Hồng Lâu Mộng được đánh giá là “tuyệt thế kì thư” phản ánh toàn diện và sâu sắc xã hội, con người Trung Hoa giai đoạn mạt Thanh khi đứng bên bờ vực suy vong, sụp đổ.

Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc trong Hồng lâu mộng (1987)

Tác phẩm được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 khi triều đại phong kiến đã bắt đầu mục ruỗng và đi tới hồi kết. 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau do Cao Ngạc viết.

Dưới thời Ung Chính, Càn Long (1723 – 1795) kinh tế Trung Quốc phát triển, nền kinh tế tư bản đã manh nha xuất hiện trong khi chế độ phong kiến đang trên đà tan rã. Từ hoàn cảnh xã hội đó, tầng lớp thị dân thành thị đã ra đời với những nhu cầu thẩm mĩ văn hóa mới. Hồng lâu mộng chính là sự chú trọng vào cuộc sống tinh thần của người thành thị, thể hiện tinh thần dân chủ, phê phán xã hội phong kiến mục nát, phê phán giáo điều cổ hủ, đòi tự do yêu đương và tự do hôn nhân, giải phóng cá tính, khao khát bình đẳng, sống có lý tưởng cá nhân…


Nàng Lâm Đại Ngọc

Tào Tuyết Cần vốn dòng dõi đại quý tộc, gia đình đời đời làm quan to thu thuế ở Giang Ninh. Năm lần vua Khang Hi tuần du Giang Nam thì bốn lần ngự tại Tào phủ. Cuộc sống trong phủ vô cùng xa hoa vương giả.

Họ Tào vốn có truyền thống văn chương thi phú, tổ tiên có nhiều người là danh sĩ nổi tiếng. Nhưng đến đời Tào Tuyết Cần, thời kỳ giàu sang huy hoàng của gia đình đã chấm hết. Cha Tào Tuyết Cần mắc tội, bị tống giam, tịch biên tài sản. Tào Tuyết Cần cùng những người thân khác trong gia đình sống những ngày cay đắng trong cảnh nghèo khổ.


Giả Bảo Ngọc

Mười năm cuối đời ông dồn toàn bộ trí lực để viết nên kiệt tác Hồng lâu mộng, tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc. Ông viết trong cảnh cùng khốn, ốm không tiền mua thuốc, con chết. Khi ông chết, tác phẩm chưa hoàn thành và không được công bố. Hai mươi tám năm sau, Cao Ngạc dựa vào di thảo của ông để hoàn thành nốt 40 hồi cuối.

Cốt truyện dựa trên câu chuyện có thực của dòng họ Tào trước đây, là tác phẩm tự sự lớn của tác giả, vừa thể hiện sự nuối tiếc một thời vàng son, vừa phản ánh bản chất xã hội phong kiến Trung Quốc đương thời. Tào Tuyết Cần viết Hồng lâu mộng để bày tỏ và giải tỏa nỗi “cô phẫn” trong lòng. Ông đã dồn hết sinh lực và tâm huyết cuối đời vào Hồng lâu mộng.

Hồng lâu mộng là bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn. Cái vẻ ngoài tôn nghiêm, nề nếp không che được thực chất mục ruỗng của giới thượng lưu trong Giả phủ. Cuộc sống xa hoa, dâm ô của giai cấp bóc lột với những mối quan hệ tàn nhẫn giữa người với người đã khiến Giả phủ tựa con thuyền đắm, không cứu vãn được. Đó cũng là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc thời mạt Thanh. Tào Tuyết Cần là nhà văn hiện thực phê phán, ông đã báo hiệu buổi hoàng hôn của chế độ phong kiến Trung Quốc. Với nhãn quan của một nhà văn có tinh thần dân chủ, ông đã nhìn thấy những con người mới mang tư tưởng phản truyền thống. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc là những đứa con “bất hiếu”, những thanh niên sống “ngược dòng”, họ chống lại quan niệm trọng nam khinh nữ, chán ghét khoa cử công danh, họ chỉ theo đuổi cuộc sống tự do, không bị khuôn phép ràng buộc. Họ yêu nhau vì chính tư tưởng phản nghịch đó. Đó là cuộc đấu tranh âm thầm giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ thời kỳ đầu và tư tưởng phong kiến cố hữu.

Tiết Bảo Thoa

Hồng lâu mộng có hai thế giới đối sánh: “thế giới mộng tưởng” và “thế giới hiện thực” mà cụ thể là thế giới trong và ngoài Đại Quan Viên. Tào Tuyết Cần dùng nhiều cặp từ đối nghịch để thể hiện sự khác biệt giữa hai thế giới: “thanh” và “trọc”, “tình” và “dâm”, “chân” và “giả”, mặt trái và mặt phải của “phong nguyệt bảo giám”. Đại Quan Viên là một thế giới lý tưởng siêu thực, một vườn địa đàng mà họ Tào dựng lên trong trí tưởng tượng.

Đại Quan Viên là khu vườn mà họ Giả xây nên để 12 cô thanh nữ quý tộc xinh đẹp ngọc ngà của nhà họ sống trong đó, cách biệt với thế giới bên ngoài với hi vọng bọn họ sẽ ở lại trong đó, sống những tháng ngày tiêu dao, vô ưu vô sầu, không nhuốm mùi bẩn thỉu của cuộc đời đen bạc và không bị lũ đàn ông quý tộc lắm thói hư tật xấu dòm ngó tới. Họ Tào muốn các nàng giữ mãi tuổi thanh xuân, ở lại trong Đại Quan Viên và không bị gả đi đâu cả.

Thế giới lý tưởng Đại Quan Viên của 12 thanh nữ và chàng Bảo Ngọc

Đại Quan Viên là thế giới lí tưởng của Hồng lâu mộng, trong tâm khảm của Giả Bảo Ngọc và 12 cô thanh nữ, đây mới là thế giới duy nhất có ý nghĩa. Đối với họ, thế giới bên ngoài Đại Quan Viên coi như không tồn tại, nếu có cũng chỉ toàn những điều xấu xa, tiêu cực mà thôi. Bởi vì bên ngoài Đại quan viên (ám chỉ Hội Phương Viên) chỉ toàn những thói đời bẩn thỉu và đoạ lạc.

Trong tác phẩm, Giả Xá có thể xem là một trong những con người nhơ bẩn nhất bên cạnh Giả Trân, Giả Liễn, Tuyết Bàn… Giả Xá ép cưới nàng hầu Uyên Ương làm thiếp khiến nàng phải thắt cổ tự vẫn vì không chấp nhận được việc phải lấy một kẻ dâm loạn làm chồng. Tập Nhân đã kết án Giả Xá: “Ông lớn háo sắc quá. Mặt sạch một chút là ông ta đã không tha rồi”. Những cảnh dâm loạn của Giả Liễn thường được đặc tả trong phim cho thấy bản tính dâm ô cố hữu của bọn người sống nhàn nhã trên áp bức và bóc lột địa tô. Cuộc sống trống rỗng khiến bọn chúng ngày đêm chỉ toàn nghĩ đến những chuyện giành giật, lừa gạt, dâm dật, tự tử, tội ác… Một vài khuôn mặt lương thiện xuất hiện, đa số đều thuộc tầng lớp dưới, như già Lưu, Tập Nhân… Phủ họ Giả vì thế mà không thoát khỏi sự sụp đỗ tất yếu của nó. Đây chính là cách nói ẩn dụ giàu hình ảnh về xã hội phong kiến thời mạt Thanh đã đi đến tận cùng khí số, chuẩn bị bước tới hồi kết cuối cùng.

Thế giới hiện thực nhơ bẩn ở Hội Phương Viên

Vườn ở phủ Đông trong Hội Phương Viên cũng là nơi bẩn thỉu, đúng như câu nói của nhân vật Liễu Tương Liên: “Trong phủ Đông nhà chúng mày, ngoài hai con sư tử đá trước cổng phủ là sạch, còn thì đến mèo chó cũng bẩn cả”. Trước khi có Đại quan viên, rất nhiều việc lớn trong Hồng lâu mộng đều diễn ra ở Hội Phương Viên, đây là nơi bẩn thỉu, nhơ nhuốc có tiếng, là nơi để các lão thiếu gia rượu chè hành lạc. Chỉ cần xem cảnh tổ chức đánh bạc, uống rượu và dâm ô với hầu trai của bọn Giả Trân là đủ biết. Đây cũng là nơi sinh ra những chuyện bất chính giữa Tần Khả Khanh và Thuỵ Châu, giữa Hy Phượng và Giả Thụy.

Hội Phương Viên là nơi ô uế của thế giới thực tại, đối lập với thế giới lí tưởng thanh sạch Đại Quan Viên. Tào Tuyết Cần một mặt sáng tạo thế giới mộng tưởng, muốn thế giới lí tưởng đó mãi mãi tồn tại giữa chốn nhân gian, mặt khác, ông lạnh lùng miêu tả một thế giới hiện thực đối sánh với nó. Tất cả sức mạnh của thế giới hiện thực đó liên tục tấn công phá huỷ thế giới lí tưởng.

Chữ Tình trong sạch, thanh khiết ở Đại Quan Viên

Điển hình là nhân vật ni cô Diệu Ngọc, một trong những kỳ nữ thanh sạch đệ nhất trong thế giới lí tưởng Đại Quan Viên, nhưng sau khi thế giới đó tan vỡ, cô lại là người lưu lạc vào chốn ô uế nhất của thế giới hiện thực.

Hồng lâu mộng miêu tả quá trình hình thành, phát triển và cuối cùng tan vỡ của thế giới lí tưởng Đại Quan Viên. Thế giới lí tưởng đó ngay từ đầu đã không tách rời khỏi thế giới hiện thực: Đại Quan Viên hoa thanh quả khiết vốn được xây trên cái nền bẩn thỉu Hội Phương Viên. Trong suốt quá trình 12 chị em thanh nữ vun đắp phát triển khu vườn, hoa thanh quả khiết của họ cũng không ngừng bị rình rập, bẻ phá bởi bàn tay nhớp nhúa từ bên ngoài. Thanh khiết mọc lên từ ô uế, sau cùng cũng đành rơi rụng giữa ô uế. Đó chính là ý nghĩa trung tâm của bi kịch Hồng lâu mộng. Đó là sự bế tắc của những con người trẻ tuổi, khát khao lý tưởng sống mới nhưng cuối cùng đành bị khuất phục bởi họ đang ở trong bóng đêm suy tàn của ngày cũ, chưa thể đứng trong áng sáng ban mai của ngày mới, đó là yếu tố bi kịch của lịch sử trùm lên bi kịch cuộc đời của tất cả các nhân vật.

Tiểu thuyết được dựng thành phim, ngay khi ra mắt bộ phim Hồng lâu mộng đã gây tiếng vang ở khắp Trung Quốc và nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo Cultural China

Nguồn: Dân trí

Exit mobile version