Khuất Quang Thảo dường như có duyên với lục bát. Ngay ở tập thơ đầu tay, tập Đêm trắng (Nxb. Hội Nhà văn, 2013), những bài thơ thành nhất, có những câu thơ níu được người đọc vào những bâng khuâng, trống vắng của kỷ niệm tình yêu và nỗi niềm se sắt, đầy vơi quê kiểng vẫn là những bài lục bát chân chất như ca dao, đồng dao, như điệu dân ca trữ tình trên mỗi ngõ trăng vàng. Nhưng thật ngạc nhiên, sau Đêm trắng, Khuất Quang Thảo bỗng như lên đồng lục bát. Anh viết một lèo trong vòng chưa tới một năm, đã có Hương mộc lan, tập thơ với 150 bài. Chưa nói tới bài dài ngắn, chất lượng, chỉ nhìn số lượng thống kê, mà lại “chuyên canh” lục bát, trong thời buổi thơ lục bát vừa khó, vừa xưa, vừa suy kiệt mùa thì cũng đáng để coi thử lục bát của Khuất Quang Thảo thế nào?

Bao trùm Hương Mộc Lan vẫn là thơ tình, tình yêu và tình quê. Có lúc là kỷ niệm một thời đã qua, là nhân duyên cơ nhỡ, nhưng phần lớn là ngữ cảnh sinh tình, nảy ý: Gặp một ánh mắt trong lễ hội, dùng dằng trên một chuyến đò, đăm đắm một bóng hồng chợt gặp cũng làm nao lòng, ngơ ngẩn người thơ. Điều đó cho thấy Khuất Quang Thảo là người thật nặng tình và đa cảm. Nhiều lúc, anh như mộng du trong cõi ảo của tình yêu. Thơ tình của Thảo, thơ tình một người quê, trên phông nền không gian quê làng quen thuộc, đã có nhiều từ tập thơ trước: Trăng, ngõ làng, ao làng, bến sông, con đò, cánh diều, hương, hoa, lễ hội, tằm dâu, cau trầu, mùa xuân… Mượn những cảnh huống, những kỷ niệm mà gửi gắm, bày tỏ nỗi niềm… Nó như một làn hương ngan ngát, mộc mạc, gần gũi của quê làng chưa thôi thơm tỏa trong tâm hồn lục bát của anh. Và nó cũng hiển lộ làn hương ấy ngay ở cái tên tập sách: Hương Mộc Lan. Có lẽ vì thế mà anh thổ lộ:“Chót vay nặng lãi nên anh/Cả đời vương nợ một nhành mộc lan” (Nợ lan).

Nhành Mộc lan, hương Mộc lan như biểu tượng tình yêu của Khuất Quang Thảo. Nhưng những tình huống cụ thể, các ngữ cảnh khác nhau, hay các “phân khúc” tình yêu thì nhiều lắm: “Đêm buồn đếm giọt sầu rơi/Giọt vương mái ấm, giọt phơi ngõ hờ/Giọt buồn ướt sũng câu thơ/Bờ mi đọng giọt sương mơ lăn hoài” (Giận hờn). Ấy là những hờn giận của tình yêu, mà cái ngữ yêu thì hờn hờn giận giận, thương thương…như cơm bữa. Nó tốn khá nhiều những buồn/sầu/vương/ngõ hờ/ướt sũng/bờ mi/sương mơ của anh. Còn ở cung bậc nhớ nhung thì sao? “Cùng em gánh nước cầu ao/Để câu lục bát rơi vào mắt nhau/Trăng thu còn sáng trên đầu/Nửa đêm mộng giấc tìm câu thơ chìm” (Lục bát đêm trăng). Anh và em gánh nước ở cầu ao, tất nhiên là ao làng, để câu lục bát rơi vào mắt nhau, câu lục bát ở đây chính là cái nhìn “phải lòng” nhau rồi, đến nỗi nửa đêm mộng mị, lẫn lộn, không biết cái “lục bát” ấy rơi vào đâu, cứ lẩn thẩn mò tìm, thế mới…vui!

Cái sự hụt hẫng, đợi chờ người mộng cũng mênh mông và lẩn thẩn lắm: “Tình em như thể dòng sông/Chảy vào ta những mênh mông dại khờ/Em đi bỏ lại câu thơ/Bỏ ta khoảnh khắc đợi chờ mênh mông” (Khoảnh khắc). Tình yêu được đẩy lên cung bậc huyễn hoặc, huyền ảo đến mãnh liệt, táo bạo: “Em từ cổ tích bước ra/Dịu dàng thắm một nhành hoa nồng nàn/Môi anh đọng giọt mơ tan/Vầng trăng cổ tích giao hoan động trời” (Vầng trăng cổ tích). Cái đáng yêu của Khuất Quang Thảo là, đã nảy ý sinh tình với nhau, dù chỉ một lần “chót”, hay lỡ thì cả đời vẫn cứ vân vi, băn khoăn về nó: “Một lần chót nắm tay nhau/Cả đời hơi ấm rủ nhau trốn tìm/Nợ người lời của con tim/Vô tâm lỗi nhịp đò chìm sông sâu” (Nợ). Nói là vô tâm mà lại không vô tâm. Đó là cái còn của nhân tính, nó rất khác với những nhu cầu chỉ thỏa mãn dục vọng nào đấy rồi quên ngay của con người vô cảm, ngày càng nhiều trong xã hội, tác động trực tiếp đến đạo đức, văn hóa đương đại.

Thơ về quê làng của Khuất Quang Thảo dù chiếm dung lượng không lớn ở Hương Mộc Lan nhưng nó lại là sợi dây tình cảm sâu đằm của niềm quê. Ấy là định lượng một cách sơ lược, thực ra thơ tình yêu của anh cũng đã là tình quê rồi, kể cả điệu tâm hồn và không gian thơ. Và trong những nỗi niềm quê ấy, người mẹ bao giờ cũng là nhân vật trung tâm: “Gánh sương mờ, gánh bình minh/Nắng mưa mẹ gánh bóng mình hoàng hôn/Oằn cong gánh những thiệt hơn/ Kĩu kà, kĩu kịt tủi hờn bước chân/Đôi quang lặng lẽ góc sân/Vai gầy mẹ gánh tảo tần đời con” (Đôi quang gánh). Hình bóng mẹ, những yêu thương đùm bọc, thấp thỏm của mẹ với con cái luôn làm ta cảm động: “Nhớ thời đá bóng thả diều/Mải vui để cả buổi chiều mẹ mong/Mẹ chờ cơm tối nao lòng/Con chưa về kịp ngồi trông bóng mình” (Bóng chiều). Có lẽ vì thế mà những năm tháng tuổi thơ trong trẻo, nhiều thương mến đầu đời khi sống trong tình thương của mẹ cha, khó có thể thoát ly ký ức thăm thẳm của bất kỳ tâm hồn nhậy cảm nào, Khuất Quang Thảo cũng vậy: “Tôi về tìm lại tuổi thơ/Vô tình đánh mất bên bờ sông mê/Cả đời ôm một chữ thề/Thương con thuyền giấy vụng về trôi xuôi/Thả câu lục bát mồ côi/Lênh đênh sóng vỗ tả tơi lạc vần…” (Tìm lại tuổi thơ).

Quê hương, dù đi qua bao nhiêu bươn trải mưu sinh, sự được và mất thế nào trong cuộc đời thì luôn còn đó sợi dây neo ta lại chốn bình yên, tiếp cho ta nguồn sinh lực để tiếp sống: “Về thăm quê mẹ dấu yêu/Triền đê ai thả cánh diều vào thơ/Đi qua hết những mộng mơ/Níu ta một sợi dây tơ cuối chiều” (Cánh diều). Ở chiều kích không gian tượng trưng và ẩn dụ khác về cái nghĩa quê hương, Khuất Quang Thảo có lối so sánh, lập ý tương phản giữa “biển đời” và “ao làng” để nói về cái tình quê, nghĩa quê, nó sâu sắc, thủy chung và rộng lớn đến thế nào, trong trái tim anh: “Bơi trong thăm thẳm biển đời/Vẫn không lặn hết một hơi ao làng” (Ao làng). Cả cái biển đời thăm thẳm ấy còn bơi được, mà lặn vào cái “ao làng”, tức cái ao ân nghĩa quê hương, nó mênh mông, thăm thẳm hơn cả cái “biển đời” kia. Dẫu biết đó là một cách nói, có phần ngoa ngôn, nhưng cũng thật hợp lý và dễ đồng cảm với nhà thơ. Câu thơ ấy còn là một chiêm nghiệm về tình quê và thái độ ứng xử với cội nguồn, bản xứ của mỗi con người.

Có thể nói, thơ lục bát của Khuất Quang Thảo dường như đã bắt được vào cái mạch chảy quê làng để cất giọng. Khi anh trở về mảnh đất thân thuộc ấy, thơ bỗng lúng liếng, bỗng có duyên hẳn lên. Nhưng thách thức lớn của anh bây giờ lại là làm sao kiềm chế cái mạch chảy ấy, làm sao viết chậm, viết kỹ để mỗi bài thơ đứng vững trên thi tứ của mình, chứ không chỉ dừng lại ở “tình huống” thơ, đôi ý thơ lất phất. “Viết chậm” để không bị cái mê hoặc, dễ đánh lừa, dễ lặp lại chính mình khi cái vần điệu “tỉ tê”, hoạt vần lục bát lôi đi. Độ lắng của mỗi câu thơ, sự cần thiết của mỗi từ trong cấu trúc của thi tứ luôn đòi hỏi “bản văn” của thi sĩ. Dù sao, anh cũng đang cho ta một làn hương bảng lảng, ngan ngát, có duyên của Mộc Lan.

Hà Nội, 16/6/2014

TRẦN QUANG QUÝ

LỤC BÁT ĐÊM TRĂNG

 

Cùng em gánh nước cầu ao

Để câu lục bát rơi vào mắt nhau

Trăng thu còn sáng trên đầu

Nửa đêm mộng giấc tìm câu thơ chìm

 

Gánh đời trĩu nặng con tim

Lời chưa kịp nói nén kìm trong nhau

Lỡ làng biết có mai sau

Câu thơ tựa để làm cầu em qua

 

Tuổi xuân dù có phôi pha

Thời gian in dấu nhạt nhòa đắng cay

Trăng vàng thao thức đêm nay

Soi câu thơ cũ nơi này đánh rơi.

Tháng 12/2013

NỢ LAN

Trầm luân gánh nợ hồng trần
Lênh đênh bể khổ níu chân tu hành
Chót vay nặng lãi nên anh
Cả đời vương nợ một nhành mộc lan.

Tháng 11/2013

VẦNG TRĂNG CỔ TÍCH

Em từ cổ tích bước ra
Dịu dàng thắm một nhành hoa nồng nàn 
Môi anh đọng giọt mơ tan
Vầng trăng cổ tích giao hoan động trời.

Tháng 11/2013

THIỀN

Phật hiền có cả nghìn tay
Và nghìn con mắt đong đầy bao dung
Nhân gian nghìn cảnh khốn cùng
Nghìn tay đức phật tọa cung nhập thiền.

Tháng 8 năm 2013

TRÒ CHƠI

Người ta tính số đỏ, đen
Được thua, còn mất, bon chen, khóc cười
Riêng tôi sấp ngửa cuộc chơi
Làm thơ trả cái nợ đời đang vay.

Tháng 11/2013

BÓNG CHIỀU

 

Nhớ thời đá bóng, thả diều

Mải vui để cả buổi chiều mẹ mong

Mẹ chờ cơm tối nao lòng

Con chưa về kịp ngồi trông bóng mình.

Tháng 12/2013

ĐÔI QUANG GÁNH

Lặng thầm vai mẹ đôi quang
Một đời trĩu nặng gánh hàng mưu sinh
Gánh sương mờ, gánh bình minh
Nắng, mưa mẹ gánh bóng mình hoàng hôn
Oằn cong gánh những thiệt, hơn
Kĩu Kà, Kĩu kịt tủi hờn bước chân
Đôi quang lặng lẽ góc sân
Vai gầy mẹ gánh tảo tần đời con.

Tháng 8 năm 2013

BÊN KHUNG CỬA SỔ

Viết tặng con gái Thảo Ly

 

Thôi đừng buồn nhé con yêu

Nắng phai là tím mây chiều hoàng hôn

Con ơi chớ có dỗi hờn

Vì đâu gió nổi gọi cơn mưa nguồn

 

Mai này con sẽ lớn khôn

Sau khung cửa sổ vẫn còn xanh mây

Buồn, vui dẫu có vơi đầy

Mong con hãy nhớ những ngày bên ta

 

Con yêu như một nụ hoa

Tên con ghép với tên cha dịu dàng

Bên khung cửa sổ mơ màng

Câu thơ chở ánh trăng vàng cho con.

Xuân 2014

 

Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/


Exit mobile version