Tôi viết những dòng này trong những ngày cuối tháng Bảy. Lúc này, suốt dọc dải đất hình chữ S đang dấy lên các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm tỏ lòng tri ân với những đau thương, mất mát của hàng triệu thương binh, liệt sĩ trên khắp đất nước. Họ đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường khói lửa. Họ đã anh dũng ngã xuống cho dân tộc, cho quê hương đất Việt thân yêu…
Và cũng chính lúc này đây, trên con tàu đang hiên ngang đạp sóng giữa khơi xa để thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của quốc gia, hơn ai hết, tôi lại bồi hồi nhớ đến những đồng đội của tôi đang nằm ở dưới kia- lòng biển xanh sâu thẳm. Các anh đã theo bước các vị tiền nhân xưa kia đi mở cõi và mãi mãi nằm lại nơi này để viết tiếp những huyền tích oai hùng của dân tộc ta. Các anh ngã xuống cho mặt biển quê hương thêm xanh hơn, cho bầu trời thêm trong hơn và cho đất đai Tổ quốc thêm cao hơn. Và đó là hành trang cho chúng tôi, những người lính cùng con tàu của mình thêm vững tin vượt qua sóng gió.
“Nơi anh đến là biển xa. Nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua…”. Những thanh âm tha thiết, những giai điệu mượt mà, sâu lắng trong bài hát “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song như là lời gọi mời, như là lời thúc giục để con tàu chúng tôi có thêm niềm tin và sức mạnh tiến ra khơi.
Những tảng sóng vẫn ì ùng đập vào mạn tàu. Những cơn gió mạnh ào ạt thổi càng làm cho lá cờ đỏ sao vàng trên cột hành trình thêm căng ra, bay phần phật giữa đại dương xanh thẳm. Chiếc rađa vẫn cần mẫn quay đều. Những đôi mắt vẫn luôn tinh tường nhìn xuyên qua bóng tối hay màn sương bao phủ để kịp thời nhận biết, phát hiện mục tiêu- không để Tổ quốc bất ngờ!
Con tàu của chúng tôi như chiếc vỏ trấu nhỏ nhoi giữa mênh mông biển và biển. Giữa đại dương tít tắp, con tàu quả thật bé nhỏ nhưng nó lại mang trong mình những trái tim nặng tình yêu khát khao, bỏng cháy từ đất Mẹ yêu thương. Tàu vẫn xuyên sóng lao đi dọc ngang khắp biển cả quê mình. Mặc cho sóng, mặc cho gió, mặc cho cái không khí ngột ngạt đang bao trùm trên biển Đông bấy lâu nay, con tàu nhỏ và những người lính chúng tôi vẫn hiên ngang ra khơi trong tâm thế ngẩng cao đầu để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền từng tấc biển, từng hòn đảo- phần đất đai hương hỏa thiêng liêng của ông bà chúng ta để lại ngàn đời nay.
Vậy là tính đến hôm nay, con tàu đã rời cảng làm nhiệm vụ được tám mươi mốt ngày rồi- tôi nhẩm tính. Nhanh thật! Chuyến đi này tương đối dài ngày. Ngần ấy thời gian bám biển cũng đủ đem lại cho mỗi thành viên trên tàu những hình ảnh đáng nhớ, những xúc cảm, những phút giây rung động trong trái tim của riêng mình. Ngần ấy thời gian trôi đi, nỗi nhớ của những người đang lênh đênh trên sóng với đất liền, với gia đình, anh em, quê nhà càng thêm chất đầy.
Đêm trên biển sao mà dài đến thế! Đã bao năm làm bạn với con tàu và không biết bao nhiêu chuyến làm nhiệm vụ ngoài khơi xa nhưng tôi vẫn vẹn nguyên cái cảm giác ấy. Đêm vẫn chầm chậm trôi qua. Xung quanh đây chỉ có sóng và sóng. Những con sóng cứ dập duềnh lên xuống khiến con tàu CSB 2006 cũng hòa theo nhịp lắc lư, chao đảo miên man. Tôi dõi mắt ra xa, một vài chiếc tàu câu mực của bà con ánh đèn lung linh đang dập dờn dưới bầu trời đầy sao trông thật đẹp. Những chiếc tàu câu mực như những vì sao đang sà xuống mặt biển để đùa vui cùng sóng. Ôi sóng nước quê mình mới đẹp làm sao! Tôi chợt thốt lên khi mải mê nhìn ngắm hình ảnh này trong đêm sao vời vợi.
Một điều thú vị đã đến với tôi. Trong chuyến biển này, tình cờ tôi gặp lại Lương – nhân vật trong bài bút ký mà tôi đã viết cách đây mấy năm rồi. Hồi đó, Lương là chính trị viên của tàu CSB 3003. Nay Lương đã chuyển lên công tác tại Phòng Chính trị của Vùng Cảnh sát biển 1. Do yêu cầu của chuyến công tác dài ngày, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã tin tưởng điều động Lương xuống tăng cường cho tàu CSB 2006 để lên đường thực hiện nhiệm vụ. Và tôi còn nhớ hồi đó, cũng nằm ở giữa khơi xa như thế này, Lương cứ nhấp nhổm, lo lắng cho Đặng Thùy Trâm- cô con gái mới sinh được vài ngày của anh. Mọi việc chăm sóc cho mẹ con Thùy Trâm, vợ chồng anh phải nhờ bên ngoại giúp đỡ bởi quê anh ở xa. Ấy vậy mà loáng một cái đã mấy năm trôi qua. Giờ gặp nhau trên con tàu này, Lương vẫn thế. Mọi suy tư, lo lắng về gia đình, con cái vẫn vậy nhưng ở “cấp độ” cao hơn.
– Mấy hôm nữa là vào năm học mới, mình mà được ở nhà để đến trường làm thủ tục nhập học cho Thùy Trâm thì hay biết mấy! Không biết mẹ nó ở nhà còn có em bé nữa thì xoay xở thế nào đây?- Lương rủ rỉ.
– Ông cứ suốt ngày khen vợ ông đảm đang, tháo vát, nhanh nhẹn thì còn lo cái nỗi gì nữa hả?- Tôi mủm mỉm chọc Lương.
– Thì biết là vậy nhưng tôi vẫn cứ lo lo thế nào ấy. Bây giờ một nách hai đứa nhỏ chứ có phải như trước đâu!- Lương gãi đầu gãi tai phân trần với tôi.
Tôi định bụng chọc tiếp về cái sự “nhanh nhạy” của vợ chồng Lương nhưng đột nhiên chợt nhìn lại mình…nên thôi!
Những người lính biển như Lương, như tôi và như nhiều anh em khác luôn phải xa đất liền biền biệt, quanh năm suốt tháng “ăn nằm đại dương” (như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã nói) nên để kiếm được một nơi chốn, một tổ ấm cho mình là một bài toán khó khăn vô cùng. Đa phần anh em “ngoại băm” mới cưới vợ nên sau khi cưới phải lên ngay phương châm “đẻ khẩn trương, đẻ liên tục, xong sớm nghỉ sớm” nên những trường hợp như Lương, như tôi nhiều vô kể!
Có lẽ chuyến biển này là chuyến công tác đặc biệt nhất từ trước đến nay mà tôi trải qua. Đặc biệt là ở chỗ, trong khoảng ngần ấy thời gian trên biển, những đức lang quân trên con tàu CSB 2006 đã liên tiếp nhận được bốn cái tin từ quê nhà báo ra: bốn bà vợ, bốn nàng dâu của tàu đã “khai hoa nở nhụy”, hạ sinh được năm cô công chúa xinh xắn, đáng yêu. Quả là đại hỉ! Cả con tàu òa lên niềm vui như chính người thân của mình vừa qua cơn vượt cạn. Người xuất sắc lập được “cú đúp” là vợ của thuyền phó Hoàn. Nhận được tin vợ sinh đôi an toàn, Hoàn nhảy cẫng lên sung sướng. Anh nói lạc cả giọng. Chân líu ríu bước từ trên buồng lái xuống hành lang rồi liêu xa liêu xiêu đi ra boong tàu như… say sóng. Cả tàu xúm lại chia vui và “mừng mồm” cho Hoàn, chúc mừng “mẹ đã tròn, con đã vuông”. Sướng nhé, bỗng chốc đã có ngay một đàn bươm bướm!
Trong bốn trường hợp “vợ sinh”, chỉ có thuyền trưởng Nghĩa là lận đận hơn cả. Quê ở Vinh, lấy nhau đã sáu năm rồi bây giờ Nghĩa mới được lên chức bố. Hôm nhận được tin của gia đình, mặt Nghĩa chợt tái nhợt lại. Vợ sinh thiếu tháng, cháu bé sức yếu nên phải nằm lồng ấp! Nghĩa thẫn thờ bước ra buồng lái nhìn biển nhìn trời. Anh em lẳng lặng vây quanh Nghĩa để cùng sẻ chia, động viên anh đừng quá lo lắng, mọi chuyện rồi sẽ qua đi. Quả đúng như vậy, sau một thời gian nằm lồng ấp, cháu bé đã được ra viện để về với mẹ. Lúc này, nụ cười mới trở lại trên khuôn mặt cháy đen của Nghĩa. Nghĩa cảm động vô cùng trước những tình cảm mà anh em trên tàu đã giành cho anh. Tự đáy lòng mình ai cũng hiểu, tất cả mỗi thành viên trên những con tàu đi làm nhiệm vụ như tàu CSB 2006 đều coi nhau như anh em một nhà, cùng chia bùi sẻ ngọt cho nhau. Nghĩa bảo, có như vậy mới tạo được sức mạnh và niềm tin để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Cũng trong chuyến hải trình đầy sóng gió này, tôi không thể nào quên được một kỷ niệm đẹp. Đó là lần con tàu CSB 2006 của chúng tôi ghé vào đảo Cồn Cỏ của quê hương Quảng Trị yêu thương. Nói sao hết được niềm vui gặp mặt giữa những người lính biển với chính quyền, các lực lượng vũ trang và bà con nhân dân trên hòn đảo thép anh hùng này. Đảo Cồn Cỏ đã dành cho chúng tôi những tình cảm chân thành, nồng ấm. Biết chuyến công tác của chúng tôi dài ngày trên biển gặp không ít khó khăn, vất vả, thiếu thốn nên đích thân đồng chí Lê Quang Lanh, bí thư kiêm chủ tịch huyện đảo đã trực tiếp cho xe chở bầu bí, rau xanh, chuối- sản phẩm trồng trên đảo xuống “chi viện” cho anh em. Chỉ một việc làm nhỏ nhưng vô cùng thiết thực ấy đã làm cho cán bộ, chiến sĩ trên con tàu Cảnh sát biển thêm ấm lòng bởi tình cảm, sự chở che, đùm bọc của bà con nhân dân với những người lính biển chúng tôi.
Ngày qua ngày, tháng nối tháng, con tàu của chúng tôi như một chiến binh dũng cảm vẫn hiên ngang lướt sóng trên đường tuần tra. Những vùng biển, những hòn đảo mà tàu đi qua tôi lại càng thêm cảm nhận được sức sống mãnh liệt nơi đây. Được nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt phấn khởi, tràn đầy tin tưởng của bà con nhân dân dành cho con tàu Cảnh sát biển Việt Nam làm tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi hiểu, bà con nhân dân trên các vùng biển đảo đã coi chúng tôi là điểm tựa, là chỗ dựa để họ yên tâm làm ăn, yên tâm bám biển làm giàu cho quê hương. Chúng tôi đã tiếp thêm cho bà con ý chí, nghị lực trước sóng gió, hiểm nguy và trước những kẻ mang tâm địa xấu xa, ôm ước mộng bá quyền đang ngày đêm rình mò để thực hiện ý đồ bành trướng. Tôi tin, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà con nhân dân cùng với chúng tôi- những người lính biển, chúng ta sẽ cùng nhau chung sức bảo vệ, giữ gìn bằng được chủ quyền toàn vẹn biển đảo thiêng liêng của đất Mẹ Việt Nam bằng sức mạnh và niềm tin chính nghĩa.
Dưới làn nước xanh thẫm kia là nghĩa trang rộng lớn – nơi yên nghỉ của biết bao thế hệ con dân Việt. Họ đã nằm xuống để xây nên bức trường thành vệ quốc. Hình hài đất nước ngày càng rõ nét hơn bởi sự hi sinh của các vị anh hùng ở nơi cương thổ địa đầu Tổ quốc. Máu của họ đã quyện với nước biển Đông và bồi đắp cho dân tộc ta khí phách kiên cường trước bão tố, phong ba.
Và, hồn dân tộc cũng luôn thắm nồng trong mỗi tấc biển Đông.
Nguồn: Vanvn.net