Nguyễn Thị Thu Hồng – nickname Sakuravn và một số tác phẩm
PV: Được biết chị học ngành Quản trị Kinh doanh – một ngành không có “liên quan” gì tới văn học nghệ thuật, vậy tại sao chị lại có hứng thú với văn học và công việc sáng tác?
Hồng Sakura: Giống như việc ai đó muốn có một cái áo như mình mong muốn mà tìm không nơi nào bán thì họ sẽ ước gì mình có thể tự may được. Tôi cũng thế, muốn đọc một câu chuyện khác với những chuyện người ta đã và đang viết, thì chỉ có cách là tự sáng tác ra, trước hết là để mình tự đọc, sau đó thì muốn chia sẻ thành quả với vài người khác, và bây giờ thì đã kể cho rất nhiều người rồi.
PV: Những tác phẩm của chị như “Xu Xu, đừng khóc!”, “Đài các tiểu thư”, “Bạch mã hoàng tử”… đều đề cập tới lứa tuổi teen với cuộc sống, sinh hoạt rất đời thường. Những buồn vui của các cô cậu teen hiện lên chân thật như những gì vốn có. Chị có thể cho biết tại sao chị thường xuyên chọn đề tài này?
Hồng Sakura: Thực ra thì, tôi không lựa chọn dòng văn học để viết, mà do năng khiếu hay phong cách của tôi phù hợp với dòng văn học đó nên tự nhiên hình thành hướng đi mà thôi.
PV: Liệu Xu Xu có phải chính là hình ảnh của chị “thời áo trắng”?
Hồng Sakura: Một phần nào đó thôi. Mình không có mấy “hot boy” vây quanh thế đâu.
PV: Chị có cho rằng có điều gì mình muốn thể hiện ở các nhân vật, ví dụ Xu Xu, Lo Lo, La La, Du Du… chưa thật đạt? Đặc biệt nhân vật ông nội của Xu Xu – liệu ông có quá tươi trẻ so với tuổi?
Hồng Sakura: Sự hiền lành của Xu Xu có vẻ như mình chỉ mang đến được một hình ảnh Xu Xu khù khờ và không khiến người ta tin được là có cô bé như thế trên đời. Còn nhân vật ông nội, mình đã mô tả được một ông nội vui tính, yêu thương Xu Xu theo kiểu hay trêu chọc cô cháu gái mới lớn thôi. Ở những góc cạnh khác, ông vẫn khó tính và xét nét kiểu người già. Mình rất hài lòng với nhân vật này.
PV: Tại sao chị lại rất thích sử dụng ngôn ngữ biểu cảm thông qua biểu tượng smile (^_^) trong tác phẩm – một điều mà chưa tác giả Việt Nam nào dám thực hiện trước đó?
Hồng Sakura: Mình thấy những ký tự này thú vị, dễ thương và lạ. Việc mình đưa vào tác phẩm là tự nhiên thôi chứ không có dụng ý rõ rệt.
PV: Trong các tác phẩm, chị rất hay đặt ‘tít’ truyện bằng tiếng Anh, như If you are here, Forgive me, I love you… và một số các câu văn bằng tiếng Anh trong tác phẩm. Bên cạnh đó còn có cả các ngôn từ rất “xì-tin” (dzui, dzi, kà, ạh…) Theo chị, điều này có ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt không?
Hồng Sakura: Cách viết “dzui” hay “dzị” hay “àh” mình dùng trong lời thoại của nhân vật, thể hiện phần nào chất giọng miền Nam và bối cảnh giao tiếp, cũng như tính cách của nhân vật. Nếu bảo nó ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt, thì hãy chỉ ra nó “đen tối” ở chỗ nào, nhất là so với các từ lóng mà một vài nhà văn hiện nay vẫn dùng cho các nhân vật của họ.
Dùng tiếng Anh trong giao tiếp, nhất là trong các mối quan hệ thân thiết hiện nay không phải là điều xa lạ. Tiếng Anh đôi khi giúp người ta bộc lộ được những điều mà nếu dùng tiếng Việt họ sẽ khó nói hơn. Thỉnh thoảng sử dụng các câu tiếng Anh trong truyện của mình chỉ là giúp cho văn phong tự nhiên và gần gũi với giới trẻ. Mình không lạm dụng tiếng Anh, mình vẫn viết truyện bằng tiếng Việt, bối cảnh Việt, nhân vật Việt và tôn trọng các chuẩn mực ngữ pháp, từ vựng của tiếng Việt.
PV: Sau một seri truyện được Công ty Truyền thông Hà Thế (liên kết NXB Hội Nhà văn và NXB Thời Đại) xuất bản và phát hành thành công, chị có ý định theo con đường viết văn chuyên nghiệp không?
Hồng Sakura: Viết văn nghiệp dư hay chuyên nghiệp ngày nay cũng không có quá nhiều phân biệt, theo ý kiến chủ quan của mình. Điều quan trọng là bạn có ý thức và trách nhiệm với những gì mà bạn viết ra hay không. Mình vẫn thích làm một tác giả nghiệp dư hơn.
PV: Hiện tại, được biết chị đã hoàn thành cuốn truyện dài “Lãng tử gió”, sau tác phẩm này, chị có thể bật mí dự định trong thời gian tới?
Hồng Sakura: Việc này mình không thể nói trước được. Nhưng mình vẫn thích viết về đề tài tình bạn-tình yêu của giới trẻ và mình sẽ tiếp tục đến khi nào cạn nguồn sáng tạo thì thôi.
PV: Cám ơn chị! Chúc chị thành công trong công việc và trong cuộc sống. Hy vọng chị sẽ có những tác phẩm hay dành cho tuổi teen!
Vương Quốc Hùng thực hiện
Bài đã đăng trên Văn học Quê nhà.