấn đề “giới tính”), kết quả là khiến vấn đề văn học vượt ra ngoài bản thân, thẩm thấu vào những lĩnh vực khác. Nói cách khác, hiện nay chúng ta rất khó tìm thấy vấn đề lí luận văn học hoặc phê bình văn học “thuần túy”.

Nếu như lí luận phê bình văn học truyền thống phương Tây thường có một tuyến chính đại diện cho tư tưởng và hình thái ý thức chủ đạo của thời đại hoặc của thời kì, trở thành tiêu chuẩn của thời đại hoặc thời kì, ví dụ như từ thời chủ nghĩa cổ điển đến chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, đến chủ nghĩa hiện đại, thì sau chủ nghĩa hiện đại, tình trạng này đã một đi không trở lại. Điều thú vị là, Gilles Deleuze và Andrea Guatelli trong Cao nguyên nghìn tầng (Mille plateaux) dùng phương thức đặc thù để miêu tả sự khác biệt giữa tình trạng tri thức truyền thống và tình trạng tri thức hậu hiện đại: “Trong mắt Deleuze và Guatelli, từ Platon trở lại, tư tưởng nhân loại bị thống trị bởi “mô hình hình cây” (cây tri thức), đến nay tình trạng đó không còn nữa. Đối với họ, “tư tưởng không phải là trạng thái hình cây, mà là trạng thái hình rễ cây”. Theo họ, cái mà tư tưởng phương Tây truyền thống tuân theo là “logic hình cây”, tức là nhất nguyên, là logic trung tâm, có tầng bậc, có kết cấu, tuyến tính, nhân quả; còn “logic” hiện đại và hậu hiện đại lại là “hệ thống phi trung tâm”, không có tầng bậc, không có kết cấu, tản mạn, phồn tạp, hoặc gọi là kết cấu “phi kết cấu” của thời hậu hiện đại (…).

(…) Có thể nói, trong thời đại tiêu dùng hậu hiện đại, lí luận phê bình văn học phương Tây rõ ràng đã cáo biệt ngữ cảnh, cục diện cơ bản tiền hiện đại và hiện đại, thoát li mạch phát triển tuyến tính và mạch phát triển theo “hình cây”, thoát khỏi quán tính phát triển theo kiểu luôn có một trào lưu hoặc lí luận chủ đạo chi phối lí luận phê bình văn học, để hướng tới trạng thái “du mục phi trung tâm” hoặc “chủ nghĩa phồn tạp”. Ví dụ, nói riêng lĩnh vực phê bình mới xuất hiện, có phê bình không gian, phê bình thần bí, phê bình vi tính hóa, phê bình sinh thái, phê bình duy vật, phê bình đạo đức; riêng phê bình văn học quan tâm đến vấn đề “thân phận”, có phê bình di dân, phê bình nữ quyền, phê bình siêu giới tính và phê bình về “kẻ khác”… Chúng rõ ràng đã thể hiện ra một trạng thái “du mục phi trung tâm”.

Sự xuất hiện của xu thế này có hai nguyên nhân quan trọng.

Trước hết, nó liên quan đến chuyển hướng cơ bản trên lĩnh vực kinh tế của chủ nghĩa tư bản từ thế kỉ 20. Kinh tế tư bản chủ nghĩa thế kỉ 20 sau hai cuộc đại chiến thế giới đã xuất hiện sự chuyển biến khác xa so với chủ nghĩa tư bản truyền thống (…). Tiêu biểu cho mô hình sản xuất và mục tiêu của chủ nghĩa tư bản truyền thống là “Fordism” hậu chiến, lấy sản xuất số lượng lớn, tập trung hóa, quy mô lớn làm đặc trưng; nhưng sau những năm 1970, chủ nghĩa tư bản lại chuyển sang “sản xuất linh hoạt và tích lũy”, tức là chuyển tư bản xuyên quốc gia sang các quốc gia có nền kinh tế lạc hậu thuộc thế giới thứ ba, dùng lao động giá trẻ và tài nguyên của các nước thứ ba làm điểm tựa cho việc giảm giá thành sản phẩm, thu được lợi nhuận lớn nhất. Sự chuyển biến của phương thức sản xuất xã hội đi liền với sự thay đổi của hệ thống văn hóa, địa lí: tức là phi trung tâm, phân tán, thu hẹp không gian địa lí, “chủ nghĩa tiêu dùng”, “đa nguyên hóa” về văn hóa. Sự thay đổi hệ thống này trở thành bối cảnh lớn cho sự ra đời của “thể phồn tạp” (Mosaicism) (…).

Tiếp nữa, nó có liên quan đến trào lưu chủ đạo trong văn hóa tư tưởng phương Tây từ thế kỉ 20. Trào lưu chủ đạo đó là: không ngừng phản kháng và giải cấu trúc đối với “truyền thống”, vũ khí chủ yếu của phản kháng và giải cấu trúc là ra sức đề xướng “đa nguyên”, “bản địa”, “biên duyên”, “thiểu số”, “tính khác”… Biểu hiện rõ nét của phương diện này trên lĩnh vực lí luận phê bình văn học chính là không ngừng xuất hiện các loại “lí luận chung kết” hoặc “lí luận tử vong”, ví dụ dốc sức quan tâm đến một loạt các chủ đề như “cái chết của lí luận”, “cái chết của phê bình”, “cái chết của lịch sử”… Thực ra, trong hệ thống chủ đề “chung kết” hoặc “tử vong”, chúng ta có thể thấy rõ ý đồ của tác giả. Tuy họ đều muốn phản kháng lí luận, quan niệm lí tính chủ nghĩa, tổng thể hóa, nhất nguyên luận, nhưng bản thân họ vẫn phải xuất phát từ lập trường lí luận để đối kháng hoặc giải cấu trúc một loại lí luận khác, kết quả là không hoàn toàn phủ nhận hoặc giải cấu trúc lí luận và phê bình (…).

Cho nên, đối diện với sự khiêu chiến, phản kháng, giải cấu trúc và lật đổ của lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại, chúng ta cần giữ ý thức lí luận tỉnh táo, tìm hiểu xem thực chất của việc kêu gọi “lí luận chung kết” hoặc “lí luận tử vong” là muốn khiêu chiến phản kháng cái gì, liệu có thực sự triệt để lật đổ, bài trừ bản thân lí luận phê bình văn học, kinh điển, truyền thống hay không. Thực ra, chỉ cần khảo sát tỉ mỉ chúng ta sẽ thấy thực ra họ muốn khiêu chiến và phản kháng một số quan niệm và hệ thống cũ trong truyền thống phê bình lí luận văn học.

II

Như vậy, trong ngữ cảnh “tư tưởng du mục”, “phồn tạp”, lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại liệu có phải là hoàn toàn không thể tìm thấy tiêu điểm lí luận tương đối tập trung, tương đối rõ ràng không? Từ thực tế nghiên cứu cho thấy không phải như vậy. Tức là, tuy mỗi phương pháp, quan điểm, lí luận chiếm một trận tuyến, vận hành độc lập, giương ngọn cờ riêng, nhưng những vấn đề lí luận lớn của thế kỉ 20 vẫn thường xuất hiện trong trước tác lí luận phê bình, nhiều khi tranh luận về chúng diễn ra hết sức kịch liệt. Nói chung, trong quan điểm lí luận phong phú đa dạng đó, ít nhất chúng ta có thể nắm được bốn mạch diễn biến phát triển.

Thứ nhất, tranh luận giữa lí lính và cảm tính. Đây dường như là vấn đề đã quá cũ trong quá trình phát triển của tư tưởng phương Tây. Tuy đã sang thế kỉ 21 nhưng tranh luận giữa lí tính và cảm tính và tranh luận về những vấn đề liên quan đến chúng như tranh luận giữa tâm linh và thân xác, siêu việt và trần thế, khống chế và tự do vẫn không hề dừng lại, thậm chí còn xuất hiện với dáng vẻ đa dạng, phong phú. Mặc dù lí luận văn học hậu hiện đại thiên về nhấn mạnh cảm tính, thân xác, trần thế, tự do, nhưng khi thuyết minh khuynh hướng giá trị, lập trường của bản thân trên phương diện lí luận thì lại rơi vào “cạm bẫy” lí tính và lí luận. Nhìn từ góc độ khác, phản kháng và giải cấu trúc lí tính và lí luận, tất yếu phải vận dụng vũ khí lí tính và lí luận. Bản thân sự “mâu thuẫn” này cho thấy: lí luận (bao gồm cả phê bình) không thể bị “giải cấu trúc”. Ví dụ, Kinh điển phương Tây của Harold Bloom phản đối “lí luận hóa” nghệ thuật và văn học, kiên trì quan điểm “đối lập nghệ thuật và lí luận”. Nhưng, vũ khí ông dùng để phản đối “lí luận hóa” lại là lí luận văn học của chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ 18, 19, đặc biệt là lí luận văn học lấy Rousseau làm đại diện, mà hạt nhân của nó là đề xướng “tự do thẩm mĩ”, trên thực tế ở đây đã dùng “thẩm mĩ” để phản đối “lí luận”. Tiếp đó, cái gọi là “thẩm mĩ” vẫn cần dùng “lí luận” để giới định và thuyết minh; một khi đã dùng “lí luận” để giới định và thuyết minh, “thẩm mĩ” liền rơi vào “cạm bẫy” lí luận.

Rõ ràng lí luận văn học và nghệ thuật phương Tây từ thế kỉ 20 luôn tồn tại trào lưu lớn phản lí tính và phản lí luận. Sự thực này khiến chúng ta nghĩ đến “lí luận” trên thực tế là con dao hai lưỡi, nó cần tiến hành phản tư, khái quát về thực tiễn sáng tác văn học (“lí luận hóa”), nhưng khi thực hiện một khái quát nào đó, dường như lại tạo ra một sự “gò bó” hữu hình hoặc vô hình đối với thực tiễn sáng tác, tạo ra sự “uy hiếp” nhất định đối với cá tính của nghệ sĩ. Mâu thuẫn này có lẽ chúng ta không bao giờ thoát ra được. Nếu chúng ta không thể thoát khỏi mâu thuẫn này, vẫn không rời được mâu thuẫn giữa lí tính và cảm tính, hoặc vẫn tự cho rằng lí tính cao hơn cảm tính là đúng, thì chắc chắn không bao giờ thoát khỏi cái vòng quái đản này. Lối thoát duy nhất có lẽ là: chúng ta phải nắm rõ sứ mệnh của bản thân lí luận, dùng phương thức của bản thân nó để xây dựng một hệ thống giá trị, chứ không phải “trực tiếp chỉ đạo” thực tế sáng tác, hoặc tệ hơn là “giáo huấn” nhà văn và người sáng tạo nói chung. Thực ra, cái mà chúng ta có thể nhìn thấy từ các loại “khiêu chiến” của lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại chính là sự phản đối đối với thứ “lí luận” dùng danh nghĩa “linh mục” để giáo huấn “tín đồ”.

Về vấn đề lí tính, có một điểm rất đáng lưu tâm là chúng ta thường không phân biệt tỉ mỉ hàm nghĩa khác nhau của “lí tính”. Ví dụ như, “lí tính” với tư cách là suy luận, căn cứ của suy luận và “lí tính” với tư cách là giả thiết siêu hình về ý nghĩa, giữa hai thứ thực ra có sự khác biệt rất lớn: cái trước là sự suy diễn xuất phát từ thực tế và kinh nghiệm, chú trọng quan hệ logic nhân quả, “lí tính” theo nghĩa này gần với “lí tính công cụ”, thường kết hợp với chủ nghĩa khoa học; còn cái sau xuất phát từ giả thiết tiên nghiệm phán đoán xem hiện thực có “hợp lí” hay không, chú trọng kết hợp giữa siêu hình và cụ thể, giữa quan niệm và hiện tượng, thường kết hợp với siêu hình học. Hai loại “lí tính” này vừa có khả năng đối lập nhau, lại vừa có thể dùng cái này phản đối cái kia, hoặc giao nhau. Nếu không khảo sát tỉ mỉ điều này sẽ rất dễ hiểu lầm rằng có một số khác biệt trên lập trường của các nhà lí luận phê bình khi họ sử dụng thuật ngữ và tiến hành bình luận.

Thứ hai, tranh luận giữa khoa học và nhân văn. Chủ nghĩa khoa học là trào lưu tư tưởng lớn ở phương Tây từ thế kỉ 19, chúng ta không hề xa lạ với biểu hiện của nó trong lí luận phê bình văn học. “Chuyển hướng ngôn ngữ học” nổi tiếng trong giới tư tưởng phương Tây thế kỉ 20 về bản chất là ví dụ điển hình của việc chủ nghĩa khoa học thâm nhập vào ngành nhân văn. Sau đó, đủ các loại lí luận văn học chủ nghĩa hình thức (bao gồm cả “phê bình mới”) củng cố thêm địa bàn của chủ nghĩa khoa học trong ngành nhân văn. Văn học theo đuổi việc lấy “con người”, “ý nghĩa”, siêu hình làm điểm quy tụ trong truyền thống (bao gồm cả chủ nghĩa lãng mạn) rơi vào tình trạng khó khăn. Trong ngữ cảnh mới của thế kỉ 21, chủ nghĩa khoa học tiếp tục mở rộng “chiến địa”, không chỉ phát triển tinh tế, tỉ mỉ các phương pháp của lí luận văn học chủ nghĩa hình thức (ví dụ như các phương pháp phân tích văn bản), mà còn trực tiếp dẫn đến sự xuất hiện các lĩnh vực phê bình mới, ví dụ như phê bình vi tính hóa, xung đột giữa con người và máy móc, ngôn ngữ của con người và lập trình vi tính, trên thực tế đã dùng phương thức mới chiết xạ ra tình cảnh mới của cạnh tranh giữa khoa học và nhân văn trong thời đương đại.

Một bối cảnh quan trọng của cạnh tranh giữa khoa học và nhân văn trong tư tưởng phương Tây đương đại là sự phân li giữa “sự thực” và “giá trị” từ phong trào Khai sáng, sự phân li này trong thế kỉ 20 được đông đảo mọi người tiếp nhận thông qua phân tích triết học. Vì thế, cạnh tranh giữa khoa học và nhân văn ngày nay thường thể hiện ra ở sự cạnh tranh giữa “sự thực” và “giá trị”, tức là tranh luận “sự thực” và “giá trị” cái nào quan trọng. Về tổng thể, lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại quan tâm nhiều hơn đến phân tích tỉ mỉ “sự thực”, “suy lí”, “hình thức”, “kết cấu”, “văn bản”, “ngữ cảnh”, thậm chí có lúc quá phức tạp, bỏ qua phán đoán giá trị và sự tham gia của hình thái ý thức, nhấn mạnh lập trường “trung lập” và “trung tính”. Ở phương diện khác, chủ nghĩa khoa học phát động khiêu chiến, lật đổ đối một số chủ đề lớn trong truyền thống chủ nghĩa nhân văn, ví dụ như “tính chủ thể”, “tổng thể hóa”, “đồng chất hóa”, “nguyên tự sự”, “chân lí”… Trong tình hình hiện nay, tranh luận về phương diện này không chỉ tiếp tục duy trì mà có lúc còn tương đối kịch liệt, đến nay vẫn khó nhận ra cái nào thắng cái nào, tranh luận này có thể vẫn sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian dài. Tất nhiên sự dung hòa giữa khoa học và nhân văn không phải là không có khả năng, nhưng hai thứ có thể đạt được sự dung hợp sâu sắc hay không lại rất đáng phải suy nghĩ.

Thứ ba, tranh luận giữa quan niệm phát triển tuyến tính và quan niệm phát triển phi tuyến tính. Về đại thể có thể nói, quan niệm phát triển trong tư tưởng phương Tây trước đó là quan niệm tuyến tính, chú trọng quan hệ logic nhân quả, tiến hóa. Hạt nhân của quan niệm phát triển này nằm ở sự theo đuổi tính liên tục trong sự phát triển lịch sử. Từ thời hiện đại và hậu hiện đại tình huống đã thay đổi về cơ bản, quan niệm phát triển tuyến tính, nhất trí, liên tục đã nhường chỗ cho quan niệm phát triển phi logic, phi trung tâm, không liên tục, đứt đoạn. Tư tưởng “du mục” hoặc “đa nhánh” của Deuleze, đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng hậu hiện đại trên vấn đề này, khác biệt với “logic hình cây” trong truyền thống (…). Quan niệm phát triển tuyến tính của truyền thống trong lĩnh vực lí luận phê bình văn học quả thực đã tạo ra rất nhiều hậu quả đáng phải suy nghĩ, ví dụ như bệnh giản đơn hóa, chủ nghĩa giáo điều, quyết định luận, cơ giới luận, khiến cho một số nhà lí luận tiên tiến đoạn tuyệt triệt để với quan niệm phát triển tuyến tính trong truyền thống. Nhưng ở một phương diện khác, sự phát triển của tư tưởng và lí luận có phải là đứt đoạn, tản mạn, hoặc có phải là không tìm ra đầu mối không, cũng là một nghi vấn lớn.

Thứ tư, vấn đề giải cấu trúc và xây dựng kết cấu. “Giải cấu trúc” đã trở thành đặc trưng điển hình của hậu hiện đại. Mục tiêu mà những người theo chủ nghĩa giải cấu trúc đối chọi là “đại tự sự” hoặc “đại diễn ngôn”, chúng phần lớn là xuất phát điểm của lí luận phê bình văn học trong truyền thống hoặc là “giả thuyết lí luận” mà lí luận theo đuổi, ví dụ như phán đoán thiện – ác trên phương diện đạo đức, giải phóng và tự do thẩm mĩ, mục đích công lợi của hình thái ý thức. Thực ra, dùng cách nói quen thuộc, giải cấu trúc về cơ bản có thể gọi là phản tư có tính phê phán. Phản tư phê phán nghiêm túc cẩn thận lại là điều rất cần thiết, do đó, chúng ta có thể thấy, “giải cấu trúc” trở thành sách lược của các nhà lí luận và các nhà phê bình, tức là họ mượn tiếng “giải cấu trúc” để khoa trương lập trường quan điểm của mình. Nếu giải cấu trúc tất cả “đại diễn ngôn” theo quan điểm của những người như Lyotard thì vấn đề nghiêm túc hơn đặt ra là, chúng ta dựa vào cái gì để phản tư và phê phán vấn đề của lí luận văn học?

Nói một cách khách quan, trong thời điểm chuyển hướng trọng đại mà lí luận phê bình văn học đối mặt, nếu như không có sự phê phán và giải cấu trúc đối với lí luận vốn có thì không thể có đột phá căn bản; nhưng lí luận của hậu hiện đại khi giải cấu trúc lí luận vốn có, trên thực tế lại khuếch trương lí luận hoặc quan điểm của bản thân họ. Ví dụ, khi chúng ta đọc cẩn thận tác phẩm của những “bậc thầy” giải cấu trúc (từ Nietzsche đến Foucault, Lyotard), trên thực tế có thể phát hiện ra một sự thật: khi tiến hành giải cấu trúc quan niệm và lí luận vốn có, họ cũng đồng thời xây dựng quan điểm và lí luận của bản thân mình (…). Vì thế, khi chúng ta đối mặt với các phạm trù mà chủ nghĩa hậu hiện đại tấn công, như tính chủ thể, tính hợp pháp, tính đồng chất, trung tâm hóa, tính liên tục, nguyên tự sự, chân lí, vĩnh hằng, chúng ta cần phải giữ một cái đầu tỉnh táo, không thể để bị mê hoặc bởi biểu hiện bên ngoài của họ, mà nên tiến hành phân tích tỉ mỉ, cẩn thận những vấn đề lí luận.

Chúng ta biết rằng, từ chủ nghĩa hiện đại thế kỉ 20, “phản truyền thống” trước sau đều là điều mà các lí luận mới và chủ nghĩa tiên phong muốn thể hiện ra trên phương diện lí luận, đồng thời cũng là một trong những vũ khí vô cùng quan trọng của chúng. Nhưng, trong lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại, tuy tranh luận liên quan đến “truyền thống” vô cùng phức tạp, nhưng nó vẫn là một vấn đề quan trọng trong ngữ cảnh “đa nguyên hóa”. Thực tế này cho chúng ta thấy, từ góc độ phát triển lịch sử, “truyền thống” trước sau đều là vấn đề quan trọng không thể né tránh, con người không thể không quan tâm, nhiều khi còn là vấn đề quan tâm chủ yếu của các loại lí luận mới. Chân lí của nó là: một mặt, “truyền thống” trước sau đều là tài nguyên mà chúng ta buộc phải dựa vào khi tiến hành xây dựng lí luận mới và chống lại trên phương diện lí luận; mặt khác, tuy thực sự muốn phản đối “truyền thống”, nhưng trên thực tế, “truyền thống” rất khó bị “phản lại”, giống như giải cấu trúc lí luận vốn có lại vẫn cần mượn vũ khí lí luận, phản “truyền thồng” cũng vẫn thường phải mượn truyền thống.

Trong lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại, chú ý đến vấn đề “truyền thống” chủ yếu thể hiện ở việc tái bình giá các vấn đề lí luận lớn trong lịch sử văn học và “kinh điển” văn học, tức là “đánh giá lại giá trị” của nó. Tất nhiên, “đánh giá lại giá trị” không phải đến nay mới bắt đầu. Đầu thế kỉ trước, Nietzsche từng làm chấn động cả thế giới với khẩu hiệu “đánh giá lại tất cả các giá trị”, sau đó, “đánh giá lại giá trị” dường như đã trở thành “quán tính”, thói quen trong tư tưởng phương Tây. Ví dụ như Kinh điển và thời đại của Frank Kermode, Hình thái ý thức và hình thức kinh điển của John Guillory. Thông qua truy vấn vấn đề mang tính căn bản “kinh điển của ai” này, tiến thêm một bước đề xuất hệ thống vấn đề lí luận như: quan hệ giữa kinh điển và quyền lực, giữa kinh điển và uy quyền, giữa kinh điển và giải thích, giữa kinh điển và hình thái ý thức, giữa kinh điển và tôn giáo, truyền thống, chân lí, đại chúng… Trong khi xem xét các vấn đề có tính căn bản như vậy, chúng ta không chỉ có thể thấy tiêu điểm tranh luận của lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại, mà còn có thể phát hiện ra đặc điểm tự thân của lí luận phê bình văn học phương Tây. Ví dụ như, ngày nay, có khá nhiều học giả nghiên cứu văn học vốn là những người làm việc trong giáo hội, sau đó tham gia vào “thể chế” như trường đại học… Truyền thống mà họ tiếp nhận trên phương diện tín ngưỡng, quan niệm, rèn luyện học thuật khác xa với “truyền thống” của “thế tục”; mặt khác, trong truyền thống này, tranh luận vấn đề “kinh điển” cũng thường liên kết với vấn đề “chính thống” và “dị đoan” trong tôn giáo, liên kết giữa đa số và thiểu số trên phương diện “số người”, liên kết với “truyền thống lớn” và truyền thống nhỏ” mà họ quan tâm. Những truyền thống và tài nguyên riêng này của lí luận văn học phương Tây là những thứ mà chúng ta không có, cũng là thứ chúng ta thường không thể lí giải và thường có những hiểu lầm, khi quan tâm phương Tây, chúng ta cũng rất ít khi chú ý đến sự khác biệt đó.

Trong thời hậu hiện đại, vấn đề “kinh điển” gây chú ý nhiều nhất của lí luận văn học phương Tây là vấn đề quyền lực. Ví dụ như bài viết Kinh điển và thời đại của Frank Kermode xác định: “kinh điển” trước sau đều muốn hợp mưu với quyền lực, muốn xây dựng “quá khứ” cho hình thái ý thức chủ đạo, và biến “quá khứ” thành “hiện tại”. Vì thế, về đấu tranh quyền lực, “kinh điển” thường trở thành lĩnh vực chủ yếu mà đấu tranh tranh giành quyền lực của “kẻ phản bội” tất yếu phải chiếm lĩnh. Nếu như nhìn vấn đề như vậy, tranh luận liên quan đến “kinh điển” trên thực tế đã trở thành sự kéo dài của đấu tranh tranh giành quyền lực trong lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực hình thái ý thức. Tất nhiên, các nhà lí luận và nhà phê bình đó biết rất rõ, loại “quyền lực” này là “quyền lực diễn ngôn”, chứ không phải là quyền lực nào khác. Vì thế, bàn luận về “quyền lực diễn ngôn” quyết không phải là chủ đề “không ai quan tâm” trong thời hậu hiện đại. Cho nên, chúng ta nhất định không được nghĩ nhầm rằng lí luận văn học phương Tây đương đại chỉ quan tâm đến “nghiên cứu nội quan” của văn học như Wellek và Warren nói. Thực ra, có lẽ họ còn quan tâm đến “vấn đề bên ngoài” dường như không còn thời thượng hơn cả chúng ta. Họ vô cùng hào hứng với vấn đề “thân phận” (các vấn đề thân phận khác nhau như: chủng tộc, dân tộc, quyền công dân, kẻ khác…) đã minh chứng rõ ràng cho phương diện này. Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây ngày nay. Tôi cho rằng, lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại rất quan tâm đến vấn đề truyền thống (giới lí luận văn học Trung Quốc lại không như vậy), hơn nữa, trước sau họ đều tranh luận vấn đề này với một cảm giác sứ mệnh, vì thế họ thường đưa vào trong thảo luận học thuật những vấn đề mà chúng ta cho rằng đã lỗi thời (ví dụ như vấn đề chính trị và hình thái ý thức). Hiện tượng này đáng để chúng ta phản tư sâu sắc (…).

Trong sự chú ý đến vấn đề truyền thống, một sự thật đáng được quan tâm là lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại khi truy nguyên và tranh luận về nhiều vấn đề to lớn luôn đem chúng truy ngược lại chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ 18, 19. Ví dụ, khi bàn về phong cách, tự sự, văn bản, kinh điển, lịch sử văn học, phương pháp phê bình, tính chủ thể, cái chết của lí luận, thân phận, tính hiện đại, tính hậu hiện đại… dường như đều không xa rời chủ nghĩa lãng mạn. Có thể nói, vấn đề lí luận phê bình văn học hiện nay dường như đều là bắt đầu từ chủ nghĩa lãng mạn.

Sự thực này chí ít khiến chúng ta nghĩ đến ba vấn đề: thứ nhất, chủ nghĩa lãng mạn đã trở thành nguồn gốc, chất liệu tinh thần chủ yếu của lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại. Ví dụ, chủ nghĩa giải cấu trúc giải cấu “đại diễn ngôn” mang tính chủ thể, cần mượn lí luận đề cao cá tính và tính ngẫu nhiêu của chủ nghĩa lãng mạn; các nhà hình thức chủ nghĩa muốn đề cao tính văn học cần phải tìm cơ sở lí luận trong khái niệm “thuần văn học”, “thuần thơ ca” của chủ nghĩa lãng mạn; phê bình sinh thái muốn phản lại tính hiện đại, cần phải khai thác chất liệu và đánh giá lại thơ ca điền viên trong chủ trương “nguyên thủy” và “tự nhiên” do chủ nghĩa lãng mạn đề xướng; lí luận “kết chùm” của những người như Deleuze rất khó nói là không chịu ảnh hưởng mang quan niệm hữu cơ của chủ nghĩa lãng mạn (…).

Thứ hai, lí luận phê bình văn học Trung Quốc nên nhìn nhận lại xem chúng ta liệu có phải đã từng hiểu sai, giải thích không đúng về chủ nghĩa lãng mạn, giáo trình lí luận văn học của chúng ta giải thích về chủ nghĩa lãng mạn liệu có phù hợp với thực tế không. Lí lẽ rất giản đơn, chủ nghĩa lãng mạn thực ra là sản phẩm của văn học và tư tưởng phương Tây, khác biệt lớn với truyền thống văn học và tư tưởng Trung Quốc. Nhưng, mấy chục năm nay, chúng ta đã tiến hành “lí giải” về chủ nghĩa lãng mạn hoàn toàn vì để chúng ta sử dụng, thậm chí coi nó là một “quy luật phổ biến”. Theo chúng tôi nghiên cứu, lí giải của “chúng ta” và lí giải của “họ” khác nhau rất lớn, trong đó có những chỗ đáng phải xem xét lại(3).

Thứ ba, từ thế kỉ 20, dường như tất cả các nhà lí luận và lí luận tự cho mình là “tiên phong”, “tiền vệ”, “phản truyền thống” có thể đều muốn coi chủ nghĩa lãng mạn là khởi tổ của mình? Họ dường như muốn đem tất cả những chủ đề quan trọng truy nguyên về chủ nghĩa lãng mạn? Trong đó, một nguyên nhân chủ yếu là: trong tư tưởng và văn học (bao gồm cả nghệ thuật) phương Tây tính từ thời cận đại, chủ nghĩa lãng mạn đã lần đầu tiên khiêu chiến, chống lại tất cả tư tưởng, quan niệm truyền thống trên quy mô lớn. Quan niệm hạt nhân của nó là chủ nghĩa cá nhân lấy cá thể (“tự nhiên”, “tài năng”) làm cơ sở, sau đó dùng nó làm cơ sở để ra sức theo đuổi nguyên thủy, tự nhiên, trữ tình, cá tính, phản nghịch, thế tục…, và mang đậm sắc thái của chủ nghĩa không tưởng. Có lẽ, những thứ này lại tiêu biểu cho phương diện áp bức và bài trừ mà truyền thống tư tưởng phương Tây trong một thời gian dài phải chịu. Chính chúng đã mang đến sức sống và động lực sáng tạo cho các loại lí luận từ thời hiện đại trở lại đây. Như Philippe Lacoue-Labarthe nói: chủ nghĩa lãng mạn đã mở ra sự truy vấn đối với bản thân văn học, không chỉ truy vấn cái gì là văn học mà còn truy vấn một loạt vấn đề như hư cấu, mô phỏng, lí luận, chủ thể, phong cách. Những truy vấn này, ngày nay vẫn còn đang tiến hành, có lẽ, chỉ cần hoạt động văn học vẫn tồn tại, thì những truy vấn này sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Nhìn chung, lí luận phê bình văn học phương Tây hướng vào thế kỉ 21 vừa không tồi tệ và sai lầm, cũng không đông cứng như chúng ta tưởng. Nó đang trong quá trình không ngừng diễn biến và phát triển, trong đó có những trường phái “tiên phong” sắc bén, cũng có phái truyền thống bảo thủ, nhưng phần nhiều vẫn là những người đi trên con đường trung gian: họ đã không muốn đi trên con đường cũ mòn của truyền thống lại cũng cảm thấy e dè trước phương hướng mới, cho nên thường chọn con đường thực dụng chủ nghĩa và thực chứng chủ nghĩa, cố gắng trở thành cá thể riêng biệt trong chỉnh thể “đa sắc màu” hoặc “du dân” của cuộc sống “du mục”, đứng vị trí bên lề đối kháng với trung tâm. Ngoài ra, họ vô cùng mẫn cảm với các khuynh hướng mới xuất hiện trong thực tiễn sáng tác, lí luận, phê bình văn học, cố gắng tìm ra trong đó căn cứ có thể đối kháng với hiện thực và sự cũ mòn. Cho dù như thế nào, chúng ta cũng không thể tưởng tượng được nếu cho rằng lí luận phê bình văn học phương Tây hướng vào thế kỉ 21 là những thứ hoàn toàn mới chưa từng có từ trước đến nay, cũng không thể cho rằng chúng hoàn toàn vận hành theo quỹ đạo xưa cũ. Quan trọng là phải quan sát tỉ mỉ để chỉ ra khuynh hướng có giá trị mới trong đó, tìm ra chất liệu và căn cứ của chúng trong liên hệ giữa lịch sử và hiện thực.

ĐỖ VĂN HIẾU

Nguồn: tạp chí nhà văn

Exit mobile version