Hồng Sakura không còn xa lạ trên các diễn đàn văn học mạng với hàng loạt tác phẩm đã được phổ biến. Tuy nhiên, chị khá lặng lẽ, ít phát ngôn lộ diện cả trên diễn đàn và trước truyền thông.

Gần đây, các tác phẩm của Hồng Sakura lần lượt được xuất bản dưới dạng sách giấy, riêng cuốn “Xu Xu đừng khóc!” đã được tái bản nhiều lần. Viết tới 5 cuốn sách, có lượng bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, đông đảo nhưng Hồng Sakura cho biết, chị chưa bao giờ tự nhận mình là nhà văn.

Tôi không có ý định “tự sướng”

– Chị bắt đầu sáng tác từ khi nào?

– Cách đây gần 10 năm, khoảng 2004, khi tôi bắt đầu làm quen với những diễn đàn sáng tác trên mạng. Lúc ấy trẻ, mơ mộng nên có rất nhiều nguồn cảm hứng và ý tưởng, nhưng khả năng diễn đạt và văn phong thì còn vụng về tùy tiện lắm.

– Nếu không có Internet, liệu chị có viết văn?

– Tôi nghĩ chẳng ai biết được chính xác những điều giả định vốn không xảy ra trong quá khứ. Nếu không có Internet, có thể tôi sẽ không viết vào năm 2004, mà vào một thời điểm gần đây, hoặc ngày nào đó ở thì tương lai. Những đam mê tiềm tàng trong chúng ta đến một lúc nào đó rồi cũng sẽ bộc lộ. Tác động khách quan như phương tiện, thời cơ, điều kiện… chỉ như chất xúc tác khiến ta hành động nhanh hoặc chậm hơn mà thôi.

– Theo chị, giữa một tác giả sách mạng và một tác giả sách giấy có khác biệt gì?

– Tôi nghĩ ít nhất thì thói quen sáng tác của họ sẽ khác nhau. Một đằng có xu hướng đưa truyện lên blog, diễn đàn… để độc giả theo dõi và bình luận về câu chuyện ngay sau khi viết xong một chương – đoạn nào đó, một đằng lại chỉ công bố tác phẩm khi toàn bộ câu chuyện đã kết thúc và biên tập hoàn chỉnh.

Nói về những điểm khác biệt khác, với phạm vi quan điểm một chiều, tôi không muốn đưa ra so sánh để tránh võ đoán về tính chất công việc của người ta.

– Theo chị, độc giả quan tâm và hưởng ứng những gì Hồng Sakura viết ra là vì điều gì?

– Tôi nghĩ điểm riêng của truyện của Hồng Sakura là vừa ảo vừa thật. Cái ảo không quá xa vời, cái thật không quá trần trụi. Tùy theo mỗi người, họ sẽ tin hoặc không tin, nhưng ít ra là họ thích, khiến họ lạc quan và quên bớt muộn phiền. Mặt khác, có lẽ cách tôi sử dụng ngôn ngữ đời thường và một ít hài hước đã mang lại cảm giác thoải mái dễ chịu cho người đọc.

Tác giả Hồng Sakura.

Tác giả Hồng Sakura.

– Chị có nghĩ những người đọc chị là để tìm những thứ không có trong cuộc đời?

– Tôi không nghĩ vậy, mà là ngược lại. Phần lớn trong số độc giả chia sẻ với tôi lý do họ đọc sách của Hồng Sakura là vì họ tìm thấy hình ảnh của mình hoặc bạn mình trong đó. Thậm chí có vài người bảo rất giống, rất thật như thể đó là những tháng ngày đã qua của cậu ấy hay cô ấy. Nếu tìm những thứ không có ở cuộc đời thì người ta đọc Harry Potter hay kiếm hiệp Kim Dung sẽ hay hơn.

– Và chính bản thân Hồng Sakura, viết văn có phải là cách để chị xây dựng một thế giới lý tưởng của riêng mình?

– Thế giới lý tưởng của Hồng Sakura không đơn giản như thế. Tôi không có ý định “tự sướng” với một thế giới do mình tạo ra. Viết văn với tôi chỉ là để trí tưởng tượng và óc sáng tạo có chỗ vẫy vùng. Tuy nhiên, phải thừa nhận, tôi ít nhiều hy vọng bạn đọc trẻ tin rằng cuộc sống có thể đang thử thách bạn, nhưng một ngày nào đó nếu bạn xứng đáng, bạn sẽ có hạnh phúc như bạn trông đợi.

Neo mình lại những lúc muốn buông xuôi

– Hiện tại chị đang viết gì?

– Một vài tạp bút, tản văn và một truyện dài mới.

– Vẫn là hình thức cống hiến cho độc giả mạng trước khi thành sách giấy?

– Tôi vẫn sẽ đăng trên mạng trước khi in sách, nhưng điều này không hẳn là cống hiến cho độc giả, mà vì bản thân tôi thích hình thức đó.

– Một lúc nào đó liệu Hồng Sakura sẽ viết một tác phẩm từ đầu đến cuối để in sách chứ không đưa lên mạng trước nữa?

– Có thể một lần nào đó tôi sẽ in sách trước khi đưa lên mạng như một món quà bất ngờ dành cho độc giả, cũng như để thay đổi không khí một chút. Tuy nhiên đó không phải là điều tôi hướng đến. Tôi luôn muốn đọc phản hồi trên mạng với từng đoạn cao trào của truyện mà mình vừa cho ra lò – nóng hổi, hồi hộp và tràn đầy cảm xúc. Cảm giác ấy thực sự rất thú vị.

– Nhưng bản quyền sách điện tử sau này cũng là một vấn đề các tác giả cần lưu tâm. Chị nghĩ sao?

– Tôi rất hiểu cảm giác của những tác giả đã dành bao công sức cho ra đời một cuốn sách và rồi sau đó nhìn thấy nó được đăng tải miễn phí tràn lan trên mạng dưới dạng ebook. Nhưng đó là điều rất khó tránh khi Internet ngày nay được xem như một thế giới không biên giới với hoạt động chia sẻ từ thông tin, kiến thức đến mọi thứ khác. Cá nhân tôi không gay gắt lắm với vấn đề bản quyền sách điện tử hiện nay, vì tôi cũng biết, đối với học sinh sinh viên nghèo thì việc bỏ ra vài chục nghìn để mua một quyển tiểu thuyết đọc gần như là điều xa xỉ. Nói tóm lại, tôi ủng hộ đơn vị nào đó có khả năng phát triển thị trường sách điện tử một cách bài bản và hiệu quả, để người yêu sách có cơ hội đọc sách với giá rẻ hơn mà vẫn đảm bảo quyền lợi tác giả không bị thiệt thòi.

Trang bìa một cuốn sách của cô.

– Viết văn đã cho chị những gì?

– Những người bạn ở mọi miền đất nước. Có những người bạn lớn, tuổi anh tuổi chú, có những người bạn trẻ thua mình hơn một con giáp… nhưng ai nấy đều nồng hậu, dễ mến và chân thành. Những mối quan hệ ấm áp mà nếu không viết có lẽ tôi chẳng bao giờ có được. Viết văn cũng đôi khi giúp tôi giải tỏa nỗi buồn, neo mình lại những lúc muốn buông xuôi và trôi đi.

– Tại sao chị không đồng nhất đam mê và định hướng nghề nghiệp, bởi thứ mà chị đã học ở Đại học không hề liên quan đến văn học?

– Điều đó là hoàn toàn bình thường trong xã hội trẻ và năng động này. Có nhiều người học văn hóa nghệ thuật, nhưng cuối cùng lại đi kinh doanh. Có người học luật, nhưng về sau lại được biết đến như một người mẫu. Có người sống được với đam mê, có người không, nhất là khi đam mê đó không đủ để nuôi sống họ. Tôi định hướng nghề nghiệp trước khi phát hiện đam mê viết lách của bản thân, và với tôi, nghề nghiệp hiện tại phần nào giúp mình có thêm điều kiện trải nghiệm, cảm nhận cuộc sống, mang vào những trang viết riêng. Suy cho cùng, tôi đam mê nhưng không định và không dám trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, tôi thích viết một cách tùy hứng và theo cảm xúc riêng chứ không gánh trọng trách phản ánh xã hội theo nhiều đề tài như điều mà hầu hết nhà văn đích thực đang làm.

– Chị quan tâm thế nào đến đời sống văn học?

– Đời sống văn học đối với tôi rộng lớn quá tầm, với lại không phải cứ quan tâm là có thể thấu đáo được. Với sở thích và chút duyên với văn chương, tôi chỉ có thể lưu tâm đến một góc nhỏ của đời sống văn học Việt hôm nay – như văn học mạng chẳng hạn, nơi mà có thể tôi cũng là một trong những người góp phần tạo ra xu hướng cho nó.

– Sau 5 cuốn sách đã viết, chị rút một “công thức” nào trong việc chinh phục độc giả?

– Một cốt truyện hay, dễ thương và gần gũi + những nhân vật có hồn riêng, không hoàn hảo nhưng sống động + phong cách diễn đạt lôi cuốn của tác giả.

Hồng Sakura tên thật là Nguyễn Thị Thu Hồng, sinh năm 1982 tại TP HCM. Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh. Hiện chị làm việc tại SINO CHANNEL ASIA LTD. Sách đã xuất bản: Xu xu, đừng khóc (2009); Đài các tiểu thư (2010); Bạch mã hoàng tử (2010); Nếu em ở đây (2011). Sắp xuất bản: Tha thứ cho anh, yêu emForgive me, I love you. Tất cả những sáng tác của Hồng Sakura đều được chị viết, chia sẻ trên blog và các diễn đàn văn học mạng dưới nickname Sakura.vn. Các tác phẩm sách giấy của chị đều do Công ty truyền thông Hà Thế ấn hành.

Dương Tử Thành thực hiện

Nguồn: eVan.


Exit mobile version