Văn học viết về đề tài lịch sử đã trở thành vấn đề được các nhà nghiên cứu bàn luận khá nhiều trong thời gian qua. Việc xác định ranh giới cho tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử thiếu rạch ròi có nguyên nhân từ việc chưa xác lập được nền tảng lý thuyết đủ mạnh và rõ ràng giữa vấn đề Hư cấu và hiện thực lịch sử. Sự nhập nhằng giữa yếu tố sự kiện trong tác phẩm lịch sử với yếu tố sự kiện trong các văn bản hư cấu đã dẫn đến những ngộ nhận trong khi xác lập đặc trưng thi pháp cho các loại hình nghệ thuật hư cấu về hiện thực lịch sử, hiện thực văn hóa. Vì vậy, việc phân biệt giữa Hư cấu sử ký và Sử ký hư cấu là hướng đi căn bản về nhận thức văn học nghệ thuật.
Hư cấu sử ký (Historical Fiction) không phải là viết lại lịch sử bằng thế giới hình tượng nghệ thuật, mà là sự phản biện và đánh giá lại hiện thực lịch sử (thường là trước đó) bằng một nhãn quan khác và bằng một phương pháp khác, đôi khi đối lập lại hướng đi truyền thống đã cũ mòn. Văn học nghệ thuật trong mối quan hệ với lịch sử đã trở thành đối trọng giữa một bên là hiện thực quá khứ với một bên là hiện thực đương thời, giữa một bên là tư duy sự kiện và một bên là tư duy hình tượng, giữa một bên là yếu tố đã ổn định và một bên là cá tính sục sôi không ngừng đặt ra những nghi vấn về quá khứ. Sự khác nhau căn bản giữa văn học và sử học nằm ở cách thức đánh giá và nhìn nhận về hiện thực lịch sử. Lý luận sử học quan tâm đến sự vận động của các hình thái xã hội được ghi lại trên các di chỉ khảo cổ hoặc trong các tác phẩm sử ký, còn lý luận văn học lại hướng sự quan tâm tìm hiểu sự vận động của đời sống con người được lưu truyền trong các dấu hiệu ngôn ngữ phản ánh tâm sinh lý thời đại.
Các dấu hiệu ngôn ngữ ghi lại những tập quán và lối sống, cách trao đổi thông tin, do đó, nó có xu hướng vượt khỏi tầm kiểm soát của quyền lực chính trị, ẩn mình vào trong quần chúng dưới dạng thức của trao đổi thông tin mang tính quần cư, bầy đàn. Do vậy, trong văn học, sự phát sinh ngôn ngữ mới là tất yếu của quá trình trao đổi thông tin nhóm ấy. Do đặc trưng quần cư, và cộng hữu trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn tả hiện thực lịch sử, cho nên các tác phẩm văn học, đặc biệt các tác phẩm đồng dao, các câu chuyện ngụ ngôn, bình dân đã vượt thoát khỏi sự chỉ đạo của dòng văn chương chính thống theo ý thức hệ xã hội từng thời, đặt để sự độc lập trong việc đánh giá và phán xét chân thực con người, xã hội lịch sử trong các giai đoạn khác nhau của quốc gia, dân tộc.
Còn nhớ, Chinh phụ ngâm khúc là khúc ca bi thương được Đặng Trần Côn xướng họa mang tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đầy mà nhìn nhận lại hiện thực lịch sử Phong Kiến, do đó, hiện thực ấy dựa trên “chiếc áo khoác” mang tính lịch sử. Sự kiện lịch sử chỉ dừng lại ở hình thức gợi mở trong việc đánh giá và nhìn nhận lại một giai đoạn đã qua của vận động sự kiện, tuyệt nhiên không phải là kết luận đáng tin cậy cho phép chúng ta tin là các sử gia phong Kiến đã làm đúng lương tâm và trách nhiệm khi ghi chép lịch sử một cách chân thực. Lịch sử là cái gì đã qua và nhiều bất tín, nó thiếu sự đối chứng đưa con người đến thuyết phục trước các biến cố trọng đại. Vì vậy, nó đã để lộ những khoảng trống nhiều bất cập mà con người cần nhìn nhận và đánh giá lại nghiêm túc. Nhưng chúng ta chẳng thể mang sự kiện để đánh giá lại sự kiện, điều đó chỉ tổn làm cho hiện thực bất tín về sự kiện trở nên rối tung và bế tắc hơn, nó đòi hỏi sự khảo sát tỉ mỉ và sâu sắc trong lòng dân gian – phi chính thống có gốc gác từ chốn quê mùa, với lớp người bình dân còn lưu giữ nét tâm tính, biểu hiện trong tập quán dụng ngôn xa xưa.
Chúng ta cần tôn trọng những khúc đồng dao và những câu truyện ngụ ngôn ngoài nhà trường ấy, cần phải xem đó là một cách tiếp cận và nhìn nhận lại hiện thực lịch sử vốn được/bị xem là đáng tin cậy. Rõ ràng, cảnh số phận cung nữ trong chốn “lầu son gác tía” được ghi lại trong các pho sử đồ sộ không thể sinh động và có cách đánh giá nhiều chiều nghiêm túc bằng việc Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc được. Sự nhạy cảm của ý thức hệ xã hội không cho phép các sử gia phản ánh đúng và miêu tả chân thực nghiêm túc sự kiện lịch sử bị kiểm soát từ nhóm lợi ích quốc gia bằng việc một thi sĩ bình dân hay một sĩ phu “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha” được. Tuy nhiên, để đánh giá và nhìn nhận lại lịch sử, thì nhà văn phải là người có hệ thống tri thức đầy đủ về sự kiện mà mình sử dụng làm chất liệu sáng tạo. Nhà văn trong tình huống sự kiện ấy phải vượt lên trên những lối chép sử thông thường để trở thành nhà phê bình lịch sử, với lối kiến giải thuyết phục thông qua thế giới hình tượng nghệ thuật.
Nhiệm vụ của một nhà Hư cấu sử ký là viết lại lịch sử bằng những cứ liệu hiện thực được gợi mở từ ngôn ngữ văn liệu qua việc sưu tầm và lữu giữ dưới các hình thức chính thống và phi chính thống, dưới dạng phổ biến trong trường học và phổ biến dưới dạng bình dân. Dưới cái nhìn tổng hợp như vậy, sự kiện lịch sử qua con mắt của nhà hư cấu sẽ độc lập với lối chép sử thuần túy. Cần thiết phải hoài nghi tất cả những cứ liệu lịch sử, thậm chí gạt bỏ hoặc cho vào trong ngoặc đơn nhận thức, hướng con mắt tinh tế của một nghệ sĩ tới thái độ phản ứng của lớp sự kiện văn học bình dân, khai thác và tìm ra trong đó cách đánh giá chân xác về hiện thực lịch sử từ nhiều phía. Nhà văn không cần thiết phải tái lặp lịch sử bằng lối minh họa nhân vật huyền thoại, đôi khi họ chỉ cần khai thác đời sống tâm lý của một nhân vật lịch sử mờ nhạt hoặc một nhóm sĩ phu làm cách mạng cũng đủ làm cho hiện tượng lịch sử hé lộ những thú vị, mà khó một tác phẩm sử học nào làm được. Hoặc đôi khi chỉ một thói quen giả tạo từ nhân vật huyền thoại cũng đủ để nhà văn phác thảo phần nào đó mặt trái của đời sống phía bên kia lớp vinh quang hào nhoáng vốn bị các sử gia dẫn dụ, khiến người đời sau quên đi nhiệm vụ phải nghi ngờ về lịch sử. Vì biết nghi ngờ lịch sử là biết nghi ngờ chính mình. Một sự nghi ngờ được hé lộ, kèm theo đó là sự phản tư với tri thức góp phần làm nên lịch sử tinh thần có trong mình. Biết nghi ngờ lịch sử là khúc ngoặt để chủ thể sáng tạo tìm về những giai đoạn văn hóa còn bỏ trống trong nhận thức. Chủ thể sáng tạo bắt đầu từ việc khai mở và viết lại lịch sử với khoảng trống ấy, góp thêm cái nhìn toàn diện về con người, quốc gia.
Người Việt Nam khi đọc Vàng Lửa của Nguyễn Huy Thiệp không thể không ngạc nhiên về cách khai thác những thói quen của Gia Long hay sự xuất hiện lạ lùng của nhân vật tên Phăng. Cách chép sử bằng văn chương hư cấu đã đưa Nguyễn Huy Thiệp trở thành người viết lại lịch sử tư tưởng dân tộc, trả nhân vật huyền thoại trở về với con người thực của nó. Cùng với điều ấy, văn hóa dân tộc cũng được tác giả cấp thêm ý nghĩa sự kiện, cấp thêm cứ liệu giúp các sử gia có lối phản tư và nhìn nhận lại lịch sử. Hội Thề của Nguyễn Quang Thân bị dư luận cấp cho văn bản cái nhìn định kiến, theo tôi là tín hiệu vui của Nguyễn Quang Thân. Bởi vì, tác giả của Hội Thề đã chống lại và phá hủy căn bệnh đánh giá một chiều lịch sử, xác lập chiều khác để phản tư và chất vấn với các số phận bị lịch sử bỏ qua trong nhận thức, là thái độ hoài nghi nghiêm túc với dĩ vãng tưởng như đã ổn định. Những nhà Hư cấu sử ký thường là những chủ thể đeo nặng trên vai mình tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đầy, muốn vượt thoát khỏi lối đi khô cứng đã thành rãnh để bắt đầu lại bằng một lịch sử mới do mình dựng lên. Vì thế, họ thường là những cá nhân đơn độc, chịu nhiều điều tiếng, chịu sự lưu đầy về tinh thần trong con mắt của những nhà chép sử/ hoặc những chủ thể tiếp nhận lịch sử thủ cựu. Tôi yêu thích những tác phẩm Hư cấu sử ký, vì nó thể hiện sự lập thức về văn hóa và xã hội, là khai sáng những “vùng đất” “khoảng không gian” bị lãng quên bởi con người, biến nó thành những “vùng đất chết” và những “không gian xa lạ” trước nhận thức văn hóa , giờ đây, nó được các nhà Hư cấu sử ký khai quật, dựng lên trên không gian và trí tưởng tượng hiện thời, đặt các sử gia vào thế phá sản của nhận thức bảo thủ, hướng họ đến một thế giới mới từ tiếng vọng quá khứ. Ở Việt Nam, chúng ta cần nhiều những nhà Hư cấu sử ký chứ không phải là các nhà Sử ký hư cấu, vì chúng ta là một quốc gia chịu thiệt thòi về lịch sử, do đó cũng chịu thiệt thòi trong nhận thức về chân lí lịch sử.
Vậy còn sử ký hư cấu thì sao?
Sử ký hư cấu (Fiction History) không phải là thái độ phản tư, nhìn nhận lại lịch sử mà là sự tiếp biến của sự kiện lịch sử, nghĩa là, sự kiện lịch sử đã có đấy nhưng chưa đầy đủ, giờ đây nhà Sử ký hư cấu viết tiếp những phần thiếu hụt bằng tâm thức và nhãn quan nghệ thuật đa cảm của mình. Như vậy, trước khi tác giả của dòng Sử ký hư cấu chấp bút để sáng tạo, thì chân lý lịch sử được các sử gia chép lại nghiễm nhiên được thừa nhận và là niềm tin bất biến không thể phá vỡ. Và việc viết tác phẩm Sử ký hư cấu là một động thái khai thác những khía cạnh khác, đóng góp vào sự toàn diện của niềm tin vững trãi đã thành hình trước đó. Loại hình này không được xem là sự sáng tạo lại lịch sử mà là sự minh họa lại lịch sử.
Sử ký hư cấu được xác lập trên niềm tin về ý thức hệ hoặc quá trình thần tượng hóa nhân vật lịch sử, do đó, chủ thể sáng tạo của loại hình này bị lịch sử dẫn dắt và đưa đầy đến khuynh hướng ca ngợi hơn là phê phán các giới hạn từ sự kiện. Một nền Sử ký hư cấu không được xem là làm giàu cho nền văn chương chân chính, ngược lại, nó dựng lên một làn sóng kìm hãm sức bung phá của cái tôi nghệ sĩ thể hiện thái độ phản tư, phán xét của mình về hiện thực lịch sử. Từ khi Hoàng Ngọc Hiến viết Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua đăng trên báo Văn nghệ số 23, ngày 9/6/1979, nhận thức luận văn học của chúng ta đã có nhiều chuyển ngoặt đáng kể từ những năm cuối thế kỷ XX cho tới những năm đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, chỉ năm năm trở lại đây, dường như bóng dáng của nền Sử ký hư cấu lại quay trở lại một cách đột ngột dưới hình thức xét giải thưởng của các cấp cơ quan văn học nghệ thuật. Trong đó, có thể coi Vùng Lõm của Nguyễn Quang Hà và Lính Trận của Trung Trung Đỉnh là những minh chứng. Đây là hai tác phẩm Sử ký hư cấu đậm đặc, thể hiện niềm tin bất biến vào lịch sử, khẳng định giá trị huyền hoại của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ.
Mặc dù với Vùng Lõm, Nguyễn Quang Hà đã chú trọng khai thác đời sống tâm lý các nhân vật, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tác giả để cho nhân vật phản tư nghiêm túc về những gì mà mình đối mặt trong cảnh “nồi da sáo thịt”. Vẫn còn đâu đó trong tác phẩm thái độ chính/ tà theo kiểu đạo đức ý thức hệ, đặt giá trị nhân loại sang cạnh lý tưởng xã hội. Còn với Lính Trận, Trung Trung Đỉnh gợi lại niềm tin lịch sử bằng việc tự sự một cách chủ quan, đôi khi chủ quan đến tỉ mẩn gần với Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học trước những sự kiện lịch sử của dân tộc như trận Plei me – Ia Đrăn. Chiến tranh là chủ đề của lịch sử. Dó đó, nó cũng cần được nhìn nhận và đánh giá khách quan, phi định kiến, phi lập trường ý thức hệ, nó cần được nhìn nhận trên góc độ của Chủ nghĩa nhân bản/ Chủ nghĩa nhân văn và mang tính nhân loại. Đó là sứ mệnh của văn học và là sứ mệnh của con người lịch sử. Nhà văn và văn phẩm phân biệt với sử gia và các pho sách lịch sử ở sự đánh giá, phản tư đúng đắn trước những hiện tượng lịch sử này.
Đặc trưng của dòng Sử ký hư cấu là chú trọng khai thác triệt để các sự kiện, các tích lịch sử đã được huyền thoại hóa bởi con người chính trị và xã hội chính trị hơn là con người nhân tính và xã hội nhân tính, vì vậy, nó khơi gợi ở con người sức cuốn hút có tính vô thức chính trị. Người đọc bị cuốn vào và vô tình minh họa cho những lớp huyền thoại một cách thụ động, bên ngoài hình thức của ý thức tự giác. Tâm lý sáng tạo Sử ký hư cấu mang đặc trưng giai cấp tính rõ ràng. Chủ thể sáng tạo mang vác lý tưởng cách mạng của nhóm lợi ích, từ đó hình thành nên hệ hình thẩm mỹ và hệ hình thi pháp cá biệt mang phẩm tính của con người giai cấp. Tác phẩm của chủ thể sáng tạo trong tình cảnh văn học ấy, tất yếu cũng mang đặc trưng phong cách của ý thức hệ thẩm mỹ có tính giai cấp. Sự phân biệt giữa các tác phẩm thuộc loại hình Sử ký hư cấu nằm ở phân tầng tâm sinh lý và đặc trưng thẩm mỹ có tính giai cấp của chủ thể sáng tạo thông qua/ bằng tập quán sử dụng ngôn ngữ mang đặc trưng ý thức hệ thẩm mỹ/ ý thức hệ xã hội mà họ đang tổn tại. Với tác phẩm Sử ký hư cấu giai đoạn Phong Kiến là “thuật nhi bất tác” “kính nhi viễn chi” đối với văn phong và đạo đức Thánh hiền; với văn chương lãng mạn là “một thung lũng nhỏ” trước Lamartine, “một hòn đảo” trước Rousseau; với văn học hiện thực là “lầm than”, là “cùng cuẫn”; với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là “cách mạng”, “máu và hoa”, là “con người mới”…Tất cả những dấu ấn tâm sinh lý ấy phản ánh sự lặp lại của nhận thức hiện thực, là giải thích sự kiện hơn là sáng tạo sự kiện, là phân tích hơn là chuyển dịch hệ hình tư duy thẩm mỹ, hệ hình thi pháp sáng tạo.
Sáng tạo văn học cần thiết phải khai phóng một thế giới mới dựa trên hiện thực sống mà nhà văn đang tồn tại. Vì vậy, mọi cử chỉ hoạt động của con người đều có tính lịch sử và hàm hỗn yếu tố sự kiện. Lịch sử con người là lịch sử của giống loài, nhưng tất yếu cũng là lịch sử của từng cá nhân độc lập. Văn học muốn vươn tới thế giới mới mang tầm nhân loại (giống loài), thì trước hết, nó phải sáng tạo ra thế giới độc lập dựa trên lịch sử nhận thức cá biệt của từng nhà văn. Dường như rất ít những nhà văn có thể sáng tạo lại lịch sử nhân loại bằng kinh nghiệm nhận thức cá biệt. Để sáng tạo ra thế giới loài người khác độc lập với lịch sử đã qua của nhân loại được các sử gia tạc khắc trong sách sử, thì những nhà văn xuất chúng phải là những người có tầng sâu và dày tri thức về CON NGƯỜI. Ýthức sáng tạo của họ phải chạm sâu đến sự “sợ hãi” và “xót thương” của NHÂN LOẠI, khiến bất cứ ai khi đọc tác phẩm của họ cũng phải rùng mình, có cảm giác nhà văn đó đang viết về mình. Hư cấu sử ký của Franz Kafka là thế giới CON NGƯỜI khác, Những cái ghế của Eugene Ionesco là một thế giới khác, Nôn mửa của Jean Paul Sartre là thiên đường chán chường khác, Những ruồi, Dịch hạch của Albert Camus là vũng lầy khiếp đảm và sợ hãi khác, cho đến tác phẩm Hư cấu sử ký của Nguyễn Du, Đặng Trần Côn cũng là một pho lịch sử sự sống khác…Tất cả những những minh chứng phóng túng ấy mở ra quan niệm đặc thù trong việc phải viết về hiện thực lịch sử như thế nào? Hiện thực lịch sử không phải chỉ là ký ức quá vãng của dòng thời gian, mà nó còn nằm ngay trong chính sự vận động hiện hữu tại thời điểm nhà văn nảy sinh ý tưởng, chấp bút hình thành thế giới của mình – một thế giới mới, nơi có những con người mới độc lập và đối lập với thế giới hiện thực nhiều xáo trộn đương thời.
Do đó, Hư cấu sử ký mới đích thực là văn học, vì nó mang thiên chức sáng thế của nhà văn – điều mà không sử gia hay triết gia nào có thể dễ dàng làm được. Sử gia thuần túy có thể rất thông thạo trong việc tìm ra các quy luật vận động của xã hội, nhưng hẳn rằng, họ chẳng thể sáng tạo ra hình ảnh một con người đứng bên ngoài lịch sử. Một triết gia có thể lập thức về thế giới mới và con người mới, nhưng để cho thế giới ấy tồn tại như thực, để cho con người mới ấy hiện hữu sinh động thì họ không thể mang logic phán đoán ra mà kiến tạo. Đến đây, họ cần phải nhờ đến trí tưởng tượng phong phú và đôi khi là sự mủi lòng cần thiết từ phía người nghệ sĩ. Triết học và văn học từ bao đời vẫn sóng bước không mệt mỏi trên con đường sáng tạo CON NGƯỜI. Nhưng dường như trong mỗi chặng đường của lịch sử sáng tạo ấy, triết học vẫn lầm lũi, bế tắc vì thiếu sự khai mở phóng túng của ngôn ngữ văn chương, mà ép mình vào thuật ngữ trúc trắc, tối tăm và khó hiểu. Trong khi đó, văn học đã nhìn thấy trong triết học vùng khuất lấp của con người mà các triết gia đã có công trầm tư , giúp họ đưa vùng khuất lấp ấy lên trên sân khấu nghệ thuật cuộc đời. Các nhà văn đã chỉ đạo, dàn dựng, biến những con người duy lý trở thành những nhạc sĩ tài ba hay chàng thi sĩ đa tình uyển chuyển, cứu rỗi nhân loại ra khỏi hiện thực lầm than, bế tắc.
Tuy nhiên, bản năng của người nghệ sĩ từ bao đời vốn thế, dù biết rằng mục đích cuối cùng mà tác phẩm của họ hướng đến cũng là vì muốn sáng tạo ra CON NGƯỜI, nhưng thật hiếm những cá nhân văn nghệ nào chỉ dừng ở mức độ thuần túy ấy, họ luôn muốn tâm hồn mình vượt khỏi phạm vi xây dựng lý tưởng vị nhân bản, vị nhân sinh để mang vác những sứ mệnh mà họ cho là “lớn lao” và “vĩ đại” là vị xã hội, vị thế giới. Có những nhà văn đã bước qua ngưỡng cửa của thứ “Chủ nghĩa lý luận vị con người” để trở thành chiến binh vĩ đại đấu tranh vì xã hội hòa bình, bác ái và tự do. Tác phẩm của họ là sự tương liên hòa hợp giữa nhiệm vụ của nhà Sử ký hư cấu, minh họa thế giới sự kiện, để rồi đứng bên trên sự minh họa ấy mà sáng tạo và thông điệp đến con người về thế giới mới do họ dựng lên trong vai trò của nhà Hư cấu sử ký. Iliad và Odyssey của Homère là tác phẩm vĩ đại, ông đã phối hợp nhuần nhuyễn giữa Sử ký hư cấu và Hư cấu sử ký. Chiến tranh và hòa bình của Liev Tolstoi là tác phẩm vĩ đại khác và cho đến Người mẹ của Maksim Gorky cũng là tác phẩm vĩ đại theo một hướng không giống Liev Tolstoi hay Homère…
Không phải người văn nghệ nào cũng làm được việc to lớn ấy, biết bắc những nhịp cầu tương liên giữa thế giới sự kiện của dòng Sử ký hư cấu với thế giới tưởng tượng do nhà văn cấp nghĩa của dòng Hư cấu sử ký. Nhiều nhà văn đã nhầm lẫn trong việc nhân danh vị con người để sáng tạo lịch sử thành một thế giới mới, nhưng kỳ cùng, khi tác phẩm của họ phơi bày và phóng thể ý nghĩa của nó ra trước bạn đọc thì nó lại trở thành văn bản Sử ký hư cấu. Ở đây không phải là thái độ bất nhất trong cách miêu tả con người của nhà văn, mà là, họ chưa thực sự quy giản con người chính trị và con người xã hội trong mình để trở về trạng thái khởi thủy của con người nhân tính và con người nhân loại. Do đó, con người trong tác phẩm của họ được khởi động và bị dẫn dắt vào một tình huống, điều kiện xã hội thiên về lợi ích chính trị hoặc hướng lý tưởng đến một quốc gia/ nền văn hóa mà ý thức hệ thẩm mỹ hiện thời chi phối. Những tác phẩm ấy đã tự làm nghèo giá trị trong mình khi vướng chân vào vòng tròn luẩn quẩn của thể loại Chính trị hư cấu, mà chúng tôi sẽ đề cập sâu hơn trong loạt bài “Hư cấu chính trị và Chính trị hư cấu”.
Chúng ta cần những tác phẩm Hư cấu sử ký hơn là những tác phẩm Sử ký hư cấu, vì chúng ta cần hướng đến và mong được sống trong một thế giới mộng mơ của hoa và mật, thoát ra khỏi hiện thực buồn chán chứ không phải mong được trở về với đau khổ và tù túng để giải thích, rồi ca ngợi sự đau khổ và bế tắc ấy. Chúng ta cần một thiên thần biết sám hối và từ khước sự bế tắc của lịch sử chứ không cần một “Lời kinh” khiến ta phải phụng vụ một “đức tin” vốn đã không còn hợp lý nữa. Chúng ta khao khát được sống trong thế giới của “Người với người sống để yêu nhau” chứ chẳng cần minh họa cho một thế giới văn minh mà vô tình đẩy mình trở thành đồng phạm của “Thời của những kẻ giết người”. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải tự quy giản và đưa tinh thần mình vượt thoát khỏi lối giải thích phù phiếm về một hiện thực đã quá nhàm chán, để hướng đến thế giới mới của mộng và tình bằng việc giải – hiện thực và phá vỡ những quy phạm cứng nhắc không còn phù hợp trong sáng tạo.
Chúng ta cần những thi sĩ biết đi bằng đôi chân nhân tính chứ không phải là những văn nhân tư duy bằng công thức toán – vật lý về hiện thực bế tắc bên ngoài. Văn học cứu vớt tinh thần nhân loại bằng việc mở ra một thế giới mới, nơi con người có thể hướng niềm tin và bấu víu vào đó giống như người bơi giữa biển cả đang oằn mình cứu chụp lấy tảng băng vô tình trôi lướt qua. Ý nghĩa nhân văn của văn học là ở chỗ đó. Con người không mong và cũng không kỳ vọng quá nhiều ở phía một văn nhân hay một thi sĩ mang vác sứ mệnh lớn lao là phải làm cuộc cách mạng đổi thay xã hội hay mở ra những kho cứu tế cho con người vượt quá tầm nhận thức chỉ vì lý tưởng ấm no cho nhân loại, đơn giản, chúng ta mong ở họ một liều thuốc tinh thần đủ mạnh để giải độc những đám cháy lương tâm, góp phần hạn chế các chấn thương tâm lý của đời sống hiện đại. Chỉ như vậy thôi, văn chương đã làm tròn trách nhiệm và sứ mệnh của một thiên thần sự sống, hướng tới con người và cải tạo xã hội bằng ngôn ngữ thánh thiện, hướng chúng ta đến thế giới tự do của tưởng tượng và tự khám phá mình.
Nguồn:Vanvn.net