Tác giả của “John đi tìm Hùng” (cuốn sách từng gây tranh cãi và từng được trích để bình trong đề thi đại học) xuất hiện trở lại với một tác phẩm về nuôi dạy con, mặc dù anh chưa từng làm bố. Sách vừa ra mắt, đã dấy lên hai luồng khen chê.
Trần Hùng John viết cuốn sách đầu tiên: “John đi tìm Hùng” hoàn toàn bằng tiếng Anh, sau đó nhờ bạn dịch sang tiếng Việt. Đến cuốn thứ hai, vừa mới xuất bản “Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ”, Hùng đã có thể tự viết bằng tiếng Việt. Hùng nói tiếng Việt vẫn giống như “người nước ngoài”, song lại khẳng định: “tôi viết tiếng Việt tốt hơn nói”.
Chưa từng làm bố song lại viết sách về nuôi dạy trẻ, vì sao anh lại chọn đề tài này?
Chuyên ngành Đại học của tôi ở trường Berkeley (Mỹ) là về tâm lý học trẻ em. Cuốn sách này cũng không phải là sách dạy người khác nuôi dạy con. Nó chỉ là chia sẻ của tôi dưới góc nhìn của một nhà tâm lý, về những phương pháp giáo dục của cả Việt và Mỹ từ khi tôi còn nhỏ.
Tôi lại thấy trong sách lại có rất nhiều mệnh lệnh cách, khiến cho nhiều bố mẹ cảm thấy bị “dạy đời”?
Tôi biết là mình không thể bắt buộc người khác thay đổi, cũng không có quyền đó. Nếu tồn tại những điều như chị nói, có thể là vì tiếng Việt của tôi chưa thành thạo lắm. Tôi sẽ sửa trong lần tái bản tiếp theo.
Anh có hài lòng về cuốn sách mới của mình không?
Nó giống như một đứa con của tôi, tôi yêu nó. Nhưng tôi cảm giác mình vẫn có thể làm tốt hơn nữa!
Tôi đã nghe những người biên tập nói rằng bản thảo chưa phải ở phong độ tốt nhất của anh, song sách vẫn ra. Anh sốt ruột?
Không, không! Tôi đã viết cuốn sách này trong suốt một năm rưỡi, lâu gấp ba lần “John đi tìm Hùng”. Tôi cũng hy vọng các biên tập viên đề ra yêu cầu cao hơn với tôi, song họ không đưa ra các đề nghị chỉnh sửa nào cụ thể cả.
Độc giả đã phản hồi trực tiếp với anh về cuốn sách chưa?
Có rồi, và đa số là phản hồi tốt. Mới đây nhất, trên facebook của tôi, một độc giả gần 80 tuổi đã viết rằng: “Đọc những điều cháu viết, cô nhận ra một số điều ngày trước cô làm đã ảnh hưởng tiêu cực đến con cô! Cô sẽ thay đổi khi ứng xử với cháu của mình”. Vậy là mừng rồi, một cuốn sách của mình mà có thể tác động tích cực đến một vài người, tôi đã coi là thành công.
Vậy chắc anh chưa nghe những phản hồi kiểu này: “một người chưa từng nuôi con thì dạy người khác nuôi con kiểu gì, lý thuyết suông à” (nick Mẹ Bống Tôm).
Tôi đã có kinh nghiệm với những phản hồi kiểu này. Hồi tôi viết “John đi tìm Hùng”, có đoạn “Phần nhiều người Việt có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong” – đoạn đó sau này được lấy để đưa vào đề thi đại học. Lúc đó nhiều bạn đã “mắng” tôi: “mày chẳng biết gì cả. Mày có phải người Việt Nam đâu mà nói như thế”.
Thứ tôi mong muốn khi viết cuốn sách này là cung cấp những thông tin khác về cách nuôi dạy con, và phản biện lại cách dạy con truyền thống của nhiều người Việt, mà tôi đã từng phải chịu đựng. Tôi cũng hình dung được, khi đọc cuốn sách, sẽ có người đồng ý với tôi, có người muốn chửi mắng tôi và quẳng cuốn sách đi. Nhưng xin hãy đồng ý một điều là: chúng ta không nhất thiết phải có chung quan điểm về mọi vấn đề!
Một lời chê nữa nhé: sách của anh nhiều “kết quả nghiên cứu” quá, song lại thiếu những dẫn chứng thực tế, ví dụ trong chương “nên đánh con hay không nên đánh”, tôi thấy GS Nguyễn Lân Dũng viết thuyết phục hơn anh.
(Cười). Tôi lại lo viết nhiều chuyện của cá nhân quá sẽ làm cho người đọc có cảm giác bị dạy dỗ. Về cái chương mà chị nói, khi viết tôi vẫn nghĩ: thỉnh thoảng nên đánh con, đó cũng là một cách dạy dỗ có hiệu quả. Song bác Lân Dũng đã làm tôi thay đổi. Tôi với bác Dũng rất thân thiết, bác yêu cầu mỗi hai tuần tôi phải qua nhà bác chơi một lần. Khi đọc chương này, bác bảo: Không nên ủng hộ trường phái đánh con, bố mẹ bác có tám người con trong đó có bảy người là Tiến sĩ, sáu người là Giáo sư, phó Giáo sư nhưng ông bà chưa bao giờ đánh ai, cũng không mắng chửi nặng lời bao giờ. Tôi đã về đọc lại tài liệu và các nghiên cứu, cuối cùng tôi đồng ý với phương pháp của bác Dũng: chúng ta có thể tìm những cách hiệu quả hơn để dạy con mà không cần dùng đến bạo lực.
Khen và chê đều mạnh
Lần đầu tiếp cận bản thảo của Hùng tôi rất nghi ngờ. Tất cả những điều Hùng viết mình đều biết hết rồi mà, nó có trong hầu hết những cuốn sách về nuôi dạy con khác. Khi đó tôi muốn đặt Hùng viết tự truyện về thời thơ ấu của cậu ấy hơn. Song, khi đọc lại, tôi bắt đầu bị Hùng thuyết phục. Những kinh nghiệm của Hùng rất riêng, gần như chỉ xảy ra ở Việt Nam, do cậu đã từng trải nghiệm, và có điều kiện tham chiếu với các cách nuôi dạy khác, cụ thể ở đây là Mỹ.
Giám đốc NXB Phụ Nữ – Khúc Thị Hoa Phượng
Tôi không thích cuốn này của Hùng, tôi thấy cậu ấy chưa nuôi con nên không hiểu tường tận. Ví dụ nói: đừng cho con học nhiều quá, nhưng trong hoàn cảnh như ở Việt Nam, nếu không muốn con bị “trù”, vậy hãy cho chúng tôi một giải pháp đi. Và cậu ấy đã không chỉ ra được những cách cụ thể. (Trần Hà Phương – Ngân hàng Vietinbank).
Tôi học được vài điều cụ thể từ “Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ”, ví dụ: âu yếm và nói yêu con mỗi ngày – cảm thấy cảm xúc quả thực tốt hơn. Hoặc là khi chơi với con thì tập trung tinh thần, không cầm theo điện thoại, ipad, tôi thấy con tôi cũng vui vẻ hơn. Riêng về việc giáo dục giới tính cho con, tôi nghĩ nên lùi lại hai năm so với đề nghị của Hùng, con 7 tuổi mà nói về “âm đạo”, “dương vật” thì hình như hơi sớm. (Nguyễn Thu Hà – Công ty du lịch Viettravel).
Theo Hạnh Đỗ – Tiền phong