Cát Phương
Nhiều người sẽ cho rằng, khi đưa thơ của một nhà thơ nước ngoài vào âm nhạc cổ truyền Việt Nam là điều không tưởng. Ấy vậy mà sau sáu tháng miệt mài sáng tạo, các nghệ sỹ và người dịch đã tạo nên sự kết hợp tuyệt vời.
Những khát vọng tình yêu ngân vang trong Tương tư khúc, hay chất chứa hy vọng trong điệu cô Bơ, rồi vỡ mộng ghen tuông trong “nói lối-chiến đổ ai về”… được thể hiện qua sự kết hợp tinh tế giữa thơ Đức và âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Đó là những gì mà khán giả cảm nhận được trong “Đêm thơ Heine với âm nhạc cổ truyền Việt Nam” do nhóm Đông Kinh cổ nhạc biểu diễn qua lời thơ dịch của Chu Thu Phương tại Viện Goethe vừa qua. Mười bài thơ trong tập Khúc đệm trữ tình của Heinrich Heine (Nhà thơ nổi tiếng của Đức) lồng vào trong năm điệu thức âm nhạc cổ truyền Việt Nam (tuồng, chèo, ca Huế, chầu văn, hát xẩm) do sáu ca nương trình bày, đã đưa người xem đến những bất ngờ với xúc cảm mới lạ.
Viện trưởng Viện Goethe Wilfried Eckstein tặng hoa và chụp ảnh kỷ niệm với các nghệ sỹ. (Ảnh: MH)
Để có được đêm nhạc cổ truyền Việt Nam mang hồn thơ đẫm chất trữ tình của Heine thành công như vậy là cả một quá trình lao động nghệ thuật vất vả, đòi hỏi sự sáng tạo, có kỹ thuật và đam mê. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam và là người phụ trách nhóm Đông kinh Cổ nhạc, nghệ sỹ Đàm Quang Minh đã chuyển tải thành công những tứ thơ của Heine sang thể thơ Việt cổ qua bản dịch của Chu Thu Phương. Đàm Quang Minh cho biết, ý tưởng đưa thơ của Heine vào nền nhạc truyền thống Việt Nam bởi sự đồng điệu, trữ tình trong thơ của Heine với sự lãng mạn, cổ điển của ca nhạc truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển tải một cách nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng quả là một công việc cực kỳ khó khăn. Ví dụ như việc chuyển bài thơ số 10 của Heine vào Tương tư khúc của ca Huế, anh phải mất mấy tháng trời mới thành công. Bài thơ số 28 của Heine cũng đã được Việt hóa khá nhuyễn cùng với làn điệu chèo cổ hát du Xuân qua phần thể hiện của NSND Thanh Hoài.
Bài thơ số 10 của Heine được NSƯT Kiều Oanh thể hiện bằng làn điệu Hò mái nhì và Tương tư khúc, khúc trữ tình nhất của ca Huế. Ca nương Kiều Oanh cho biết: “Khi cất tiếng hát, tôi như thấy bông sen trở về đúng nơi của nó, tỏa sáng sang trọng, đằm thắm trong ca Huế”.
NSND Xuân Hoạch bộc bạch: “Tất cả khán giả cảm nhận được sự kết hợp tài tình giữa thơ của người Đức và âm nhạc Việt cổ qua lời dịch thơ của Chu Thu Phương và bản phối của Đàm Quang Minh. Hai cái đó quyện với nhau làm cho tôi phấn khích khi thể hiện. Tâm hồn Đức đã kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc dân gian Việt”.
Chu Thu Phương – một chuyên viên làm việc tại Bộ Ngoại giao vốn rất yêu thơ Đức – cho biết: “Khi dịch sang tiếng Việt thơ của Heine, tôi cố gắng giữ được nhịp điệu, tính nhạc trong thơ. Tôi rất cảm ơn nghệ sỹ Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh Cổ nhạc đã hiện thực hóa được suy nghĩ của tôi.”
Đánh giá về sự thành công của đêm diễn, Viện trưởng Viện Goethe, ông Wilfried Eckstein cho biết: “Tôi rất ấn tượng với tiếng nhạc và tiếng hát trong chương trình. Đây là sự kết hợp tuyệt diệu đối với tôi và những người châu Âu. Tôi thấy được sự trang trọng trong cách các bạn sử dụng những điệu thức truyền thống của nhạc dân tộc Việt Nam vào tứ thơ Đức. Không gì có thể nói hết được sự phong phú khi giao lưu giữa hai nền văn hóa Đức và Việt Nam thông qua buổi biểu diễn này. Buổi biểu diễn thật thú vị”.
Báo Quốc tế
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài