Nhà phê bình Ngô Thảo mong trẻ hóa những người được giải thưởng
Nhà phê bình Ngô Thảo: “Trao giải cho các tác giả khi tuổi đời của họ còn trẻ, theo tôi, có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích lao động sáng tạo của người nghệ sĩ”.
Là một nhà văn mặc áo lính, gắn bó tuổi trẻ với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, Ngô Thảo đã làm nên sự nghiệp văn học của mình, không chỉ bằng việc tiếp cận những tác phẩm văn học nghệ thuật thuần túy, mà bằng cả những hồi ức khó quên, thậm chí bằng máu.
Cùng với các nhà văn thời đại mình, Ngô Thảo đã góp công sức vào việc chỉ ra một bức tranh có tầm vóc về nền văn học cách mạng. Ông dựng chân dung các nhà văn chiến sĩ, cũng chính là dựng chân dung một phần lịch sử của dân tộc. Với những đóng góp ấy, Ngô Thảo xứng đáng được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
– Thưa nhà phê bình Ngô Thảo, cùng thế hệ đầu chống Mỹ với ông, phần nhiều nhà văn đều đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật rồi, riêng ông làm công tác Lý luận phê bình đợt này mới được nhận Giải thưởng Nhà nước. Cảm nghĩ trước tiên của ông là gì?
+ Tôi có nói đùa với bạn bè, rằng rất may là mình chưa phải là tác giả được “truy lĩnh” giải thưởng. Nghĩa là vẫn chưa phải là muộn (cười). Nhưng nói thật, nếu nhận giải thưởng ở tuổi 40-50 thì niềm vui của tôi sẽ khác. Còn nay tôi đã tuổi ngoài 70 rồi, nhận giải không thể nói là không vui, nhưng niềm vui này có “bình tĩnh” hơn. Trong sự bình tĩnh ấy, nhìn lại bạn bè cùng thế hệ chống Mỹ với mình, tôi tiếc cho một số người một thời xốc vác, đóng góp nhiều cho văn học nhưng lại chưa được ghi nhận bằng giải thưởng.
– Ông có hơn 20 năm cuối đời hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, có xuất bản một số tác phẩm lý luận, phê bình được chú ý. Nhiều người ngạc nhiên là ông lại nhận giải thưởng bên văn học. Ông nói gì về điều này?
+ Đúng là tôi có 20 năm làm việc ở ngành Sân khấu, chừng ấy thời gian đủ cho một người làm nghề sân khấu được nhận một danh hiệu, một sự tưởng thưởng nào đó. Nhưng tôi chỉ xem đây là khoảng thời gian mình thực hiện nghĩa vụ công dân thôi, nên mọi chuyện tôi cảm thấy rất bình thường, thậm chí là mãn nguyện.
Nhìn vào các tác giả sân khấu đạt giải thưởng lần này, tôi mừng là phần nhiều trong số họ tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ. Trao giải cho các tác giả khi tuổi đời của họ còn trẻ, theo tôi, có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích lao động sáng tạo của người nghệ sĩ.
Mong rằng trong tương lai tuổi đời của các tác giả được lựa chọn trao giải sẽ… trẻ hóa. Như vậy, sự động viên, khích lệ người sáng tạo sẽ tốt hơn. Còn nếu giải thưởng chỉ giống như sự tổng kết một cuộc đời thì ý nghĩa khuyến khích này sẽ ít đi.
Thường thì mỗi đợt trao giải đều có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau, như chúng ta đã thấy trong thời gian qua. Song tôi nghĩ, việc trao giải vẫn nên duy trì, chỉ có điều các hội đồng chuyên môn cần làm việc chuyên nghiệp hơn, tiêu chí chấm giải cần rõ ràng hơn. Làm sao để các tác giả đoạt giải thấy thanh thản, tự hào, mà không phải vướng vào những chuyện kiện tụng liên quan đến tiêu chí của giải, mất vui đi.
– Thưa ông, thời kỳ chống Mỹ, tác động của văn học đối với xã hội mạnh mẽ thế nào thì chúng ta đều biết rõ rồi. Nhưng còn đóng góp của các nhà lý luận phê bình cũng như tác động của các tác phẩm lý luận phê bình với xã hội thì ít người hình dung được hơn. Vậy, xin ông có thể giải thích giúp tôi băn khoăn này?
+ Đây là một câu hỏi hay, nhưng tôi xin bắt đầu từ xa hơn một chút. Trong chiến tranh, công tác tuyên truyền, tuyên huấn là rất quan trọng. Cho đến giờ, người Mỹ, khi nhắc về chiến tranh Việt Nam họ vẫn sợ. Nhưng không phải họ sợ chúng ta về súng đạn, người đông, mà họ sợ nhất là vũ khí tuyên truyền của ta. Sức mạnh đó không phải thời kỳ nào, dân tộc nào cũng có được.
Phê bình văn học, thực chất, cũng nằm trong trận tuyến ấy, là một vũ khí sắc bén của công tác tuyên huấn. Một tác phẩm văn học có giá trị ra đời thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, là ngay lập tức lý luận phê bình làm nhiệm vụ của mình, là thông báo, giới thiệu, định hướng cho người đọc, và cả người viết nữa.
Trong chống Mỹ, phê bình văn học có hai đặc tính tiêu biểu là tính kịp thời và tính định hướng. Trong “kênh” hoạt động đó, đã hình thành ra một đội ngũ tác giả làm phê bình có uy tín nhất định. Đó là những người nói ra, viết ra, khiến người ta nghe và tin.
Ví dụ, thời tôi từ chiến trường về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, gặp lại những người lính, họ nói họ biết tôi vì những bài phê bình họ đọc ở chiến trường. Thời ấy, những người lính đọc một bài phê bình hay họ cũng có niềm vui như khi đọc một tác phẩm văn học vậy.
– Nhìn vào đời sống văn học hôm nay, ông thấy công tác lý luận phê bình có kế thừa được những thành quả ấy hay không?
+ Tôi cảm giác là lý luận phê bình hôm nay không tiếp tục được nguồn mạch thời kỳ chống Mỹ. Chúng ta ngày càng thưa vắng các tác giả, tác phẩm phê bình có tính phát hiện, định hướng, có khả năng để người đọc tin tưởng được. Thời chống Mỹ, lý luận phê bình có một đội ngũ tác giả. Nhưng hôm nay, thời bình, hình như chúng ta lại không có tác giả phê bình nữa. Điều này rất đáng để chúng ta suy nghĩ.
– Xin cảm ơn nhà phê bình Ngô Thảo!
Nguồn; CAND