Tôi đến Huế vào những ngày mưa dầm dề, một điều dường như chả bao giờ thấy được vào mùa hè nóng nực tháng 7 ở nơi đây, vậy mà nó lại xảy ra trong chuyến đi của tôi, lần đầu tiên. Mẹ tôi thì cứ liên tục phàn nàn về cơn mưa trái mùa này, nào là mưa ẩm ướt thì sẽ không phơi được quần áo, nào là mưa thế này sẽ không thể đi chơi đâu, mẹ cứ phàn nàn thế, hệt như cái cách mẹ vẫn hay phản ứng ở Hà Nội mỗi khi mưa về, và thế là kế hoạch bị hủy hết, thế là chán.

Tôi lại chả thấy hề hà gì, mưa là thứ duy nhất kéo cái thân thể lờ đờ của tôi đứng dậy, vác máy ảnh đi chụp những bức ảnh chỉ riêng mình tôi ngắm, khám phá những nơi chỉ riêng mình tôi biết. Tôi cứ lao vào mưa hít hà thứ mùi nước ẩm ướt ám đầy trên vùng cố đô.

Tòa thành cổ kính hiện ra chắn ngang tầm ống kính tôi như một điểm định vị “lệch” không dự báo trước…

Không hiểu sao tôi chỉ thấy cung An Định đẹp khi mưa xuống, không phải bình thường nó không đẹp, thậm chí An Định cung còn giống như một đóa hoa ngoại lai kiêu sa vươn mình trong ngày nắng. Chỉ là, dường như dưới mưa, tòa lâu đài kiểu Tây này mới hiện rõ vẻ đẹp đượm buồn của nó. Một vẻ đẹp thấm đẫm trên từng dãy hành lang, từng căn phòng, từng cây cột, giấu mình sau những bức tranh tường khổng lồ…

Trong những lần thăm Huế trước đây, tôi đã từng đắn đo có nên ngó qua An Định một chút để rồi thở phào nhẹ nhõm khi ba tôi không đề cập tới nó nữa. Có thể tôi đã sợ, sợ cái buồn bã dày đặc bám quanh nơi này sẽ vây lấy tôi – một đứa trẻ luôn phung phí thời gian vào việc nghĩ vẩn vơ về quá khứ của người dưng. Cung An Định là lâu đài xinh đẹp trong truyện cổ tích nhưng thật không may, đó là truyện cổ tích buồn.

Lầu Khải Tường chào đón tôi bằng sắc vàng quý phái của hoàng gia, tôi thu mình tận hưởng cái rợn ngợp của sáu bức tranh tường cỡ lớn vẽ lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn mang lại. Cái u buồn bám đuổi tôi theo từng bước chân, khi tôi chạm tay vào từng cổ vật, ngắm từng bức ảnh và lắng nghe câu chuyện từ hơn 100 năm trước. Thời gian ngừng quay và chừa lại khoảng yên lặng để con bé tôi bộc phát tính xấu hay nghĩ linh tinh, An Định cung – nơi từng diễn ra những bữa tiệc linh đình sa hoa và cũng là nơi của những cuộc chia ly. Những giọt nước mắt hoàng tộc đã rơi ở đây, nỗi đau khổ, nuối tiếc và bất lực bị bỏ lại. Cung An Định giống như một chiếc hộp cất giữ tất cả những gì từ rực rỡ đến đổ nát, hỗn độn thành một nỗi buồn không rõ hình thù. Nỗi buồn ấy bị giấu nhẹm sau cái vẻ ngoài nghiêm trang của chính nó, dày đặc, và chỉ trực chờ được tan ra khi mưa về.

Và trong khoảnh khắc nhận ra điều đó, tôi thấy mình chạy nhanh lên phía cầu thang dẫn ra khoảng sân sau với hi vọng ánh sáng của một thành phố Huế hiện đại sẽ giúp tôi xua đi cái u mịch từ phía tòa lâu đài kia, xua đi cái sầu buồn trong lòng tôi.

Tôi đứng dưới đình Trung Lập trú mưa. Cơn mưa nặng hạt rơi trên cung An Đinh như gột rửa vẻ thâm nghiêm chốn cung đình, để lộ ra những giọt nước mắt trong veo của hoàng hậu Nam Phương. Đó có thể là giọt nước mắt nuối tiếc cho vương triều một thời vàng son bị sụp đổ ngay trước mắt, có thể là giọt nước mắt tiễn vua Bảo Đại ra Hà Nội…cũng có thể là giọt nước mắt đau đớn của người phụ nữ khi chứng kiến tình yêu của vị vua hào hoa ấy với người con gái khác. Vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, rồi sau này là Đức Từ cung Hoàng Thái hậu đều rời bỏ nơi đây, từng dấu vết của một thời phong kiến cứ bong đi dần từng chút một theo những giọt mưa ảm đạm. Chỉ có cung An Định là vẫn đứng đó, cố níu kéo lại một thời quá khứ đã qua nhưng tất cả những gì vớt vát lại chỉ là nỗi buồn hoài cổ khắc khoải đang lấp đầy trong kia.

Tôi cầm máy ảnh thu lại hình ảnh tòa lầu sừng sững rung rinh trong màn mưa mỏng ấy…An Định vẫn chỉ đẹp khi mưa xuống mà thôi.

Trần Minh Anh

Exit mobile version